Cậu Chín là em ruột của má chồng tôi.
Cậu có nhà cửa, vợ con ở trong Nam, nhưng ra vô miền Trung thường xuyên vì công chuyện làm ăn. Chuyện cậu chỉ còn một chiếc dép luôn là thắc mắc của mọi người, mỗi khi, cậu có ở nhà. Ai lấy cắp gì kỳ? Hay là bị chó tha mất?... Luôn là mấy câu hỏi lóe lên trong đầu chúng tôi. Lóe lên tức thì và cũng tức thì mất biến, khi, chợt nhớ ra: Một chân của cậu Chín đã bị cưa gần đùi vì tai nạn xe cộ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cậu dùng cây nạng gỗ, chứ hiếm khi mang chân giả. Chỉ đem theo để khi cần thì: “Cũng đủ cặp giò như người ta”. Ấy, là nói theo cách của cậu còn những việc cần, theo như tôi biết, là: thi thoảng dự đám cưới, đi ăn giỗ và thường xuyên mời các em đi chơi. Cậu Chín ưa giỡn, tính hào phóng và đào hoa. Cậu đẹp trai, lịch lãm và hát rất ngọt những bài tình ca điệu boléro. Hẳn, đó là lý do nhiều cô gái thích. Và cậu, đi tới đâu là vướng víu ái tình tới đó dù là đi với chiếc nạng, những bước không thẳng thớm và một bên quần, lất phất.
Gần như, tuần nào cậu cũng ra đây. “Cậu về”, “Cậu về”… luôn được mấy đứa cháu reo lên trong sự vui thích! Cậu luôn đặt cây nạng gỗ ở góc phòng, ngồi bệt xuống đất trò chuyện với mọi người và cần đi đâu là vịn tường, cà nhắc. Có cậu, không khí trong nhà dẫu đang nặng trịch cũng chóng vánh, nhẹ hều. Ai nấy đều tươi tỉnh vui vẻ. Má chồng tôi hay đùa: “Nhìn phía trước, thấy dép không đủ cặp. Dòm vô trong, thấy nạng lẻ đôi, là tao khỏe liền”. Mọi người trong gia đình tôi mừng bởi có cậu, là có những bữa cơm rất khác thường ngày. Cơm có thịt hẳn hoi với nhiều món ngon lành hấp dẫn, cháu trai cháu rể có gói thuốc thơm, chai bia mậu dịch nhâm nhi, mấy đứa nhỏ thì rủng rỉnh ít đồng… Tính cậu rộng rãi biết nghĩ đến người khác. Và, cuộc sống của má con tôi trong khoảng thời gian này rất khó khăn.
Tôi, ngày ngày, nấu soong chè đem ra ngã tư gần nhà bán. Hồi đắt không nói gì. Hồi ế, trông cậu Chín sao mà trông? Nên rất mừng khi nhác thấy cậu chống nạng từ trên xích lô bước xuống. Cậu rất tâm lý và cảm thông. Thường cà nhắc ra chỗ cháu dâu bán và ân cần hỏi han: “Còn nhiều há con? Để cậu mua cho. Bưng vô đi!”. Chỉ chờ có thế! Tôi tăm tắp làm theo trong niềm vui sướng ngập tràn của việc bán hết hàng. Và, cái niềm vui này nó dung dị, lạ lùng lắm kìa! Một niềm vui bé mọn mà chỉ có những ai đã từng được hưởng nhận, mới hiểu hết ý nghĩa. Như cái sự ế ẩm trong bán buôn? Chỉ có người đã trải qua mới thấm thía. Thật may, nhờ có cậu mà chè ế ngay lập tức biến thành chè đắt. Cũng lập tức, vắng bặt nụ cười meo méo của tôi với đôi mắt nhiều âu lo, khi ngồi ngay ngã tư để thay bằng một cặp mắt sáng và nụ cười tròn trịa khi nhanh nhảu múc chè bán cho người nhà. Thằng Út lợi dụng tối đa chuyện mua chè không cần tiền, hối hả nhai nuốt.
Nhìn quanh, ai cũng hài lòng và tất nhiên, tôi, chủ nhân của soong chè là hài lòng nhất. Tôi cầm những đồng tiền bán chè cậu đưa, mà như buộc giữ lại cho riêng mình bao xúc động, thương yêu cùng với sự biết ơn thầm lặng.
Trong suốt quãng ngày làm bạn với vỉa hè, cậu Chín đã ra tay cứu nguy cho tôi không biết bao lần. Và bởi đó, cậu cũng đã kịp đem đến cho gia đình tôi những bình ổn nhỏ nhoi mà cần thiết. Nhẹ nhõm, vì hàng bán hết veo lại được ăn một bữa cơm quá ngon nên đêm tới, mọi người hết sức hào hứng khi, xúm xít quanh cậu và ông xã tôi đàn hát. Chồng tôi chơi ghi-ta khá và dù không thích boléro nhưng đệm rất điệu đàng khiến ca sĩ hát thật xuất thần và hầu hết các khán giả đều nghe, rất mực mê say. Cảm động với sự thưởng thức tuyệt vời, sau buổi diễn bao giờ ca sĩ cũng đãi cho các fan hâm mộ một chầu hột vịt lộn, ngon lành và no nê.
Những ngày túng bấn chật vật đó, tôi đã luôn coi cậu Chín như vị cứu tinh. Sau này, khi thoát ra được cảnh khó nghèo, tôi lại thêm thấu cảm tấm lòng của cậu. Có thể là với nhiều người thì rất ư là nhỏ nhặt. Không đáng kể gì! Nhưng với gia đình tôi, chút tình ấy mới sâu nặng và đậm chất nghĩa hiệp biết bao! Như một sự trùng hợp, cậu Chín lại thêm lần nữa bị tai nạn xe cộ. Lần trước, cậu mất một chân và lần sau, những người thân mất hẳn cậu. Xác cậu được chôn ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Vợ chồng tôi có ra thăm mấy lần. Trong những giấc mơ, đôi khi, tôi gặp lại cậu cà nhắc trên chiếc nạng gỗ. Có một câu, tôi thường nói trong lặng thầm với cậu và nói ngay cả khi không mơ: “Giờ con không phải bán chè nữa, mà có bán lỡ ế, lấy ai mua giùm đây, thưa cậu?”.
MỸ NỮ