.
Tản văn

Hương thị

.

Những buổi trưa hè, chúng tôi thường tụ tập trong vườn nhà Tiến. Con trai chơi bắn bi, con gái chơi ô, chơi chuyền. Chơi chán, Tiến kiếm đâu cây nạo cỏ của mẹ đi lùng ổi. Cả lũ dán mắt lên những cây ổi sẻ cao nghễu nghện, chờ những quả xanh rơi xuống. Đứa nào nhanh tay, nhanh mắt sẽ nhặt được vài quả.

Không cần rửa ráy gì, lau sơ qua vạt áo rồi cắn rôm rốp ngon lành. Bao giờ cũng vậy, Tiến chẳng kịp nhặt lấy quả nào. Một lần, lũ bạn mỗi đứa một tay mấy quả vẫn chạy quanh tranh nhau chí chóe, thương hại, tôi nhường cho Tiến quả ổi lấm tấm nốt ghẻ. Tiến mỉm cười, xua tay “Nam ăn đi”. “Sao cậu ngốc thế?”, tôi lanh lảnh hỏi Tiến. Cậu lại mỉm cười, hai chiếc răng thỏ lấp ló “Ra đây tớ cho xem”. Tiến nắm hờ tay tôi, kéo ra hông nhà, chỉ lên tầng lá rậm rì “Nam có nhìn thấy gì không?”. Nắng trưa lấp lóa, đu đưa những tán lá xanh. Không kịp để tôi trả lời, Tiến ra sức dịch cái thang tre chống vào tường nhà. Và rồi chúng tôi lần lượt leo lên mái nhà vê thấp của nhà Tiến.

Theo lời Tiến, đó là một cây thị. Trong tán lá xum xuê trùm lên thành bóng mát che cả nửa ngôi nhà, những chùm quả hãy còn xanh mơ lúc lỉu thật ngon mắt. Trong sự vắng vẻ của buổi trưa hè, Tiến kể cho tôi nghe về cây thị có ma. “Đến mùa, thị chín rụng vàng gốc cây nhưng ngoài người nhà Tiến, chẳng ai bén mảng lại gần. Có người trong làng đi xem bói, bảo cây thị có ma, ai đến gần sẽ bị ma theo, hành hạ phát ốm”. Tôi với tay vuốt đám lá trơn láng, thấy chẳng có gì đáng sợ cả. Tôi rất thích ăn thị. Vị ngọt ngào, thơm lừng của thịt quả thường khiến tôi ngậm lì hạt thị, mẹ quát mãi mới chịu nhả ra. Người ta bán nhiều thị vào dịp Tết Độc lập hằng năm. Tôi thích mê những quả nho nhỏ, tròn vo, da căng như quả bóng bơm già, lấm tấm những nốt đồi mồi. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy cây thị, cái cây có những chùm quả ngon lành kia không thể là một mối nguy hiểm được.

Từ đó, trưa nào lũ bạn vãn đi, tôi và Tiến cũng leo thang lên ngắm, trông chờ ngày thị chín vàng ươm. Qua Tết Độc lập, cây thị nhà nào cũng bị trẩy sạch, thị nhà Tiến vẫn mới lác đác vài quả chín ửng, không biết thật hay đùa, Tiến bảo đêm khuya ngửi thấy hương thơm ngọt ngào của thị chín bay qua vách. Rồi người lớn biết chuyện tôi và Tiến leo lên mái nhà, giấu thang, cấm tiệt. Buổi trưa, mẹ cũng khóa cửa trong, cấm tôi đi dang nắng. Một hôm, đang rầu rĩ may quần áo cho mấy con búp bê nhựa nhỏ xíu, tôi nghe tiếng Tiến gọi se sẽ qua khe cửa sổ. Cậu chìa cho tôi một quả thị con con “Tiến dùng sào trẩy được. Ngày mai chú Tiến về phép rồi, chú hứa sẽ trèo lên hái thị. Chú bảo thị chín đủ cho trẻ con cả làng ăn thỏa thích. Tôi để quả thị lên bàn học, hết ngửi lại ngắm nghía không biết chán.

Chiều hôm sau, khi tôi đến, lũ bạn đã ngồi vây quanh một chú bộ đội trông rất giống Tiến. Mấy chiếc rổ lót lá cùng chiếc thang trèo lên mái nhà vê để hứng thị đã sẵn sàng. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy một cảnh tượng vui mắt đến vậy. Mấy rổ thị vàng ươm ngon lành tỏa hương thơm ngát như một bữa tiệc cung đình. Lũ trẻ chúng tôi được chén một bữa thị no nê, mỗi đứa còn ngả mũ, ngả áo mang về nhà hàng chục quả. Tiến chọn năm quả tròn trĩnh còn nguyên cuống lá xanh, đặt vừa vặn vào khay bánh quy, trông thật đáng yêu “Nam thấy có xinh không?”, cậu trao cho tôi, nụ cười lộ hai chiếc răng thỏ lấp ló.

Nhiều năm sau, khi Tiến và tôi trở về, cây thị đã không còn. Nhưng bù lại, trong làng, có rất nhiều gốc thị có tán lá xanh um. Những trưa mùa hè, hương thị xôn xao lan tỏa, gây mê cả những đứa trẻ đang tập nói bi bô.

MỘC ANH

;
.
.
.
.
.