.
TRUYỆN NGẮN

Trong khu vườn ký ức

.

Con Nga bảo, nếu dàn xếp được thì lên đây với tau, tau mới vừa ly dị chồng xong. Hà, cái con này. Tính con Nga vẫn thế, táo tợn ngay từ hồi còn học trường làng. Thảo nào hồi đám cưới nó, đâu chín mười tháng sau ngày giải phóng, cả họ nhà gái trong đó có tôi phải cuốc bộ hơn chục cây số từ nhà chồng nó về lại nhà gái bởi xe chỉ thuê chở một vòng, không thể chờ mà chở về được!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sau ngày cưới, trách nó, nó cười tít mắt, rước dâu là xong chớ, tau có được chồng là phước bảy đời, sướng rên nên đâu còn nhớ chi đến chuyện đưa họ nhà gái về. Mà nhà thằng chồng của tau cũng tệ thiệt, mi hỉ? Tau chửi hắn thì hắn nhe răng cười khì, bảo, rước dâu chứ đâu có rước họ nhà gái mà bảo trả với chả không? Mi nghe có được không chớ. Thú thật tôi cũng hơi chờn chợn chồng của Nga qua cái việc kiết róm chỉ thuê một vòng xe ấy nhưng rồi vợ chồng nó cũng sống được bao nhiêu năm với những bốn mặt con. Mà sao lại li dị ở cái tuổi mọi sự đã an bày rồi? Hay là nó trộ tôi? Nó, đứa bạn gái cùng học trường làng lớn hơn tôi hai tuổi tưởng đâu đã chìm mất tận cái hóc núi xa xôi nhà chồng nó mất rồi chớ! Trong vùng ký ức lộn xộn của tôi còn lưu giữ rất rõ hình ảnh những ngày đầu đi học trường làng.

Không còn nhớ được buổi đầu tiên đến trường như thế nào nhưng vẫn còn nhớ khu vườn Đình ấy. Lội sông theo hướng ngõ nhà bà Ngại, đi dưới vòm tre râm mát là đến mấy cái mả vôi trồng đầy duối dại nghe đồn rằng có chôn kho báu của người Hời và chôn cả mấy cô trinh nữ người Hời làm thần giữ của. Mấy thằng bạn cùng lớp kể rằng chính mắt hắn từng thấy mấy con cua vàng có khi còn có cả rùa vàng lẫn gà vàng của người Hời đi ăn trong đêm tối kia lận! Nghe cứ như thật nên mỗi lần đi học hễ cứ qua đến đoạn ấy là a-lê-hấp, một hai ba cả bọn cắm đầu chạy. Chạy đến chừng hết chòm mả ấy mới thôi. Chưa hết! Đi qua một đoạn đồng trống vừa đi vừa thở lại gặp miếu bà Tựu. Là cái miếu gần quán bà Tựu chứ không phải thờ cái bà tên Tựu nào đó, vậy mà gọi mãi thành ra chết tên. Lần này thì không chạy nữa, cứ nhắm mắt, nín thở, làm thinh cúi đầu rảo bước. Sợ mở miệng là ma quỷ theo về đến nhà! Qua khỏi quán bà Tựu chỉ có vài ba ngôi nhà dọc đường công hương. Có đến hai nhà quay lưng ra đường nên chẳng thấy yên tâm tí nào. Xong đoạn nhà ấy là đến hàng dừng(*) đổ bóng xuống con mương dẫn nước từ trên vũng Bão Tố thoát ra ngõ một cái biền rộng mênh mông trước khi chảy ra sông. Đoạn này cũng vắng vẻ và rùng rợn không kém với những câu chuyện kể về mấy cô gái thất tình thắt cổ tự tử trên những cây dừng. Qua đoạn ấy, thấy mấy chùm hoa dừng buông lưng lửng ngang đầu mà sợ muốn đứng tim. Nên lại một hai ba cắm đầu cắm cổ chạy một hơi đến tận cống bà Huỳnh mới thôi. Thế là đã ra đến tận vườn Đình rồi! Tám tuổi, tôi học lớp vở lòng ở đấy cùng mấy đứa bạn đứa nào đứa nấy lớn lộc ngộc cả. Nhờ thế mỗi lần về khi qua sông lỡ có nước nguồn xuống bất ngờ sẽ có đứa thay mình la làng cho đến tận khi có cha mẹ đứa nào đó từ bờ bên kia chèo ghe ra đón mới thôi. Tôi học ông thầy già một năm ở đấy, chẳng nhớ đã học hành ra sao. Chẳng nhớ nhờ đâu năm sau lại lên lớp Năm(**) học ở trường xã. Con Nga cũng lên lớp, ngồi cùng bàn, cạnh tôi. Ông thầy mới bảo lạ thiệt con Nga đầu óc túi thui mà cũng được lên lớp Năm sao. Nó thụi vào hông tôi, cười, bảo, ông thầy chê tao dốt lần nữa là tau bỏ học, về có chồng liền! Tôi trợn mắt nhìn nó, cái con bé mới mươi tuổi đầu, như nhìn quái vật. Nó bảo thiệt mà, có chồng dễ ợt hà, dễ hơn mấy cái chữ đánh vần trẹo cả mỏ! Nó cười rung cả ghế. Chẳng biết ai dạy con bé nói năng lung tung kiểu ấy nữa. Nga học dở òm nhưng phá rất giỏi, lại giỏi giấu nên chẳng ai phát hiện ra.

