Màn đêm buông xuống, không gian bốn bề tĩnh mịch. Gã nằm vắt tay lên trán. Gã nhớ vợ, nhớ đứa con gái lên ba. Gã nhớ cái xóm nghèo, căn nhà nhỏ dúm dó, dặt dẹo dựng giữa vườn chuối. Gã chắc mẩm giờ này, vợ con gã cũng đã ngủ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Không biết cô ta có nhớ gã như gã nhớ cô ta không. Cái con người đâu dễ ghét. Đôi mắt cứ ướt rượt, thi thoảng lại nguýt gã một cái rõ dài. Nghĩ đến đó, gã lại cười rinh rích. “Thôi đi, để im cho người ta ngủ”. Kẻ nằm bên huých tay vào sườn gã. Gã im re. Cố nhắm mắt nhưng giấc ngủ chẳng về, cứ trằn trọc lăn qua lăn lại. Gã ngồi dậy, bước ra khỏi lán. Trăng hôm nay mười sáu, chiếu xuống mảnh rừng từng tia sáng mát rượi. Gã men theo đường mòn ra suối. Nước suối róc rách chảy. Suối cuốn theo cả ánh trăng rắc bạc, đẹp như một dòng kim tuyến. Nhìn dòng suối gã nhớ da diết dòng sông quê nhà, nơi gã và vợ lần đầu gặp nhau.
Những đêm trăng sáng, thanh niên trong làng thường ra bãi đất cạnh triền đê để chơi đùa, hò hẹn. Hôm đó, gã quần đùi, áo ba lỗ, dép tổ ong cũng cùng bạn bè ra tụ tập. Cái nghèo của một làng quê không mất đi niềm vui của những đôi trai gái trong những đêm trăng sáng. Trong những tốp nam thanh, nữ tú ấy, gã để ý đến Tâm. Người con gái lúc nào cũng vui vẻ, cười đùa. Trăng tưới lên cảnh vật một màu dịu nhẹ, lung linh. Dưới trăng, mọi thứ đều đẹp một cách diệu kỳ. Vậy nên, gã thấy người con gái cao chưa đầy mét rưỡi, mà ước chừng nặng gần 60kg ấy thật duyên dáng. Một làn da mướt mát, một đôi mắt sóng sánh.
Tâm là một cô gái lạc quan, nhưng khi về ra mắt nhà gã, cô vẫn không kìm được một tiếng thở dài. Căn nhà lá xiêu vẹo, nằm rúm ró trên mảnh đất trồng đầy chuối ngay cạnh con sông là tất cả những gì gã có. Tâm chưa bao giờ than vãn, mặc dù khi đứa con ra đời, nhiều bữa cơm phải trộn thêm khoai lang. Gã yêu Tâm và thấy mình mắc nợ cô. Khi đứa con thứ hai đang rục rịch hình thành, gã bắt đầu nuôi một mơ ước đổi đời. Ít nhất phải đủ tiền xây một căn nhà mới, nếu rủng rỉnh sẽ mua một miếng đất trong làng, chuyển cả nhà vào trong đó. Nhất định không thể để mãi cảnh dùng cây chống vách trong mỗi lần mưa to nữa. Nhưng đổi đời bằng cách nào, đây là câu hỏi đau đáu giằng xé trong tâm trí gã.
Trong làng lúc ấy nhiều thanh niên làm giàu bằng cách theo phu đào vàng vào vùng núi sâu hiểm trở. Nhưng trong số đó không ít kẻ một đi không trở lại, chết thảm nơi rừng thiêng, nước độc bởi sốt rét, sập hầm, sốc thuốc. Gã băn khoăn lắm, ở lại nơi vùng quê cằn cỗi này thì biết bao giờ mới có cơ hội đổi đời. Đang trong lúc phân vân thì Phúc đến gặp gã. Chẳng cần rào trước đón sau, hắn nói toẹt muốn giàu nhanh thì theo hắn lên rừng khai khác gỗ bán cho lái buôn. Hắn động viên gã, kiểm lâm thì đã có kẻ khác lo, vận chuyển thì sẽ có đầu mối thu mua liệu. Công việc hằng ngày của gã là ăn ở trong rừng xẻ gỗ, đưa về tập kết ở một điểm. Cứ tầm mươi hôm nửa tháng sẽ có một đội lên chở về. Mức tiền tùy vào lượng gỗ đốn được và chất lượng gỗ. Nhưng dẫu có vứt đi thì mỗi tháng cũng kiếm được số tiền mà cả năm ở nhà không kiếm nổi.
