Sơn là bạn cùng ở chung phòng với tôi mấy chục năm trước. Hắn ít nói, cứ hay buồn buồn. Thời đi học thiếu thốn đủ thứ, nhưng khác với tôi, đói là chịu không nổi phải tìm mọi cách để kiếm chi lót bụng thì hắn chịu đựng rất giỏi. Có khi hai ba ngày ở trong phòng liếm láp chút gì cũng được, miếng bột mì hấp, nhúm cơm nguội của mấy đứa bạn phòng bên, vài trái ổi xanh hái trộm trong vườn của bà chủ nhà… cũng xong. Hỏi, hắn cũng chỉ cười khỏa lấp chịu cực quen rồi, gia đình tau éo le nhiều chuyện lắm… Tau bỏ đi giang hồ năm học lớp 10. Hèn gì, thấy hắn cứ mang cái bản mặt buồn buồn, chắc tại hoàn cảnh, tôi nghĩ nhưng lại thắc mắc không tiện hỏi. Làm sao đi giang hồ từ thời phổ thông mà giờ lại học tới đại học, thằng ni hay thật… Thời buổi cơm áo như cái nợ, lo cho mình chưa đủ ai mà cáng đáng lo chuyện ăn học cho người khác.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Rứa mà chỉ mới mấy năm sau khi ra trường, so với bạn bè đồng môn, cùng lứa đường công danh của hắn lên như diều gặp gió trong khi bạn bè có thằng chạy quắng tìm việc không ra. Hắn được nhận về một công ty xăng dầu, lúc mới vào đã làm trưởng phòng kế hoạch, được hai năm lên làm phó giám đốc. Từ khi nớ, ai cũng gọi hắn là Sơn xăng dầu. Mấy bận về nhà hắn chơi, mới thấy thằng này khỏe thật: Thời đó mà đi làm bằng xe Honda, nhà cửa thì tiện nghi đầy đủ, nhà sát ngay cổng bệnh viện nên vợ bỏ dạy chỉ việc ở nhà cho gửi xe và chăm con… Hắn biết tôi sống còn kham khổ nên lâu lâu mời lên nhà ăn cơm, rượu thịt ê hề. Mấy năm sau giải phóng, nhiều người thiếu ăn, mơ một bữa cơm trắng còn chưa có huống chi mà “sống như thằng Sơn xăng dầu nằm mơ cũng không thấy…” ai cũng nói rứa.
Vậy mà mặt cứ buồn buồn, như thể trầm uất, dáng đi phất phất phơ phơ như kẻ vô hồn không hề ra dáng một phó giám đốc của một công ty xăng dầu lớn của tỉnh. Nhiều người tưởng hắn bệnh. Bệnh chi, tau là võ sư mà. Hay mi học võ uống mã tiền nhiều nên không có con. Tau võ karate chứ có phải võ ta, võ tiếc chi mà mã tiền, còn 2 đứa con tau thì mi về nhà biết rồi, bụ bẫm dễ thương lắm. Hắn tuếnh toáng trả lời… Rứa còn chi nữa mà mặt mi khi mô cũng như chết trôi, răng… răng… mi nói đi – Tôi khích hắn.
