Bình lặng đi khi nghe thấy phía bên kia cánh cửa tiếng mẹ chồng nói với chồng:
- Mẹ đã đến rồi, nhà chùa nói hiện đang có hai bé một trai, một gái, đều bốn tháng tuổi. Đứa nào cũng khỏe mạnh, ăn ngoan, ngủ ngoan. Ý mẹ muốn nhận bé trai, con thì sao?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Không thấy Hải trả lời, chỉ nghe tiếng thở dài rất khẽ. Một lát, mẹ lại nói:
- Cũng không dễ gì gặp được cơ hội này con ạ. Cái gì cũng có duyên, có số cả.
Bình và Hải lấy nhau đã bốn năm vẫn không có con. Bố Hải mất sớm, mình mẹ ở vậy nuôi Hải. Khi hai người lấy nhau, lẽ đương nhiên phải về sống cùng với mẹ. Mẹ Hải khi xưa là thợ may có tiếng ở Hà thành. Chiếc máy khâu cũ kỹ vẫn được giữ gìn như một kỷ vật ở một vị trí dễ nhìn thấy ngay trong phòng khách, lúc nào cũng bóng loáng. Bà đã nghỉ việc từ lâu, kể từ khi Hải học hành xong, đi làm. Phía ngoài của căn hộ, bà cho người ta thuê để bán túi xách, dây lưng, ví da.
Hồi Bình mới về làm dâu, cũng có lần cô nói với mẹ chồng thôi đừng cho người ta thuê nữa, để cho nhà cửa sáng sủa. Vả lại, hai vợ chồng cô đi làm đều có thu nhập khá, thừa sức nuôi bà. Nhưng bà bảo, các con đi làm suốt ngày, mẹ ở nhà một mình, có người vào ra cũng đỡ buồn. Mà giá cho thuê cái cửa hàng chỉ chừng hơn chục mét vuông cũng đáng kể lắm.
Căn nhà nằm ngay mặt phố. Sâu hun hút. Cả con phố này, nhà nào cũng sâu hun hút thế. Lần đầu tiên đến ra mắt mẹ chồng tương lai, bước chân vào, Bình phải dụi mắt mấy cái mới quen lối đi lại. Trong nhà, suốt ngày phải bật điện.
Mẹ chồng Bình là người rất kỹ lưỡng, sạch sẽ, ngăn nắp. Lúc nào đặt chân xuống sàn nhà cũng cảm thấy mát lạnh, không gợn một hạt bụi. Bàn ghế, đồ dùng trong nhà cũng vậy, luôn như lau như ly. Phía sau cửa hàng cho thuê là phòng khách nhỏ, qua phòng khách là phòng bếp. Phòng khách cũng đồng thời là nơi đặt tủ thờ gia tiên. Từ khi Bình về làm dâu, cô có thể dọn dẹp mọi thứ trong nhà, riêng bàn thờ gia tiên thì mẹ chồng luôn là người trực tiếp làm, Bình chỉ đứng bên cạnh quan sát, giúp việc lặt vặt. Bài vị trên ban thờ được chạm khắc cầu kỳ, sơn thếp quện với khói hương lâu ngày ngả màu vàng sậm. Bát hương luôn được bà chăm nom rất cẩn thận, chu đáo. Đằng sau bát hương là một chiếc kỷ nhỏ, trên kỷ có ba chiếc đài. Hai bên bát hương, ngoài hai cây đèn còn có hai con hạc bằng đồng đứng chầu. Ở phía ngoài, gần hai đầu hương án là hai ống hương dùng để đựng hương. Ngoài ra còn có đôi song bình lúc nào cũng được cắm những loại hoa ngát hương. Mùa sen thì cắm sen, mùa huệ thì cắm huệ, mùa cau thì cắm mấy nhành hoa cau...
