.
TRUYỆN NGẮN

Hải Vân khuya

.

Bấy giờ là giữa tiết tiểu hàn năm 1946, trời rét như cắt. Trên đỉnh đèo Hải Vân mây phủ mờ mịt, gió thổi ù ù. Những hạt mưa bấc bay ngang tầm mắt, quất lên cổ lên mặt như vãi muối, rát lạnh thắt ruột. Chúng tôi quấn mọi thứ lên người vẫn cứ run cầm cập.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lệnh không được đốt lửa mặc dù khắp mặt đất rải đầy cành lá khô, rễ tranh khô. Và mặc dù người ra lệnh - Tư lệnh Đàm Quang Trung (1) Chỉ huy Tiếp phòng quân Đà Nẵng cũng đang quắn người lại vì rét - đứng ở đó. Ông bảo mọi người quây dồn lại, áp lưng nhau đứng túm tụm sau bức tường bằng đá đồn Nhất giữa đỉnh đèo. Nơi đây kín gió, mặt đường day về hướng Nam, ấm hẳn.

Tư lệnh Đàm Quang Trung mặc chiếc áo bành tô lính khố đỏ, lửa diêm lập lòe sau tấm lưng ngời ngợi của ông. Không gian trên đèo thơm lừng khói thuốc lá Mic. Ông chìa bao thuốc còn chặt cứng về phía chúng tôi, chốc chốc lại xem đồng hồ dạ quang và bước lên hòn đá lưng voi nằm úp sấp bên vệ đường, nhón chân nhìn về phương Nam, phía chân đèo.

Nơi đó là một vùng non nước trải rộng từ cửa Đại Chiêm băng qua các làng mạc trù phú, những vùng tằm tơ canh cửi, những bến đò Trường Giang, Thu Bồn… Từ Vĩnh Điện lên Duy Xuyên, Trà Kiệu… đang chìm đắm trong màn sương. Thành phố Đà Nẵng hừng sáng ở cửa sông Hàn nước lấp loáng như một tấm gương, đầu gối lên Trà Sơn, tay xuôi theo bãi tiểu Trường Sa cát trắng trên bờ biển đông, tay ôm mảnh đất Thanh Khê, Hà Khê chim kêu vượn hú… Những ngọn đèn điện nhấp nháy trong mù sa, bình yên như không hay biết tới mọi biến cố sắp xảy ra trên quê hương.

Kim đồng hồ chỉ 12 giờ khuya thì sự sốt ruột của mọi người đã lên tới cực điểm. Ai cũng lo lắng bồn chồn, không nói ra những lo sợ xa xôi rằng có việc gì đó bất trắc xảy ra nên làm chậm hành trình của thượng cấp chăng? Tư lệnh Đàm Quang Trung nhanh chóng thay đổi sơ đồ tác chiến bảo vệ, bằng phương thức phục kích sẵn sàng chiến đấu khi có tình hình báo động khẩn cấp. Chúng tôi rời bức tường đồn Nhất, tập hợp thành hai cánh dàn cùng một bên với hai chiếc xe Citroen già cỗi. Mỗi cánh quân có bốn người kể cả tư lệnh.   

Một giờ sáng thì có tiếng xe ô-tô rì rì lên đèo nhưng không phải là xe từ Quảng Nam ra, mà là xe từ Huế vào. Thấy xe chúng tôi đỗ trơ trọi trên đỉnh đèo vắng, chiếc xe kia bèn nháy đèn pha có ý chào rồi lao thẳng xuống đèo. Một lát sau từ phía Liên Chiểu lại có hai ngọn đèn quét ngược lên sườn đèo.

- Có xe ra! Chúng tôi buột miệng. Đúng là có xe ra nhưng chiếc xe này không thèm chào. Tệ hơn, nó còn rú ga ầm ĩ có vẻ như dọa chúng tôi, rồi phun khói phì phì đi thẳng ra Lăng Cô.

