“Gần mực thì đen…”, chị bắt đầu bằng câu tục ngữ ấy rồi giảng giải bao đồng một lúc, sau cùng chốt lại lời khuyên dành cho con “chọn bạn mà chơi”. Thấy Hiến im im, biết là chưa thông lời mẹ, chị mở ngoặc nói thêm: “…Phải tránh xa mấy đứa hư hỏng mất dạy, tuyệt đối không dây vào đám chơi bời lăng nhăng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đấy, mười đứa con hư thì đã có chín đứa do bạn bè rủ rê, thành ra phải kết thân với bạn tốt”. Thằng bé không lắc cũng chẳng gật, chờ mẹ nói xong, nó nhỏ nhẹ “con về phòng đây” rồi lẳng lặng lên cầu thang. Nhìn vẻ dửng dưng của con, chị bực khi thấy lời mình cứ như rơi vào khoảng không, chẳng hề vọng lại.
Lần đầu thấy Hiến dẫn Việt về nhà, chị đã không ưng. Việt đen nhẻm, đầu tóc bù xù như rễ tre, áo quần lôi thôi, nói năng cụt ngủn, cái nhìn tò mò… khiến chị không rời mắt. Thằng bé vừa ra khỏi ngõ, chị liền dò hỏi con về gia cảnh bạn nó. Thấy con trả lời nhát gừng, vẻ khó chịu, chị càng gặng hỏi. Thằng bé bất ngờ cáu gắt: “Mẹ cứ như phỏng vấn để tuyển người vào cơ quan tình báo không bằng!?” Chị há hốc, tròn mắt nhìn con rồi nạt lại: “Mày coi bạn hơn mẹ đấy à!?” Bực tức biến thành lời, chị tuôn một tràng dài. Thằng bé im re.
Mấy ngày sau, kết thúc buổi họp phụ huynh giữa năm học ở trường, chị vội vàng về nhà, chạy thẳng lên phòng con. Cái cầu thang dài khiến giọng chị hổn hển trong hơi thở: “Con không được chơi với thằng Việt!”. Đáp lại giọng nghiêm khắc như mệnh lệnh của mẹ, Hiến ngơ ngác, đôi mắt tròn như dấu hỏi. Chị nén lòng, cố thuyết phục con bằng lời mềm mỏng: “Sao con lại làm bạn với đứa học sinh cá biệt? Cô chủ nhiệm bảo, nó vô lễ với thầy cô, đánh bạn, trốn học đi chơi cùng vô số tật xấu khác. Chả lẽ lớp con hết bạn tốt rồi sao?” Thằng bé ngồi thừ một lúc rồi cất giọng buồn buồn: “Hoàn cảnh Việt đáng thương lắm, mẹ ạ…” Chị cắt ngang: “Đáng thương thì đã có ông bà cha mẹ nó lo, chẳng đến phần con”. Thấy con mím môi, vẻ bất bình, chị cầm tay con, dỗ ngọt: “Mẹ không muốn thói xấu của nó nhiễm vào con”. Hiến im lặng, chị đinh ninh nó sẽ nghe lời mẹ.
Tưởng thế nên khi biết con vẫn cặp kè với đứa học sinh cá biệt kia, chị vừa giận vừa lo. Thấy Hiến đi học sớm quá, chị sinh nghi nên liền chạy xe theo sau. Nó đi sớm nhưng tới trường vẫn trễ do còn đạp xe lòng vòng để đón Việt. Nhìn con phờ phạc với tóc tai dựng ngược, đứng nghiêm để nghe những lời nhắc nhở nặng nề của thầy giám thị, lòng chị se lại. Hóa ra, lâu nay thằng bé tự nguyện làm xe thồ miễn phí cho bạn.