Mẹ Bình đã ngoài bảy mươi nhưng nhỏ người nên trông bà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, tinh anh. Bà có mái tóc rất dài, dày, trắng muốt. Bà vẫn thường mất công chăm mái tóc. Mấy chục năm trời, chẳng dùng một loại dầu gội nào hết, chỉ có duy nhất nắm lá đun với bồ kết. Mái tóc luôn óng ả, mượt mà. Bình gần như không bao giờ nhìn thấy bà chải đầu, nhưng mái tóc luôn gọn gàng. Bà thường dùng một chiếc cặp ba lá để cặp cho chặt sau khi vấn tóc lên. Ngôi rẽ bên trái, thẳng tắp, với rất nhiều những chiếc cặp tăm ghim hai bên để không có một sợi nào lòa xòa xuống mặt. Duy nhất một lần Bình thấy bà dùng một chai dầu rất nhỏ, không biết là tinh dầu gì, nghiêng một giọt ra lòng bàn tay, xoa thật đều, rồi vuốt khẽ lên mái tóc, khiến mái tóc sáng óng ánh.
Bà ăn mặc cũng giản dị, nhưng rất cẩn thận. Bà nói, ở nhà hay ra đường, người phụ nữ phải luôn đàng hoàng, lịch sự. Sự cẩn thận, đúng lề thói, một nếp ăn thói ở có lẽ từ lâu lắm trong bà, được bà chú ý giữ gìn, đôi khi quan trọng hơn rất nhiều so với vẻ ngoài như sự sang trọng giàu có. Lúc nào Bình cũng thấy ở bà một sự nghiêm ngắn, trang trọng, hài hòa. Bà thường mặc áo dài khi đi đám cưới. Áo dài nhung, quần lụa. Không quên lục từ trong tủ gỗ cũ, lấy ra đeo lên cổ chuỗi hạt màu ngọc lục bảo, và một đôi hoa tai đồng màu. Xong, bà choàng lên vai chiếc khăn len được móc rất tinh xảo. Bấy giờ bà mới xỏ chân vào đôi hài nhung thêu họa tiết hoa thị đã được chải cẩn thận. Ra phố, bà sẽ gọi xích lô. Có một thời xích lô thoái trào, đợi cả tiếng đồng hồ cũng chỉ thấy một vài chiếc bẩn thỉu dùng để chở lợn ra lò mổ, thì bà đi bộ. Nay khách du lịch đến nhiều, xích lô tưng bừng trở lại, thì bà lại gọi xích lô. Vợ chồng Bình năn nỉ thế nào bà cũng không chịu lên taxi. Bình hay đứng trên ban-công tầng hai, nhìn qua những cái lá nhỏ của cây hoa giấy, ngắm mẹ chồng khẽ nâng tà áo dài, nhẹ nhàng bước chân ngồi vào xích lô, lưng luôn thẳng. Cho dù đã dựa khẽ vào thành ghế mà lưng bà vẫn thẳng, với một cái đầu ngẩng cao, gương mặt thanh thản, nhẹ nhõm.
Mặc dù rất cẩn thận, thậm chí có phần khắc kỷ, mẹ chồng lại rất tôn trọng sở thích, lối sống của hai con. Ngày nghỉ, ngày lễ, Bình hay rủ chồng đi xem phim, đi siêu thị, đi dã ngoại cùng bạn bè ra ngoại ô và thường trở về lúc đã mệt nhoài, ăn uống no nê, rượu bia say nồng. Nhưng về đến nhà, bao giờ cũng thấy một nồi cháo chim bồ câu với hạt sen mẹ chồng đã hầm sẵn vẫn còn ấm trên bếp. Nghe thấy tiếng mở cửa, bao giờ mẹ cũng ra đón. Mái tóc dù vừa từ trong phòng ngủ đi ra, vẫn gọn gàng, óng mượt. Mẹ sẽ bảo: Hai đứa ăn dặm thêm bát cháo cho ấm bụng rồi hẵng đi ngủ. Chơi bời cả ngày, ăn uống linh tinh, làm sao bảo đảm sức khỏe chứ.
