Khác với Hải Vân và Bà Nà, Sơn Trà đặc biệt nhiều sim. Tầm tháng năm, tháng sáu hoa sim, hoa mua nở bạt ngàn tím ngát hai bên đường, đẹp ngơ ngẩn. Đến tháng bảy, tháng tám sim chín, chúng tôi lại kéo nhau lên…
Sơn trà, mùa hoa sim nở.Ảnh: T.Y |
Từ hồi chưa tu sửa đường sá, tôi đã nhiều lần lên núi Sơn Trà. Dạo đó hiếm hoi lắm mới gặp một vài người đi làm rừng, hoặc vài chú bộ đội, còn lại cứ một mình một đường. Những ngày trời hơi mù mù, đi đường có thể gặp khỉ và sóc. Khỉ cả đàn chuyền trên cây, nhìn người e dè một chút rồi thản nhiên chuyền cành tiếp. Sóc thì vọt ngang qua đường nhanh đến mức mình chỉ kịp thấy chóp đuôi. Thi thoảng có con gì giống con chồn, chim chóc thì nhiều vô kể, sà cả xuống đường. Sau này sửa sang phát triển du lịch, mấy con vật đó sợ người, dần tránh đi hết cả.
Ban đêm lên đó ít ngắm được trăng, vì trời thường mù, có những ngày trời mù đến mức bật đèn pha, chỉ thấy được cách mình một mét. Bù lại, có những khúc quanh, trời tự nhiên trong vắt, thấy rõ được Đà Nẵng sáng đèn dưới xa.
Khác với Hải Vân và Bà Nà, Sơn Trà đặc biệt nhiều sim. Tầm tháng năm, tháng sáu hoa sim, hoa mua nở bạt ngàn tím ngát hai bên đường, đẹp ngơ ngẩn. Đến tháng bảy, tháng tám sim chín, chúng tôi lại kéo nhau lên. Sim từ đồi Vọng Cảnh trở đi to và ngon hơn đoạn từ đồi Vọng Cảnh trở xuống, ít người hái nên quả sim chín nẫu, căng mọng. Đứa bọc trong vạt áo, đứa lấy mũ bảo hiểm đựng, sợ rắn nhưng vẫn len lỏi hết bụi này qua bụi khác, í ới gọi nhau, môi miệng ngọt mùi sim.
Chúng tôi thường chơi nơi khoảnh đất trống rộng, có cây đa to, mùa hè lá xòa xuống tận đất, mát rười rượi. Gốc cây để bát hương, lần nào lên tôi cũng thấy có chân hương mới. Chỗ đó sim đặc biệt ngon, cây cằn nhỏ nhưng quả to và ngọt. Đến mùa thu nơi đây lau rất nhiều, loại lau nhỏ trắng muốt, không to và xam xám như lau thường thấy dọc đường, vút một tầm nhìn đẹp thẳng xuống eo biển và phố xá nơi xa.
Mọi lần chúng tôi vẫn ở đó chơi đến tầm 8-9 giờ tối mới về mà không gặp chuyện gì bất thường. Riêng một hôm trời trong, tự dưng khoảng 19 giờ sương mù đổ xuống dày đặc, đặc lắm, không rõ mặt người, tôi ớn lạnh, cảm giác có người lố nhố đứng vây quanh. Tôi không dám nói gì, chỉ rủ chúng bạn về. Cả đám về luôn, không kỳ kèo như mọi bận. Nguyên đoạn từ chỗ đó đến khoảng 2-3 cây số nữa, tôi thấy phảng phất như có bóng người đi theo, thấp thoáng có bóng người đứng bên vệ đường nhưng định thần nhìn kỹ lại không thấy gì. Cả đám cắm cúi chạy xe, không đứa nào dám mở miệng nói lấy một câu…
Xuống đến chân núi, tôi sợ mình thần hồn nát thần tính nên gợi hỏi, không ngờ mấy đứa kia cũng nói y hệt, mà chúng tôi có đứa nào tin vào ma quỷ hay thần thánh. Bạn tôi về coi lịch thì ngày đó trúng 30 âm lịch, hỏi mấy người đi rừng thì họ nói lên Sơn Trà, bọn bay liều lắm mới dám đi vào ban đêm! Sau này chúng tôi mới biết bãi đất trống đó là sân bay trực thăng, nơi từng tập kết xác lính Mỹ trong chiến tranh… Cũng từ lần đó trở đi, nhóm tôi không đứa nào dám la cà trên Sơn Trà, đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến sân bay trực thăng quá 7 giờ tối nữa.
Lại nhớ đợt bão Xangsane năm 2006, bão tan, hội bạn líu ríu rủ nhau đi một vòng thị sát. Thành phố xác xơ như sau trận bom thù. Kè đường Nguyễn Tất Thành vỡ, vùi sâu dưới hàng tấn cát. Sơn Trà cây cối nát bươm, đá lăn kín đường, cả lũ bần thần: “Đà Nẵng mình bị nặng quá, biết bao giờ mới lại như trước”. Thế mà xuống đến chân núi, đã thấy mây tan, nắng hé ra vàng rực, và đàn bò nhà ai thản nhiên gặm cỏ dọc đường. Tự dưng thấy rưng rưng, và tin tưởng rằng thành phố mình sẽ hồi phục, nhanh thôi.
Sau đó vài năm, hội bạn tan rã, đứa theo chồng bỏ cuộc chơi, đứa định cư nước ngoài, vật đổi sao dời cả, chỉ có Sơn Trà hằng năm sim vẫn tím bạt ngàn chờ đợi. Nơi phương xa, bạn lên Facebook đăng ảnh chụp Sơn Trà thời xa xưa “mi ơi, răng mà ta nhớ Đà Nẵng, nhớ Sơn Trà ghê quá…”.
Một tấm ảnh mà chất chứa bao nỗi lòng…
PHAN NGUYỆT