.
TRUYỆN NGẮN

Hai kẻ từng yêu nhau

.

Vào Sài Gòn lần nào Thuần cũng tìm cách gặp Huy. Thường là hẹn nhau ở một quán cà-phê bất kỳ nằm giữa quãng đường từ khách sạn Thuần ở đến nhà Huy hay nơi anh làm việc. Hẹn, cũng không còn cái tâm trạng chờ đợi bồn chồn. Gặp, cũng mất hẳn cái cảm giác quắn quýt chỉ muốn trút hết vào nhau, trao hết cho nhau như ngày nào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày nào… cũng đã mười chín năm. Lúc ấy thằng con trai của Thuần chưa đầy chín tuổi. Dù đã thôi bú mớm lúc 13 tháng tuổi, nó vẫn như không phút nào chịu rứt khỏi bầu sữa của mẹ. Nó quấn quýt mẹ, canh chừng mẹ, ngăn mẹ cách xa người đàn ông muốn thay chỗ của cha nó; mãi sau này, Thuần mới nhận ra, Huy chỉ hăm hở làm người tình của chị chớ chưa hề muốn làm chồng chị và làm cha của con chị.

Lần này gặp lại, Huy khiến Thuần khựng lại vài giây trước khi ngồi xuống cái ghế đối diện Huy và cách Huy một mặt bàn gỗ vuông vắn trong một quán cà-phê nằm trong một khuôn viên râm mát bóng cây. Trước mặt Huy không có bao thuốc lá và cái bật lửa, hai thứ mà anh luôn mang theo. Trên môi anh không gắn điếu thuốc đang cháy cùng với làn khói mỏng. Nhận ra sự ngỡ ngàng của Thuần, Huy lên tiếng:

- Anh bỏ thuốc rồi!

Thuần chợt nhớ câu Huy nói từng khiến chị sung sướng muốn lịm đi: “Chỉ có thuốc lá và em là hai thứ mà anh không thể rời xa!”. Bỏ được thuốc, cũng có nghĩa là anh đã khác. Nghĩ khác, làm khác, sống khác. Anh đã có thể khước từ những gì từng thuộc về anh. Thuần ngồi xuống ghế, bất giác ngước nhìn anh. Gương mặt Huy ít thay đổi. Nếp nhăn ở đuôi mắt, ở khóe miệng, vài ba vết sạm mờ mờ chỉ khiến anh thêm vẻ từng trải và thâm trầm. Duy chỉ có mái tóc bồng của Huy, mái tóc mà anh từng hãnh diện rằng, gene di truyền sẽ giúp anh giữ được mãi cái màu đen tuyền cho đến khi nằm yên dưới nấm mồ, đã len nhiều sợi bạc. Nhận ra cái nhìn đang ghim vào mái tóc mình, Huy cười, nói:

- Mọi thứ rồi cũng bợt bạt theo thời gian hết em à!

- Giá như em được nghe câu này sớm hơn, mọi thứ chắc sẽ khác đi…

Thuần nói, ánh mắt trượt khỏi Huy, rơi vào khoảng trống sau lưng anh. Vừa lúc đó, người phục vụ bước tới, chị nói luôn:

- Cho tôi ly cà-phê nóng!

Huy gọi một lon bia. Khi cô gái đi khỏi, Huy nhìn Thuần:

- Em không bỏ cà-phê được à?

Một chiếc lá úa vừa rời khỏi cành, loay xoay lảo đảo trước khi đáp xuống mặt bàn, nằm lại cạnh phin cà-phê. Thuần đưa tay nhặt chiếc lá, chạm ngón tay vào chỗ cuống lá mà có lẽ ít phút trước, vẫn còn liền cành, chị buột miệng:

-Với em, mọi thứ không rứt bỏ nhẹ nhàng…

Giọng như lạc đi, Thuần bỏ lửng câu nói. Huy bưng ly bia uống một hơi dài, rồi nói:

- Phải biết quẳng gánh lo đi, chớ em!

Và, như để chứng minh cho điều mình vừa nói, mà cũng có thể để át đi cái cảm xúc vẫn ướt mềm trong giọng nói và ánh mắt Thuần, Huy dẫn dắt chủ đề câu chuyện ra khỏi vùng ký ức và kỷ niệm vừa hạnh phúc vừa khổ đau giữa hai người. Anh nói về công việc làm ăn của anh, về ngôi biệt thự cạnh bờ sông nằm trên con đường đắc địa của Sài Gòn mà phải nhiều lần bán nhà, đổi nhà anh mới có được nơi an cư như ý. Rồi anh nói nhiều về hai đứa con giỏi giang và ngoan hiền của anh. Cả hai đã du học và đều có đủ kiến thức và bản lĩnh để định cư nước ngoài. Một đứa tìm được việc làm tại Mỹ, có bạn gái là một cô bé xinh xắn người Nhật. Một đứa sắp lấy chồng người Ý, một chàng rể đẹp trai như danh thủ Bagio. Chúng nó vừa kéo nhau về nghỉ hè. Cả nhà đang chuẩn bị chuyến đi du lịch khám phá vẻ đẹp dọc dài đất nước.