Giờ gã ở đây cùng ba người nữa và một con trâu cách buôn làng gần nhất một ngày đi đường. Công việc hằng ngày của gã là sáng sớm dậy đi thăm dò gỗ trong rừng. Khi thấy cây gỗ nào đủ tiêu chuẩn đợt hàng thì khoanh lên đánh dấu và đánh dấu vào tấm bản đồ tự chế mang theo. Sau đó, bọn họ dùng rìu đốn cho cây ngã xuống. Rồi cứ hai người một cưa để xẻ gỗ. Bọn gã dùng cưa tay vì sợ cưa máy phát ra tiếng động vang xa. Khi cây đổ xuống, bọn họ xẻ ra làm từng khúc gọi là hộp gỗ, tùy theo yêu cầu đợt hàng nhận, rồi buộc vào dây thừng vắt ngang vai trâu kéo về điểm tập kết. Khi đã đủ số lượng, hoặc nửa tháng một lần một người trong bọn gã sẽ cùng con trâu kéo theo một cây gỗ men theo đường rừng xuống buôn làng thông báo cho lái buôn, tiện thể mua sắm lương thực, thuốc lá, thuốc lào, thuốc men, tất nhiên không thể thiếu thuốc phiện. Hai trong ba người cùng sống với gã bị nghiện, gã chưa bị, nhưng rất có thể đó chỉ là điều sớm muộn. Bốn mảnh đời khác nhau về tuổi tác, quê quán nhưng cùng chung nhau về số phận. Nghèo kiết xác như nhau và cùng mơ ước đổi đời. Có khi gã nằm chơi đến cả tuần liền nếu gặp trời mưa rả rích. Khi mưa, những cây gỗ trong diện cần khai thác đều là gỗ to dễ bị sét đánh. Những ngày đó, gã buồn thiu nhớ về gia đình, nhớ cái ánh mắt biết nói của vợ, tiếng bi bô của đứa con nhỏ. Gã tranh thủ về thăm nhà khi có thời gian rảnh giữa các đợt hàng. Tâm nhìn gã mà chực trào nước mắt. Trông gã không khác gì một con thú bị thương, nhợt nhạt, gầy gò bởi gã vừa trải qua một trận sốt rét rừng tưởng chết đi rồi.
Đêm, gã áp tai lên bụng vợ để nghe tiếng chân đứa con đạp. Gã cười thích thú. Gã bảo đợi gã làm nốt mấy đợt hàng nữa đủ tiền xây nhà và có chút vốn giắt lưng gã sẽ về. Đứa con gái lên ba của gã mặc chiếc váy mới gã mua, đến tối nhất định không chịu thay ra mà để nguyên cả thế đi ngủ. Gã rơm rớm nước mắt. Chỉ cần nhìn gia đình gã hạnh phúc thế thôi thì khổ mấy gã cũng chịu. Tâm xoa đầu gã như xoa đầu một đứa trẻ. Lần này, cô nén tiếng thở dài.
Trên đường đi xẻ gỗ về lán, gã bẫy được một con nai, thế là bữa tối nay được cải thiện. Gần một tháng nay, bọn gã chưa thể về buôn làng lấy thêm lương thực vì nghe nói ngoài đó đang có biến. Cuộc sống của bốn gã đàn ông trong một khu rừng hẻo lánh, chưa bao giờ lại đáng sợ như thế. Gã lo, hắn lo, hai kẻ còn lại cũng lo, ngộ nhỡ có chuyện gì đi tù chứ chẳng chơi. Gã nhớ người vợ bầu bí của gã sắp đến ngày sinh nở, gã nhớ đứa con gái bé bỏng của gã. Gã thương đứt ruột, rồi gã khóc tu tu. Ba cái đầu còn lại chửi gã câm mồm đi, chửi xong rồi ai cũng rưng rưng nước mắt.
Đơn hàng lần này thật đặc biệt. Bọn gã không phải đốn ồ ạt các loại cây nữa mà chỉ cần tìm cho ra một cây gỗ quý có đường kính bằng ba người ôm và cao 15m. Nghe nói đây là đơn hàng của một vị lãnh đạo trong tỉnh. Y muốn dựng một chiếc nhà rông cho riêng mình. Tất nhiên bọn gã muốn mọi chuyện êm xuôi thì trong vòng một tháng phải tìm ra cây đó. Khách hàng hẳn là một tên ga lăng vì tiền thưởng của bọn gã gấp đôi số tiền kiếm trong những tháng trước. Gã định bụng chỉ cần xong công việc lần này, gã sẽ khăn gói về với vợ con.
