Một ngày, bạn đi miền Trung.
Đây là lần đầu tiên bạn đi tàu hỏa. Dù trước đó, bạn đã từng nhận được tin nhắn gửi đi từ một chuyến tàu “đi tàu hỏa tuyệt vời em ạ”. Nên bạn rất háo hức, rất mơ mộng, rất mong chờ. Vả lại, miền Trung đối với bạn, một người sinh ra và lớn lên ở Tây Nam Bộ, quả là một địa danh chung chung mơ hồ. Bạn hình dung ra miền Trung giống như một bãi biển lớn đông người, bày bán rất nhiều hải sản ăn được liền, taxi, khách sạn, nước ngọt kề bên, nhiều dù, nhiều phao sặc sỡ… Như những lần bạn đi cắm trại, nghỉ hè, tắm biển. Vậy thôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Con tàu nhìn gần rất dài. Ghế ngồi mềm chật hẹp, cũ kỹ, và hình như lốm đốm rách. Người về miền Trung chung toa phát âm nhanh quá, bạn phải cố lắng nghe mới theo kịp. Một người đàn ông gần bốn mươi âu yếm “thơm” tạm biệt lên má bà mẹ già làm bạn ngạc nhiên. Một phụ nữ trung niên ngồi cạnh chiếc ghế trống nhường cái may mắn rộng rãi đó cho ông bố trẻ đang loay hoay vì “con ngủ nằm hết chỗ của hai cha con rồi”. Những người bạn đồng hành của bạn nhanh chóng hỏi thăm nhau quê quán, nhanh chóng bắt chuyện, nhanh chóng mời nhau điếu thuốc hay vài thứ hoa quả bánh kẹo gì đó. Bạn có cảm giác như ai cũng vừa trút bỏ cái sự giữ kẽ, đề phòng, cái sự lạnh lùng cố hữu của cuộc sống bon chen phức tạp lại phía sau con tàu rồi?
Tàu đi vào màn đêm mịt mù. Thành phố đã lùi xa. Bạn áp mặt vào cửa kính, cố nhìn xem cảnh vật xung quanh. Chỉ thấy đêm tối và những ngọn đèn khuya mong chờ. Những căn nhà bỗng như nhỏ nhoi và cô độc, có ai đó cảm thấy ấm lòng hơn khi đoàn tàu chạy ngang qua đêm? Đêm tối chỉ rực sáng lên một lần khi tàu ngang qua những vườn thanh long đang được sưởi ấm sáng đèn. Đó là thứ ánh sáng rực rỡ nhất bạn thấy trong đêm tàu. Nước loang loáng, xếp lớp như vảy cá. Đêm không trăng, sao mờ mịt tối. Bạn nghĩ miên man gì về những chuyến đi xa?
Hóa ra, biển miền Trung không phải nơi nào cũng đẹp, cũng đông du khách, cũng sầm uất bán buôn như bạn thường nghĩ. Nơi bạn đến, biển vắng lặng và hiu buồn, xa xa chỉ có những con tàu đang thầm lặng kiếm ăn. Xứ biển nghèo với nghề đánh bắt xa bờ vay từ vốn xóa đói giảm nghèo, nợ nần vẫn còn đè nặng lên vai những người thường xuyên đối diện với bão lũ. Những trận thiên tai rồi cũng đi qua, nhưng dư vị của nó thì đau đáu lòng người ở lại.
Hóa ra, những con đường ở miền Trung đôi lúc chỉ có mình bạn, phía trước, phía sau đều hun hút. Gió lồng lộng thổi, lạnh đến tê người. Cái lạnh mang hương vị mằn mặn của biển, của cát, của mồ hôi con người quanh năm vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt. Gió miên man rồi có ngọt mùi hoa trái, hay chỉ nghe trong lòng xao xác một nỗi khát khao?
Hóa ra, người miền Trung khô khan, cuộc sống miền Trung khó khăn nhưng thơm thảo hơn bạn tưởng. Họ sẵn sàng nhường con cua duy nhất bắt được dưới hồ cho đứa trẻ con từ xa đến làm khách. Dù những đứa trẻ khác, con cháu họ có lẽ đã lâu lắm rồi ít có dịp được nếm mùi tôm cua. Chục trứng gà ta, lát mắm cá thu làm quà chia tay được cương quyết dúi vào tay bạn. Bạn bối rối bởi từng suy nghĩ thiển cận rằng, họ kỹ tính và “trùm sò” lắm!
Hóa ra, phụ nữ nông thôn miền Trung xót xa hơn những gì bạn có thể hình dung. Những khái niệm về trang điểm, về sách báo, về quyền bình đẳng hay đơn giản là việc một phụ nữ có thể nhỏ nhẹ và điềm đạm bàn luận về thời sự là cả một vấn đề. Và tất nhiên, họ cũng miễn nhiễm với những từ thời thượng như “trầm cảm” hay “áp lực công việc” hay “ngoại tình tư tưởng” chẳng hạn. Họ vừa một tay ẵm đứa nhỏ, một tay nấu cơm, làm cá, giặt đồ… vừa để mắt trông chừng mấy đứa lớn. Những dịp hiếu hỉ, giỗ quảy, những người đàn bà lam lũ đó quen với việc lủi thủi ăn cơm dưới bếp, sau khi dọn sẵn một mâm tươm tất cho những người đàn ông trong nhà. Một mâm cơm với những cái bánh tráng được nhúng nước hoặc nướng vàng thơm thơm lạ lẫm khách phương xa.
Hóa ra, người miền Trung nhắc nhở con cháu ở xa về ra thắp nhang mộ ông cố, ông ngoại, ông cậu, bà mợ… ngoài gò. Họ tranh cãi để xác định với nhau về mối quan hệ huyết thống, kiểu như “ông ngoại của tôi là thứ tám, bà cố của anh là thứ năm, hiểu không?”. Dù đối với bạn thì điều đó có vẻ hơi xa lạ, hơi buồn cười thì phải?
Hóa ra, cuộc sống ngoài miền Trung có nhiều nơi vẫn còn cơ cực hơn những gì bạn đã từng được đọc, từng được nghe kể. Bếp củi khói mù trời, những cây củi còn ướt sương, ướt gió. Nhà vệ sinh không có. Nước được xách từng thùng, mươi căn nhà mới chung một cái giếng. Điện rất sáng, nhưng Internet hay wifi thì vẫn còn ở rất xa…
Hóa ra, những bà mẹ miền Trung cũng giống như những bà mẹ những nơi bạn từng đặt chân đến. Cũng giống như mẹ bạn. Thương con. Hy sinh cho con. Mong mỏi con được thành đạt nên người. Cũng ngày đêm mong ngóng những đứa con đang đi học, đi xa lập nghiệp chưa về…
Hóa ra, một chuyến đi miền Trung chỉ vài ngày, dù giống như “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng cũng đủ làm bạn bất ngờ và rưng rưng bao điều.
HOÀNG MY