Ba giờ sáng thì áo quần của chúng tôi ướt sũng, lạnh cứng như mo cau, bụng thì đói meo, miệng khát cong, nhưng không ai để ý. Giữa rừng sâu vọt lên bốn ngọn đèn pha sáng quắc, quẹo gấp chỗ cẳng gà gần đỉnh đèo dọi thẳng vào chúng tôi. Thấy có xe đỗ bên đường, đèn pha trên hai xe kia phụt tắt rồi bật sáng ba lần. Tư lệnh Đàm Quang Trung chồm lên, chúng tôi khom người tay nắm chặt cổ báng súng tiểu liên thanh tule, ngón tay trỏ nhăm nhăm trong vòng cò. Một giây im lặng nặng nề nghe rõ tiếng chim di cư quạt cánh trốn rét bay ràn rạt trên đầu, và tiếng chim đổ quyên cựa mình trong hang tối, kêu tê tái dưới lũng sâu. Tiếp đó là tiếng cười khe khẽ vang lên, hai ba tiếng lao xao tiếp theo, và ánh đèn pin loang loáng trên mặt đường.

- Các đồng chí! Tư lệnh Đàm Quang Trung gọi vui vẻ. Chúng tôi liền chạy lại đứng một bên, lưng áp phía đoàn thượng cấp mới tới, nòng súng hướng dọc theo lề đường nhựa và rừng rậm, sẵn sàng theo đúng kế hoạch bảo vệ đã phổ biến khi đang ngồi trên xe leo đèo.

Qua cách nói chuyện, cách xưng hô, tôi biết những người vừa trên xe Renault đen bước xuống là thượng cấp.

- Xin lỗi! Sốt ruột lắm hả? Có tiếng hỏi.

- Có việc gì thế anh? Tư lệnh Đàm Quang Trung hỏi lại.

- Trục trặc một chút ở đầu cầu Cẩm Lệ! Anh em mình không cho xe qua cầu ban đêm, vì không có giấy giới thiệu vượt vĩ tuyến 16 của anh.

- Của tôi? Tư lệnh Đàm Quang Trung ngạc nhiên.

- Đúng ra là giữ bí mật, không thể trình giấy giới thiệu dài dài trên đường. May là có người của Chi đội I đi kèm, nên có chậm lại chút đỉnh nhưng không sao, không sao!

Tiếp đó người nói lại quay ra nói với các bóng người trên chiếc xe đi sau:

- Cám ơn các đồng chí đã đưa chúng tôi đến đây. Giờ thì quay về được rồi. Cho tôi gửi lời cám ơn anh Toàn (2)! Đó là một giọng nói Quảng Bình, thanh, nhẹ, vui và quyết định. Chiếc xe đi sau quay đầu theo lối cũ, một cánh tay thò ra ngoài cửa vẫy, bóng khẩu súng mi-xép in lên nền trời màu chì. Chỉ lát sau chiếc xe đã biến mất trong màn đêm giữa rừng.

- Có một cán bộ đại đội tên là Phiếm, hiện chỉ huy đơn vị gác cầu, vừa được đi dự lớp huấn luyện quân sự cấp tốc ở Hà Nội về, nhận ra mình. Anh ấy đã cho đổ đầy xăng và hai can dự trữ! Tất cả cùng cười. Tư lệnh Đàm Quang Trung hạ giọng - Báo cáo anh Văn, theo điện của Trung ương tôi xin được nghe trực tiếp chỉ thị của anh.

Người có giọng nói Quảng Bình không trả lời vào câu hỏi, ông hỏi lại:

- Anh em có rét lắm không? Đói lắm à? Có bánh ú và nước chè xanh nóng của anh em Cẩm Lệ mới biếu, ăn cho ấm đã, khẩn trương!

- Được lệnh, chúng tôi xúm lại ăn bánh ú. Nhờ phích nước chè nóng, chúng tôi hoàn toàn lại sức. Vừa ăn vừa ngắm người có giọng nói Quảng Bình mà chúng tôi hiểu đó là người quan trọng nhất trong cuộc mật kiến hôm nay, giữa khuya trên đỉnh đèo Hải Vân lịch sử. Ông người tầm thước, da có vẻ trắng hơn trong ánh sáng mờ mờ của rừng và biển đang trào bọt dưới sâu. Trán cao, mắt long lanh, môi hơi chúm lại khi nói những vấn đề cần phải quan tâm - Ta bắt đầu nhé! Người nói giọng Quảng Bình cắt đứt dòng quan sát của chúng tôi. Tư lệnh Đàm Quang Trung đứng sát một bên, trang nghiêm.

Người có giọng Quảng Bình nói:

- Ngày 28-2-1946, cuộc mặc cả quyền lợi giữa chính quyền Tưởng Giới Thạch với thực dân Pháp ngã giá. Hiệp ước Pháp - Hoa đã ký kết, quân Pháp thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản bại trận từ bắc vĩ tuyến 16. Trước tình hình đó, để tránh nguy cơ cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, Trung ương buộc phải lựa chọn giải pháp ký kết hiệp định 6-3-1946 với thực dân Pháp. Đây là một nước cờ táo bạo, mạo hiểm, thần toán… nhằm loại bỏ bớt kẻ thù, chọn phương án một chọi một, nhưng là bước đi quyết định và chắc thắng của Bác và Trung ương.

Sự có mặt của Tiếp phòng quân, của các anh bên cạnh quân Pháp tại Đà Nẵng là vì lý do đó. Và vì lý do đó nên tôi không ghé Đà Nẵng được, mà gặp nhau trên đỉnh đèo Hải Vân là nhằm bảo đảm tuyệt mật cho chiến tranh, nếu vạn nhất chiến tranh xảy ra.

Người nói giọng Quảng Bình dừng lời, ông khoát tay về phía bầu trời Đà Nẵng, lộ vẻ trầm ngâm rồi nói tiếp:

- Đây là một sự hòa hoãn có nguyên tắc, tôi chắc các anh đã nắm rõ! Đó là phương hướng cho mọi hành động của chúng ta để trước hết hạn chế được tình hình xấu nhất do giặc Pháp cố ý gây hấn. Càng bình tĩnh tìm cách kéo dài càng tốt. Một ngày hòa bình là một ngày đỡ hao tổn xương máu của đồng bào, chiến sĩ! Nói chúng là đạo quân thay quân Tưởng Giới Thạch chỉ là hình thức, thực chất nó là một đạo quân thực dân xâm lược, mục tiêu là đánh chiếm nước ta một lần nữa. Vì vậy không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình, và mình cũng nhất định phải đánh Pháp. Cuộc kháng chiến sắp tới dù trường kỳ gian khổ thì Trung ương cũng đã xác định là không thể tránh khỏi!

Câu chuyện diễn ra trọng đại và nhanh đến mức chúng tôi không còn tưởng đó là một cuộc mật kiến đón thượng cấp, mà là một lời truyền đạt hào hùng những hiệu lệnh của núi sông! Người nói tiếng Quảng Bình hạ thấp giọng, lời của ông hòa vào tiếng gió ngàn trên Hải Vân đệ nhất hùng quan dạt dào, nghe thiêng liêng phấn chấn lạ thường. Thỉnh thoảng ông đột ngột đặt ra một câu hỏi. Tình hình Đà Nẵng hiện nay như thế nào? Rồi nghiêng tai lắng nghe. Có lúc ông tự trả lời chính câu mình vừa hỏi giống như một lời nhắc nhở ân cần. Ông nhấn mạnh mấy điểm: Là giặc Pháp đổ bộ thêm một bán lữ đoàn Lê dương số 13, Trung đoàn bộ binh số 3, Tiểu đoàn xe tăng Rf lên Đà Nẵng. Hiện có 10 tàu chiến tăng cường sát cửa biển và một phi đội máy bay tiêm kích… Còn gì nữa không các đồng chí? Tất cả phải bình tĩnh kiên nhẫn, cảnh giác và sẵn sàng đợi lệnh. Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ! Cuối cùng là tiếng cười nhỏ nhẹ của ông sau khi ông đã xòe bàn tay, bẻ gập từng ngón, nói rõ nhiệm vụ sắp tới của Đà Nẵng khi chiến sự xảy ra.

Tư lệnh Đàm Quang Trung nhận chỉ thị. Người nói giọng Quảng Bình chăm chú nghe và gật đầu. Thỉnh thoảng ông lại điểm vào một vài tiếng cần thiết làm cho vấn đề sáng tỏ thêm. Đặc biệt ông lưu ý tới việc tổ chức tản cư dân, việc xây dựng hậu phương để kháng chiến lâu dài.

