.
TRUYỆN NGẮN

Dòng xoáy

.

Chẳng cần bão lũ hay nước dâng thì đoạn sông ấy cũng vô cùng nguy hiểm bởi xoáy nước hung hãn do dòng chảy bị gãy khúc. Theo thời gian, nhiều căn nhà đứng chỏng chơ trên mé sông này đã theo bà thủy về chốn vô cùng, gây nên cảnh chiếu đất màn trời, mái đò là mái ấm cho vài gia đình tấc đất cũng không có nên phải đành dựa sông nước làm kế sinh nhai. Trong số ấy có Tư đờn kìm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ai cũng biết là sống trên doi đất đó là liều nhưng với họ thì không thể khác bởi bữa ăn còn chưa thật sự no thì lấy đâu ra tiền để tậu những khoảnh đất ngon lành mà an cư lạc nghiệp. Hẳn họ là những người phiêu bạt, những di dân tự do nên địa phương cũng không thể giúp đỡ được gì khi mà quỹ đất thổ cư nơi này đã cạn kiệt.

Cái tên Tư đờn kìm nghe thấy quen quen, chí ít cũng với cánh ghe buôn vùng này bởi ghe buôn thì không thể không ghé làng chài, nơi có nhiều sản vật để họ trao đổi, mua bán. Để rồi khi rảnh rỗi, tiếng đờn kìm của ông Tư làm họ xao xuyến nhớ về những kỷ niệm xa xưa nào đó mà tìm đến ông để cởi dạ mở lòng.

Với con đò già nua, mái che bạc màu năm tháng, tuổi của nó hẳn cũng gần bằng tuổi đời ông Tư nhưng còn khá chắc chắn bởi chất liệu gỗ sao đen rất bền. Nó theo ông qua trăm sông nghìn suối, qua vô vàn cơ cực thăng trầm để rồi cắm sào quãng sông này do phong cảnh hữu tình và lòng người nơi đây rất đỗi bao dung.

Chiều xuống chậm, những tia nắng cuối ngày nhảy nhót lao xao trên cánh đồng lúa chín bạt ngàn. Những cánh cò cũng đã xếp lại, chúng nhàn nhã tỉa tót lại bộ lông đã bị xộc xệch sau một ngày vất vả kiếm cơm. Chúng cũng lắm chuyện, vui vẻ ồn ào không kém khách thương hồ khi buôn bán đắc lợi. Trong mắt ông Tư chúng là thiên thần, là những người bạn trong ký ức của tuổi thơ ông, lung linh ẩn hiện trên nền cây dại xanh rì ven sông.  

- Con nói nhiều quá, mẹ nhức đầu lắm!

- Sao con không nhức hả mẹ?

Quả là câu hỏi quá khó đối với Dậu, người mẹ không chồng, buôn bán theo ghe nên con gái chị tuy đã tám, chín tuổi rồi mà chẳng được học hành gì. Nó là niềm vui của chị, giúp chị đứng vững trên thương trường luôn chao đảo bởi tình mẫu tử không cho phép chị lùi bước trước gian nan, vất vả bao giờ.

Tư đờn kìm cười cười:

- Mẹ đẹp xinh, con giỏi ngoan thế thì còn gì bằng. Sao không trả lời cho con hiểu.

Dậu im lặng, nhìn xa xôi vào ngọn lửa mỏng mảnh do loại củi rều mà ông Tư cất công thu nhặt ven sông. Lần nào cũng thế, khi có dịp đến xóm chài này buôn bán là bữa cơm chiều luôn được chị mua về và nấu nướng trên đò ông Tư. Do không thể từ chối lời mời chân thành của ông Tư từ lần gặp ban đầu và cũng do thắc mắc về bữa cơm hôm đó ông Tư ngồi ăn một mình với bát cơm cúng.

Lần đó, chị cho ghe đậu gần đò ông Tư cùng với những con đò khác để tìm mua vài thứ lặt vặt. Hiền, con gái chị được để lại trên ghe. Khi thấy trời đã quá chiều mà mẹ vẫn ngồi cà kê bên đò ông Tư, Hiền đứng chấp chới trên thành ghe gọi mẹ cũng là lúc ông Tư nghe tiếng “chủm ” khá rõ và ông lao nhanh xuống nước cứu được con bé.

