Có lẽ không có nhiều thời gian, nhưng Nguyễn Thế Kỷ vẫn tạo được một sự ngạc nhiên sâu lắng khi ta đọc những sáng tác của anh.
Cái quí không chỉ là chủ đề, mà chính là cảm xúc rất thật với những điều thiêng liêng hay những miền kỷ niệm riêng tư… “Biển dẫu yên mà lòng ta lại động/Lắng tin xa những cơn bão chập chờn”. Đọc thơ anh, dù ít nhưng vẫn thấy lấp lánh cái tài hoa của một tâm hồn có nhiều trăn trở.
(Mai Đức Lộc chọn và giới thiệu)
Thao thức Trường Sa
Trường Sa ơi, ngày mai tàu rời bến
Ta lại về phố thị thân thương
Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp
Và riêng, chung bao chuyện vui buồn
Biển dẫu yên mà lòng ta lại động
Lắng tin xa những cơn bão chập chờn
Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi
Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn
Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt
Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời
Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn
Đêm mơ còn nũng nịu gọi “Mẹ ơi!”
Muốn ôm ghì bãi san hô - chiến lũy
Những pháo đài vươn sóng Bạch Đằng Giang
Khi Đá Lát, Sinh Tồn, Song Tử
Lúc dịu dàng Tiên Nữ, An Bang…
Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ
Tựa mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn
Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác
Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở, trường tồn
Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió
Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Ấp Cờ đỏ (*) lên tim mắt bỗng lệ nhòa
Trường Sa, đêm 28-4-2012
(*) Lá cờ đỏ bạc màu nắng gió quân và dân huyện đảo Trường Sa tặng Đoàn công tác từ đất liền ra thăm Quần đảo.
Viết cho con trai trên facebook
Con trai ạ, con bây giờ đã lớn
sành điệu hơn lúc ba tuổi bằng con
chân từng đến bao miền đất lạ
mắt gần hơn với những vui, buồn
Thế giới phẳng gần hơn dưới ngón tay mềm mại
gần con hơn, điều tốt đẹp, thanh cao
và gần hơn, cả xấu xa, ác độc
thật - ảo, hèn - sang “chung một chiến hào” (*)
nay mai con sẽ là viên chức
là công nhân, trí thức, quan phương
giữa mọi người vẫn chàng trai tốt bụng
hay khác xa, kiêu ngạo, tầm thường ?
Dẫu không muốn, sẽ dần xa ba, mẹ
ấm áp hơn - vòng tay vợ yêu thương
ngôi nhà nhỏ có khi ấm, lạnh
vai nặng hơn chuyện họ tộc, phố phường...
Ba luôn tin trái tim con nhân hậu
như sớm mai ấm áp mặt trời lên
và lo cả những mù sương, giá lạnh
phía trước kia dằng dặc con đường
Rồi một ngày ba, mẹ thành cát bụi
lá vàng bay về gốc nuôi cây
dồn nhựa sống vững cành, xanh lá
tình yêu con, kiếp nữa, hao gầy.
Trên đường Nghệ An - Hà Nội
Chiều tối 11-4-2014
(*) Trên Internet, gần như không có ranh giới không gian, thời gian, nội dung thông tin…kể cả điều tốt, xấu…
Tiếng mùa xuân
Bộn bề trang viết cuối năm
Bỗng nghe mưa lá như tằm ăn lên
Đàn xuân giọt giọt trước thềm
Thơm từng nốt nhạc hương đêm vườn nhà
Giọt này lời những ngày qua
Đồng gần bão đến nương xa lũ về
Thập thình trống thúc ngoài đê
Trâu gầy cõng trẻ bơi về cuối thôn
Giọt này tiếng những vui buồn
Gừng cay là thực, đá mòn là hư
Trèo non đừng ước mây mù
Sông dài phía trước còn dư thác ghềnh
Giọt này tiếng của mùa xuân
Xanh xao như cỏ trong ngần như sương
Mang mang như khói như hương
Nguyên sơ giữa chốn vô thường đêm nay
Vinh, 2000
Khau Vai
Xuân còn bín rín đầu non
Hạ đã gieo vàng trước ngõ
Boóc mạ (*) sáng nay vội nở
Khèn ai khắc khoải cuối rừng
Ai có tìm về ai không
Tháng ba Khau Vai (**) hò hẹn
Chợ tình chẳng mua chẳng bán
Vẹn nguyên lối cũ gót xưa
Vẹn nguyên chín đợi mười chờ
Vẹn nguyên tình đầu dang dở
Gom nhặt cả điều lầm lỡ
Thành men kỷ niệm chiều nay
Quả dẫu chín đỏ trên cây
Bỗng một ngày xanh tha thiết
Như sông, tháng ngày mải miết
Lở bồi, trong đục cho nhau
Số phận có chiều ai đâu
Đường đời rẽ về lắm ngả
Khau Vai, Người nhân hậu quá
Nâng niu góc nhỏ âm thầm
Khau Vai, tháng 3-1997
(*) Loài hoa màu vàng, thường nở vào dịp chợ tình Khau Vai mở (ngày 27-3 âm lịch hằng năm).
(**) Chợ tình Khau Vai là chợ tình đặc biệt, có thể là có một không hai trên thế giới của các dân tộc thiểu số trên cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chỉ dành cho những người từng yêu nhau mà không lấy được nhau, đến ngày 27-3 âm lịch hằng năm được luật tục các tộc người tại đó cho phép đến với nhau.
Tìm về
Vẩn vơ gom nhặt xuân thì
Bằng lăng tím lối Mễ Trì (*) chiều nay
Người xưa giờ cuối chân mây
Chuyện xưa nào dễ tháng ngày phôi pha
Cái thời lọ mực sẻ ba
Đĩa rau muống luộc nửa già nửa ôi
Cơm mỳ hai bát chơi vơi
Lâm râm cái đói suốt thời sinh viên
Vậy mà Người ấy trường bên
Yêu thơ đến nỗi suýt quên đường về
Vậy mà chú Bạn, chú Nghề (**)
Loa Trường dọa khéo “cho về địa phương”
Là vì mấy cặp uyên ương
Đôi khi lỡ đứng cạnh đường hôn nhau
Tóc xanh giờ đã pha màu
Mộng mơ gửi lại phía sau cổng trường
Tìm về giữa chốn yêu thương
Bờ cây còn đó giảng đường còn kia
Khác chăng cô bé tóc thề
Gọi ta bằng chú vụng về xưng em
Ngỡ ngàng như lạ như quen
Bước chân lạc lối giữa miền chiêm bao.
Mễ Trì, 9-1996
(*) Ký túc xá Mễ Trì, Đại học Tổng hợp Hà Nội
(**) Chú Bạn là Trưởng ký túc xá; chú Nghề là Chủ nhiệm nhà ăn của KTX.
Với Cần Thơ
Cần Thơ gạo trắng, nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về
Cứ ngỡ lặng thầm trong xa cách
Bỗng giờ Sông Hậu đã mênh mang
Ngược gió thuyền ai trong ráng đỏ
Mang theo câu hát đến nao lòng
Đâu rồi ngày ấy trong lau lách
Hạt muối nhường nhau mặn tới giờ
Xác cha giặc kéo bầm thân lộ
Gốc tràm, ngọn cỏ cũng thương đau
Đâu rồi nơi bạn ta nằm lại
Lục bình thành nấm mộ trên sông
Màu hoa tím đỏ như màu máu
Như ngọn đèn chong mấy lỡ làng
Đâu rồi xóm nhỏ sau cơn lũ
Phù sa váng tận bát nhang thờ
Mẹ ta tóc trắng như sương khói
Thương lá vàng rơi cuối trời thu
Thắp nén nhang này cùng trời đất
Hồn cha, lòng bạn với tình em
Như Hậu Giang kia ngàn đời chảy
Một sắc phù sa chẳng đổi dòng
Cây trái xanh hơn nơi quê cũ
Vườn cò Phụng Hiệp rộn chiều nay
Gạo nước Cần Thơ trong men rượu
Chưa uống mà lòng chếnh choáng say
Cần Thơ, 1984
NGUYỄN THẾ KỶ