Mặc dù mẹ chồng chẳng bao giờ trách mắng về việc hai vợ chồng đi chơi, bỏ mặc mẹ ở nhà, nhưng dần dần, chính những nồi cháo còn nóng lúc nửa đêm đã khiến Bình không còn hứng thú với các cuộc vui bên ngoài.
Hai vợ chồng sống với nhau tính ra đã bốn năm. Nếu không nói đến việc không có con thì họ rất hạnh phúc. Một đôi lần, Bình bắt gặp ánh mắt khao khát của mẹ chồng khi nhìn thấy con dâu nhà hàng xóm ngồi cho con bú ngay trên bậu cửa. Đứa bé ấy rất mập mạp, trắng trẻo, xinh xẻo như một con búp bê. Bà mẹ trẻ cũng xinh xắn nữa. Hai má lúc nào cũng phinh phính, đỏ hồng, với một bên ngực áo luôn ướt đẫm vì sữa.
Và Bình luôn rơm rớm nước mắt trước cảnh ấy. Hai người đã đi khám nơi này nơi nọ, bao giờ mẹ chồng cũng lặn lội đi theo. Rồi uống thuốc nam, thuốc bắc. Rồi kiêng khem, rồi tính tính toán toán, vẫn chẳng có được mụn con nào. Vợ chồng ở với nhau mà không có con chẳng khác gì trồng một cái cây, chăm bẵm mãi, tưới tắm mãi mà không ra hoa kết trái.
Mặc dù chồng không nói gì, mẹ chồng cũng không bóng gió gì, nhưng Bình luôn cảm thấy một gánh nặng vô hình về đứa con, lại phải là con trai, để nối dõi tông đường.
Đột nhiên, lúc này nghe thấy mẹ chồng nói về việc xin con nuôi, Bình cảm thấy đất đang sụt dưới chân mình. Nỗi ngờ vực bấy lâu còn xa xa, mờ mờ, giờ hình như đang hiển hiện rất rõ rệt ngay trước mắt Bình.
Tại sao lần nào hai vợ chồng đi xét nghiệm, mẹ chồng cũng đi cùng? Và lần nào mẹ cũng bảo, các con bận đi làm thì về trước đi, để mẹ đợi lấy kết quả cho.
Tại sao mẹ không dằn hắt, bóng gió Bình về việc không có con?
Phải chăng… phải chăng nguyên nhân là do con trai bà?
Nghĩ tới đây, Bình muốn tự vả vào má mình. Thấy tội lỗi đang tràn ngập trong lòng. Chắc không phải thế chứ. Chẳng lẽ mẹ lại giấu mình, bắt tội mình?
Thực tâm, xét cho cùng, nếu đúng nguyên nhân xuất phát từ phía chồng, thì Bình cũng không hề nghĩ đến việc sẽ từ bỏ anh, mặc dù nỗi khát khao được làm mẹ thì chưa bao giờ nguôi.
Và Bình bắt đầu chờ đợi trong một nỗi run rẩy không thể kiềm chế được. Chờ đợi cái khoảnh khắc mẹ chồng nói đến việc sang chùa xin con nuôi cho hai vợ chồng.
Cũng không phải Bình chưa hề nghĩ tới việc xin con nuôi. Nhưng Bình hay nghĩ cực đoan. Bình nghĩ, con cái thế nào, quan trọng nhất là bố mẹ ra sao. Mà những bà mẹ, ông bố tử tế thì chẳng bao giờ bỏ con đi. Đồng nghĩa với việc, những người đã ruồng bỏ con cái thì chẳng ra gì. Mà bố mẹ đã không ra gì, ai dám chắc những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy, cho dù được mình yêu thương như con đẻ, lớn lên nó đã thành người tử tế. E rằng, lúc ấy lại ân hận, giá mình không mang nó về.