Hồi ấy, các lọ mực được gắn lên mặt bàn, mỗi đứa mỗi cái, gọi là bình cu-đê. Lâu lâu khô mực thầy lại đổ thêm mực vào nên học trò không phải mang đi mang về như bây giờ. Viết toàn bằng ngòi bút lá tre nên chữ đứa nào cũng mềm mại, trừ nó. Hồi mới nhập học trường xã đứa nào đứa nấy mực dây nhem nhuốc cả mặt mũi lẫn áo quần, lâu dần thành quen có bớt đi nhiều nhưng con Nga, ngược lại, có vẻ như ngày càng bẩn hơn. Có bữa cả lớp bỗng cùng lúc hết mực. Khi chấm bút vào bình cu-đê chỉ nghe đánh “soạt” chẳng hiểu tại sao. Sau mới phát hiện ra bình nào bình nấy toàn những cát. Tôi nhìn con Nga nghi hoặc, mặt nó cứ tỉnh không. Lại bảo, mi giỏi thì kêu thầy đi? Tôi bảo sao phải kêu thầy thì nó bảo mi giỏi mách chuyện lắm mà. Lần khác nó lấy bồ kết rang lên, tán nhỏ rồi chà lên khắp các mặt ghế khiến cả lớp được một phen cười lộn ruột bởi những tiếng đánh rấm chen chúc nhau vang lên… Có lần tôi bảo với nó bị bà mụ nặn lộn rồi (là mẹ tôi nói thế chứ cũng chưa hiểu rõ lắm cái sự nặn lộn ấy). Sau này lại thấy đúng khi nhìn thấy nó không chịu ngồi như bọn con gái cùng lớp mà lại cứ ngang nhiên tụt quần xắn áo đứng đái rỏn rỏn lên vũng nước sau hè phòng học lớp tôi.

Chiến tranh như một vết dao chém ngang vùng ký ức. Cái nhớ được thì như đinh đóng cột, cái còn lại thì nhập nhòa. Có cái như đã bị delette hẳn trong bộ nhớ. Không nhớ rằng buổi sáng hay buổi chiều, súng bỗng rộ ở phía nhà ngoại. Rộ là vì có bao giờ nghe tiếng súng đâu nên một hai tiếng đì đùng cũng là rộ lên rồi. Là nghe người lớn nói vậy chứ bọn tôi mải chơi nào nghe thấy gì. Rồi bị hối chạy lên bờ đê nấp, tránh đạn. (Đến hồi súng đạn rền trời nghĩ lại cái kiểu nấp ấy không khỏi bật cười). Nghe loáng thoáng rằng có ai đó về phía những hàng dừa nước dưới Bara. Sau, nghe nói là ai về mang toàn súng to, súng dài làm cho mấy ông dân vệ bị rượt chạy tuột cả quần. Hì, chiến tranh vui thật. Tưởng tượng có người chạy tuột quần là không thể nhịn cười được. Bữa ấy chạy lên bờ đê rồi quên mất, chẳng hiểu chiến trận xuôi về đâu. Rồi cũng trôi đi một cách nhanh chóng đến những ngày súng đạn ì oàng suốt ngày đêm, hết nhà người này có người chết đến nhà người khác.

Tôi nhớ bữa lính quận hành quân qua phía nhà ngoại. Thanh niên trai tráng cả xóm sợ quá trốn xuống các hào tre để núp. Bữa ấy lính quận khiêng về một người bị thương. Không hiểu sao có ông lính bảo an nào đó bỗng dưng nổi điên bắn lủng ruột con trâu cái nhà ngoại tôi, nghe nói bị trâu húc nên bắn đại, bắn xâu cả ruột anh chàng lính bảo an vô phước đứng phía bên kia hông trâu. Tôi nhìn bọn lính khiêng cái người bị thương ấy qua trước ngõ mắt không ngớt lấm lét, miệng im thin thít. Đã bắt đầu thấy sợ. Loáng một cái là nhà nào nhà nấy đào hầm trú ca-nông và bom. Loáng một cái là nhà nội bị bỏ bom, rồi lần hai, lần ba… Rồi anh của thằng Hồng bỏ nhà đi “lực lượng”(***). Rồi đến chú Lĩnh cháu ông Tần chuyên hát “Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn … Bạch Thu Hà” cũng lên rừng nốt. Sau khi chú Lĩnh đi, xóm bỗng dưng thấy vắng hẳn. Là bởi không còn ai hát vọng cổ mùi mẫn nữa. Hết đến tận bây giờ. Cái ngõ đầy dâm bụt đỏ rực rỡ cũng vắng dần bọn trẻ con. Không nhớ con Nga nằm ở xó xỉnh nào trong những ngày đầy biến động ấy.