Họ thân nhau từ đó, thân hơn tình bạn một chút có lẽ do Dậu bảo con mình gọi ông Tư bằng bố. Dậu cũng biết và đã quen cảnh ông Tư ngồi ăn một mình hay với chị và con gái chị cùng với bát cơm được đơm đầy và đôi đũa gác ngang. Bát cơm ấy dành cho người vợ quá cố của ông, người vợ đã bỏ ông đi vĩnh viễn do con xoáy nước quái ác của khúc sông này. Đó cũng là lý do mà ông Tư không muốn xa nơi đây. Dậu phục Tư đờn kìm chung tình hết mức. Càng phục hơn khi biết ông luôn phải ăn bát cơm cũ, còn bát cơm mới bao giờ cũng dành cho người quá cố. Từ khi có Dậu, bát cơm cũ được chị trộn chung vào nồi sau khi đã đơm một bát cơm mới nấu để ông Tư mời người xưa.

- Bố Tư trả lời giúp mẹ con đi. – Bé Hiền nũng nịu bíu vai ông.

- Vì mẹ con mê mải suy nghĩ về vấn đề gì đó; còn con thì nói, hỏi huyên thuyên nên bả đau đầu là phải.

- Nhưng con đâu có đau đầu?

- Ha... ha… Bởi vì con còn trẻ... người non dạ, nghĩ gì nói đó, hỏi đó, đâu phải suy nghĩ miên man mà đau đầu.

- Vậy bố Tư hồi nhỏ có như con không?

- Bố không có tuổi thơ đẹp như con vì bố lớn lên từ trại mồ côi.

- Con hơn bố Tư vì con có mẹ.

- Giỏi lắm.

- Trong trại mồ côi cũng có dạy đờn kìm hở bố?

- Bố học từ cái xóm chài này.

- Mẹ con hát hay lắm đó bố Tư, tí nữa ăn cơm xong bố đờn cho mẹ con hát nhé.

- Nhưng con còn phải học mà.

- Học hoài, chán lắm, bố Tư.

- Đừng nói xàm, mẹ đánh đòn bây giờ. - Dậu, chen vào.

- Phải đấy, con học xong bài thì bố Tư đờn, mẹ con hát ru con ngủ nhé.

- Con không ngủ đâu.

- Tùy con.

Bữa cơm được dọn dưới ánh trăng, ông Tư chọn ngồi phía mũi đò để lại phía trong cho hai mẹ con Dậu. Cũng cá, cũng rau, cũng hành tiêu mắm muối nhưng qua tài chế biến của Dậu đã thành món ngon nên ông Tư cứ tấm tắc khen hoài. Canh chua cá hú bông điên điển và mắm cá linh kho quẹt chấm rau tập tàng ông vẫn thường ăn, thường nấu nhưng sao chẳng thể ngon bằng. Hẳn là không có bàn tay phụ nữ thì món ăn dường như chưa đủ vị. Ngược lại thì nó thơm tho quyến rũ vô cùng bởi ông ăn hoài niệm, quá khứ là những thứ không bao giờ ngán. Hơn nữa, bông điên điển Dậu không cho vào nồi khi nấu mà cho vào tô, xếp cá lên rồi múc nước canh đang sôi đổ vào nên bông giữ được vị ngọt, giòn và mùi nhần nhận đặc trưng của nó.

- Nhắm ly rượu nghe anh Tư? - Dậu ân cần.

- Cũng được nhưng một ly thôi. Chai rượu là chai có nút lá đấy.

- Em mua Gò Đen cho anh rồi.

- Bày vẽ làm gì, rượu bên cù lao đối diện cũng ngon mà.

Trăng đã lên đỉnh sào tuy khuyên khuyết một chút nhưng ánh sáng thật tròn trịa. Bóng của nó nằm sóng soãi trên mặt sông, nõn nuột và đầy đặn. Ở miệt sông nước này ánh trăng hình như sáng hơn nơi khác bởi trăng không phải một mà là hai. Trăng trên trời soi xuống, trăng dưới nước hắt lên, sáng và đẹp mơ màng khi Dậu ngồi trên thang đò trang điểm. Màu trăng ướm vàng mái tóc lõa xõa của chị; hắt lên cổ, lên cằm, lên những đường cong hôi hổi của tuổi ba mươi khiến ông chơi vơi. Trăng vỡ ra rồi ráp lại khi có con tàu nào chạy qua. Đó cũng là lúc hình ảnh Dậu đẹp nhất, lung linh huyền ảo, chênh chao trên lưng nghìn con sóng dát bạc khảm vàng.

Khi tiếng đờn kìm của ông Tư bay lên va vào cõi nhớ cũng là lúc bạn chài, bạn ca ghé đến hùn vui, trong đó có Sáu Chuông đàn tam và Nhị giữ ống sáo.