Ông gập quyển sổ bìa mỏng lại, vặn ngòi bút kaolô tụt xuống rồi khoan thai đậy nắp. Câu chuyện kết thúc, ông vui vẻ đặt tay lên vai từng người chúng tôi - Thế nhé, đã đi được chưa nào? - Vâng xin mời anh, kính chúc anh lên đường bình yên. Cho tôi thay mặt quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng kính chúc Bác mạnh khỏe! Kính chúc các anh ở Hà Nội mạnh khỏe… Tư lệnh Đàm Quang Trung trang nghiêm, xúc động!

Chúng tôi tách một xe có dự trữ đầy đủ xăng dầu, thực phẩm và ba tay súng tháp tùng đoàn ra Vinh. Chiếc xe Renault mở máy bật đèn lướt vào bóng đêm như một ngọn đuốc xanh. Chờ một lát cho tới khi không còn nhìn thấy bóng đèn pha ô-tô hừng sáng ở các khúc quẹo gập, chúng tôi mới lên xe xuống đèo.

Tới chân đồn Liên Chiểu tôi mới rụt rè hỏi tư lệnh Đàm Quang Trung về người thượng cấp đó là ai.

- Ơ! Chứ tớ chưa nói cho các cậu hay à? Anh Văn đó! Anh Văn tức là đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Quân sự của Trung ương đi thị sát chiến trường Nam bộ, cực nam Trung bộ, Đà Nẵng, và… Tư lệnh trả lời!

Ngày 19-12-1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đà Nẵng chìm ngập trong bầu trời lửa. Bốn mươi lăm năm sau tôi mới có dịp quay về thăm Đà Nẵng, mới được đặt chân lên đỉnh đèo Hải Vân ban ngày, nơi vào một đêm giá lạnh đất trời bình yên đã chứng kiến cuộc đón tiếp thượng cấp bí mật đến kiểm tra và giao nhiệm vụ cho mảnh đất suốt một thế kỷ luôn là đầu cầu trong sự nghiệp chống giặc xâm lược của nước ta!

Quan Nam Trường Định tên thật là Phạm Mạnh Thường, sinh năm 1932. Ông xuất hiện sớm và rất xưa trên tạp chí L’AJS (revue l’ami de la jeunesse studieux) phát hành trên toàn cõi Đông Dương. Ông có mặt trong đội Thiếu niên Tiền phong - một tổ chức bí mật trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công ở Tourane, tức thành phố Đà Nẵng quê hương ông ngày nay.

Ông tham gia bộ đội Chi Đội 1 - Quảng Nam, viết báo Vệ quốc Quân liên khu. Trải qua một thời gian dài rong ruổi theo con đường quản lý - đến năm 60 tuổi ông mới cầm bút trở lại.

Hiện Quan Nam Trường Định có một gia sản gồm bộ ba tiểu thuyết 1.600 trang viết về Người tỳ tướng của Võ Hoàng Đế, Viên đao phủ câm và Lâu đài hoang. Ông thường xuyên viết bài cho các tuần báo văn nghệ, tạp chí trung ương và địa phương.

Cũng như thơ và tiểu thuyết - truyện ngắn của Quan Nam Trường Định là những câu chuyện thường nhật, “dài phông”, cô đọng bất ngờ, gắn với thiên mệnh của lương tri, hàm ẩn sức mạnh tự thân của chúng ta, giàu lòng trung thực, có và biết sống nghĩa ân, nghĩa khí trên mặt đất bao dung hằng ngổn ngang đa đoan!

Suy nghĩ kỹ bạn đọc không khó nhận biết được hành vi khái quát, tự nhận thấu một góc khuất mênh mông của đất trời ưu ái, của lòng người bao dung. Đó là những nhịp đập mạnh bạo, mới mẻ, có thật và chân thành!

Nhà văn XUÂN ĐẠM

QUAN NAM TRƯỜNG ĐỊNH


(* )Thay tướng Trần Tử Bình trở ra Hà Nội.

(**) Tức đồng chí Võ Chí Công.                                         

;
.
.
.
.
.