.
Tản văn

Những người tử tế

.

Đã lâu rồi, tôi dường như quên mất cách nhìn mặt mà bắt hình dong. Bởi vì trừ mấy anh xăm trổ đầy mình, mấy cô mắt xanh mỏ đỏ thì ngoài ra khuôn mặt ai cũng từa tựa như nhau. Nụ cười nửa môi, ánh nhìn dè xẻn, đam mê hời hợt tạo ra thứ thân mật cầm chừng giữa vô vàn mối quan hệ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Làm sao để nhận mặt từng người trong một đời sống như phông nền sân khấu mà thứ ta nhìn thấy chỉ là vai diễn của nhau. Để giúp bản thân không tuyệt vọng về chính đồng loại của mình, tôi đã phải nhận mặt những người tử tế bằng một cách riêng. Những con người đó, thân phận đó lầm lũi như không có mặt, như vụt thoát hết mọi đường nét từ khóe môi, ánh mắt. Như là cách mỗi lần nhìn họ tôi đã cố không chạm vào những cái mặt lạ của nhau…

Những con người tử tế lẫn đâu đó trong cái chợ cóc giữa đống thúng mủng, dây rợ và mùi tanh nồng đến lợm giọng của cá tôm. Đó là chị bán tôm với cái cân bị sai lệch đi vài lạng, gặp khách nào chị cũng tự thú và nhanh nhẹn cân thêm cho đủ. Tôi không nhìn thấy mặt chị bao giờ, vì chiếc nón che đi cái nắng sớm mai che luôn cả buồn vui trên khuôn mặt. Tưởng như cả buổi chợ dài chị cứ lúi húi vậy thôi, thấy không cần thiết nên không ngẩng lên lần nào. Chỉ nhìn thấy bàn tay chị thoăn thoắt lột sạch sẽ từng con tôm, chỉ thấy cái giọng vui không ra vui, buồn chẳng phải buồn thi thoảng lại cất lên: “Bảo đi sửa cái cân hoài mà chưa đi được. Đợt mới đi buôn mua lại nó của bà bán đồng nát. Nhưng mà yên tâm đi, tôi biết bệnh nó nên sẽ cân đủ. Hôm nào tôi cũng ngồi ở góc này nè”. Với tôi, chị là người lao động tử tế chỉ đơn giản qua mấy hành động đó, như cách chị vớt tôm vẩy cho ráo nước rồi mới đặt lên bàn cân. Nhìn chị tôi không khỏi nhớ đến những lần đi chợ mua phải mấy con cá được chủ bóp mồm hớp no căng bụng nước, những con gà được nhồi thóc đến tắc thở từ buổi sớm mai. Ngay cả mấy ngọn măng ngâm cũng sùng sũng nước. Ừ thì có đáng là bao…

Chỗ tôi trọ ngay gần cổng bệnh viện nên có đến cả chục quán cơm bình dân mọc san sát, cứ đến giờ cơm là nhộn nhạo những người. Thỉnh thoảng bận bịu không tự chợ búa cơm nước được tôi cũng xếp hàng ăn tạm một bữa cơm ngoài quán. Tôi chọn quán anh. Dù nhìn tủ thức ăn hôm nào cũng chỉ vài ba món: đậu phụ xốt, thịt rang và rau luộc. Nhưng vì rau anh luộc xanh mướt mắt, đậu phụ anh rán vàng ươm, xào xốt sao mà vừa miệng, thịt rang với hành không bao giờ thấy vị hoi. Lần nào đến quán, anh cũng bảo: “Lâu rồi không thấy em ghé qua”, tôi không ngẩng lên nhưng cũng thấy ấm áp nên khóe môi tự nhiên thèm được mỉm cười. Thèm được lấn lá ngồi nhìn anh bật bếp đảo lại thức ăn cho từng vị khách. Ngay cả cái cách anh gắp thức ăn cho mỗi xuất cơm cũng thấy sự tận tình, thấy nghề bán cơm cũng có đạo đức của nghề dù không ai cấp phép. Sự tử tế nằm ở đôi bàn tay người đàn ông ấy, khi tôi thấy anh bao giờ cũng vuốt phẳng phiu từng tờ tiền trước khi đưa hai tay trả lại cho những vị khách của mình.

Tôi có cái tính hay chờ đợi người dưng. Như sáng nào cũng nằm ngủ lười trong chăn chờ một tiếng dừng xe của anh nhân viên bưu điện. Tôi không bao giờ nhận nhầm tiếng dừng xe ấy dù xóm trọ có đông người qua lại. Tôi mường tượng ra anh dừng lại, lục tìm trong túi thư báo vắt ngang yên xe, kiếm tìm một cái tên rồi nhẹ nhàng cài bên cửa sắt. Tiếng sột soạt khe khẽ mà khiến tim tôi nhảy nhót những nhịp vui như đứa trẻ lên mười mỗi lần nghe tiếng mẹ lục làn. Thứ âm thanh đó gần gũi với tôi như một người bạn, nó khiến tôi bớt cô đơn khi chỉ sống một mình. Mỗi lần tôi đi xa, khi trở về đều nhận được đầy đủ thư từ báo biếu. Xóm trọ không có thùng thư nhưng thư từ của tôi chưa bao giờ bị bẩn hay nhàu nát. Những ngày mưa, nước lênh láng chảy tràn xóm trọ, anh không dám cài thư ở ngoài sợ ướt nên chọn chỗ khô ráo hiếm hoi cuối cùng đặt ngay ngắn cho tôi. Cũng có hôm tôi dậy sớm chờ anh. Thấy cửa mở, anh gọi tên tôi bằng một giọng rất vui. Kiên nhẫn chờ tôi lúi húi ngó qua gương vuốt lại mái tóc, xỏ đôi tông, buông hai cái ống quần để tận tay đưa tôi mấy tờ báo biếu. Có những chủ nhật mưa, thấy tiếng xe dừng lại, anh lúi húi trong chiếc áo mưa nhìn tôi cười bảo: “Có mấy thư chuyển tiền, anh kẹp luôn vào túi ni-lông cho đỡ ướt. Em nhớ mở ra xem kẻo để quên lại hết hạn nhận tiền”. Tôi rưng rưng trước một người tử tế nên đã có lần ngẩng đầu, bắt gặp nụ cười ấm như nắng sớm…

Đứng trước họ. Đừng bao giờ quên hai tiếng: “Cảm ơn!”.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.