Thuần bỏ chiếc lá úa vào sắc tay, cẩn thận cài lại, như để tránh sự va chạm có thể làm chiếc lá thêm một lần đau. Chị nhấm nháp từng chút cà-phê và lắng nghe.

Thoạt tiên, Thuần thầm mừng cho Huy, mừng cho người đàn ông mà vì anh, vì cuộc tình từng choán cả trái tim và tâm trí mà chị đã dứt bỏ sự yên ổn của gia đình mình, đã đánh đổi tất cả, miệng tiếng người đời và nỗi đau đớn âm thầm của đứa con trai, chỉ để mong được sống bên anh; đã có được cuộc sống khiến niềm hân hoan ứ tràn ánh mắt, giọng nói Huy.

Tuy nhiên, lòng bao dung, sự hy sinh… đại loại là thuộc tính của sự cao cả ở con người, nếu có được, cũng chỉ hiện diện trong sự tương tác nào đó và cũng chỉ được duy trì trong không gian, thời gian  ký thác của tin yêu. Sự phấn chấn không kìm giữ đã kéo Huy vượt qua khỏi cái giới hạn đó.

Hạnh phúc tròn đầy của Huy như một mũi dao xoáy vào vết thương chưa lúc nào lành miệng nơi Thuần. Chị cầm bình trà rót vào ly cà- phê vẫn còn một ít. Bưng ly nước trà cà-phê hòa lẫn nâu nâu đỏ đỏ lõng bõng lên, uống một hơi dài. Cơn khô khát nóng bừng nơi Thuần vẫn không dịu đi.

Đặt ly nước lễnh loãng xuống mặt bàn, Thuần nhìn thẳng vào ánh mắt Huy:

- Còn con của em, thằng con trai duy nhất của em, nó đã phải sống như thế nào, anh biết không?

Huy nhìn sững chị:

- Ơ hay, thì em chẳng đã bảo nó có công ăn việc làm đàng hoàng và có một cô vợ ngoan hiền đó sao?

Khi nghe Huy thốt lên câu hỏi ngỡ ngàng đó, Thuần biết mình không thể sẻ chia bất kỳ điều gì với người đàn ông đang được bao bọc kỹ càng bởi tấm nệm hạnh phúc của riêng mình. Tấm nệm mềm mại và dày chặt đến nỗi ngăn Huy tách rời mọi thứ, kể cả hoài niệm và ký ức, dù đó từng là thứ ký ức ràng rịt máu thịt giữa Huy và chị, thứ ràng rịt nếu được dưỡng nuôi, chị và Huy đã có đứa con ở tuổi trưởng thành. Người đàn ông ngồi trước chị, cách chị một mặt bàn, vẫn vóc dáng đó, gương mặt đó, ánh mắt đó, nụ cười đó nhưng đã không còn là Huy từng có những khoảnh khắc là của riêng chị, những khoảnh khắc đối với chị là cả thiên thu. Mắt Huy vẫn nhìn, môi Huy vẫn hé mở, tim Huy vẫn đập, lồng ngực Huy vẫn phập phồng hơi thở nhưng dường như anh không nhìn thấy, không cảm thấy hoặc anh không muốn cảm nhận những gì khác đi, nhất là khi những cảm nhận đó có nguy cơ làm xáo động nhịp tim và cuộc sống đang rất ổn định của mình.

Đó là thứ hạnh phúc mà Thuần không nhón lên để vói tới hay rùn chân cúi xuống để mà có được. Chị đã âm thầm gượng dậy, âm thầm làm tất cả những gì có thể làm được để mong bù đắp được phần nào sự mất mát mà vì quá yêu Huy, vì lời thề sống chết có nhau với Huy mà chị đã gây ra cho con và cho quãng đời bất an còn lại của chị.

Nhưng những nỗ lực nhiều lúc như kiệt sức của chị cũng chỉ mang đến cho cái gia đình khiếm khuyết người chồng, người cha, được cái “vẻ ngoài” không rạn nứt: con chị vẫn học, vẫn thi, vẫn đỗ, vẫn tốt nghiệp, vẫn tìm được việc làm, chị vẫn có dâu và sắp có cháu; ba mẹ con vẫn sống trong một ngôi nhà khang trang, chị vẫn có công việc ưng ý để làm, có bạn bè để trò chuyện… Nhưng Thuần không sao lấp nổi sự rạn nứt từ tâm hồn, những tổn thương cho con trai chị từ cuộc tình giữa chị và người đàn ông mà giờ đây gần như kẻ xa lạ đang ngồi lặng lẽ uống đến lon bia thứ ba trước mặt chị. Con trai chị, lúc mười tám tuổi, cao một mét tám, giống cha nó cả cái tính cương trực đến bạo liệt, đã biết ngồi một mình trong xó bếp, vỏ lon bia lăn lóc trước mặt, mắt vừa ướt vừa đỏ, nó lớn tiếng khi chị bước vào: “Con muốn ngồi một mình, mẹ đi đi!”. Thấy mẹ lựng bựng chưa chịu đi, nó hét lên: “Sao mẹ không đi theo ông ấy luôn đi!”. Tiếng hét của nó, mạnh hơn cả khối thuốc nổ.