Đã nửa tháng trôi qua, công việc vẫn không có hồi tiến triển. Cho đến ngày thứ 21 của tháng bọn gã ngỡ ngàng trước một cây Sến ngoài mong đợi. Đó hẳn là một cây cổ thụ có tuổi thọ lên đến cả ngàn năm. Bọn gã suýt xoa đi quanh thân cây. Thân cây sừng sững vươn lên trời. Xung quanh thân cây có nhiều bướu, sùi mọc ra. Bọn họ dừng lại dựng lán ngay bên cạnh cây để sáng hôm sau bắt đầu công việc. Trong bữa cơm tối, một người già nhất trong đám lên tiếng: “Trước khi tao đi vào khu rừng này, nghe dân bản nói trong rừng có một cây Sến cổ thụ, nó là linh hồn của rừng. Tao thấy sợ, hay mai bọn mình đi tìm cây khác nhỏ hơn đi”. Cả đám người dừng bát cơm trên tay lại, mặt thừ ra, nghĩ ngợi. Bởi lẽ, trong con người họ luôn ám ảnh những câu chuyện kỳ quái xảy ra với những người đi rừng. Không phải ngẫu nhiên mà có câu “rừng thiêng, nước độc”. Hồi nhỏ, gã cũng từng nghe người lớn đi quét lá trên rừng về kể: “Vào rừng đói bụng mà gặp cây chuối, có buồng chín thì đừng vội reo lên chuối chín, mà cứ lẳng lặng đến hái ăn. Bởi lẽ, chỉ cần reo chuối chín, buồng chuối thấy động lập tức sẽ chuyển thành quả xanh”. Đến cây chuối trong rừng còn có linh hồn, huống chi. Hơn nữa, gã luôn sợ những gì là linh thiêng. Có đợt quê gã có con đường chuẩn bị được mở qua làng. Con đường đó nối từ phố huyện lên thành phố có một đoạn đi qua làng gã. Mà oái oăm thay cái đoạn đi qua lại xuyên qua ngôi chùa. Dân làng, ủy ban xã, chủ đầu tư dự án họp lên, họp xuống xem cứ để nó chạy thẳng qua hay chạy chéo một chút. Đấu tranh mãi chủ đầu tư dự án quyết định bỏ ra một số vốn lớn để di chuyển ngôi chùa dịch vào trong. Ngày thi công, một toán thanh niên trong làng được thuê dỡ ngôi chùa. Nhưng một tên mới bắc thang trèo lên chưa tới mái, không hiểu sao thang gãy, hắn ngã lăn co xuống đất, gãy chân. Tên khác vào bê tượng Phật ra ngoài, vợ hắn hốt hoảng từ đâu chạy vào bảo ở nhà lợn, gà lăn ra chết sạch. Thế là dân làng sợ, ủy ban xã sợ, chủ đầu tư sợ, làm lễ khấn bái cầu xin để tượng Phật lại chỗ cũ, đành làm đường dịch xa ngôi chùa đó.
Cuối cùng vì thời gian gấp rút, bọn họ không tìm được cây thay thế, đành lòng quay lại chỗ cây Sến cổ thụ. Trước khi bổ nhát rìu đầu tiên, họ sửa soạn một cái lễ bằng tất cả những gì có trong tay, để khấn trời, khấn đất, khấn thần rừng. Người này đùn đẩy người kia, không ai dám đặt nhát rìu đầu tiên vào thân cây. Sau một hồi tranh cãi, bọn họ bắt gã phải làm công việc ấy, vì gã là kẻ to khỏe nhất. Biết không thể từ chối, gã vác rìu tiến lại phía cây, miệng không ngừng lẩm bẩm được tha thứ. Nhát rìu cắm vào thân cây, gã hoa mắt như cảm tưởng từ thân cây có một luồng máu phun ra đỏ ối, tanh ngòm. Gã hốt hoảng dụi mắt, không có gì khác thường. Gã tự động viên mình, chỉ là ảo giác do lo sợ mà thôi. Chỉ cần chặt được cái cây này, gã sẽ có tiền mua đất, xây nhà trong làng cho vợ con gã. Vợ con gã sẽ có quần áo đẹp, sẽ được ăn những bữa cơm đầy ắp thức ăn. Những ý nghĩ ấy làm cho gã mạnh mẽ hơn. Nhát rìu thứ hai gã nghe trên trời một âm thanh dữ dội, toàn bộ số chim chóc của khu rừng hốt hoảng lao lên, những con thú trong rừng hoảng loạn. Gã lắc đầu liên hồi, nghiêng mình lắng nghe, không có gì khác thường. Khuôn mặt của ba kẻ còn lại đang chăm chăm nhìn tay gã, cũng không có gì khác thường. Có thể tất cả chỉ do gã tưởng tượng. Gã lẩm bẩm: “Chết tiệt! Cái khu rừng chết tiệt. Cái cây chết tiệt”. Giờ thì chẳng có gì ngăn nổi gã. Phải mất hơn một ngày làm việc cật lực, bốn người họ mới có thể đốn được cây Sến xuống. Sau một ngày nghỉ ngơi lại sức. Bọn họ bắt đầu cắt bỏ ngọn và những cành lá xung quanh. Những thớ gỗ hiện ra với hoa văn đẹp mắt, diệu kỳ. Kẻ già nhất trong nhóm reo lên và giải thích những hoa văn đó là nghệ thuật của tạo hóa được gọi là nu. Và ước chừng những cây có nu phải có tuổi thọ hàng trăm năm tới hàng ngàn năm. Tất cả bọn họ dừng tay suýt xoa trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của thớ gỗ.
