Nửa đêm, trời tối om. Gió giật liên hồi. Tiếng chuông điện thoại bàn vang lên rồi chìm nghỉm trong tiếng gió: “A lô! Ai gọi đó. Nói to lên. Chẳng nghe thấy gì cả”. Chỉ có tiếng mưa ào ào đáp lại. Mái tôn giàn mát trước sân nhà tôi rung lên bần bật.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Rạo! Roạt... Cây sưa trồng trước ngõ đã bị đổ. Một cành sưa bị mái tôn tiện đứt ngang quăng quật trước sân, bị gió đẩy tùa vào bậc tam cấp nền nhà. Đèn điện thoại bàn tắt ngấm. Dây điện thoại đã bị đứt. Một lúc sau màn hình di động bật sáng. Có tin nhắn: “Cơn bão này mạnh lắm. Ba mẹ vào nhà tắm mà trú”. Thằng Hà con tôi từ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng gọi điện về không được phải nhắn tin. Vợ tôi mặc áo đi mưa, ôm chăn chiếu ra nhà tắm. Chỉ có nhà tắm là chắc chắn nhất. Nó được đổ tới sáu cột trụ bê-tông.
Hu hu... ù ù òa... ập.... Có tiếng hú ù ù như tiếng tàu hỏa chạy trên đường ray. Lúc này làm gì mà tàu còn chạy được.
Ầm ầm! Ầm... Gạch ngói bay tứ tung, các tấm tôn rít trên không trung, rồi rơi vèo vèo xuống mặt đất. Nhà tôi vặn mình răng rắc. Nhìn lên, hai mái nhà trống hoác.
Ào! Ào ào... Nước tràn qua đường tàu dội vào tường nhà, mở tung các cánh cửa. Khắp nơi đều lênh láng nước. Nước đã ngập đến cửa sổ. Tiếng trâu bò, lợn gà, tiếng người la hét, kêu cứu thất thanh, tiếng khóc rầm trời. Cơn lốc tràn qua xóm chợ ven sông.
Mưa tạnh. Trời đã sáng. Bầu trời xám xịt một màu mây. Nước trong vườn dừng lại ngang đầu gối. Tôi lội theo con đường đục ngầu lạnh buốt, lên đứng trên đường tàu. Bên kia đường, các lều chợ đã trôi hết. Một cái tủ bị sóng đánh vỡ đôi, nổi lềnh bềnh trong khu đình chợ. Một số người chèo đò ra vớt hàng hóa của họ vào bờ. Cách tôi không xa là một ông già tuổi đã ngoài tám mươi đứng cạnh hai vợ chồng ông chủ tiệm vàng. Bà chủ tiệm vàng khóc như mưa như gió. Ông chồng mặc bộ đồ ngủ dính bết vào cái bụng. Ông ta đang giơ tay hò hét thuê hai cha con anh thuyền chài mò cái két sắt của ông. Bỗng cậu con trai người thuyền chài trồi lên khỏi mặt nước và kêu lên một tiếng “cha ơi”. Cậu chưa kịp nói điều gì đó thì một con sóng cao ngất lừng lững tới. Cậu bị sóng đánh dạt ra giữa dòng sông cuồn cuộn chảy. Bà chủ tiệm vàng kêu lên tru tréo: “Đuổi theo! Nó đã lấy được vàng của tôi”. Cậu bé cố bơi vào bờ nhưng không thắng nổi sức mạnh của dòng nước xiết. Cái đầu của cậu trồi lên ngụp xuống, hai tay chới với.
Ông già hét: “Bà con ơi! Hãy đến cứu cậu bé”. Thì ra đó là ông Thoan - “Người lính chăn ngựa” của Hội “Nghĩa tình đồng đội” chúng tôi.
Mọi người trên bờ chạy theo nhưng không một ai dám bơi ra.
Tôi đi tìm một sợi dây để vứt ra cho cậu bé nhưng không thấy. Đường dây điện đã bị hỏng hơn nửa tháng nay, đi cắt một đoạn là nhanh nhất. Tôi chạy lại ngôi nhà hai gác của ông chủ tiệm thuốc Bắc.