Cũng vì bạn của con mà cước phí điện thoại bàn nhà chị tăng lên đột biến. Hiến dùng điện thoại để hướng dẫn bạn giải bài tập. Lắm bữa nó cầm ống nghe cả tiếng đồng hồ, trao đổi rề rà như đang ngồi cùng nhau. Hình như đứa bạn chậm hiểu nên nó nói đi nói lại, tì cả người lên bàn cho đỡ mỏi. Cũng loáng thoáng nghe con nói qua điện thoại mà chị biết người nhà Việt nhiều lần nhờ Hiến khuyên nhủ thằng bạn ham chơi hơn ham học. Có khi nó gọi mấy cuộc liền mới tìm được điểm đứng của bạn. Nó thuyết phục bạn bằng cái giọng khi thì cộc lốc như mệnh lệnh “về đi”, lúc lại như năn nỉ: “Bà đang chờ cơm đấy, cậu về đi nhé”. Có bữa Hiến vừa ngồi vào mâm thì có cuộc gọi tới, nó đáp lại bằng giọng quả quyết “để cháu, để cháu” rồi lật đật đạp xe lao đi. Nghe mẹ hỏi với theo, nó ngoái lại: “Hắn đang chơi điện tử, con đi lôi về đã!”… Không xót tiền điện thoại, cũng chẳng so đo công sức đi sớm về muộn của con nhưng chị thấp thỏm lo khi thấy con chơi thân với đứa nhiều tật như Việt. Lắm đêm chị mất ngủ bởi những dự cảm chẳng lành về con do bạn xấu đem lại.
Loanh quanh, ngọt nhạt rồi cuối cùng chị cũng nói được điều cần nói với con: “Tránh xa nó ra!”. Đoán con sẽ phản ứng nên chị đã chuẩn bị lý lẽ để bảo vệ ý mình; chị không ngờ nó đáp lại bằng giọng dỗi hờn pha nũng nịu: “Đừng, mẹ ơi!”. Vẻ mặt năn nỉ cùng giọng đẫm nước của con khiến sự cứng rắn của người mẹ tan đi; cố tạo vẻ nghiêm khắc nhưng lòng chị đang lung lay. Hiến lấn tới, nó cầm bàn tay mẹ lắc lắc, cố tìm sự ủng hộ: “Việt đang cần sự giúp đỡ của con mà mẹ”. Chị nhìn con, thẳng thắn: “Tập trung học đi, đừng có lo bao đồng!”. Thằng bé tươi cười, “Mẹ yên tâm” rồi quàng tay ngả đầu vào vai mẹ, ra vẻ lấy lòng. Chị bỗng bối rối, ngồi lặng trong niềm vui chợt đến, quên cả bực dọc.
Chị biết con trai vẫn chơi thân với Việt. Có điều thằng bé kia không tới nhà bạn nữa; thỉnh thoảng thấy nó đứng đầu đường chờ bạn ra. Khi Hiến xin tiền ăn sáng thay vì để mẹ mua về nhà như mọi bữa, chị chột dạ. Chị sợ con cầm tiền rồi không ăn mà làm chuyện không hay, như chơi điện tử chẳng hạn. “Gần trường con có quán mì Quảng và bún Huế rất ngon, con thích lắm.” Nghe con giải thích lý do muốn tự ăn sáng, chị phần nào yên tâm. Nhưng lần thứ ba đưa tiền cho con điểm tâm, thấy nét mặt rạng rỡ bất ngờ của nó, chị nghi ngay. Thế là chị biến thành thám tử bất đắc dĩ, lẳng lặng bám theo con để rồi chứng kiến một sự thật: Chẳng có mì Quảng hay bún Huế nào cả, Hiến dùng tiền mẹ cho để mua hai ổ bánh mì cho Việt và cho mình. Hôm sau, đưa tiền cho con, chị cười cười: “ Mì bún có ngon không?” Thằng bé hơi bối rối nhưng vẫn cố nói giọng bình thản: “Dạ… ngon nhưng sao mẹ cười?” Chị vẫn cười thay cho trả lời. Hiến lúng túng, gằm mặt xuống chân, lúc sau ngước nhìn mẹ rụt rè. Thoáng ngập ngừng rồi nó cất giọng ngậm ngùi: “Mẹ ơi, nhiều bữa Việt nhịn đói đi học đấy.” Đây là thời nào và lại giữa thành phố mà vẫn còn học sinh bụng đói tới trường, chị tự vấn. Nỗi buồn của con lây sang mẹ, giọng chị trầm tư: “Là mẹ sợ Việt lôi kéo rủ rê con làm bậy, chứ có tiếc gì đâu”. Hiến ôm vai mẹ chia sẻ: “Con hiểu nhưng mẹ đừng lo!”. Chị bỗng nhận ra con trai chững chạc hơn nhiều so với tuổi mười sáu của nó.