Một buổi chiều mưa rất lớn, mưa mù trời mù đất, hai đứa ngồi nhậu tỉ tỉ đến mềm môi, tôi gặng hỏi hắn mới nói thiệt: Mi là thằng bạn thân nhứt tau mới kể. Tau không có mẹ, không biết mặt mũi mẹ mình ra răng. Cha tau vốn là một cảnh sát thời chế độ cũ coi an ninh cả một huyện. Ông đã có vợ và mấy đứa con nhưng lại ve vãn mạ tau. Mạ tau còn con gái, nghe nói đẹp lắm những khổ nổi là ông ngoại, cậu ruột tau thời đó đi hoạt động trong vùng rồi sau tập kết ra Bắc. Ông ăn rồi cứ o ép mạ tau, một đằng bắt mệ ngoại tau lên giam trên huyện rồi cho người tra khảo, đánh đập. Cứ thế làm riết hoài, không còn cách chi, mạ phải chịu răng chừ…
Ngày sinh ra tau, bà vợ chính đem người đến làm dữ, xé áo xé quần cởi lỗ bà rồi trói bắt ra giữa sân trước mặt bà con trong làng. Rồi bắt tau về nuôi, cướp thì đúng hơn, lúc đó tau mới mấy tháng tuổi. Khốn nạn cho mạ tau, nhục chịu không nỗi mới bỏ làng trốn đi biệt. Bà vợ chính nuôi tau lớn, nói cho đúng là bà cho ăn học đàng hoàng, tử tế chứ không phải hắt hủi chi. Bà ngoại vốn đã bệnh tật, buồn chuyện con cái gia đình đổ bệnh nặng liệt giường cả năm rồi mất. Nhưng tau thương mạ tau, thương đứt ruột đi được, năm học lớp mười bỏ học đi bụi nhưng thiệt ra cũng để tìm bà…
Tìm được không, có manh mối chi không – Tôi sốt ruột, gặng giục. Hắn nói ngay: Tìm mô ra, có ai biết manh mối chi, chỉ lờ mờ biết vô Nam. Gần 2 năm đi tìm không được mới mò về học lại. Giải phóng về, ông cậu ở ngoài Bắc vào, ông làm to lắm, nuôi tau hai năm cuối ở đại học rồi xin việc cho tau luôn. Hắn ngưng giọng, trầm ngâm một lát, rồi kể tiếp… Ông ngoại và cậu thương mạ tau lắm. Cứ nhắc tau phải đi tìm mạ cho được. Mỗi lần nhắc, là ông ngoại và cậu chảy nước mắt. Rồi cứ bứt rứt, xa xót... bởi vì ông, vì cậu mà mạ con phải đọa đày nhục nhã, chết sống nơi mô cũng chẳng biết. Cố tìm cho được con nờ, tội chết đi được.
Mi làm tau sốt ruột quá, rồi có tìm được mạ mi không, tôi hỏi.
Hắn mới kể tiếp. Năm ngoái, nghe bà dì họ nói có gặp mạ tau. Bà đi xe đò từ Sài Gòn ra, xe dừng lại ở ngã ba Ninh Hòa gặp được mạ tau mấy phút ở trong quán nước, chưa kịp hỏi han gì, chỉ loáng thoáng biết bà đang ở Dục Đức, rồi phải lên xe đi. Thế là tau xin nghỉ phép thường niên, đón xe đò vào Ninh Hòa. Vào đến nơi chẳng biết mô tê chi, đi lơ ngơ, la cà ở mấy quán nước, gặp một chiếc xe đò lại nhảy đại lên. Hồi đó, chiếc xe tau đi chạy bằng than mi nợ, chạy cà rựt cà tang. Xe dừng lại đón khách dọc đường, một người đàn bà nhảy lên ngồi cạnh tau. Bà khoảng trên 40 một chút, khuôn mặt còn nét nhưng cũng hơi khắc khổ, có lẽ là người đi buôn vì thấy mang theo mấy giỏ xách hàng hóa cồng kềnh lắm. Xe dừng lại đợi khách, tau mới lân la hỏi chuyện. Nghe giọng tau đặc sệt ngoài mình, bà mới nhận là cùng quê. Nói qua lại một chặp, té ra bà là người cùng làng. Bà mới hỏi biết người này người nọ không. Tau trả lời là biết hết duy chỉ khi nhắc đến tên ông già, tau không dám nói đó là cha mình. Tại hồi đó mới giải phóng có mấy năm mà ông từng có một quá khứ chẳng phải hay ho gì, lỡ nói ra đụng chạm mất công, thôi lờ luôn. Bà hỏi vô đây có việc chi. Tau nói chẳng có việc chi, đi chơi thôi. Có lẽ thấy tau tỏ vẻ thành thật lại là người cùng quê, bà mới mời về nhà chơi: Nhà dì chỉ có 2 mẹ con thôi, nếu rãnh thì ghé nhà cho vui, với lại nghe cậu đi Dục Đức mà… Thế là khi đến nơi, tau theo bà về nhà luôn.
