.
Tản văn

Thăm nhà cụ Phan

.

Hỏi tới hỏi lui, lòng vòng mãi trên con đường bê-tông nhỏ xíu ngoằn ngoèo qua các thôn xóm, ruộng đồng từ quốc lộ 1 đi lên rồi cũng đến nhà ông. Căn nhà giản dị, phảng phất nét cổ kính nằm tĩnh mịch sau một con ngõ đá dài ở Tam Lộc, Phú Ninh, Quảng Nam. Bao nhiêu lần về quê, muốn ghé lên thăm căn nhà xưa của ông một lần mà lỡ hẹn mãi, giờ mới đặt chân tới được.

Nhà cụ Phan.
Nhà cụ Phan.

Ngồi trên phiến đá đầu khoảng sân gạch, trong ánh chiều, nhìn ra cánh đồng trước mặt. Không gian yên ắng. Dưới đồng chỉ có lác đác vài cụ ông vác cuốc chậm rãi đi xem lúa. Cánh đồng hẹp, bị chắn bởi dãy núi dài và thấp. Con người, không gian toát lên một vẻ gì hiền hậu, chất phát, chậm rãi. Cả buồn tẻ, chật chội nữa. Vậy mà nơi đây, trong cái hóc núi này, lại sinh ra được con người lừng lẫy đến vậy, dõng dạc, mới mẻ đến vậy.

Phan Châu Trinh, nhớ lại lần đầu tiên đọc được những dòng suy tư, trăn trở do chính ông viết ra, tôi đã xúc động thế nào, và tiếc nuối thế nào. Tiếc nuối sao mình không đọc được những điều đó sớm hơn, tiếc nuối sao trước kia mình lại hiểu sai về ông đến vậy. “Lạc lối” ư? Cầu xin giặc rủ lòng thương ư? Phải chi ngòi bút người đời công tâm hơn với những gì ông làm, những điều ông suốt một đời trăn trở nghĩ suy.

Trên bàn thờ, nhìn bát hương đoán biết mới có đoàn nào tới thăm. Tự hỏi những người đến thăm nơi này đọc và nghĩ về những gì chính tay ông viết, chính tay ông làm? Có lẽ rất ít trong số đó. Có lẽ rất nhiều người cũng chỉ mang máng ông là danh nhân lớn của địa phương, rằng là “dù có những sai lầm”, “cải lương”, nhưng là nhà yêu nước chân chính. Nghĩ cũng trớ trêu, ông là nhà nho lớn, cổ súy bỏ Nho học mà theo Tây học, để bắt kịp cái văn minh của thời đại. Đến giờ, 100 năm đã qua, chữ Nho kể như đã bị bỏ tiệt ở một đất nước và trên các đền chùa miếu mạo đầy thứ chữ tượng hình này, có một kho tàng lớn sách vở chữ Hán cha ông để lại, và trong ngôn ngữ từ gốc Hán chiếm đến hơn sáu phần mười. Bỏ hẳn, đến mức và ngay sinh viên ngành lịch sử cũng không biết được hai chữ  Hán “cải lương” (改良) có nghĩa là biến cải cho tốt lên. Hỏi mười sinh viên thì chắc đến tám chín hiểu chữ “cải lương” kia là… ca cải lương, là kiểu làm gì đó nệ hình thức, màu mè, không thực tế…

Trên đường về, ghé thăm nhà ông bạn gần đó. Trước làm trong Sài Gòn, nhưng gần cuối năm công ty đột ngột cắt giảm nhân sự, hắn không vội tìm chỗ làm khác mà ôm một đống sách về quê dành ra mấy tháng nghiền ngẫm. Đứa em gái mới học cấp hai cũng háo hức với mớ sách ông anh mang về. Khi tôi đến, trong căn nhà nhỏ chênh vênh trên con ngõ đá xinh xắn, hai anh em đang say sưa đọc.

Anh bạn biết tôi mới ghé thăm nhà cụ Phan về, hắn với tay lấy bộ Toàn tập Phan Châu Trinh dày cộp trên giá xuống, rồi ba chúng tôi ngồi bên hiên nhà trò chuyện rôm rả với nhau về con người ấy. “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”. Mãi say sưa bình giá lời người xưa mà quên cả mặt trời đã xuống núi...

DUY NGUYÊN

;
.
.
.
.
.