Nhưng Bình chờ mãi, chờ mãi mà mẹ chồng vẫn không nói với Bình về việc xin con nuôi. Bình lại nghĩ, hay mẹ lẳng lặng làm việc đó sau lưng mình, không cho mình biết. Cũng không thể như thế được, vì đã xin về, chẳng lẽ lại mang đi nuôi ở nơi khác?
Nỗi dằn vặt khiến Bình như biến thành người khác. Ăn nói chỏng lỏn với mẹ, bẳn gắt cáu kỉnh với chồng, bỏ ăn đến phát ốm.
Đột nhiên có một biến cố xảy đến. Mẹ chồng bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến sự trợ giúp của máy móc và nhiều khả năng sẽ không qua khỏi.
Cả hai vợ chồng Bình đều hoảng loạn. Bấy lâu, mẹ như một chỗ dựa cho hai vợ chồng những lúc bát đũa xô lệch, nay mẹ nằm một chỗ, sự hẫng hụt đã thành một khoảng trống rất lớn.
Bình gần như ở bên mẹ chồng cả ngày, chải tóc cho bà bằng cái lược sừng đen bóng, hằn cả vết tay cầm. Ba ngày, năm ngày, một tuần… mẹ chồng vẫn không có khả năng phục hồi. Bác sĩ nói, gia đình hãy chuẩn bị tinh thần đi. Nhưng Bình không tin. Mẹ chồng cô vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như thế, vốn dĩ không có trọng bệnh, vốn dĩ không có cái dáng vẻ kiệt quệ của tuổi già, chẳng lẽ bà đi với ông sớm thế. Mỗi lần về nhà lấy đồ, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, Bình lại nhớ cái dáng nhỏ bé, thanh thoát của mẹ chồng. Bà hay ngồi trên cái ghế có lót một miếng đệm được may bằng vải hoa con công, tỉ mẩn vá một chiếc tất cũ, đan một chiếc mũ len cho trẻ hàng xóm, thậm chí là khâu một chiếc áo cho con mèo mun mặc chống rét. Không có bà, căn nhà trống trải biết mấy.
Rồi đến ngày thứ mười thì bà tỉnh lại, với một ánh mắt tinh anh đặc biệt mặc dù không giấu nổi mệt mỏi.
Bà đặt bàn tay nhỏ nhắn, không một vết đồi mồi, với những cái móng đã bợt bạt đi từ hôm bà ốm vào tay Bình. Bà nói rất khẽ nhưng rõ ràng:
- Con về nhà, vào phòng mẹ, trong cái tủ gỗ ở đầu giường, ngăn thứ hai, có một cái hộp khảm trai. Con lấy cái hộp ấy ra đây cho mẹ. Nhớ, đừng để cho chồng con biết.
Lần đầu tiên Bình bước chân vào phòng riêng của mẹ chồng từ khi về làm dâu. Căn phòng mới vắng bóng bà mấy hôm đã bắt đầu bốc lên mùi ẩm mốc. Bình mở cái cửa sổ nhỏ, vén lên cả bức rèm được bà móc bằng kim móc, chắc số tuổi cũng phải tương đương với tuổi của Hải. Căn phòng sáng lên một chút. Bình tìm cái tủ gỗ, mở ngăn thứ hai, lấy cái hộp khảm trai. Cái hộp có một cái ổ khóa nhỏ nhưng không khóa. Bình rất tò mò, muốn mở xem bên trong đựng thứ gì, nhưng cô không dám.
Trên đường tới bệnh viện, Bình đặt ra không biết bao nhiêu tình huống có thể sắp xảy ra.
Mẹ chồng bảo Bình mở hộp, đưa cho bà một tờ giấy đã ố vàng. Thứ giấy dày, sẫm màu, thô ráp. Bà nói:
- Đây là bí mật mà mẹ đã giấu thằng Hải hơn ba mươi năm nay. Nay mẹ nói với con, coi như mang tới cho con một gợi ý về cuộc sống của các con sau này.