Kết thúc năm học, chị vui khi thấy con học giỏi, được nhận thưởng trước toàn trường; lại biết, Việt học khá, được thầy cô khen có nhiều tiến bộ cả học lực và hạnh kiểm. Đang vui nên khi con xin tiền đi pic-nic với lớp, chị chẳng “gây khó” như mọi khi. Hiến chớp mắt ngạc nhiên trước sự hào phóng của mẹ. Chân nhảy lò cò giả làm ngựa phi, tay giơ cao mấy trăm bạc, nó huýt sáo rồi cười vang. Chị cũng vui lây.
Sau chuyến pic-nic, Việt đưa bà ngoại tới thăm nhà chị. Chị ngờ ngợ rồi cũng nhận ra, đây là bà cụ thường gánh nước thuê cho mấy hàng cá ở chợ Mới. Bà cụ rụt rè đưa mắt nhìn quanh rồi khép nép ngồi xuống ghế. Nghe chị hỏi về bố mẹ Việt, giọng bà đượm buồn: “Khi nó chưa đầy ba tuổi thì mẹ mất, bố lấy vợ khác. Nhà chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau, cô ạ”. Vẻ lam lũ hằn trên khuôn mặt nhăn nheo và dáng người nhỏ thó của bà. Hình ảnh bà ngày ngày còng lưng quảy từng gánh nước, khó nhọc nhấc từng bước đã quá quen thuộc ở chợ Mới. Cứ thấy bà cụ gánh nước thở hào hển, người cứ chúi về trước như sắp ngã là ai cũng tránh ra để nhường lối. Bây giờ, nhìn bà ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế xa-lông, tóc bạc bết mồ hôi trên trán, chị nao lòng. Không để ý tâm trạng của chủ nhà, bà cụ nhìn chị, nhoẻn nụ cười hiền: “Cháu Hiến giúp đỡ thằng Việt nhiều lắm, cô ạ. Tôi cảm ơn cháu và gia đình vô cùng.” Bà cụ mân mê bàn tay Hiến. Thằng bé cúi đầu, bẽn lẽn.
Thôi chuyện với bà, chị nhìn kỹ Việt, giật mình nhận ra mặt và hai cánh tay nó xây xước nham nhở. Nó ngượng ngùng quay đi để tránh ánh nhìn của chị, lại đưa hai cánh tay xây xước giấu ra sau lưng. Chị nhìn thẳng mặt thằng bé, nghiêm giọng: “Cháu đánh lộn phải không?” “Dạ, không.” Nó né tránh. Hiến nhanh nhảu tiếp lời bạn: “Trầy xước của Việt là vì con, đó mẹ.” Chị trố mắt: “Vì con!?”… Hóa ra, chuyến pic-nic ở thác Bông mới rồi, con chị bị sẩy chân vào chỗ nước sâu, chới với. Việt nhảy xuống cứu bạn nên bị cào cấu te tua… Chị thở phào, đưa tay vuốt ngực. Bình tâm, chị nâng cánh tay rỉ máu của Việt, nhìn nó trìu mến “Cô xin lỗi vì nghĩ oan cho cháu. Thế cháu biết bơi à?”. “Dạ, không. Nhưng lúc đó thấy Hiến chìm nên cháu hoảng quá, lao đại xuống. May là nhân viên cứu hộ của khu du lịch tới kịp, không thì hai đứa tiêu rồi!”. Chị ngửa mặt, kêu “trời”.
Không tin vào tai mình, chị cứ hỏi đi hỏi lại. Nghe hai đứa thản nhiên kể về tai nạn đã qua, chị rờn rợn, nổi da gà khắp người. Bỗng Hiến chuyển câu chuyện qua hướng khác: “Bọn con định học bơi, mẹ ạ”. “Đúng rồi, phải học bơi!” - Chị hào hứng. Con chị tiếp luôn: “Mẹ cho học phí cả Việt nữa nhé?”
Chị gật đầu rồi dí ngón tay vào trán con, mắng yêu: “Chỉ được cái bênh bạn!” Họ cùng cười trong tiếng vỗ tay của hai đứa trẻ.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT