Khi Thoan đến mép cát biển khô, chợt thấy chiếc áo ai nằm cuộn tròn, dằn bên trên là hòn đá cuội. Sao áo ai lại còn ở bờ biển vào chiều nhập nhoạng này? Thoan đến cầm chiếc áo lên, xem thử.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Ê, con nhỏ ăn cắp đồ kia..!
Thoan rụng rời, quăng vội cái áo xuống chân sóng. Khi định thần nhìn kỹ nơi phát ra tiếng la. Chỗ vầng trăng vừa lên, giữa nước một đầu người rõ dần tiến vào bờ. Đến gần lộ ra là một anh con trai vùng biển và cũng trạc tuổi mình. Thoan bỗng tức phát ách lên được:
- Nè, ai ăn cắp áo của ông?
Anh con trai sừng sộ:
- Không lấy thì sao áo dằn trên bờ, giờ lại ở dưới nước?
Thoan chun mũi khinh khi:
- Xí, nói thật í nghen! Cái áo của ông có cho, mời, nhỏ này cũng hông thèm…!
Anh con trai nhún vai, giọng người có của:
- Không xuống lượm, sóng trôi mất là tui đền.
- Không đó. Ông đền bao nhiêu?
Anh con trai vẫn cái giọng lạnh như nước biển chiều:
- Ừa, giàu quá há! Xuống lượm chi cho mệt, để đền… “phẻ” hơn.
Một cơn sóng nữa duềnh lên, lôi chiếc áo lẫn vào hàng trăm gợn nước đang lung linh vàng dưới trăng. Thế là… mất tiêu chiếc áo!
- Ờ há! Vậy ông đền bao nhiêu?
- Ấy là cái áo độc hồi trước ba tui bán cả chỉ vàng mới mua được.
Thoan nhếch mép, tiếp lời :
- ... Nhưng vá hơi... bị nhiều.
- Đừng có đánh trống lảng! Bây giờ tính sao đây chớ?
- Đền! Ông theo tui về, tui nói ngoại tui đền cho. Bao nhiêu cũng được.
Gã con trai vươn vai, điệu bộ ngán ngẩm:
- Đã mất của lại tốn công!
- Sợ tốn công thì thôi, tui… “dìa” à!
- Nói như… chơi! Tui đố bà rời được bãi biển này, nếu chưa xong việc cái áo của tui!
Thoan cũng cố làm bộ cứng rắn:
- Trời tối rồi, tui cũng cứ… dìa!
Gã con trai bỏ một chân đặt ngang trước hướng về của cô, trợn mắt:
- Bà mà về thì tui… “oánh”!
Thoan tức đến nước mắt chảy dài. Bỗng đầu đụn cát trắng, một ngọn đèn dầu chai chợt ló ra. Và, tiếp theo là tiếng mếu máo của một bà già:
- Thoan ơi, Thoan…! Trời ơi, con có ngoài bãi biển hông con…?
Nghe tiếng ngoại, Thoan mừng quýnh:
- Con đây nè, ngoại ơi!
Anh con trai nhận ra tiếng ngoại cô, vội co chân phóng “tùm” xuống biển, nhưng không quên nói nhỏ lại:
- Bà mà không đền cái áo, sẽ biết tay tui!
Sau bữa chiều tối hôm ấy, Thoan không những “biết tay” Thà – tên anh chàng - mà còn biết Thà sẽ… học cùng lớp với cô vào niên khóa tới.
Chả là, Thoan chuyển về vùng biển này ở để chăm sóc ngoại – bà Cả Bộ - và theo học cấp III nơi đây. Bà ngoại Thoan có cái quán bán tạp hóa. Quán tuy nhỏ nhưng có đủ thứ bán cho xóm chài. Ngay cả không tiền cũng mua được, ngoại Thoan sẽ cho “chịu” đến chuyến biển về có, họ trả sau. Nhà ba Thà -ông Tư Thiệt - ở gần cuối hẻm, là một trong những khách mua thường xuyên ở quán bà Cả.
Chiều nay Thoan có buổi học tư Toán, tìm mãi chẳng thấy cuốn vở đâu. Hóa ra, Thà đến mua đồ, thấy cuốn vở của Thoan nên mượn ngoại. “Thôi con chịu khó qua nhà nó lấy đi. Lần khác ngoại sẽ không cho mượn như vậy nữa”.
Nơi Thà ở là một căn nhà lá hẹp, mặt tiền vách ván với mầu xanh đã xỉn lại vì sơn đã quá cũ.
Lúc Thoan đến, mùi khói bếp nồng ngái từ sau xông lên. Cô e dè ra sau. Thà đang ngồi chổng mông, phùng má thổi lửa. Cũng đánh trần – hình như muôn năm vậy rồi! Cuốn vở học của Thoan, Thà đang bẻ ngữa cầm ở tay. Liếc qua quyển vở, Thoan biết đúng vào bài toán thầy ra hôm kia mà cô chưa giải. Thoan đằng hắng. Thà quệt mắt quay lại. Thấy cô, Thà nhăn nhở cười:
- Thoan… đến bao giờ vậy?
- Mới đến. Con trai mà nấu cơm giỏi ghê hén!
- Giỏi đâu bằng Thoan. Vào trên này đi, ở đây khói lắm. Thà lách qua cô, lên nhà trước.
Thoan chