Anh đến quán thì Sơn đang hát. Phác một cử chỉ như chào anh, Sơn vẫn hát. Ngày về của Hoàng Giác tối nay nghe rời rạc, mệt mỏi. Có lẽ Sơn ốm. Quán còn vắng, chỉ có vài nhóm ngồi ở góc xa. Họ trò chuyện nho nhỏ, cười rúc rích, không để ý đến Sơn và Hoàng Giác – Lời hẹn thề trở về không liên quan đến sự sum họp đầm ấm của họ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Lần đầu anh đến đây chỉ có anh với Sơn. Hôm ấy là một ngày lễ, hình như người ta còn bận tiệc tùng, vui chơi ở đâu đó. Sơn đã hát những bài Sơn thích nhất và anh thì chưa bao giờ được nghe chương trình ưng ý dường ấy, chưa bao giờ được nghe một giọng ca chân tình như thế. Anh sợ các ca sĩ nổi tiếng, hát một bài thay ba lần áo, nhảy nhót, nhăn nhó, gào thét, liếc mắt, đong đưa, cầm micro chạy từ đầu này đến đầu kia sân khấu.
Hai người trở thành bạn thân từ bữa ấy. Sơn chưa có vợ, anh thì đã có một vợ một con rồi. Sơn ở nhà thuê, anh thì đã nhà cửa, xe cộ đàng hoàng. Vợ anh là một phụ nữ xinh xắn, đảm đang và ít lời. Ở nhà, anh như mắc bệnh á khẩu, khi gặp Sơn anh lại nói như kẻ lên đồng. Nạn đói ở Sô-ma-li, bão ở Băng-la-đét, động đất ở Nhật Bản, suy thoái ở Đông Nam Á, gia đình Xu-hac-to tham nhũng, En-xin hất Lebed, căng thẳng ở vùng Trung Đông, ông Man-de-la lấy vợ, biểu tình chống mặc áo lông thú, chính sách thuế đất nông nghiệp, cầu qua sông bị gãy, nên làm tàu điện ngầm ở Sài Gòn hay không, bà thủ quỹ cứ mỗi lần phát lương là nhăn nhó như khỉ ăn ớt, thua độ bóng đá mất một thùng bia, tình cờ gặp lại người yêu cũ, cả hai ngẩn ra không hiểu vì sao ngày đó lại xa nhau… Anh nói, còn Sơn thì vừa nghe anh vừa uống nước La-hán-quả nóng. Hắn lo giữ cái cổ họng. Sơn hỏi, hồi chưa gặp tôi anh nói với ai. Mình câm, anh đáp, miệng cười cười, mắt nghiêm trang.
Có khi anh ngồi hàng giờ nghe Sơn hát, khi khác lại nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên lửa, mong cho hết buổi tối, khi chỉ còn lại hai người, để nói. Kiểu lắng nghe của Sơn khác hẳn cái kiểu im lặng của vợ anh. Sơn thấu hiểu còn vợ anh thì chịu đựng. Không phải ngay từ đầu anh đã nhận biết điều đó. Những năm đầu anh rất hài lòng vì sự im lặng của vợ. Anh nói, vợ anh thì vừa đan áo, vừa quét nhà, vừa mắc màn, vừa xem ti-vi vừa nghe anh. Rồi một lần, khi anh nói về cuộc chiến sắc tộc trên thế giới, vợ anh bỗng hỏi, anh lĩnh lương chưa. Anh trợn mắt, mặt đỏ bừng rồi tái nhợt. Cuộc đời đã bắt đầu chơi mình đây, anh chua chát nghĩ.