Bà dì rất vui vẻ và tỏ ra có cảm tình với tau, kể cả đứa con gái của bà. Nó còn nhỏ mới học đến lớp 7. Mùa hè nên con bé ở nhà, bà dì thì bận buôn bán đâu ngoài chợ nên 2 anh em ở nhà cũng chuyện trò thân mật. Con bé mến tau lắm. Nhưng ở vài ngày tau cũng thấy nóng ruột, thèm đi, với lại cảnh nhà cũng vắng vẻ lắm.
Câu chuyện đến đây thì tôi không còn chịu được vì cái lối kể chuyện rề rà của hắn. Mi nói ngay đi, vì răng đến đó rồi mà không đi tìm mạ, mi khùng hả. Khùng chi đâu vì dì nớ… là mạ tau. Tôi giật thót người lên, răng mi biết mà không nói. Để từ từ tau kể tiếp.
Sáng sớm tau đón xe đò về Nha Trang ghé chơi thằng bạn. Đồ đạc vẫn để ở nhà, kể cả mấy bộ quần áo dơ chưa kịp giặt. Ở nhà, bà lấy đồ ra giặt. Ai dè, bà thấy trong túi tau lòi ra một cái thẻ căn cước. Khi đi tau chỉ mang theo trong người giấy tờ và chứng minh nhân dân còn cái thẻ căn cước của chế độ cũ cấp có ghi cả tên cha, tên mẹ thì để lại. Lúc đó, nghe con em kể lại, bà run người té xỉu xuống sàn nhà khi biết đích thị đây là con mình.
Hôm sau về, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Tội nghiệp, bà bỏ buôn bỏ bán, cả tuần ở nhà đi chợ, bao nhiêu của ngon vật lạ ngoài chợ đều mua hết về nấu cho con ăn. Suốt ngày bà cứ chăm chút, săn sóc như thể không còn biết ai trên trái đất này ngoài tau ra cả. Bà sắm áo sắm quần cho tau, đến nổi ngủ bà cũng ngồi quạt, phải nói là… Hắn thở dài.
Nhưng có điều làm mình ái ngại. Con em gái, chắc tuổi nó còn nhỏ, đầu óc nghĩ chưa tới lại sinh ra ganh tị. Nó không chịu nỗi tự dưng có sự xuất hiện một người đàn ông trong nhà để mẹ dồn hết tình yêu thương mà đúng ra cái tình cảm đó chỉ dành cho nó. Tau đọc được thái độ của em gái, thay đổi hoàn toàn, gắt gỏng, lạnh nhạt, bỏ cơm thậm chí không thèm ngồi ăn chung. Dỗ dành mấy cũng chịu. Thấy không xong rồi, ở được hơn 10 ngày, tau quyết định về mà không báo cho mạ biết sợ phải bịn rịn, vả lại cũng hết phép rồi. Trước khi đi tau để lại cho bà và đứa em gái một bức thư nói rõ mọi chuyện.
Mi biết không? Hắn nhìn tôi rồi nói: Đúng là một chuyến xe định mệnh. Nếu lần đó không lên chiếc xe đò chạy bằng than cà rựt cà tang ngồi cạnh bà thì chắc không bao giờ tau tìm được mạ. Vì có tới chợ Dục Đức cũng chịu, cả chợ không ai biết tên thật của bà, người ta chỉ quen gọi là dì Hai Quảng, thì biết đâu mà lần...
HỒ SĨ BÌNH