Bỗng ông Thoan la to: “Đây rồi”. Ông đã kiếm đâu được một cây sào và quay lại phía đằng sau xem có ai không. Tôi vứt bỏ sợi dây đang cắt dở chạy theo ông. Đường trơn, tôi trượt chân ngã sóng soài bên mép nước. Không kịp nữa rồi. Cậu bé đã trôi xuống dưới bến cây bần chỉ còn mấy cành cây khẳng khiu ngoi lên rung lật bật. Ông Thoan lưỡng lự một vài giây rồi vác con sào chạy theo. Ông quăng một đầu sào ra phía dòng sông. Cậu bé đã nắm được đầu sào. Ông Thoan cố sức kéo vào bờ nhưng dòng nước mạnh quá. Ông quỵ xuống. Không! Ông đã đứng gượng dậy được. Ông không buông tay. Ông vẫn nắm chắc con sào cố sức kéo vào bờ. Ông đã thua. Nước kéo cả ông Thoan xuống dòng sông. Sức già nua của ông lão không địch nổi dòng nước sung mãn phía thượng nguồn. Hai người nắm chặt lấy cây sào cứ dập dềnh theo sóng nước.
May! Một bụi cây từ đâu trôi tới. Hai người bám lấy cành cây. Cây to mắc kẹt bởi chiếc cầu sắt. Hai người nắm chắc thành cầu cho đến khi ca nô đội trực chiến đến cứu. Cậu bé đã được cứu sống. Cậu lã như cò bự được dân quân dìu lên thuyền. Ông Thoan kiệt sức. Ông bị chấn mạnh vào thành cầu, người mềm nhũn như tàu môn héo.
Ông Thoan là một hội viên Hội “Nghĩa tình đồng đội” của chúng tôi - Một người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ông kể: Mười lăm tuổi, ông theo trai làng vào học nghề đóng móng ngựa ở trong Đà Nẵng. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông ra Huế rồi vào vệ quốc quân. Ông được đơn vị giao cho chăn bầy ngựa của trung đoàn 101, trung đoàn vũ trang đầu tiên của Huế. Đó là những con ngựa cái chuyên dùng để cung cấp ngựa giống cho Hoàng cung. Đơn vị trưng dụng lại để vận tải. Nhìn những con ngựa cái ậm ạch, trong lòng ông buồn lắm.
Một hôm, có mấy con ngựa nhảy cẩng lên, quất mấy roi cũng không chịu phục tùng. Bất chợt mấy con ngựa đực thả trên bãi cỏ ven bờ sông Hương, trước cửa Trường Đồng Khánh hí lên những tiếng hí dài. Ngựa của một đơn vị Nhật đóng ở Huế đợi ngày giải phóng. Loài ngựa thính mũi lắm. Những con ngựa đực đã ngửi thấy mùi ngựa cái động đực. Ông nhảy lên lưng một con ngựa cái cho nó chạy nước kiệu ra khỏi Thành Nội, men theo bờ sông, qua cầu Trường Tiền, rẽ lên phía ga. Qua trước cổng Trường Đồng Khánh ông thả lỏng dây cương cho ngựa thong thả bước.
Một con ngựa đực phóng ngay tới chỗ ông. Ông căng dây cương cho con ngựa cái phóng đi, song nó vẫn cố ý chờ con ngựa đực. Chỉ trong giây lát con ngựa đực đuổi kịp. Ông cho ngựa lên bến đò Long Thọ. Cứ như thế, ông đã dắt được ba con ngựa chiến của Nhật. Ông nói đó là chiến công duy nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Mặt trận vỡ, ông theo đơn vị rút lên rừng. Đến năm 1951, ông gặp được một người làng ở tiểu đoàn 436 (tách ra từ trung đoàn 18) vào sáp nhập với trung đoàn 101- Trần Cao Vân. Lúc đó ông mới biết cả nhà ông đã bị chết hết. Mẹ ông bị sốt rét chết năm tản cư. Cha và hai em ông bị trúng một quả bom của Pháp. Trong cuộc hành binh “Cá sấu” của Pháp đánh vào khu vực đóng quân của trung đoàn 101, ông đã bị thương. Đơn vị gửi ông lại cho một gia đình người thiểu số chăm sóc. Ông thất lạc đơn vị kể từ ngày đó. Hòa bình lập lại, ông về quê làm một xã viên hợp tác bình thường. Mỗi khi nhớ lại chuyện cũ hai mắt ông đỏ hoe, vết sẹo bên má nổi lên giật liên hồi.
