.
Tản văn

Lặng ngắm hoa gạo

Tháng ba, sau những mùa dài lặng lẽ nếm trải biết bao mưa nắng thăng trầm, cây gạo bên giếng làng mãnh liệt gom đầy những khát vọng sinh sôi, cháy lên hết mình cho một mùa hoa đỏ.

Chẳng hiểu tại sao, cứ mỗi độ cuối xuân, khi hoa gạo tưng bừng thắp lửa đốt cháy cả một góc quê rạng ngời, rực rỡ, lòng tôi lại xốn xang những thứ cảm xúc rất khó định nghĩa. Mẹ sinh tôi vào một chiều tháng ba se lạnh, phải chăng vì thế mà tâm hồn tôi đã dành cho loài hoa giản dị này một tình yêu đằm thắm, đắm say không dễ gì rũ bỏ? Mà đã là tình yêu thì đâu cần đi tìm một nguyên do, nguồn gốc? Chỉ biết rằng, từ lúc biết rung động trước cuộc sống, trái tim tôi đã nhiều lần thổn thức đập nhanh khi bắt gặp cái màu đỏ nao nao ấy được thắp lên trong một chiều tháng ba miên man gió hát…

Thuở bé, tôi vẫn thường lon ton theo chân mẹ ra giếng làng gánh nước để được ngồi trên thảm cỏ non mềm mại, ngửa mặt lên chót vót cành cao ngắm nhìn hoa gạo đỏ tươi, mướt mị yểu điệu làm duyên giữa nền trời mênh mang màu tro lạnh. Như thể đã hẹn hò từ trước, hoa gạo đồng loạt bắt nhịp với tiếng chim rộn ràng, rừng rực cháy lên ấm áp cả một miền ký ức êm đềm xua tan đi cái rét nàng Bân cuối mùa bịn rịn. Thuở ấy, tôi vẫn hằng ao ước gió hãy thổi mạnh để được thỏa thích nhặt lấy những bông hoa gạo rụng xuống, vừa hít hà thứ hương thơm mong manh, dìu dịu ấy, vừa nhấm nháp ngon lành những cánh nhung ngòn ngọt, mọng mềm. Cuối tháng ba, theo từng đợt gió heo may, lớp lớp hoa gạo rụng rơi bên giếng làng lặng lẽ, rồi kết thúc một mùa rực rỡ. Cây gạo chỉ còn lại những cành già khẳng khiu, tắt lịm, lại âm thầm gom dòng nhiệt khát khao chờ đợi tháng ba của năm kế tiếp…

Lớn lên, tôi thay mẹ đặt trên vai công việc đi gánh nước giếng làng. Giờ đây, tôi lại thích lặng ngắm hoa gạo soi mình dưới đáy nước trong xanh, thăm thẳm. Bỗng nhận ra, tâm hồn mình đã trở nên bụi bặm hơn trước những bộn bề, bon chen của cuộc sống. Vậy mà, hoa gạo qua biết mấy tháng ba sương gió mỏi mòn vẫn rạng ngời, diệu khiết, thanh cao. Sóng nước điệp tròn gợn tỏa xênh xang càng làm cho những miền hoa thêm lung linh, huyền hoặc. Hình như, việc cây gạo mọc bên cái giếng làng cũ kỹ rêu phong này là một sự sắp đặt đầy dụng ý của tạo hóa, lương duyên để vẽ nên bức tranh quê rất đỗi hài hòa và ấn tượng. Và rồi, bất chợt một ngày tháng ba nhiều cung bậc, cảm xúc trong tôi lần đầu chảy thành thơ: “Tháng ba dùng dằng một nửa/ Gạo già bên giếng nở hoa/ Bến quê đong đầy màu lửa/ Trong veo giọng sẻ du ca…”

Mười mấy năm trời ngắm nhìn hoa gạo, chợt vỡ lẽ ra biết bao điều thú vị loài hoa đặc biệt này. Nếu như  nhiều loài hoa khác nở lai rai trong suốt một mùa, hay thậm chí cả một năm dài đằng đẵng rồi tàn lụi, thì hoa gạo là loài hoa trọn vẹn dành riêng cho chỉ mỗi một tháng ba khoáng đạt mà thôi. Mặc kệ gió bạt, mặc kệ mưa sa, mặc kệ những ngược xuôi sương nắng, hoa gạo cứ nhen nhóm sự nhiệt tình trong những búp nõn e ấp, xinh xinh để bùng cháy hết mình cho từng khoảnh khắc nồng nàn, quý giá.
Cho tôi về mùa hoa gạo nở, gom hết những buồn phiền, lo lắng, đắng cay, đem đốt tàn trên bừng bừng hoa đỏ. Để tâm hồn được nhẹ nhàng, thảnh thơi và yên bình như là làn gió, du êm về miền hoài niệm tháng ba. Đôi lúc, ước được là một bông hoa gạo…

PHAN ĐỨC LỘC

;
.
.
.
.
.