Tôi có thói quen hay ngồi bất động trong vô thức. Bạn gọi đó cũng là một kiểu chết lâm sàng. Nói như bạn thì một ngày chúng ta nên chết lâm sàng vài lần dù ở bất cứ đâu: Nhà ga, trạm xe bus, trong tiệc cưới hay ngay cả khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Để khi tỉnh lại ngơ ngác hỏi “chuyện gì vừa diễn ra?”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chúng ta không tự nhìn thấy cái bóng của mình, nên phút lặng câm bất động chắc cũng giống như tượng đá. Bài học mà bạn dạy tôi rất đơn giản, rằng tượng đá cũng có linh hồn của nó và ngay cả khi tôi ngừng sống thì cuộc sống này vẫn không ngừng chuyển động. Như bây giờ, cái buốt lạnh của sương mù Tam Đảo đã đánh thức tôi sau một vài tiếng ngồi bất động, thấy bức tường nhà đối diện người ta đã xây cao, thấy cơm nhà ai đã chín, áo nhà ai đã khô. Nhìn quanh căn phòng chỉ thấy cái bàn, cái cốc, lọ kem dưỡng da, thỏi son môi vẫn lặng im. Bạn bảo: “Khi nàng ngồi bất động. Nàng là thỏi son môi đậy nắp. Là cái cốc cạn khô”. Tôi thì nảy ra ý tưởng là cần phải đánh thức những vật vô tri ấy.
Tam Đảo lạnh. Những mầm cây còn mải miết ngủ đông. Tôi ao ước giá có thể mang cây về phòng để tận mắt nhìn mầm cây từ từ tách vỏ. Ranh giới giữa khô cằn và tốt tươi, giữa sự sống và cái chết nhiều khi rất mỏng manh. Nên có lúc tôi trách hờn tạo hóa đã lấp liếm những chuyển động tinh tế nhất. Con người cũng vậy, sao chúng ta chỉ nhìn thấy những ngày buồn lê thê, u ám và xám xịt trong mắt nhau? Sao chỉ thấy chàng trai ấy ngày nào cũng lầm lũi bước ngang qua cửa, không một khóe môi cười? Sao chỉ thấy cô gái ấy với dáng ngồi bất động mỗi ngày bên bức tường màu rêu cũ? Người đã không nhìn thấy những ngày lòng vui như mây trắng, ngồi cuộn tròn trong chiếc chăn bông và nhận ra tuổi trẻ cũng có phút giây bình yên đến thế. Người đã không nhìn thấy lúc đớn đau thắt lòng, lúc cô đơn tuyệt vọng chỉ phơi bày trong một cái chớp mi nhưng niềm an nhiên vẫn chưa cạn khô trong đáy mắt. Người cần phải nhìn thấy lúc người ta cúi xuống hôn một sắc hoa, ngửa cổ lên ngắm một cánh chim trời hay nhắm mắt nghe một bản nhạc không lời rồi ngủ quên bên cửa sổ… Chắc người mới hiểu vì sao.
Bạn ạ, nơi tôi ngồi cửa kính cũng biết khóc. Từng vệt sương rơi như nước mắt tuổi thanh xuân. Tôi không khóc, ngồi nghĩ vẩn vơ, mường tượng về một cuộc gặp gỡ mang tên “duyên phận”. Rằng nếu tôi để lại dấu vân tay trên cửa kính mờ sương rồi xách vali rời khỏi căn phòng hướng tây và thị trấn ảm đạm này. Biết đâu sẽ có một chàng trai đặt ba lô xuống đúng căn phòng đó để bắt đầu cho một hành trình khám phá. Chàng trai sẽ bước đến bên cửa kính ngắm dấu vân tay tôi để lại và tự nhủ “phải chăng cô gái ấy vừa mới rời đi, trong phòng vẫn còn vương chút hương thơm và hơi ấm”. Theo bạn thì liệu chúng tôi có gặp nhau? Liệu chàng trai ấy có đi tìm tôi như tìm định mệnh? Tình yêu cũng cần phải đánh thức. Tôi nghĩ vậy khi phát hiện ra mình đã để quên thỏi son môi màu hường bên cửa kính. Căn phòng tôi thuê toàn là cửa kính, đứng ở đó chắc có thể nhìn thấy chuyến xe tôi đi đang dần trôi xuống núi, rời khỏi thị trấn mờ sương…
Tôi kể với bạn cách mình đánh thức sỏi son môi. Hay nói đúng hơn rằng tôi đã trao cơ hội cho một đôi môi khác đánh thức màu son và mùi hương ấy. Đó là món quà bạn tặng tôi trong một chuyến hồi hương gần nhất, tôi yêu màu son đó đến mức không dám chạm môi trong những ngày buồn. Bạn cười bảo “biết đâu đấy, một ngày nào đó thỏi son ấy sẽ trở về với chủ nhân của nó”. Tôi không biết những chuyện của tương lai, càng không đoán được ý trời. Chỉ thấy nhớ căn phòng nơi tôi học cách đánh thức những vật vô tri bằng ấm trà nóng được pha ngay trước lúc đi. Mong là ai đến sau, chỉ cần chạm tay là thấy mùa đông và sương giá ngoài kia không còn đáng sợ. Khi tôi đi, căn phòng đã ấm hơn nhiều so với khi tôi đến…
Bạn cười bảo: “Hy vọng chàng trai của bạn sẽ đến trước lúc nhân viên nhà nghỉ dọn phòng”.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG