.
TRUYỆN NGẮN

Đi qua khuyết tật

.

1. Tôi và anh Bằng nhà ở cùng xóm Cây Me. Hai nhà cách nhau bằng đi bộ mất thời gian ăn hết một cái bánh cam. Nhưng trước giờ ít khi nào tôi ghé nhà anh, bởi ở đó có chó dữ và cũng ít khi có người ở nhà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Anh Bằng hơn tôi năm tuổi, nhưng người gầy gò, nhỏ thó. Bởi vậy, người xóm lúc nào cũng gọi anh là thằng nhóc Bằng. Mỗi ngày, có khi đến ba buổi anh quanh quẩn nhà tôi. Vì ở đây có khoảnh sân lớn chừng ba cái nền nhà gộp lại. Tụi thằng Đèo, thằng Đẹt, nhỏ Còi, nhỏ Mứng,… thường ngày hay tụ tập ở đây. Tụi nó chơi đủ thứ trò, nào là nhảy cò, nhảy dây, đá banh, chơi u, chơi kẹo.

Mỗi khi chia phe, phe nào cũng giành chọn anh Bằng làm bồ, vì anh có sức mạnh, nhanh trí. Nhưng chơi với anh nhiều ngày bỗng đứa nào cũng thấy ngan ngán. “Đứa nào chơi nhảy dây với anh Bằng là bị căng dây đừ luôn” - Nhỏ Còi nói. “Ừ” - nhỏ Mứng chen vô - anh Bằng chơi kẹo thì không ai chạy kịp. “Cái chân của anh Bằng cứng như đá vậy á” - thằng Đẹt góp tiếng - cu Đèo đá banh với anh Bằng, nhập kê chỉ một cái là cái chân nó bị sụi, hổng dám chơi đá banh nữa. Rồi cả bọn lao nhao biểu quyết từ đây về sau không cho anh Bằng chơi chung.

Anh Bằng vốn không hay biết chuyện đó. Cứ theo thói quen, mỗi khi thấy ai chơi gì thì anh cũng nhập cuộc chơi hào hứng. Nhưng buổi chiều nay, đang chơi nhảy dây bỗng nhỏ Mứng thu sợi dây thun lại quấn quanh bụng, rồi đứng chéo chân, hai tay chống nạnh. Nhỏ Còi thì dạt ra ngồi vào một góc, ngó lơ. Thằng Đèo, thằng Đẹt nhìn nhau rồi nói về nhà sớm để không bị má đánh đòn.

Đứng một mình, anh Bằng ngơ ngác mà không hiểu chuyện gì. Nhưng cả bọn thì rất hiểu. Tụi nó biết anh Bằng là người lớn thì anh nên đi tìm người lớn mà chơi. Gió ngoài sân cứ lao xao theo đốm nắng. Cuối xóm vọng lại tiếng chó sủa thi thoảng mỗi khi có ai đó lạ đi qua ngang. Tiếng rao bánh và trái cây được bọn nhóc thích nghe nhất. Nó trìu mến, dìu dặt và no bụng nếu đứa nào có tiền hoặc được mẹ gọi về mua cho ăn.

2. Khoảnh sân trước nhà được ba tôi trồng cây dâm bụt làm hàng rào bao quanh. Ba cũng làm thêm cái cửa rào bằng nẹp tre rồi khóa lại. Vậy là hết chuyện, ba nói, làm vậy cho khỏi đứa nào vô đây chơi.

Mấy ngày đầu tụi nhỏ cứ thụt ló ở cửa rào. Ba dọa rằng đứa nào leo rào vô là sẽ bị cắt nhượng! Thằng Đèo nghe vậy liền thụt đầu, le lưỡi rồi nhè nhẹ nhón chân đi. Nhỏ Mứng cũng đi, nhưng vừa đi nhỏ vừa cầm khúc cây nhại lại ba tôi làm động tác cầm cây dao khứa khứa.

Nhỏ Còi lên giọng “vậy cho đáng đời, ai biểu chơi ở đó, mấy đứa mày cứ gây lộn hoài”. Thằng Đèo nói theo - nhất là con Mứng nè hay gân cổ cãi lắm. “Bộ mày không có chắc à? Đá banh thì mày không đá vô gôn mà cứ đá vô nhà  người ta” - nhỏ Mứng bẻ lại.

Lao nhao một lát, cả bọn lại kéo nhau ra mé lộ chơi. Điều đó có vẻ như không phiền phức đến ai.

Một hôm, anh Bằng cầm cây búa đến trước nhà tôi phá cửa rào. Vừa chặt anh vừa cằn nhằn “cả xóm không có cái sân chơi, cứ để cho mấy đứa nhỏ chơi ngoài đường. Lỡ đổ gánh chè, đổ sịa xôi hoặc có ngày cản trở giao thông thì tai nạn biết đâu mà lường? Lộ xi-măng vắt qua xóm mình mà!”.

Khi đó, ba nghe thấy hết nhưng vẫn cứ lặng im. Tôi thật sự không biết ba đang nghĩ gì, chỉ biết khi anh Bằng đi rồi thì ba liền ra gỡ bỏ cửa rào.

Tụi thằng Đèo, nhỏ Mứng… nhảy cẩng như gặp lúc mẹ đi chợ về. Cả bọn lại ùa về sân nhà tôi chơi. Nhưng nhiều bữa sau, không đứa nào thấy anh Bằng tới chơi nữa.

3. Tôi để ý thấy lúc này anh Bằng ít khi ở nhà mà lân la khắp xóm. Anh đi tới đâu người ta cũng dò hỏi. Bằng nè, ba mày tỉnh rượu chưa? Mẹ mày đang ở nhà hay lại ngồi sòng bài nhà bà Bảy? Bữa nay ba má mày có cãi nhau nữa không? Có đánh vật nhau rồi la bai bải rùm xóm không? Mà mày dạo này còn bị đòn oan, bị trói bỏ trong nhà và còn cảnh nhịn đói như mấy lần trước không?... Những câu hỏi cứ trì níu, cứ veo véo đến khi bóng Bằng phải khuất hẳn thì những câu hỏi dồn dập ấy mới lơi đi, mới không chồm lên nữa.

Tuy vậy họ vẫn thương tình, bới cho anh tô cơm, thêm một con cá rô kho rồi chan một ít canh rau tập tàng lễnh loãng. Có lần anh nói được ăn như vậy là ngon nhất xứ rồi. Ba mẹ thì rời nhà lúc mặt trời vừa chớm đỏ và về nhà khi gió từ phía sông đã bắt đầu thổi lạnh.

Nhưng mọi người trong xóm không ai coi anh Bằng như một kẻ ăn xin. Vì mỗi khi người ta cho anh ăn xong một thứ gì đó thì thường kèm theo câu nhờ làm một việc tương tự. Chẳng hạn, muốn sửa cây dừa cho có nhiều trái, thì in như câu liền theo “Thằng nhóc Bằng đâu, mày nhẹ người làm ơn leo lên cây giùm”. Hoặc muốn đốn tre gai, người ta nói Bằng còn nhỏ ít bị gai đâm, làm ơn đi vẹt đường, mé nhánh. Nếu nhà ai có đám tiệc thì cái tên Bằng luôn được mọi người hay nhớ để sai vặt mà chẳng mất một đồng công.  

Vậy mà đã nhiều ngày, người trong xóm lảng anh Bằng, không thèm nhờ anh làm việc vặt, cũng không ai cho một miếng gì ăn. Có người còn già mồm trêu thằng Bằng thì đã làm nên tích sự gì. Vì gần đây mọi người nhờ Bằng cưa củi thì anh làm hư cái lưỡi cưa. Nhờ xuống tát nước xuồng thì làm cho xuồng chìm. Nhờ dọn mâm trong đám tiệc hôm bữa đám cưới Út Hường đầu xóm thì làm bể chén. Không chỉ vậy, ra đường thấy gà thì anh lượm đất chọi, thấy chó thì quơ củi phang.

Ngay cả cây cầu tre bắt qua Rạch Phèn anh cũng lần mò tháo gỡ thanh tay vịn. Ông Tám Nghệ, người cao tuổi nhất xóm có lần gọi Bằng tới hỏi tại sao làm những việc như vậy, không còn ngoan như trước nữa thì anh trả lời cụt ngủn “tại ghét” rồi nước mắt lã chã, miệng môi cứ mím chặt để không cho nước mắt lăn tuột trước người khác.

Bỗng dưng tôi ghét anh Bằng. Bởi anh có suy nghĩ, có đầy đủ chân tay mà chẳng làm việc gì vừa mắt cho mọi người, hay chí ít thì cũng đừng phá phách. Không giống như tôi, sau một cơn bạo bệnh kéo dài, chích thuốc liên tục, giờ thì hai chân bị liệt. Tôi đành phải ngồi trên xe lăn di chuyển quanh quẩn, đếm thời gian ngược mốc ngày chân bị bại. Ước gì được đi đứng như anh Bằng thì chắc tôi sẽ làm được nhiều việc hơn. Còn không thì ít ra cũng không gây hại như kiểu anh.

Cũng mới hôm qua thôi, anh Bằng đã đẩy xe đưa tôi đi chơi, nhưng khi ra đến giữa sân thì anh làm cho chiếc xe lăn chở tôi bị ngã. Tôi nằm móp méo một bên. Chiếc xe lăn chỏng bánh lên trời nằm một bên. Vậy mà lúc đó anh làm ra vẻ thích thú lắm. Anh bật cười hì hì. Rồi anh Bằng còn chọc giận tôi “nè, thằng què! Cho mày nằm đó đã đời luôn. Tự vận động thử coi”. Nói rồi anh phủi đít, phủi tay, bỏ ra về mà không thèm ngoái lại, không thèm một lời xin lỗi vói theo.

4. Đang giờ nghỉ trưa bỗng anh Bằng hớt hơ hớt hải chạy đến nhà tôi. Chiếc xe lăn tôi đang ngồi được anh mau mắn đẩy ra đường. Sau đó anh nói rằng, lửa cháy lớn lắm rồi, đoạn anh bế thốc người tôi và chạy. Cũng lúc đó, mọi người trong xóm đang chạy về phía nhà anh Bằng. Họ vừa chạy vừa truyền tai nhau “ba mẹ thằng Bằng đúng là hết thuốc chữa rồi. Ba nó say rượu về đốt nhà, còn mẹ nó thua bài về lấy xăng châm thêm vô lửa”.

Tôi quay lại nhìn anh Bằng và kêu anh buông tôi ra. Bởi tôi sợ anh làm giống như lần trước cho tôi ngã xe. Biết đâu anh lại đem tôi làm vật thí nghiệm cho cái trò khỉ gì nữa đây.  

Nhưng thật may, trước mặt tôi và anh Bằng bỗng có ba tôi đứng trước cản đường. Tôi thở phào như vừa trút một gánh nặng. Lạ thật! Tôi đuổi anh Bằng về trong khi ba cứ níu lấy cánh tay đầy thẹo vít của anh.

Ba tôi nói - con nghĩ lại coi, ở đây ai cũng biết là con bị khuyết tật, nhưng thực tế thì anh Bằng cũng đâu hơn con. Con vì bệnh mà mang khuyết tật về thể xác, còn Bằng thì lâu nay vì thiếu sự đồng cảm, thiếu tình thương yêu mà bị khuyết tật phía tâm hồn. Giờ thì nhà thằng Bằng đã cháy rụi, mẹ cha nó bỏ đi trong lúc cùng quẫn, đã quên đứa bé tật nguyền của họ. Bằng không còn chỗ nào đâu mà về.

Chúng tôi cùng nín lặng.

Ba đã quyết định cưu mang anh Bằng trong những ngày này rồi mọi việc tính sau. Bỗng anh Bằng thụp xuống quỳ lạy ba tôi. Anh cười như mếu. Phải nói là lâu lắm tôi mới thấy anh cười, mà không, anh khóc. Ở đây, anh cười và khóc cùng một lúc. Anh Bằng ơi! Vậy nghĩa là sao? Nắng cháy đỏ reo réo sôi trên mặt sông.

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.