Tôi nói: “Trong Hội Nghĩa tình đồng đội của mình không có ai được như bác Thoan đâu. Bác là người lính chủ lực đầu tiên của Hội ta, lại là quân tiên phong của trung đoàn Trần Cao Vân anh hùng”. Ông cười: “Tôi chỉ là con ngựa già què quặt. So sánh sao được với anh em khác. Có những người nổi tiếng như ông Trương Sô là Phó Chỉ huy Quân sự huyện ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công. Ông Phạm Thông là người từng chỉ huy trận chống càn ở làng Lâm Xuân năm 1947. Trong Hội ta có người đã bắn tan xác máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội, có người cưỡi xe tăng vào tận dinh Độc Lập bắt tổng thống ngụy đầu hàng”. Tóm lại. Ông tự nhận mình là một người lính bình thường chẳng có công trạng gì hết.
Ngày đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi yên nghỉ cuối cùng. Hội “Nghĩa tình đồng đội” chúng tôi thuê một chuyến xe hơn ba chục chỗ ngồi chạy ra Vũng Chùa đón Bác. Ngực người nào cũng lấp lánh huân chương. Riêng ông Thoan chỉ đeo một chiếc huy hiệu Cựu chiến binh với chiếc áo trấn thủ đã cũ sờn. Người đông quá. Người đứng chật đường. Họ tràn ra cả hai bên rừng cây bạch đàn vừa mới bị cơn bão số 10 còn xơ xác lá. Mọi người nhích dần từng bước về phía tang trường. Ai cũng muốn được đến gần nơi chôn cất Đại tướng. Các cậu thiếu niên nhanh nhẹn trèo lên những cây cao có chạc ba để được nhìn cho rõ. Ông Thoan yếu quá. Ông không thể chen lên được giữa dòng người đưa tiễn. Ông đứng lại thở phì phò. Tôi phải dắt ông lên đứng trên một tảng đá. Đoàn xe tang đi qua, tiếp theo là linh xa chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mọi người khóc òa lên. Ông Thoan lấy chiếc khăn tay dụi dụi vào đôi mắt đỏ hoe. Ông xúc động lắm.
Mãi đến nửa đêm chúng tôi mới ra được bãi đỗ xe. Ông Thoan lúc này đã thấm mệt. Ông nói trong đời ông đã hai lần được gặp tướng Giáp. Nhưng lần này người đông quá, không đến được nơi Bác Giáp nằm. Chúng tôi bàn nhau hôm sau, Hội sẽ đi một lần nữa để cho ông Thoan đến tận bàn thờ thắp hương cho Đại tướng. Ai ngờ tiếp theo cơn bão số 10 là hoàn lưu của cơn bão số 11.
Tại phòng cấp cứu tầng 6, Bệnh viện Trung ương Huế. Câu hỏi đầu tiên của ông Thoan sau khi tỉnh lại:
- Cậu bé con anh thuyền chài như thế nào rồi.
- Thằng bé đang được điều trị ở tuyến dưới. Hai ngày nữa sẽ xuất viện. Mà sao hôm đó bác không chờ tôi tới - Tôi nói.
- Chờ chú đến thế nào kịp. Thằng bé sẽ chết mất. Nó đang “xay ló đâm cấu”(*) giữa dòng. Vào vị trí của tôi hôm đó chắc ai cũng sẽ làm vậy. Mình đã già rồi. Chỉ mong sao cái chết của mình hôm nay không uổng. Tiếng ông già yếu dần. Đôi mắt ông từ từ khép lại. Trên đôi mắt nhăn nheo ứa ra hai dòng nước nhưng trên đôi môi của ông vẫn còn đọng lại nụ cười. Cơn lũ quái ác đã cướp đi người cựu chiến binh già của chúng tôi. Ông không bao giờ đi thắp hương cho Đại tướng được nữa rồi...
Đón năm Con ngựa, chúng tôi thuê một chuyến xe ra Vũng Chùa thăm mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi đến bàn thờ rước bài vị của ông Thoan đi cùng. Chúng tôi báo cáo với Đại tướng rằng người lính già của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm xuống giữa lúc đất nước không còn vang tiếng súng. Con chiến mã thân yêu đã hy sinh một cách oanh liệt giữa thời bình.
HOÀNG MINH ĐỨC
(*) Xay lúa giã gạo