Trên bản đồ địa lý của thế giới chỉ có đất nước Việt Nam ta mang dáng hình của một trong 24 chữ cái quốc ngữ: Đó là chữ S! Chữ S có một vẻ đẹp tượng hình khá đặc biệt. Đó là tính cân xứng, mềm mại như dáng một con rồng. Có lẽ sức mạnh tiềm năng tạo ra từ sự uyển chuyển ấy. Khi cương khi nhu, khi động khi tĩnh, khi khoan thai chậm rãi minh triết, khi hào hùng cuộn sóng quật cường. Tài hoa mà dân dã, tiềm ẩn mà biến thái khôn lường, như một nàng tiên múa lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Không hiểu sao đất nước của chúng ta lại có rất nhiều sông. Những con sông là nơi bắt nguồn những điệu hò dân ca xứ sở. Dân ca là hồn vía dân tộc nơi lưu giữ ký ức, nơi phát lộ những mạch nguồn trong và thật, hùng và bi, tình và lý. Dáng hình Tổ quốc trải dài như một nhà thơ từng ví là “Con đê trên bán đảo”. Lưng tựa Trường Sơn đối diện với Biển Đông: Tổ quốc nơi đầu sóng. Những con sóng lịch sử ngàn đời đã chọn nơi đây, những cuộc đối đầu không cân xứng về tiềm lực nhưng lại quy tụ một hàm lượng tố chất về lòng yêu nước của một dân tộc bé nhỏ đánh thắng những đế quốc to. Dáng vóc của Tổ quốc ta lại uyển chuyển tượng hình con chim bồ câu yêu hòa bình, yêu công lý, thủy chung và son sắt. Cánh chim hòa bình với khát vọng tự do, độc lập ngàn đời dựng nước và giữ nước.
Nhiều lúc nhìn lên bản đồ Tổ quốc tôi cứ ngẩn ngơ trước vẻ dẹp thon thả giàu nữ tính thắt đáy lưng ong như dáng hình người mẹ Việt Nam tần tảo. Những dáng núi Vọng Phu, những chóp núi Trường Sơn, những nặng đỏ phù sa sông Cả, những mơ mộng sông Hương, những tình nghĩa sông Thương, những vườn trầu Bà Điểm. Tiếng Mẹ, tiếng Mệ, tiếng Má, tiếng U, tiếng Bầm như gợi cả những khoan thai ứng xử mà gọi lên ta đã thấy cả những khúc thức gập ghềnh qua dặm dài dáng hình Tổ quốc.
Một tấm khăn rằn, một tấm áo bà ba mà giấu bao ước vọng thầm kín của sự giao thoa kết nối bền lâu để gắn kết bền lòng chia sẻ. Một tấm khăn mỏ quạ, một tấm áo tứ thân mà thắt chặt thâm trầm bao ý chí. Màu đất, màu phù sa là màu của ân tình cội rễ. Đất và nước đã tạo ra dáng hình Tổ quốc không chỉ về vẻ đẹp địa lý, trực giác thông thường mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng như bánh dày bánh chưng, như trời tròn đất vuông, như con Rồng cháu Lạc.
Trong những ngày đầu thu tháng Tám này, tôi có dịp đi dọc miền Trung nơi khúc thắt nhạy cảm của cơ thể dáng hình đất nước. Trong thành cổ Quảng Trị cỏ đã lên xanh, ở đây chỉ có một nấm mồ chung được cách điệu qua đài tưởng niệm - nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Và chúng tôi lên nghĩa trang Trường Sơn nơi quy tập các mộ liệt sĩ thành từng khu vực địa phương nối một vòng tay theo dặm dài đất nước. Tổ quốc quy tụ thành một cõi thiêng như ở nơi này. Hoa tươi và nến cháy, mây trắng và nắng vàng. Một bảo tàng sống của thiên nhiên, một bảo tàng âm vang của lịch sử.
Cầu Hiền Lương giờ đã được sơn lại hai màu xanh - vàng, nhưng lòng người không còn giới tuyến. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió tôi lại hình dung lá cờ rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc trên cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu Tổ quốc. Mỗi miền quê một giọng nói, một thổ ngữ. Nhưng khi hát quốc ca thì đều chung một giọng điệu hào hùng: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc...”. Lịch sử đã chọn, đã bồi đắp dáng hình nước Việt như một dây cung có độ nén ngàn năm với sức mạnh tiềm ẩn khôn lường: Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió...
NGUYỄN NGỌC PHÚ