Nhận được giấy báo đậu đại học, gương mặt nó bình thản không cảm xúc, nó biết mình sẽ thi đậu từ khi đọc đáp án trên báo, vẫn tỏ ra như không có gì háo hức, nó gấp tư tờ giấy nhét sâu vào ngăn cặp. Đôi mắt ráo hoảnh quay đi.
Minh họa: Hoàng Đặng |
Mấy lần mẹ hỏi “Sao chúng bạn có giấy báo hết rồi mà con chưa có?”, nó ậm ừ cho qua, lẩn tránh cái nhìn của mẹ, “Chắc giấy báo về trễ mẹ à”. Lần đầu tiên nói dối nó thấy sống mũi mình cay cay. Nó cũng muốn mang giấy báo vui mừng loan tin đầy tự hào như bao đứa bạn khác, có mấy đứa ở cái làng chài ven biển này đậu điểm cao như nó đâu. Nhưng nó đang đấu tranh, làm sao có thể vui mừng được khi đó lại là gánh nặng của mẹ, oằn lên vai ba. Mẹ ít học, ông bà ngoại mất từ khi còn nhỏ, ở với dì rồi lấy chồng ở nhà chăm con. Nhà đông con, dưới nó còn ba đứa em trai nữa, thằng Út bị bệnh xương thủy tinh, đã tám tuổi rồi mà vẫn không rời được tay mẹ. Cuộc sống chỉ trông chờ vào những chuyến đi biển của ba. Những chuyến đi câu mực hàng mấy tháng trời lênh đênh giữa biển khơi. Những chuyến đi của ba luôn đong đầy nỗi lo âu trong mắt mẹ, có thể bất cứ lúc nào, ba sẽ ở lại biển mãi mãi mà không bao giờ trở về nữa. Thế nên những chuyến ba trở về nhà mẹ nén tiếng thở phào nhẹ nhõm. Giờ nó đi học lại thêm một gánh nặng.
Với nó và những thằng em thích nhất vẫn là những lần ba đi biển trở về, được cầm trên tay con mực khô, nướng lên bếp than hồng thơm phức, xé ra từng sợi mỏng chấm với nước tương ớt pha chanh đường, vị ngọt của mực kết hợp với vị chua chua của chanh, vị mặn của tương, vị cay của ớt và vị thanh của đường hòa quyện tan trong lưỡi, nhai ngấu nghiến để cảm nhận vị ngon của biển. Mùi thơm của mực nướng thì không thể giấu giếm được, thành ra mỗi khi nó nướng mực thể nào mấy thằng em trai cũng ngồi vây quanh bếp chờ đợi, giành giật nhau từng cái râu mực, mà ăn như thế mới vui, tiếng giành nhau chí chóe, tiếng cười vỡ tan, vừa ăn vừa nghe ba khề khà uống rượu kể chuyện vui những ngày trên biển. Với nó đó là những ngày hạnh phúc. Mẹ vẫn thế, lấy niềm vui của mấy cha con làm niềm vui của mình, vẫn luôn tay luôn chân với những công việc không tên, nhưng trong mắt mẹ ánh lên lửa hy vọng của cái hạnh phúc giản đơn. Những ngày ba về, mẹ bớt quát nạt mấy đứa em hơn, bữa cơm cũng tươm tất hơn.
Xong bữa cơm chiều, trời chập choạng tối, ba ra ngồi ngoài cái chõng tre hóng gió biển ngoài hiên, trăng cũng bắt đầu ló dạng, trăng mười bốn sáng vằn vặt. Ông đốt thuốc liên tục, rồi hắng giọng gọi nó.
- Con ra ba nói chuyện.
Nó rụt rè bước đến lo sợ như mình vừa làm điều gì sai, lí nhí:
- Dạ ba gọi con.
- Ngồi xuống đây ba nói chuyện. Sao con thi đậu mà không nói, sao con lại giấu giấy báo, nếu chiều nay thằng út không lục lọi trong cặp con thì con định giấu luôn sao?
- Nhà mình khổ quá, con đi học thì lấy đâu ra tiền mà lo, rồi còn mấy đứa em nữa, mình ba lo sao nổi, con định ở nhà phụ mẹ… Mắt nó đã rưng rưng giọt nước.
