.
Tản văn

Phải lòng rơm thơm

.

Mẹ bị “đứng hình” khi tôi quyết định rời phố về quê dạy học. Dù sao tôi cũng sinh ra, lớn lên, ăn học ở phố, bố mẹ tôi gốc gác nông thôn nhưng cũng “ngụ cư” ở phố mấy chục năm rồi, ở quê chỉ còn ông bà nội và họ hàng xa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi là một con người đầy mâu thuẫn, thích làm một bà mẹ lắm con nhưng lại hoang mang vì không biết sẽ xoay xở thế nào với một đàn con trong căn nhà hộp diêm ở phố, muốn tìm một lý tưởng, đam mê cho bản thân nhưng lại biếng lười, dễ buông xuôi, bằng lòng với sự tương đối, yêu thương người thân nhưng chưa biết cách chăm sóc, an ủi họ. Có lẽ vì thế, chưa bao giờ tôi gây dựng được lòng tin, sự yên tâm của bố mẹ. Tiễn tôi về, ánh mắt mẹ như muốn nói chẳng chóng thì chầy, tôi lại phải ào về, nương náu trong vòng tay của bố mẹ, chấp nhận một công việc nhàn hạ đã được sắp xếp sẵn ở phố.

Tôi có về quê với bố mẹ mỗi năm vào dịp lễ tết nhưng chỉ chóng vánh trong vài ngày, lại thường ở nhà các bác cho rộng rãi, tiện nghi, tranh thủ đi thăm thú họ hàng, chỉ đáo qua nhà ông bà thắp hương cho các cụ, ăn bữa cơm, ký ức về “nhà ông bà nội” không nhiều. Nhưng riêng bố tôi thì ngược lại, đi đâu thì đi, đến tối chỉ nhất quyết về ngủ ở nhà ông bà. Trái với thái độ của mẹ, biết quyết định của tôi, bố phấn khởi cảm thán: “Hay đấy Rơm, con quyết thế là phải”.

Nhà ông bà đón tôi bằng một mẻ chuối chín thơm nức  mũi. Tôi chén những quả chuối chín rời khỏi cuống rơi xuống lớp rơm lót chiếc thúng dùng để giấm. Bà mang lớp rơm ấy đi nhóm bếp nấu cơm, cho nên nồi cơm tối thoang thoảng cả mùi hương chuối chín. Những ngày đầu chưa quen, nấu cơm với rạ chưa quen, khói um khắp căn bếp nhỏ làm tôi chảy nước mắt nước mũi. Dần dà, sau giờ dạy, tôi đã biết nấu một bữa cơm dẻo, canh ngọt với rơm rạ. Rau quả trong vườn tươi tốt cũng nhờ được bón tro bếp.

Ngoài căn nhà mái bằng để làm chỗ nghỉ ngơi cho khách ở phố về, ông bà nội tôi còn có một căn nhà tranh vách đất ba gian. Đó cũng là chỗ nghỉ ngơi của bố tôi mỗi lần về quê. Có đi chân trần trên nền đất đắp, nằm trong chăn mỏng lắng nghe tiếng chim ríu ran mỗi sáng và trong giấc mơ cũng thơm nức mùi rơm mới hiểu vì sao ở phố chừng ấy năm mà bố vẫn không nguôi nhớ và mong mỏi được trở về.

Nhìn đâu trong nhà của ông bà cũng thấy bóng dáng của những sợi rơm vàng. Rơm có hẳn mấy cây được ông bà trau chuốt trơn mượt trong vườn, mùa nóng được mang đi phủ lên gốc cây để giữ ẩm. Từ chiếc chổi, giỏ đựng đồ đi chợ của bà đến chiếc mũ của ông đều được kết bằng thứ thân rơm nếp vàng óng, dẻo dai, óng ả. Rơm lá mềm mại để lót ổ gà, để giấm chuối, giấm dứa.

Ngày nắng ráo, bà đi chợ, tôi với ông dọn dẹp nhà cửa, bê những hòm xiểng ra sân. Và tôi khám phá ra cả một thế giới búp bê rơm. Nào búp bê rơm, gà rơm, cún rơm, ngựa rơm. Thảo nào bố đặt tên ở nhà cho tôi là “Rơm” mặc mẹ chê bai là quê mùa. Đặt chiếc giỏ đựng thức ăn nặng trĩu xuống thềm, thấy tôi mải mân mê, ngẩn ngơ với những búp bê rơm, bà cũng ngồi ghé xuống: “Thế ra chúng vẫn còn và ở đây. Những báu vật một thời của bố con đấy”.  

Cứ như thế, không biết từ bao giờ, tôi đã trở thành một cô gái nông thôn, biết gặt lúa, biết làm những đồ dùng bằng rơm đơn giản. Ai cũng bảo ông bà khỏe hơn, vui hơn từ khi có cháu gái về chăm sóc. Nào tôi đã giúp gì được nhiều cho ông bà đâu. Nhưng cũng có người ngờ rằng chỉ nay mai thôi, tôi lại về lấy chồng phố, chứ đời nào lấy trai quê. Thế mà phụ lại ý nghĩ, tôi thành dâu quê. Đám cưới mùa hè, tôi đi chân trần trên lớp rơm phơi dọc đường làng êm ái. Rơm như ve vuốt, nâng giữ tà váy cưới trắng tinh. Khách ở phố về, ai nấy đều cởi giày đi chân đất và trầm trồ khi bước vào cổng nhà chú rể, một “địa đàng” của một “nghệ sĩ làm vườn”. Nơi này, anh và tôi sẽ tạo ra những món đồ chơi  rơm cho đàn con đông đúc và nếu nhóc nào thắc mắc vì sao tôi lại ở đây và sinh ra anh chị em của nó, tôi sẽ nói rằng “Vì mẹ trót phải lòng rơm thơm”.

MỘC ANH

;
.
.
.
.
.