Trong vô vàn sắc màu và âm thanh phố phường, biển hiệu sặc sỡ và rối ren, vô vàn quán nhậu ồn ào chen lấn, người ta vẫn tìm thấy những khoảnh khắc đặc biệt. Êm đềm và từ tốn. Nhẹ nhàng và sâu lắng. Đó là giây phút thưởng thức ly cà-phê.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cà-phê phin nhỏ từng giọt, một cảm giác chờ đợi, nhẫn nại. Một cảm giác như nhìn lại mình và nghĩ suy. Đó không phải là lúc người ta gọi một thức uống kiểu “mì ăn liền”, mà một cách hưởng thụ, lắng đọng hơn thế, dịu dàng hơn thế. Nếu nói Hà Nội có cả một văn hóa cà-phê cũng không ngoa, dẫu đây không phải thủ phủ của cà-phê. Bởi trước đó, Hà Nội có di sản ẩm thực độc đáo, phong phú và hấp dẫn. Và rồi, trong dòng chảy thời gian, trong sự phát triển đô thị, Hà Nội cũng phát triển những phố cà-phê, với những tên gọi mà khi nhắc đến, người sành đều nhớ như “cà-phê Giảng”, “cà-phê Lâm”, “cà-phê Năng”, “cà-phê Trung”… thực sự là sự kết hợp của cà-phê với tên gọi của ông chủ quán. Người ta cứ quen gọi thế, và rồi đến lúc chủ quán nhận ra rằng tên của mình cần phải được dùng để gắn với thương hiệu của quán. Các ông chủ này lập tức kẻ biển và làm tất cả mọi việc để một thương hiệu ra đời.
Người Hà thành sành ăn uống. Hơn thế, đây là đô thị có những phố cà-phê, đáp ứng nhu cầu khách cả ngày. Nhất là sau bữa ăn sáng, kiểu gì những người sành cũng ghé qua quán cà-phê gọi ly đen, hoặc ly sữa đá. Họ thưởng thức hương vị của nó, nhân nha không khí đầu ngày với sự tất bật… rất buổi sớm, để bước vào một ngày làm việc vui vẻ, thanh thản, sảng khoái.
Hẳn nhiên, đó cũng là quãng thời gian rất nhiều mùi hương khác của phố phường trỗi dậy, len lỏi, trùng trình đi trong không gian đô thị vừa như tấp nập, vừa như ngộp thở, nhưng cũng rất đỗi hiền hòa. Và chắc chắn, không thể thiếu hương sắc hoa muôn màu thấm trong đó. Có khi hoa sấu rơi lớt phớt trong gió, rồi trút lên vai ẩm khách. Có khi sắc phượng, sắc bằng lăng thấm trong tà áo của các nam thanh nữ tú, bay vào quán cà-phê nhắc rằng mình đang hiện diện. Có những người đến gọi ly cà-phê, chỉ để hút một điếu thuốc trong im lặng. Có người đến để tìm bàn tay nhau, lắng nghe hơi thở nhau. Rồi còn vô vàn thành phần khác, như người ta đến để bàn luận một trận bóng đá, một sự việc nóng hổi vừa diễn ra. Cũng có thể chỉ để mấy cô nhân viên văn phòng “chém gió” việc cơ quan. Họ cười sảng khoái, rồi tiếp tục công việc.
Có những người nghiện cà-phê, luôn cảm thấy thiếu vắng khi buổi sáng chưa thưởng thức một ly. Và ngày đó làm việc sẽ thiếu hiệu quả. Nhìn vào, ai cũng thấy họ có vẻ nhàn tản, nhưng không. Họ chưa chắc là những người rảnh việc, mà đó là phút giây họ tự thưởng cho mình và bè bạn. Trong đó có nhiều trí thức, nghệ sĩ, những người vốn thích sáng tạo. Họ tụ mặt ở đó, đôi khi chỉ là để chia sẻ về tác phẩm, những bản nhạc dở dang, bài thơ vừa sáng tác. Hay có thể, những chia sẻ của bè bạn sẽ lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn mình.
Bởi thế, không gian cho cà-phê ngày càng được sáng tạo. Có cà-phê nhạc, cà-phê sách, cà-phê gió, đồ cổ, đồng hồ… Có quán sang trọng, quán bình dân, quán vỉa hè. Giá cả nói chung không quá đắt và hàng bình dân nhiều thật nhiều. Chủ quán không ít người chẳng phải vì kiếm tiền mà mở quán. Họ mong mỏi khách đến để được trò chuyện và giao tiếp với xã hội, với đời. Họ làm để cốt vui, là nơi chốn tụ tập bè bạn. Sáng mở, tối dọn hàng. Đều đặn và không nhàm chán. Để cuộc sống không trôi đi vô nghĩa.
Khách lạc vào đó như để tĩnh tâm, để tìm lại cảm giác thư thái, trầm mặc đôi khi còn rất ít trong cuộc sống hiện đại. Vậy nên có rất nhiều người bạn Sài Gòn đã nhớ cà-phê Hà Nội với vẻ đặc trưng của nó, như là một nốt nhạc cổ điển khi những tháng năm này, nhiều điều hụt hẫng đã xảy đến. Ngay ở đây thôi, đôi khi, những người con Hà Nội vẫn cảm giác xao xuyến khi đi trong không gian phố xá, nên phải lấy cà-phê làm bạn, lấy những phút giây thư thái đó để ngẫm sự đời, ngẫm lại bản thân mình.
Chắc chắn, không ai trông đợi uống cà-phê lấy no. Nhưng lấy đó là hương vị cuộc sống. Nhiều người đã coi cà-phê là một phần của cuộc sống, cũng giống như nếu không có hoa, Hà thành sẽ thiếu biết bao phần nhan sắc. Hay cuộc đời thiếu đi những nốt nhạc bổng trầm. Ngồi bên ly cà-phê, tôi thấy thời gian chảy xuống. Tôi thấy tôi tồn tại. Tôi thấy yêu phố, yêu người và yêu thêm những khúc ca.
NGUYỄN VĂN HỌC