Phúc và gã cùng một cưa. Chẳng hiểu ngồi cưa thế nào mà một lúc sau gã thấy Phúc la lên đau đớn. Phúc cưa trúng bên chân trái của mình. Tất cả nhìn nhau đầy hoang mang. Công việc vì thế mà nặng nề trôi đi. Sau khi công việc hoàn thành, gã dìu Phúc trở về phía buôn làng, vừa để đưa Phúc đi chữa trị, vừa để gọi người vào phụ mang gỗ ra vì cây gỗ yêu cầu được để nguyên cả khối rất khó khăn trong việc vận chuyển. Phúc được ở lại chỗ thầy lang. Gã theo một đám thanh niên và một đàn trâu được thuê quay lại chỗ cất cây. Đến nơi, một trong hai người ở lại đợi thấy gã chạy ra ú ớ và chỉ về phía lán. Trong lán người già nhất trong bốn người, nằm trên tấm gỗ toàn thân cứng đờ. Ở cổ có một vết cắn sâu của loài rắn cực độc. Kẻ còn lại bỗng dưng bị câm, sau đó ít lâu thì hóa điên. Gã là người duy nhất thoát ra khỏi khu rừng mà không hề hấn gì. Sự sợ hãi và lo lắng vẫn hiện hữu trên khuôn mặt gã.
Gã cố gắng tự trấn an mình. Gã đã thoát ra khỏi khu rừng ám ảnh ấy, giờ là đất trời quê gã, sẽ chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Gã tự thề với lòng mình không bao giờ quay lại nơi ấy. Với số tiền trong tay, gã yên chí có thể mua được miếng đất trong làng và dựng một ngôi nhà thật ưng ý. Số còn lại gã sẽ làm vốn để mở một gian hàng nho nhỏ, sinh sống qua ngày. Mơ ước của gã sắp thành hiện thực, gã thấy trong lòng phấn chấn. Trong tay gã một con búp bê xinh xắn làm quà cho đứa con gái. Gã đang nóng lòng về nhà để gặp vợ. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, gã sẽ có đứa con thứ hai.
Xe khách dừng ngay đầu làng, gã vội bước xuống. Gã bước đi nhanh chóng, gặp người quen gã hớn hở chào hỏi. Nhưng sao lạ quá. Dân làng nhìn gã với ánh mắt khó hiểu. Mọi người nhìn theo gã như muốn nói điều gì đó lại thôi. Một cụ già chạy ra chặn gã lại. Cụ cầm tay gã, cụ chưa kịp nói đã nấc lên, đôi mắt rưng rưng nhìn gã.
Gã không còn nhận ra ngôi nhà của mình nữa. Khung cảnh trước mặt gã là một sự đổ nát, tan hoang. Người làng bảo lũ về bất ngờ trong đêm, nhà gã ở phía ngoài đê nên không kịp ứng phó. Sáng hôm sau, mọi người đến thì đã không thấy vợ con gã đâu. Thuyền bè và thanh niên trong xóm được huy động kiếm tìm nhưng không hiệu quả. Họ muốn gọi điện cho gã nhưng không gọi được, cũng đúng thôi trong rừng sâu thì làm gì có sóng. Gã nhớ lại cảnh tượng gã mơ hồ nhìn thấy khi chặt nhát rìu đầu tiên lên thân cây. Trong thân cây dòng máu xối xả chảy ra, đó chính là máu chảy ra từ cơ thể vợ con gã. Người dân trong làng bảo cơn lũ xảy ra được một tháng rồi, nhẩm lại thì vào đúng hôm gã chặt cây Sến.
Gã khụy xuống, gã gào lên những âm thanh man dại. Người già bảo, đấy là tiếng của những con thú nơi rừng sâu bị thương.
Ngày hôm sau người ta thấy gã trở về rừng, như một đứa trẻ sơ sinh, không quần áo trên người, chỉ đi, lang thang đến mòn vẹt những con đường trong rừng. Ít lâu sau, không ai còn biết tin tức gì về gã.
Hà Nội, 27-9-2013
PHẠM THỊ HƯƠNG