1969-1970. Chiến sự vô cùng ác liệt. Cả xóm chạy đi ráo trọi. Chủ yếu là chạy qua bên tê sông. Gia đình tôi dạt về tận dưới tỉnh lỵ, chui vào một trại định cư. Thỉnh thoảng từ dưới quê có người xuống trại định cư, ghé nhà tôi. Khi thì là bà con đi thăm. Khi thì là đi mua vải may quần áo hoặc mua thuốc men cho ai đó. Khi thì tháp tùng đoàn phật tử nhà chùa lên đi lễ ở chùa tỉnh hội. Một hôm con Nga bỗng xuất hiện đột ngột ở nhà tôi. Nó cười toe toét bảo, tau giờ núp bóng từ bi rồi, không còn sợ gì nữa. Tôi bĩu môi bảo mi hồi mô cũng rứa, chỉ toàn nói dóc. Nó cười như nắc nẻ, chứ không phải à, tau sống nhăn đây mà. Súng đạn không đủ gãi ngứa tau. Đâu có nhát gan như ai, sợ chạy mất dép, may mà không tuột… nó ngừng bặt bụm miệng cười, mắt dòm dưới thắt lưng, lưng lửng ở đoạn chiếc quần đùi tôi lom lom, làm tôi ngượng đỏ mặt không kịp chống chế! Tôi bỗng chú ý đến bộ đồ lam và chiếc mũ nóc chùa con Nga đang mặc. Nom rất ngộ. Nga như biến thành người khác với vẻ thiếu nữ hiền dịu đang thì giò cẳng dài loằng ngoằng. Ngực đã nhú cao vồng thành nét gì đó là lạ đầy quyến rũ. Rồi eo, rồi mông, rồi đùi... Tôi nuốt nước miếng, nhủ thầm, hà, cái con này có thể lấy chồng được rồi. Con Nga thấy tôi nhìn dữ quá đâm cuống, mặt đỏ rần. Quỷ này, ông nhìn chi dữ rứa? Như ăn thịt người ta! Tôi cười ngất bảo, thì đang định ăn thịt đây! Nó đấm vào lưng tôi mấy cái bằng tất cả sức mạnh của đứa con gái mới lớn khiến tôi cứ choáng váng và ngây ngất.

Hè 1972. Chiến sự tiến sát bên hông thị xã. Mọi người nhớn nha nhớn nhác. Dòng người từ hướng con đường đỏ lửa chạy về tận trong tỉnh lỵ. Xe cam -nhông chở lính đi hành quân suốt ngày đêm. Buổi chiều, xe thiết giáp về án ngữ ngay cửa vào  phía tây thị xã. Cả thị xã như đang lên cơn sốt. Lại nghe tin mấy đứa bạn cùng lớp bị bắt đi lính. Đang đi học trên đường bỗng xe quân cảnh đổ xịch bên hông và a-lê-hấp, lên xe! Có bữa sợ quá nghỉ học luôn, không dám chường mặt ra đường. Hai tháng sau từ quân trường về, thằng Chính lớp tôi đầu trọc lóc miệng mếu xệch bảo tau bị bắt lính rồi, bổ vào sư đoàn 3, ra án ngữ Thạch Hãn, Quảng Trị, địa đầu vùng I chiến thuật. Tụi tôi trố mắt nhìn hắn, không thốt nên lời. Mà biết nói chi với hắn chừ? Mình mà vô phước, cũng giống như hắn thôi. Thằng Chính bảo đại đội của nó toàn dân Sài Gòn! Có cả du đãng Sài Gòn, chúng mày ạ. Nó nói nghe kinh! Nhìn hắn một lúc, tôi rụt rè hỏi một câu nhạt hoét, khi nào thì mày về đi học lại? Nó cười lớn, có mà đến Tết Cônggô! Thôi, tau đi đây, bọn mày ở lại mạnh khỏe! Rán học cho xong cái tú tài. Rồi còn phải chỉ huy bọn tau nữa chứ! Chưa đứa nào kịp chỉ huy nó bởi đâu chừng nửa tháng đã nghe tin nó chết trận ở Hải Lăng! Trời ạ, nó mới mười bảy, nào đã biết mùi con gái là gì đâu!