Dậu nướng thêm vài con khô để các “nhậu sĩ ” có cái mà “đưa đò”. Khi đã ngồi đâu vào đấy, bạn nhậu đưa ly mời ông Tư “lấy ngấn”. Ông Tư rót đầy ly rượu đưa lên môi ực một nửa còn một nửa đưa cho người ngồi bên trái, rồi bảo:

- Ở đây có đàn bà, không được “đá bổng, đá bỏ, nói càn”. Đến lượt ai nấy rót, xong “cưa hai vọng trái”.

Chủ xị đã ra luật thì phải răm rắp thi hành. Chỉ sau vài “vọng” thì tiếng đờn, tiếng hát bỗng hóa trơn tru. Ai muốn hát thì đợi ly đến tay mình mới được hát. Dù có chếnh choáng thì cũng phải ráng giữ tỉnh táo nếu không thì bị phạt. Nói nhiều: phạt. Chửi thề: phạt. Phá mồi: phạt. Giành uống: phạt. Cầm ly lâu để cho “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”: phạt. Nói chung là có đủ cách để phạt. Phạt bằng cách uống thêm một ly. Sẽ là chẳng thấm thía gì với bợm nhậu nếu chỉ bấy nhiêu, nhưng nếu vừa bị phạt lại vừa tới “vọng” thì phải uống đúp, nghĩa là phải uống một lúc hai ly liền thì chẳng dễ dàng gì. Còn nếu bị phạt đúp thì chắc chắn là say mèm, lăn quay ra thì vô cùng xấu hổ chẳng đáng mặt nam nhi chi chí tí nào.

Ngồi chơi phút chốc rồi Dậu dắt bé Hiền về đò mình để mặc ông Tư và những người bạn thỏa thích đờn ca sáo thổi, trong lòng chị không buồn mà cũng chẳng vui. Chỉ có ông Tư là vô tình hay ông giả đò không hiểu chứ bạn ông Nhị ống sáo đang thắc thỏm trong lòng. Nhị tìm cách cáo lui. Vậy là rẽ nghé tan đàn, trà không còn tam, rượu không còn tứ, ông Tư lẳng lặng dọn dẹp cái bãi “chiến trường hỗn hợp” gồm xương xẩu, thức ăn thừa, chén bát khăm khẳm mùi men. Cô đơn nặng trĩu, khác với những lần trước Dậu luôn cáng đáng việc này và ông thường san sẻ:

- Về ngủ đi, mai còn buôn bán, tui làm được mà.

- Bộ tối nay không thả lưới hả?  - Dậu rào trước đón sau.

- Có chứ, miếng cơm manh áo mà.

Quyến luyến nhưng hai người đành phải chia tay.

Trăng đã đứng bóng, bước chân hơi chếnh choáng, dòng sông như không còn vẻ rạng rỡ xinh tươi như ban chiều. Tiếng chim đêm lành lạnh cắt ngang tiếng thở dài của ông Tư nghe rời rã buồn buồn. So với bạn của ông thì ông là người có tài, có uy tín nhưng tiền bạc thì chẳng có gì ngoài con đò cũ kỹ, già nua. Ở cái tuổi mới ngoài bốn mươi, con người còn rất nhiều đam mê, ao ước, Tư đờn kìm cũng không thể là ngoại lệ. Tình yêu trong ông cũng mãnh liệt như trẻ trai nhưng ông biết cách kiềm chế để không thành tiếng xấu với đời. Ông đoán suy nghĩ của Dậu cũng thế bởi đã gần năm họ luôn khắng khít bên nhau. Chỉ cần một lời tỏ tình thì có khi có được hạnh phúc, một lời thôi mà ông cũng không nói nổi thì biết trách ai bây giờ. Nghèo. Phải, cái nghèo luôn làm cho người ta nhụt chí khí. Nhờ hơi men tăng cường thêm can đảm Tư đờn kìm quyết nói cho bằng được lời yêu.

Mon men theo triền sông ông đến bên đò của Dậu mà chị không hề hay biết, bằng ánh sáng nhờ nhờ trong khoang ông chợt hiểu ra là suy đoán của ông đã sai lầm. Dậu đang ngồi với ai đó.

Mọi thứ đã vỡ vụn, đã hút sâu vào vòng xoáy quay cuồng. Đêm chơi vơi, buồn buồn tiếng đờn kìm lại ngân lên nhưng không phải trên bến mà là giữa dòng trăng lạnh buốt. Tiếng đàn ấy nghe buồn ai oán khiến Dậu bật khóc, chị lao ra mũi đò: - Không phải vậy đâu Tư ơi.

LÝ THỊ MINH CHÂU

;
.
.
.
.
.