.
Tản văn

Giàn hoa thiên lý

.

N ỗi nhớ quê hương trong ký ức của tôi luôn gắn liền với những hình ảnh thật đơn sơ, bình dị. Đó là một khoảng trời tím ngát hoa xoan, là con đường nhỏ thơm mùi rơm rạ, là ngọn đồi xanh ríu rít chim ca, là gốc đa già rêu phong cũ kỹ. Nhưng để lại những ấn tượng sâu đậm nhất trong miền hoài niệm nơi trái tim tôi là nỗi nhớ, niềm thương dành cho giàn hoa thiên lý bên chái bếp nhỏ xinh, đầm ấm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi không còn nhớ rõ những dây thiên lý ấy được bố tôi đem về trồng từ lúc nào, chỉ biết rằng sau mấy tháng dài trọ học trên thị trấn trở về nhà thì tôi đã thấy màu xanh tươi mát của những dây thiên lý xoắn xuýt leo lên trên chiếc giàn tựa mình bên chái bếp. Những ngọn búp nho nhỏ, nõn mềm cố vươn dài theo những nhánh tre khô để đan thành một mái lợp nhung xanh, biêng biếc. Lúc ấy, trông giàn thiên lý sao mà thanh mát và yên bình quá đỗi.

Bố tôi bảo, bố trồng giàn thiên lý này bên chái bếp để lấy bóng râm cho mẹ có chỗ giặt giũ, rửa bát vào những ngày hè. Thì ra giàn thiên lý này là món quà yêu thương bố dành tặng mẹ. Chợt nhận ra rằng, dù cuộc sống còn rất nhiều những khó khăn, chật vật, nhưng bố vẫn luôn quan tâm và chở che cho mẹ bằng những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại thật ý nghĩa biết bao. Nghe bố bảo vậy, tôi đùa, “Bố thiên vị mẹ nhất nhà rồi nhé”.

Nhiều lần ngắm giàn hoa thiên lý, tôi từng thắc mắc, tại sao lá thiên lý lại có hình trái tim và vì sao mà những dây leo của nó luôn quấn quýt vào nhau để cùng vươn dài ra phía nắng mai rạng rỡ? Phải chăng, đó là biểu tượng của tình cảm gia đình kết đoàn, thân mật? Hay là một thông điệp đầy dụng ý của thiên nhiên? Dưới giàn hoa thiên lý, chiều chiều, bên mâm cơm thanh đạm, nhìn bố chọn gắp những miếng thức ăn ngon cho hai mẹ con, chợt thấy lòng ấm áp và bâng khuâng khó tả. Thầm cảm ơn giàn hoa thiên lý đã giúp gia đình mình xích lại gần nhau hơn.

Sau những đợt mưa đầu hạ, từ những nách lá, từng chùm nụ bông thiên lý chúm chím bắt đầu nảy ra như những ngọn chuông tí hon xinh xắn. Ban đầu, hoa thiên lý có màu xanh lơ nhàn nhạt. Qua những ngày gom đầy nắng mới, những nụ hoa xao xuyến nở xòe rồi dần dần chuyển sang sắc vàng mơ huyền, mềm mại. Hương thiên lý thơm ngạt ngào đầy mê hoặc thả trôi theo ngọn gió miên man rủ bướm ong rạo rực tìm về sum họp làm lao xao cả một góc nhỏ lặng thầm.

Buổi trưa, mẹ thường mang chiếc rổ sảo ra giàn thiên lý hái hoa xào với chỗ hến mà tôi tranh thủ bắt được dưới con kênh nước cạn những chiều chăn trâu hay đơn giản chỉ là nấu canh với tép khô thơm nức. Đó là những món ngon hấp dẫn nhất mà tôi từng được thưởng thức. Vị thiên lý đậm đà, thanh mát kết hợp với vị ngọt dịu của tép tôm và hến nhỏ sông quê thì còn gì tuyệt vời hơn nữa? Trong bữa cơm, bố con tôi cứ tấm tắc khen mẹ đảm đang mãi. Tiếng nói cười xôn xao, hạnh phúc.

Không chỉ dùng để làm thực phẩm trang trải thêm cho những bữa cơm đạm bạc ngày thường, hoa thiên lý còn là một phương thuốc quý. Nhớ những đêm hè tôi hay bị mất ngủ vì sốt cao, trong khi bố lấy khăn ướt chườm lên trán tôi thì mẹ lặng lẽ ra giàn thiên lý ngắt mấy chùm hoa ướt đẫm sương đêm vào sắc nước cho tôi uống. Nhìn ánh mắt đong đầy lo lắng của bố mẹ, chợt thấy lòng chộn rộn, xốn xang. Sau khi uống nước trà thiên lý, hòa theo làn hương hoa dịu dàng vắt mình qua khe cửa, tôi khép mắt lại rồi ngủ quên lúc nào không hay biết. Tỉnh dậy sau giấc mơ êm đềm, thấy tâm hồn sảng khoái và nhẹ nhàng như đêm qua chưa hề bị ốm.

Thầm thương những mùa hoa thiên lý chở đầy kỷ niệm, thương những tháng ngày tuổi thơ khoáng đạt, yên vui. Nơi ấy, dưới mái lá xanh hiền hòa, đằm thắm, tôi đã lớn lên trong tình yêu bao la của bố mẹ tôi. Nhớ lắm giàn hoa thiên lý ngày xưa…

PHAN ĐỨC LỘC

;
.
.
.
.
.