3-1975. Rồi tôi cũng trụ lại ở trường cho đến tận ngày giải phóng. Nhưng rồi không trụ lại thị xã được nữa. Có gì đâu để ăn ở một cái thị xã đầy nhóc người ấy! Tôi về, ngày làm ruộng, đêm đi dạy bổ túc. Rồi thêm mấy tháng đi miền tây tấn công đồng cỏ. Thoát được ba lần mìn nổ nên cứ thấy số mình thật lớn. Từ ấy, chẳng cầu mong điều gì nữa! Một buổi nghỉ giải lao bỗng gặp con Nga. Nó bây giờ tóc dài, quần tây, áo màu đọt chuối giống hệt cán bộ tập kết từ miền Bắc về. Nó hỏi, ơ, mi làm chi ở đây? Tôi cười buồn khoát tay chỉ ra cánh đồng mênh mang cỏ dại ẩn chứa đầy những cái chết. Tôi lại hỏi chứ mi làm chi ở đây? Nó chỉ tay về phía mấy căn nhà lụp xụp, bảo tau ở đó. Tôi bất giác bật cười. Mi lại đi học à? Nó có vẻ mắc cỡ. Bảo cứ học miết mà chẳng ra cái giống gì. Tôi trợn mắt bảo, mi đi làm cách mạng mà, học xong có khối việc để làm, không chừng sẽ làm bà lớn. Chỉ có tau… Tôi bất giác bỏ lửng câu nói, lòng chùng xuống. Tôi bâng quơ nhìn những vạt nắng thoi thóp trên những ngọn cây lá úa vàng chen lẫn những đám cỏ cháy nham nhở, thở dài. Con Nga nhìn tôi ra vẻ ái ngại rồi bỗng dưng buột miệng: Tau cũng chẳng biết răng nữa! Phải chi mi đổi được cho tau… Có khi tau xin về làm ruộng, mi ạ! Rồi nó bật cười thành tiếng: Tau phải về lấy chồng thôi! Thèm đàn ông lắm rồi! Cái con khỉ, vẫn táo tợn như ngày nào!

Chưa kịp lên thăm Nga, chia sẻ cái sự li dị chồng của nó, đã nghe con gái nó nhắn xuống: Bác lên thăm mẹ con đi! Mẹ con yếu lắm rồi! Hà, cái con này, sao nhanh vậy trời?

Con Nga nằm trên chiếc chõng tre ọp ẹp. Ở quê tôi cũng như quê chồng nó, khi đã chuyển từ giường gỗ sang chõng tre là chuẩn bị chuyện hậu sự được rồi! Tôi nhìn nó thở dài. Sao mà nhanh vậy hở trời? Không còn nhận ra được cái con Nga hơn hớn ngày nào. Càng không thể nhận ra con Nga cái thời chuyển thành con gái bắt đầu trổ mả, chân tay loằng ngoằng ngày xuống thị xã thăm tôi. Nó nằm dán người xuống chiếu, chìm lẫn trong đám chăn mền đắp ngang ngực. Vừa trông thấy tôi, nó nhổm dậy tức thì. Và nói luôn, không kịp để tôi chào, như là sợ không còn dịp để nói. Nè tau hỏi cái này mà mi phải nói thiệt nghe! Nó nói, giọng khá yếu nhưng mắt cứ nhìn tôi nhấp nháy như ngày nào. Tôi bảo, có chuyện chi vậy Nga? Nó có vẻ cố gắng để giọng nói rõ hơn: Hà, có chuyện gì đâu. Là tau hỏi chuyện này thôi, sợ chết không nhắm mắt: Đứa nào xô tau xuống sông khi tau đang ngồi tiểu bên bờ sông hôm thằng Liền con ông Huynh tập xe? Cái lần đầu tiên xóm mình có xe đạp ấy? Trời đất, con Nga lẩn thẩn mất rồi, sao nó lại nhớ cái chuyện cũ xì ấy nhỉ? Sự kiện nhà ông Huynh mua được chiếc xe đạp cho thằng Liền đã làm chấn động cả cái xóm sông ngày xa xưa ấy. Thằng Liền đã tập xe trên con đường đất chạy từ đầu đến đuôi xóm men theo con sông chảy loằng ngoằng ôm theo mấy lũy tre. Tụi trẻ con rồng rắn hò reo chạy theo nó mấy buổi ròng. Mà đã nửa thế kỷ rồi nó nhắc lại làm gì? Hay nó vẫn còn ấm ức không biết đứa nào xô nó ngã ngửa xuống sông? Giọng nó nhỏ hẳn: Là mi, phải không?

Tôi ứa nước mắt nhìn nó, gật đầu. Con Nga từ từ nhắm mắt, vẻ mặt đầy mãn nguyện.

LÊ TRÂM


(*) Cây lộc vừng

(**) Lớp 1

(***) Lực lượng vũ trang cách mạng 

;
.
.
.
.
.