Một hôm buồn quá, anh đi tìm thằng bạn cũ. Vừa thấy anh, hắn hỏi ngay, lương bao nhiêu, anh đáp, hắn cười hê hê, vẻ mãn nguyện, thua tớ 2 bậc, cậu thấy chưa, cùng một điểm xuất phát, cậu chạy chậm quá. Anh ậm ừ rồi ra về, lòng buồn thiu. Thêm một vố nữa. Rồi ở sở có chuyện trục trặc. Có ai đó muốn đưa anh lên làm trưởng phòng kỹ thuật. Có ai đó phản đối. Mấy người trong phòng đang trò chuyện rôm rả, thấy anh, bỗng im bặt, một người hỏi, có gì mới không, giọng ngượng ngùng. Sự trục trặc kinh niên giữa anh và họ dường như đã đến đỉnh điểm. Lâu nay, nếu anh nói đến tranh Van Gogh lập tức mọi người sẽ bị cuốn vào các cuộc bán đấu giá, nếu anh nói đến Ronaldo, các vị ấy sẽ nêu ngay một giá chuyển nhượng ghê người, nếu anh nhắc đến tên một ca sĩ, cả phòng sẽ ào ào công bố tiền cát-sê của họ… Thấy anh có vẻ bất bình, một bà hất hàm hỏi, thế ông làm việc để làm gì, chả phải để kiếm tiền ư, chả có ai gặm đất mà sống cả. Đương nhiên rồi. Anh chúi đầu vào công việc như một gã khờ. Những cú đánh nguội khiến anh đau đớn mà không thể kêu lên được. Chẳng có trọng tài để phân xử mà trọng tài bây giờ lại cứ thản nhiên khoe lỗi ở các trận bóng như cơm bữa.
Sơn chỉ cười nói, hò hét, cãi vã với anh khi họ bàn chuyện bóng đá. Sơn bảo, dân ta thực sự đoàn kết khi chống ngoại xâm và khi xem bóng đá. Anh cười, cẩn thận đấy bố trẻ.
Lần đầu nghe Sơn hát, anh mời Sơn uống nước và bảo, cậu hát như Gullit chơi bóng vậy. Sơn có vẻ ngạc nhiên, tháo kính. Cứ mỗi lần có điều chi bối rối Sơn lại tháo kính, cầm chiếc gọng đen đưa vào miệng nhay nhay hoặc dùng ngón tay cái miết miết trên mặt kính. Mắt Sơn dài dại, nhìn anh, tôi thích Gullit lắm nhưng tôi không hiểu sự so sánh của anh. Gullit là một cầu thủ lớn.
Anh cười, anh thú vị khi nhìn thật gần chàng ca sĩ này. Trán rộng, mũi thẳng, gò má hơi cao, tóc dày, trắng xanh. Trông Sơn giống như một nhà khoa học chuyên ngồi trong phòng thí nghiệm hơn là một ca sĩ. Mà lại không đeo dây chuyền và bông tai nữa chứ. Mà lại còn không mặc những chiếc áo bóng loáng như bôi mỡ nữa chứ. Anh nghiêm trang nhìn Sơn, khi tôi thích một người, tôi không nghĩ người đó lớn hay nhỏ, nổi tiếng hay vô danh, giàu hay nghèo. Tôi thích, vậy thôi. Gullit chạy trên sân bóng như một chú hươu chạy trên đồng cỏ. Tư tưởng bóng đá, kỹ thuật, chiến thuật… những thứ đó ẩn sâu trong anh, ta chỉ nhìn thấy một Gullit hào hoa và thật tự do. Khi nghe cậu hát, tôi cũng quên tất cả mọi điều khác, tôi cũng không nhìn cậu nữa, bởi vì, tôi có cảm giác cậu cũng quên tất cả khi hát. Giọng hát của cậu là giọng hát không son phấn, không trang sức. Cậu bị cuốn hút theo bài hát như Gullit bị cuốn theo trái bóng vậy. Tôi nhớ có nhà thơ đã ví quả bóng như quả táo dẫn đường trong truyện cổ tích.
