.

Thơ: ĐỖ THƯỢNG THẾ

.

Đỗ Thượng Thế, quê Cẩm Kim, Hội An, sinh tại Đà Nẵng. Hiện là giáo viên dạy mỹ thuật và ở tại Điện Bàn, Quảng Nam. Hội viên Hội Văn học -  nghệ thuật Quảng Nam. Giải B cuộc thi thơ Báo Mực Tím 2007; Giải C cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ - Quân đội 2004; Giải B Hội VHNT Quảng Nam 2009 với tập thơ Trích tôi;  Giải A Hội VHNT Quảng Nam 2012 với tập thơ Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh (in chung)... Đỗ Thượng Thế có một cách nhìn: Quen như thơ/ lạ như thơ.

Cuộc rượu vỉa hè

Đó là dòng sông lộng lẫy  
Trôi qua cuộc rượu vỉa hè

Ánh sáng bãi đồng tuổi dại hắt lên mấy gương mặt đen nhánh tựa đồng hun
Đàn bướm trắng phơ phới bay ra từ đôi mắt mở to

Bỗng chốc mọc lên giữa thành phố này những ngôi nhà mái lá
đơn sơ mọc lên cây rơm, cây mai vàng, hàng dậu biếc…
Cũng bụi lầm rác rưởi áo cơm mọc lên những vì sao trong veo đỉnh suối

Mọc lên vầng trăng chín mọng
Thơm thì gái quê

Bếp lửa đầu năm nhóm trong lồng ngực
Tha phương tro khói phập phồng

Con nắng triền đê ngâm trong chai rượu đế
Rót chén đồng hương ngây ngát phù sa

Ngửa mặt chạm mây
Kha à à… tiếng chim lảnh lót trên ngọn ngô đồng bến cũ.

Mê khúc

Tháng sáu
sương đằm ký ức mùa tro
quay quắt da bánh mật
đôi mắt thắp tinh mơ
bờ vai tuổi nồng mười tám
    
Lần con đường chớp giông
vần vũ mười ngón tay thừa
hơi thở dường ngày ngợp gió
ngày cầm sợi chỉ buộc thuyền
thầm hát bài ca cánh chim đỉnh sóng

Tháng sáu
chống cửa vườn sau
mấy mươi năm ao cạn
mấy mươi năm ngập tiếng gàu sòng
ngọn lửa ấy bên bờ vẫn thắm

Chiều bước hời hời cầu tre
khô từng nhịp
quặn từng nhịp
từng nhịp Tháng sáu
ai ngồi trầm tích vầng mây
với leo lẻo sông
từ đáy nổi lên những viên sỏi trắng…

Tự khúc

 “Xưa tôi sống trong làng
 Giờ làng sống trong tôi”

                                             Nguyễn Ngọc Hạnh

Có gì tận đáy nỗi buồn chòi ra từ giọng chào mào leo lẻo tháng Giêng
như chú bò con vừa mới đẻ sau vườn bết lấm cỏ khô tháng Chạp
Đại Hồng! Ơi… Đại Hồng! - Ai đó từng gọi ta như thế khi ta lầm lũi trên con đường gai
khi ta sốc nỗi dại cuồng hoang vu đến đuối
Đại Hồng! Thì ra con dế trống lửa vẫn xoay đầu ra Cựu Thổ lầm lầm lì lì tro bụi
điệu gáy nực nồng nụ hoa bù sít
Vẫn bện chạc trâu vẫn khấc dòm bò dắt giấc mơ ta qua cầu Đàng Huỳnh
qua ngã Hai Sông, qua khe Đá Trải
qua bao mùa lụt “cột đầu gốc dâu”
nước lũ xô làng cuốn trôi bát hương bát gạo
cuốn trôi biền biệt duyên thì chị ta

Đại Hồng! Ta lại trở về băng cồn Tịnh Đông cạp nhai bắp sống
hít no sữa đất tươi non bằng hai hàm răng sún của thằng cu Dân Xóm Chùa một thời đen đúa
Một thời quần cụt lưng trần ngồi bệt xuống chiều mơ chén cơm không(*), giẽ con cá lầm cá nục
Một thời mẹ ta rạc chân chợ sớm chợ chiều đò ngang đò dọc còng lưng bánh khoai bánh sắn
Cha ta dầu dãi tắc-rì (**) ngọn roi cứ rứt lòng vút thét
Nước mắt trâu già nhiều khi chảy ngược
khiến cánh đồng hoàng hôn thăm thẳm và buồn
Một thời cả làng sớm hôm mót củ, họ hay kể nhau nghe câu chuyện bỗng dưng nhặt vàng
Rồi bỗng dưng luống cày ửng màu cổ tích
Và những khi tận cùng cố sức, họ thường: - “I-cờ-rếch (y) nằm ngay tại chỗ!...”
ôi, cách giễu cuộc người như say

Ta lại trở về ngôi trường chân núi
Bạn ta áo vá mảnh dưa mảnh lúa Hà Vi, Lập Thạch
bạn ta tóc săn đỏ nắng đầu nguồn Hữu Trinh, Xóm Mới
da chì vỏ sắn Phước Lâm
Con chữ một thời ẩm mùi đất bệ, quánh nhựa cây rừng lấm lem tro rẫy và từng biết nhặt lên
                                                                                                                                                                   từ thảm máu sân trường (***)

Đại Hồng! Thì ra trong những niềm lửa hạn đời ta
tỏa biêng biếc Vu Gia cánh buồm ngược nguồn lằng lặng
tỏa tím ngát cỏ lau sương chiều Mồ Côi, Mụ Đụng
rần rần bóng nước Khe Lim tiếng vượn chót gành mòn mỏi
tỏa hơi thở cơn mưa trẻ trung mùa hạ thơm mát ngực em trăng đầy…

Đại Hồng!
Những tháng ngày mù mịt
ta thường mơ về khu vườn tụ gió bốn phương
ở đó thầy ta gầy gầy mắt kiếng, đêm đêm treo ngọn đèn thơ.

ĐỖ THƯỢNG THẾ


(*) Cơm không độn.

(**) Tiếng hô điều khiển trâu, bò cày sang trái, phải.

(***) Vụ nổ bom còn sót lại sau chiến tranh đã làm chết và bị thương nhiều học sinh trong lúc lao động trên sân trường.

;
.
.
.
.
.