- Con à, nhà mình nghèo thật đấy, ba mẹ thì ít chữ, ăn bữa trưa lo bữa tối nhưng không phải là không lo nổi cho con. - Điếu thuốc trên tay ba đã cháy xém, ông châm thêm điếu nữa, rít một hơi dài. - Ba đã bàn với mẹ rồi, dù phải vay mượn cũng ráng lo cho con đi học, con ráng mà học để sau này về lo cho mấy đứa em.
Trong lòng nó như vừa trút bỏ được gánh nặng bấy lâu nay, vừa hân hoan lại vừa đau đáu, xót xa.
Hành trang của nó nhẹ hều, vài bộ quần áo cộng vài thứ linh tinh đựng trong cái ba lô con con. Ba thuê xe ôm đi cùng nó lên tận bến xe. Đưa nó lên tận ghế ngồi ông mới quay xuống, có lẽ với ba, nó vẫn còn bé bỏng lắm.
- Ra tới nơi thì gọi điện về nhà liền nghen con.
- Dạ, ba yên tâm.
- Vài ngày nữa ba cũng đi biển rồi, con có gì thiếu thốn thì gọi cho mẹ. Tết về ba con mình lại gặp nhau.
i học xa nhà phải tự biết lo cho bản thân nghen con.
Mắt nó ầng ậng nước quay đi.
Chuyến xe đi Huế bắt đầu chuyển bánh. Nó ngoái đầu lại phía sau vẫn thấy ba đứng đó nhìn theo, cái dáng khắc khổ, đen nhẻm của người đàn ông từng trải qua bao nhiêu mùa bão như già nua hơn cái tuổi ngoài bốn mươi. Nó nhìn mãi cho đến khi chỉ còn thấy cái chấm nhỏ mới quay lại lau vội giọt nước mắt. Đây là lần đầu tiên nó xa nhà, lần đầu tiên nó ra khỏi cái làng chài ven biển, bao nhiêu háo hức, bao nhiêu chờ đợi. Nó sắp chạm tay vào cái ước mơ được làm cô giáo, nó là niềm tự hào của ba mẹ, nhưng nghĩ đến những đêm ba chỉ là một cái chấm nhỏ giữa biển khơi nó không khỏi thắt lòng. Con sóng cứ chòng chành cái thúng nhỏ, những ngày nghe tin báo bão là lòng nó lại không yên.
Nhập học được mấy tháng nó nhận được tin phải về nhà gấp khi còn đang trên giảng đường. Vội vã nhét vài thứ vào cái ba lô con con, nó nhờ đứa bạn chở ra bến xe để bắt kịp chuyến xe cuối cùng rời Huế, không quên dặn đứa bạn xin phép thầy giúp, nó về vài ngày rồi sẽ trở lại ngay. Thắc thỏm trên chuyến xe trở về, đoạn đường hơn 200km như dài hơn. Nó chợp mắt, chập chờn những cơn mộng mị theo những cú xóc vượt đường đèo. Trong cơn mê man hình ảnh ba đầy âu lo, khắc khổ, gương mặt rám nắng nhìn nó như muốn nói điều gì. Rồi ánh mắt già nua của ba chìm dần, chìm dần vào những đợt sóng. Giật mình tỉnh giấc bởi một cái đập mạnh trên vai của người ngồi bên cạnh, nó đưa tay dụi mắt mấy lần để biết mình đang mơ.
- Tới nơi rồi bé ơi, ngủ mơ gì mà ú ớ suốt?
Nó bật dậy, với cái ba lô nhảy phốc xuống xe, còn đang hoang mang với cơn mơ, chú út trờ tới, “Lên xe chú chở về”.Lạ thật, lần đầu tiên chú đi đón nó, mà cũng chẳng hỏi han gì chuyện nó học hành ra sao, chuyện nó sống ngoài đó thế nào. Nó toan kể về giấc mơ cho chú nghe, nhưng nhìn lưng chú, thấy rõ vẻ khắc khổ hằn lên đôi vai của người đàn ông miền biển, có lẽ chú cũng giống như ba, cả một đời gắn bó với biển, với sóng gió, với những lo toan cho một đàn con nheo nhóc, nên thôi. Chú cứ im lặng chạy xe, nó thấy sợ sợ nên cũng im lặng. Bất chợt chú lên tiếng:
- Con về nhà phải thật bình tĩnh nghen.