Anh ngẩng nhìn khuôn mặt nghiêm nghị, chờ đợi của Sơn, rồi cười, tôi trình bày vấn đề kém lắm phải không? Có những điều mình nghĩ được mà không nói nên lời. Cậu biết không, hồi Gullit còn đá cho A.C Milan, tôi là cổ động viên của câu lạc bộ này, Gullit đi làm huấn luyện viên cho Chelsea, tôi là cổ động viên của anh. Rồi Newcastle. Tôi không tin các lời chỉ trích, chê bai, nói xấu Gullit.
Sơn cười lớn, tiếng cười của Sơn trong trẻo như trẻ nhỏ vậy. Đôi khi nhớ lại, anh nghe nó giống như tiếng lăn của những hòn bi màu. Sơn kêu lên, bữa nay thật vui. Chắc chàng Gullit sẽ hắt hơi. Biết có hai bọn ta trên đời chắc chàng ta sẽ vui thêm một chút. Cái xứ Hà Lan nhỏ bé ấy sao mà nhiều người tài. Tôi chỉ ước sao có dịp đến Hà Lan để tận mắt nhìn những bức tranh của VanGogh. Mà anh biết không, cái kiểu yêu của anh là một ngoại lệ đấy. Anh cười, ờ, người đời bạc lắm, họ quên anh ngay khi anh chẳng còn làm trò cho họ nữa. Tưởng tượng cảnh Gullit già lọm khọm thật tội.
Sơn trầm ngâm, giá mà tôi biết có 2 người yêu quý tôi trên đời này. Anh biết không, tôi rất thích đọc Hemingway, nó nói đến sự cô đơn của con người. Có những đêm tôi cũng không muốn trở về căn phòng trên lầu 7 của cái chung cư ấy. Anh vỗ nhẹ vào vai Sơn, có một rồi. Người thứ 2 phải là nữ, cho có âm có dương.
Cuối cùng, ông Phó giám đốc gọi anh đến, trao cho anh quyết định Trưởng phòng kỹ thuật. Lại những chuyện to nhỏ, những cái liếc mắt, những chào mời ngượng ngập, những cười cợt lấy lòng. Anh như ngạt thở mỗi khi bước vào căn phòng 20m2 ấy. Thật lạ lùng, phụ trách một văn phòng 5, 7 người, chạy ngược chạy xuôi lo cho đủ việc, lo cho việc hoàn tất, thêm mấy chục tiền trách nhiệm, có gì mà thèm muốn, có gì mà ghen tỵ, có gì mà sợ hãi. Anh không hiểu.
Chủ nhật tuần đó anh đưa con đi chơi cả buổi sáng. Về nhà, thấy các ông bác bà thím, các bà dì, ông dượng đến chúc mừng. Vợ anh mặt mày tươi tỉnh, lên xuống chào mời. Anh ngao ngán vẻ mãn nguyện trên mặt vợ. Người ta ở đời quả không học được chữ ngờ. Anh cay đắng nghĩ. Hóa ra vợ anh cũng y hệt các bà các cô ở sở làm của anh.
Anh mang nỗi bực dọc từ nhà tới sở rồi lại từ sở về nhà. Anh trở thành một gã khó chịu đến nỗi chẳng ai muốn lại gần. Anh hét lên khi nghe cô nhân viên đánh máy giở cái giọng Huế nhão nhoét của mình ra để lấy lòng, cô làm ơn nói năng cho đàng hoàng giùm tôi. Vợ anh thở dài sườn sượt rồi hấm hứ, tưởng ghê lắm đấy. Anh cũng chả vừa, tưởng tưởng cái gì, cô im đi cho tôi nhờ. Con bé lấm lét nhìn bố mẹ. Chuông điện thoại reo, anh nhấc máy, quát ai đó, đầu kia im bặt. Anh thấy nhói đau nơi ngực. Anh rì rầm một mình, phải bình tĩnh lại, phải bình tĩnh lại. Rồi anh chợt nhớ lời dặn của mẹ, mỗi khi cảm thấy bất an, hãy đọc nhiều lần câu chú: Á lam, Á lam, Á lam, Á xỉ lam bộ lâm. Nhân lúc vợ con đi vắng, anh đóng cửa ngồi xếp bằng dưới nền nhà đọc chú. Tự nhiên thấy nhớ mẹ cồn cào. Anh thắp nén hương lên bàn thờ, bắt gặp ánh nhìn bình thản, dịu dàng của bà. Mẹ, anh khẽ kêu lên và lòng chợt vơi nhẹ. Hình như rất lâu rồi anh mới có cảm giác thanh thản, cái cảm giác muốn tha thứ và được tha thứ. Anh đứng bật dậy, chạy ra phố mua một túi hoa quả, vừa lúc vợ anh về. Anh cười, em đừng nấu nướng nữa, chiều nay nhà mình đi ăn cơm tiệm. Vợ anh nhìn anh, giọng lạnh tanh, có gì mà anh hào hứng vậy, vừa đi chơi với bồ về à. Anh sựng lại nhưng vẫn còn cười, bồ bịch nào. Vợ anh gay gắt, tôi lạ gì anh, tôi vừa ở chỗ bà thầy về, lâu nay anh bồ với một cô dong dỏng cao, chân mày rậm, miệng rộng. Thảo nào cứ về đến nhà là gắt gỏng bực dọc. Sao anh không đi luôn đi, tôi chán thấy anh rồi. Biết không thể dừng vợ lại, anh xách xe đến chỗ Sơn.
Quán vắng, Sơn chìa tờ Văn hóa Thể thao cho anh, đọc chưa, Roy Evans rời bỏ Liverpool rồi. Giọng Sơn buồn thiu. Anh đọc lướt qua bài báo, anh nhìn thấy Roy với mái tóc cắt ngắn, ánh nhìn trầm tĩnh. Ông mím chặt môi kìm giữ một giọt nước mắt. Mỗi ngày có biết bao huấn luyện viên, bao nhiêu cầu thủ rời bỏ đội bóng của mình, cớ sao anh lại quá buồn bã vì Roy. Có lẽ vì Roy đã gắn bó với đội quân áo đỏ này đến 33 năm, những năm đẹp nhất của đời người. Có lẽ vì cái cách ra đi của Roy, mà cũng có thể vì chiều hôm nay anh quá buồn. Nếu anh nói với vợ anh về Roy, cô ấy sẽ bảo, ôi dào, chả ở thì đi, có tài đến đâu chả kiếm ra tiền. Anh nhấp một ngụm trà, cảm thấy vị đắng tận xương tủy.
Sơn đẩy đến trước anh một tờ giấy, anh đọc đi.
Những kỷ niệm đã trở nên nặng nề
Tuổi 16 huy hoàng
Đường bóng băng qua khoảng không như tia chớp
Màu áo đỏ
Tiếng hò reo như vỡ
Mọi cánh cửa đã đóng
Sự lựa chọn đớn đau
Giọt nước mắt kìm giữ, chảy mặn chát
Trong huyết quản
Ra đi
Như kẻ lữ hành đơn độc
Phía trước kia là biển
Biển lớn
Lặng im
Chứa chất giông tố
Chứa chất nguy nan
Can đảm lên
Roy!
Anh ngẩng nhìn, Sơn ngó mông lung ra ngoài phố đông, miệng nhay nhay chiếc gọng kính. Định trêu đùa Sơn, anh lại thôi. Mà có gì để đùa cợt đâu. Một ngày nào khi niềm đau, nỗi vui, khi chua chát đắng cay đã chật lòng, người ta có thể nói ra, viết ra những lời thơ như vậy. Anh bảo, bữa nay phá lệ, cậu hát xong bọn mình sẽ đi nhậu. Mình thấy cần cụng ly cho việc ra đi của Roy. Từ bỏ một quá khứ nặng nề, chấp nhận một tương lai chưa rõ ràng.
Ý NHI