Nói rồi, bà đặt tờ giấy vào tay Bình. Bình mở ra bằng những ngón tay run rẩy.
Tờ giấy là một bản thỏa thuận. Nội dung ghi: Ngày… tháng… năm…. Tại địa điểm… tôi là Vương Thị Phúc, nhờ chị Đàm Ngọc Hà nuôi giúp đứa con vì tôi thực sự không có khả năng nuôi con…
Bình chỉ đọc được tới đó, thấy người nhẹ bẫng như đang bay là là, lại thấy như có ai đó đang níu mình lại.
Mẹ chồng nói rất khẽ:
- Mẹ đẻ của nó đã mang cái xe đạp của mẹ đi, và để nó lại.
Sau đám tang, vợ chồng Bình quyết định giữ nguyên căn phòng của mẹ. Bình muốn tin rằng, đó là nơi mà mẹ muốn thì có thể trở về. Và cô luôn mở hé cánh cửa sổ. Cô nghĩ, nếu mẹ về, mẹ sẽ đi vào từ cửa sổ. Cái rèm nhỏ, được móc bằng những sợi chỉ trắng, với hoa văn tinh tế, cũng được vén lên.
Nhưng Hải, và cả Bình đều không thể quen với sự vắng mặt của mẹ. Những buổi chiều muộn, khi những tia nắng cuối cùng đã tắt trước cửa căn nhà hướng về phía tây, Hải hay ngồi lên cái ghế có miếng đệm bằng vải hoa con công mà mẹ vẫn ngồi, nhìn lên di ảnh mẹ.
Hai tháng sau khi tiễn mẹ, Bình quyết định đưa cái hộp khảm trai cho Hải. Mẹ từng nói, giải quyết thế nào với cái hộp là tùy ở Bình. Nghĩa là Bình có thể nói, cũng có thể giấu mãi sự thật về cuộc đời Hải.
Hải đặt cái hộp trong lòng, không mở ra. Bình rụt rè:
- Chẳng lẽ anh …
Hải nhìn Bình:
- Anh biết từ hai mươi năm trước rồi. Khi người phụ nữ ấy trở lại, gặp anh ở đầu phố. Bà ấy nói sẽ trả cho mẹ anh cái xe đạp. Nhưng anh không thể đi theo bà ấy được.
Bình ôm lấy chồng từ phía sau, gục đầu xuống bờ vai vững chãi của anh. Mùi hương trầm tỏa ra thơm ngát, lẫn với sự ngào ngạt của những bông huệ tinh khiết ở trên cao.
Nhưng còn có điều khiến Bình kinh ngạc hơn nữa. Khi Hải giao lại chiếc hộp, Bình mang vào phòng mẹ, mở ngăn kéo thứ hai của chiếc tủ gỗ ở đầu giường bà, thì còn thấy một chồng giấy tờ khác. Một trong những tờ giấy hồng, giấy xanh chi chít con số với các loại ký hiệu đã khiến Bình bàng hoàng. Hóa ra, nguyên nhân khiến hai người không có con, hoàn toàn không phải do Hải.
Bình ngồi bệt bên khung cửa nhỏ dẫn ra cái ban-công hàng trăm năm tuổi. Giàn hoa giấy đang bung hoa rực rỡ, bên kia những cánh hoa, thấp xuống phía dưới, là con phố đang được giăng đèn kết hoa. Bình như thấy đâu đó, trong đám đông, một người phụ nữ nhỏ bé, tóc vấn gọn gàng, mặc áo dài nhung, cổ đeo chuỗi hạt màu ngọc lục bảo… thư thái, an nhàn trên chiếc xích lô có cái ghế ngồi bọc da màu đỏ…
ĐỖ BÍCH THỦY