.
Tản văn

Một thoáng Huế

.

Những ngày ngắn ngủi ở Huế, chưa đủ cảm nhận nhiều về xứ Huế, có chăng chủ yếu qua kiến thức sách vở, trên các trang mạng rồi qua thực tế để hiểu thêm. Dẫu vậy, cũng lắng lại trong lòng tôi một chút với Huế, xứ mà người thường gọi “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”.

Chùa Thiên Mụ. Ảnh: M.S
Chùa Thiên Mụ. Ảnh: M.S

Huế trong mắt tôi, có nét dịu dàng thực sự. Sự trầm tư biểu hiện qua từng cử chỉ, qua lời nói, qua cách chào nhau, thân giao trong những câu chuyện, hay giữa ồn ào của các khu phố Tây, người Huế vẫn không đánh mất nét rất riêng của mình khi ta lạc bước vào đây.

Trong lần trò chuyện với anh bạn đồng nghiệp ở Báo Thừa Thiên-Huế, tôi nói vui, cầu Trường Tiền ánh sáng… không nổi bật để tạo nên một điểm nhấn về đêm kiểu như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng hay cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng. Anh đồng nghiệp “nói lẫy” rằng, “làm sao so với thành phố đô thị loại 1, trực thuộc Trung ương được”, rồi anh đưa ra cái lý, ánh sáng cầu Trường Tiền cũng giống như tính cách con người Huế…

Được tham quan chuyến du lịch sông Hương, cảm nhận rất rõ, ấy là sông Hương êm đềm, trong xanh trong tiết trời chiều cuối xuân đầu hạ. Hai bờ sông Hương ngập cỏ xanh miên man như còn vẹn nguyên nét nguyên sơ ban đầu của dòng chảy đã đi vào thi, ca, nhạc, họa của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ, mà bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như đã nói lên tất cả. Cùng chuyến thuyền rồng hôm ấy, có anh Phan Hòa, Trưởng phòng Văn xã Báo Quảng Bình, chia sẻ những cảm nhận về Huế, cách làm du lịch của Huế. Sự khác biệt rất rõ nhìn từ hiệu quả ấy là Huế lưu giữ được du khách ở lại lâu hơn (so với các địa phương láng giềng), tạo nên sự phát triển du lịch theo chiều sâu, có tính bền vững cao. Điều này có được do Huế có nhiều lợi thế về điểm đến du lịch và họ khai thác tốt, hấp dẫn du khách. Nhìn đội thuyền rồng du lịch sông Hương, không khỏi khiến nhiều địa phương khác phát thèm.

Có một điều không biết do tôi “để ý thái quá” hay là một cách “tự hào quê hương có dụng ý” của những người lãnh đạo các cấp, các ngành ở Huế. Lời phát biểu đều có chung một “mô típ” giới thiệu: Thừa Thiên-Huế rộng bao nhiêu, dân số bao nhiêu, hay huyện Phong Điền có diện tích bao nhiêu, dân số bao nhiêu, xã Phong Xuân có diện tích bao nhiêu, dân số bao nhiêu, địa hình ra sao... Trong các lời giới thiệu, những người làm du lịch ở các địa phương thuộc Huế, đến những người làm báo Huế đều nhắc rất nhiều về điểm đến nơi họ quản lý, và không quên “tuyên truyền” đến du khách về lễ hội Festival Huế 2014, về “Huế - Thành phố di sản thế giới”. Mặc dù du khách biết về những điều tưởng như “chủ nhà” giới thiệu về Huế là thừa, nhưng trong sự “thừa” đó, tôi thừa nhận nó khắc lại trong tôi về một cách để nhớ đến Huế.

Có điều, trong hành trình tham quan, thăm các di tích lịch sử, khu làng cổ Phước Tích, không chỉ tôi mà còn nhiều anh em đồng nghiệp khác cứ băn khoăn về con đường dẫn vào Khu đền thờ - lăng mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) có chút hẹp. Nếu không có xe dẫn đoàn, rất khó để cho khách thập phương tìm thấy đường dẫn vào vì thiếu bảng hiệu chỉ dẫn. Đến Làng cổ Phước Tích nằm bên dòng Ô Lâu rất khó tìm thấy... người trẻ, và chút cảm nhận (hay lòng tham hoài niệm) cứ muốn bắt tôi bảo rằng vẫn còn... chưa cổ lắm. Thôi thì “Huế mộng mơ” đã chẳng in hằn sâu trong ký ức của biết bao dòng người xuôi ngược.

Thăm Huế, nghĩ về Đà Nẵng, lại nhớ câu nói, Đà Nẵng có tất cả nhưng vẫn chưa có gì đủ đặc biệt để nổi trội hơn so với các địa phương khác của chuyên gia nước ngoài Guillauma Van Grinvens - người có hơn 45 năm làm việc trong ngành du lịch, giải trí và khách sạn, từng tham gia vào rất nhiều dự án marketing và xây dựng thương hiệu cho nhiều thành phố trên thế giới dẫn dắt. Câu đánh giá e làm nhiều người con xứ Đà thành chạnh lòng, nhưng dẫu sao nó cũng là cái nhìn khách quan mang tính xây dựng rất thiện chí. Nhìn dòng Hương Giang, tôi lại mơ về một dòng Cổ Cò từng nổi tiếng trong lịch sử ngoại thương của xứ Đàng Trong, nối liền Đà Nẵng với thương cảng Hội An rất sầm uất vào thế kỷ 16 - 17 nay mai sẽ được khơi thông…

MINH SƠN

;
.
.
.
.
.