Mẹ con Thuần vẫn sống bên nhau nhưng giữa hai mẹ con là khoảng cách, luôn là khoảng cách. Ngày ấy, chính Huy, lúc nào cũng là anh, ngán ngữ và choáng hết cái khoảng cách đó. Ngày ấy, và mãi sau này, con trai Thuần, đứa con trai duy nhất của chị phải luôn tự lấp đầy khoảng cách ấy bằng sự lầm lì và cô độc. Đó cũng là thứ vũ khí tự vệ thường trực. Thứ vũ khí sát hại tiếng cười. Thứ vũ khí thủ tiêu sự hồn nhiên. Thứ vũ khí gây sát thương tình máu mủ. Thứ vũ khí biến chị thành người mẹ lúc nào cũng oằn lưng vác trên vai cái thập giá lỗi lầm.

Và lúc này, lúc ngồi trước người đàn ông chỉ còn mang dáng dấp Huy, gương mặt Huy, giọng nói Huy - người đàn ông mà chị sẵn sàng chối bỏ tất cả chỉ để được sống bên anh, cái mặc cảm dằn vặt tưởng đã nguôi ngoai, bỗng ập đến, choáng ngợp, nghẹt ứ, rồi thình lình buột ra không sao kìm giữ. Thuần bật khóc.

Gương mặt Thuần chắc trở nên xấu tệ trước mắt Huy. Nhưng chị bất cần. Cứ để nước mắt mặc sức tuôn rơi. Ngóc ngách da thịt chị anh từng tường tận nhưng ngõ ngách tâm hồn chị dường như anh chưa  nhìn thấy hay anh chỉ nhìn thấy bằng cái nhìn cạn cợt ở cái vẻ ngoài. Mà vẻ ngoài, với Thuần, chị luôn cố gắng biến nó thành cái vỏ bọc cứng cáp cho niềm đau.

Trước niềm đau buột vỡ tuôn tràn nơi Thuần, Huy ngớ người, bối rối:

- Đừng nặng nề thế, chớ em! Cái gì đã qua hãy để cho nó nhẹ nhàng trôi qua!

Một chút gì đó vẫn còn lúng túng trong giọng nói của Huy. Một chút gì đó như hoang mang trong câu nói trấn an của Huy. Một chút gì đó như yếu đuối dễ vỡ trong người đàn ông đang được bao bọc trong cái thành trì êm ấm của mình.

Chút xao động mong manh ấy khiến Thuần như vớ được một chiếc khăn ướt để lau mặt. Chị lặng lẽ tự lau cho mình. Và ngăn mình khỏi thứ cảm xúc mà với Huy, có lẽ đã trở nên phù phiếm và đã mãi mãi thuộc về ngày hôm qua.

Tuy vậy, khi nghe chuông điện thoại reo, Huy vẫn ngồi bất động. Đến hồi chuông thứ tư, Thuần giục:

- Anh nghe đi!

Huy nghe và lên tiếng:

- Con hả, ba đang có chút việc, con bảo mẹ, cả nhà cứ ăn cơm trước, đừng đợi ba!

Huy ngồi lại trong dáng vẻ sốt ruột, bồn chồn.

- Anh về đi!

 Nhận ra câu nói không còn chút lôi kéo hay bịn rịn, Huy nhìn Thuần:

- Anh đưa em về trước đã!

Bao nhiêu năm qua, Thuần đã quen tự mình xoay xở tất cả, kể cả những lần hẹn gặp Huy, chị cũng tự mình đến và cũng tự mình lặng lẽ quay về. Thuần cười buồn:

- Không cần đâu, anh về đi!

Huy đứng lên:

- Vậy anh đi trước đây!

Nhìn theo dáng Huy bước gấp gáp trên lối đi rải sỏi đá dẫn ra con đường tấp nập người xe, lòng Thuần chợt quặn đau như nhìn một chiếc lá vĩnh viễn lìa cành.  

Đường phố hối hả người xe. Bóng râm cũng đã sẫm hơn. Đèn đường bật sáng. Có lẽ lúc này Huy đang ăn cơm cùng gia đình mình. Và, con trai, con dâu Thuần, có lẽ cũng đang chở nhau trên đường về nhà, về ngôi nhà mà chị luôn cầu mong đó sẽ là một mái ấm.

Đĩa nhạc quay lại bản hòa tấu “Yesterday”. Đã biết bao nhiêu lần Thuần nghe bản nhạc quen thuộc này nhưng chị vẫn ngồi nán lại. Và lắng nghe.

Phú Lợi, ngày 8-4-2013

BÍCH NGÂN

;
.
.
.
.
.