- Có chuyện gì hả chú?
Chú không trả lời. Hai chú cháu lại im lặng trên suốt quãng đường không xa nhưng đủ cho những lo lắng bao trùm.
Vừa về đến đầu xóm đã thấy mọi người bàn tán xôn xao. Có một cái gì đó rất lạ. Chiếc xe máy của chú vừa trờ tới ngõ nó đã nghe tiếng khóc nỉ non ai oán từ trong nhà phát ra. Tiếng mẹ kêu gào, tiếng mấy đứa em khóc thét, tiếng mấy bà hàng xóm, tiếng mấy mợ, mấy dì thút thít. Một cái bàn thờ được lập ra trước sân. Tấm ảnh của ba phóng to nằm ngay ngắn ở đó, người ta đang tụng kinh gõ mõ cúng bái, cầu khấn. Nó đánh rơi cái ba lô xuống đất, quỵ xuống:
- Ba ơi, con mới đi có mấy tháng…
Mọi người xúm xít vào dỗ dành, đỡ nó đi chỗ khác. Nó ngồi thụp xuống nền nhà, dựa lưng vào tấm vách đưa đôi mắt thẫn thờ nhìn xung quanh. Mẹ nó ngồi đó, tóc xõa xuống, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, mẹ gầy sọp, già nua hẳn. Thằng Út với chiếc xe lăn dúm dó một góc, chẳng ai buồn trông, thằng bé cứ dáo dác đưa đôi mắt ngây ngô của mình quan sát mọi người, rồi khóc rồi cười một mình.
Một tuần trôi qua, người ta không tìm thấy xác của ba nữa. Nghe mấy chú kể lại, đêm đó một cơn lốc xoáy bất ngờ ập đến, mọi người cuống quýt thu dọn đồ nghề trở về tàu thì thúng câu của ba bị gió thổi mạnh, đứt dây và trôi mất tích, khi phát hiện không thấy ba, cả tàu nổ máy chạy đi tìm khắp khu vực, gọi mấy tàu khác đến hỗ trợ nhưng tất cả đều không tìm thấy. Ba mất tích từ đó. Tất cả mọi người đều xác nhận ba đã mất. Ngôi mộ gió được lập trên bãi cát trắng ven bờ, có rì rào hàng dương, có vi vu gió biển, có những rặng phi lao chắn sóng và có rất nhiều ngôi mộ gió xung quanh.
Mẹ lặng lẽ như một cái bóng. Người đàn bà cả nửa đời chỉ quanh quẩn bếp núc và nấp dưới bóng ba rồi đây sẽ chèo chống gia đình như thế nào? Ước mơ làm cô giáo của nó trở nên mong manh và xa vời. Đứa bạn gọi điện thoại hỏi thăm, nó chỉ nói được vẻn vẹn một câu “Tao nghỉ học, đồ đạc ở ký túc xá có mấy thứ mày lấy mà dùng” rồi cúp máy vội vàng như sợ nán thêm chút nữa nó sẽ khóc òa.
Nó lang thang ra biển, ngồi bên ngôi mộ gió của ba. Gió thổi từng lớp, cát bay mịt mù dưới chân. Sóng chồm lên trắng xóa. Biển động. Nó thèm cả gia đình được đoàn tụ, thèm được trở lại trường, thèm được nghe giọng khề khà vừa uống rượu vừa kể chuyện đi biển của ba.
Mẹ bắt đầu bươn chải ngoài chợ với mớ rau, mớ tép. Nỗi đau nhường chỗ cho cuộc mưu sinh.
Nó dắt mấy đứa em ra biển. Xa xa, bóng những con tàu nhấp nhô, thấp thoáng những hy vọng. Đứa em kế thằng Út giương đôi mắt ngây thơ lên hỏi “Mình đợi ở đây ba biết, sẽ về sớm hơn hả chị?”. Nó im lặng không trả lời, mắt vẫn dõi theo những điều huyền hoặc ngoài khơi xa, đợi một điều kỳ diệu.
KIU SA