.
TRUYỆN NGẮN

Chim Cắc-ca

.

Ngày ngày người đàn ông vẫn ra bờ sông câu cá. Ngồi đến chán chê mê mỏi, gã mới kiếm được vài con cá bé tẹo. Hôm đó, gã mới ra đến chỗ câu, thì có một con chim sắc lông rực rỡ như cầu vồng từ đâu bay tới, sà xuống đậu bên cây điền mã kề bên. Đó chẳng phải chim thường mà là chim Cắc-ca. Thấy gã ngồi mãi mới câu được một con cá bằng hai ngón tay, chim thần mủi lòng hỏi:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Anh bạn sẽ làm gì với con cá ấy?

- Đem ra chợ bán, lấy tiền mua bánh mì. - Gã đáp.

- Tôi thương anh lắm. Rồi đây, mỗi tối tôi sẽ mang đến cho anh một con cá thật to nhé.

- Thế thì còn gì bằng! - Gã reo vui hớn hở, cảm ơn rối rít, rồi ra về.

Từ đấy, tối nào chim Cắc-ca cũng tha đến cho gã đi câu một con cá kếch xù, ném đánh bạch xuống sân, và sáng hôm sau, gã chỉ việc đem cá ra chợ bán. Ngày lại ngày trôi qua nhờ chim thần cưu mang đùm bọc, gã đi câu chẳng những thoát khỏi cảnh cơ cực bần hàn, mà còn xây cất được nhà cao cửa rộng, tậu được vườn tược, ruộng nương đàng hoàng.

Một hôm, gã đang ngồi bán cá giữa chợ, thì nghe có sứ giả của nhà vua dùng loa truyền gọi: “Ai thấy chim Cắc-ca ở đâu hãy báo ngay cho nhà chức trách biết, người đó sẽ được cai quản một nửa vương quốc, và lấy công chúa làm vợ”.

Nghe vậy, gã câu cá đứng bật dậy định nói ngay “tôi thấy”, nhưng liền ngồi xuống, tự nhủ: “Nhờ chim thần mình mới được như ngày nay, sao nỡ tiếp tay cho bọn xấu làm hại nó”. Khốn nỗi, cái ý nghĩ lương thiện ấy chỉ đậu lại trong đầu gã mươi tích tắc, thì một ý nghĩ khác lại xuất hiện: “Công ơn của chim Cắc-ca đối với mình cũng to đó, nhưng thấm vào đâu so với những gì đức vua sẽ ban cho mình!”, và gã dứt khoát đứng lên. Cử chỉ đường đột của gã không lọt qua được đôi mắt tinh tường của sứ giả, và người này đã bắt gã giải về hoàng cung, ra mắt đức vua. Đức vua ân cần hỏi gã:

- Ngươi thấy con chim thần ấy ở đâu?

- Muôn tâu! – Gã nói – Chim Cắc-ca tối nào cũng tha đến cho kẻ hèn mọn này một con cá to lắm ạ.

Đức vua xiết nỗi vui mừng tiếp:

- Trẫm ốm nặng, thuốc thang đã nhiều nhưng không khỏi. Gần đây có một y sư lừng danh cho biết: Chỉ có uống huyết con chim thần Cắc-ca bệnh tình trẫm mới thuyên giảm được mà thôi. Nhà ngươi hãy gắng bắt con chim đó về đây, trẫm sẽ cho một nửa vương quốc và chọn làm phò mã.

- Muôn tâu! – Gã đi câu nói – Con chim ấy to lắm, khỏe lắm, một mình kẻ hèn mọn này không bắt nổi đâu.

- Khỏi lo, trẫm sẽ cho bốn chục tên thị vệ trong hoàng cung đến giúp sức, được chưa?

- Muôn tâu, được rồi ạ.

Gã đi câu dẫn bốn chục tên thị vệ về nhà, cho phục giữa các bụi rậm trong vườn. Riêng gã thì bày các thứ thức ăn ngon lành ra một bãi cỏ dưới gốc cây to, ngồi chờ. Như thường lệ, khoảng giữa canh hai, chim thần Cắc-ca tha cá bay đến ném xuống sân, rồi đậu trên ngọn cây cao nọ.

- Ôi ân nhân của ta! Người bạn thân yêu quý giá nhất đời của ta ơi! – Gã lấy giọng đường mật nói – Bấy lâu nay nhờ có chim thần cưu mang đùm bọc, từ một kẻ khố rách áo ôm đã trở thành người có bát ăn bát để. Nên giờ đây ta biện chút lễ mọn bày sẵn kia, xin chim thần đến thụ hưởng cho ta được thỏa lòng.

Chẳng chút ngờ vực, chim thần Cắc-ca từ trên cao sà xuống bãi cỏ. Chim chưa kịp mổ một miếng thức ăn nào, thì đã bị kẻ phản trắc kia nhào đến nắm chặt hai chân, lấy hết gân cổ gọi bọn thị vệ đến giúp sức. Nhưng chim thần Cắc-ca vốn có sức mạnh siêu phàm đã cất cánh bay lên dễ dàng, nhấc bổng tên phản trắc lên khỏi mặt đất. Ngay lập tức, một tên trong đám thị vệ chạy đến nắm lấy chân gã câu cá. Rồi tên thị vệ thứ hai nắm lấy chân tên thị vệ thứ nhất. Tên thị vệ thứ ba nắm lấy chân tên thị vệ thứ hai... tên thị vệ thứ mười nắm lấy chân tên thị vệ thứ chín... cứ thế chúng nó kết thành xâu thành chuỗi, và đều bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất, lơ lửng giữa không trung. Đến một lúc không chịu đựng được nữa, gã đi câu buông tay ra, và tất cả nháo nhào rơi... “Đáng đời cho những kẻ tham thâm lậm mạt”. Nhìn thấy những xác chết của bọn kia nằm trên mặt đất, chim Cắc-ca rủa thầm, rồi sải cánh bay đi tìm đến những phương trời không có kẻ vô ơn bạc nghĩa.

HOÀNG BÌNH TRỌNG dịch

(Qua bản tiếng Pháp đăng trong Lettres Russes No 343)

;
.
.
.
.
.