Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải
Sinh năm: 1959
Quê: Tam Nông, Phú Thọ
Tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội 1980
Nguyên phóng viên Báo Quân khu 5
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Ủy viên Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ
- Giải thưởng Thơ hay hằng năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hai lần (1982 và 1986).
- Giải thưởng cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1983 - 1984)
- Giải thưởng cuộc thi Thơ Báo Tiền Phong (1990)
- Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam (1994)
- Giải thưởng “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương, đợt 1 (2013-2015)
Áo rơi rồi, còn cúc có tìm nhau
Im cũng là một cách để tìm nhau
anh biết lắm qua cầu ai cởi áo
câu dối mẹ cho anh nhiều hư ảo
gió không bay, gió chỉ đậu thôi mà
Đã bao nhiêu thương nhớ bỏ nhà
khóa không được lửa lòng khi đã bén
đêm đã lỡ bao nhiêu là cuộc hẹn
thì đêm nay ở lại đến đêm nào
Trời đang trăng trời bỗng đổ mưa rào
áo đã mỏng còn mỏng thêm chút nữa
mỏng đến nỗi chỉ còn là hơi thở
đêm dầy hơn tiếng cuốc gọi sang hè
Nhớ quên ăn, thương đến độ quên về
áo đã trắng còn trắng hơn áo trắng
sao không nói câu nào trong im lặng
sao không nghe ở lại bến sống này
Đến đêm nào thì lại như đêm nay
cỏ không ướt thì bàn tay cũng ướt
tay anh đấy, cần gì đâu phải lược
tóc thôi mà, tóc mượt có gì đau?
Áo lần đầu, khuy áo đã lần sau
anh biết lắm qua cầu em sẽ khóc
em biết lắm qua cầu anh sẽ khác
áo rơi rồi, còn cúc có tìm nhau?
Đêm Cổ Tiết không trăng
Biết bao giờ kháng chiến mới thành công
Đêm Cổ Tiết không trăng, nhưng trăng đã sáng lên từ những
cái tên Người đặt
Đó là những cái tên mang khát vọng toàn dân tộc
Cho ta ý thức rõ ràng hơn về cuộc chiến tranh không cân sức
Lan tỏa khắp núi rừng Việt Bắc một niềm tin
Đêm Cổ Tiết không trăng nhưng trăng đã sáng lên từ
những quả tim
Mang trong máu lời cha ông nhắn gửi
Những cái tên mang ý trí của Người đã kết thành một khối
“Kháng - Chiến - Trường - Kỳ - Nhất - Định - Thành - Công”
Đó là những cái tên như ngọn lửa hồng
Cháy từ Bác tỏa lan khắp non sông, Đất Nước
Những cái tên cho ta thêm ý thức
Trong lẫy lừng chiến thắng hai đế quốc
Có ý trí soi đường đêm Cổ Tiết
Đã bao năm trôi qua những cái tên mang kế sách, phương
châm vẫn đang là phương châm, kế sách:
“Kháng - Chiến - Trường - Kỳ - Nhất - Định - Thành - Công”
Chẳng biết trong vằng vặc trăng rằm ai nhớ ai không?
Hoa hồng của mẹ
Những bông hồng thắm tươi trên đất quê tôi
đẹp như thời con gái của mẹ
mẹ đã biết trồng hoa từ tấm bé
nhưng mẹ cả đời chưa được ai tặng cho một bông?
Nuôi con, thờ chồng
mẹ như bông hoa hồng lặng lẽ tỏa hương
lặng lẽ trong căn buồng chất đầy hoa để chở đi nơi khác
Hoa cứ nở quanh năm
tươi thắm bên khô gầy dáng mẹ
cả đời bị gai đâm vào tay
gai đâm cho đến ngày
mẹ tan vào trong đất…
Mẹ như bông hoa hồng bị gió mưa vùi dập
chẳng biết ở Trường Sơn cha có biết điều này?
Giờ thì ở quê ta mỗi ngày thêm đổi khác
người trồng hoa đã có nhà lầu
từ vết gai đâm làm mẹ đau
đã mọc lên những đóa hoa hồng như nước mắt của mẹ
nhỏ xuống đất đồng
người quê mình
đã biết dành những bông hoa đẹp nhất
dâng lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày giỗ, tết
Khi có thể đem bán những bông hoa xây cho mẹ một
ngôi nhà
thì mẹ đã chỉ còn là nấm đất
con biết làm gì ngoài việc thắp một nén hương
và đặt một bó hoa lên mộ mẹ trong gió chiều hiu hắt
Từ đồng đất quê nhà những bông hồng tỏa khắp
có ai biết mẹ một đời cúi mặt
đôi chân như cắm chặt xuống đồng
đã làm ra triệu triệu đóa hồng
nhưng mẹ cả đời chưa được ai tặng cho một bông?
N.H.H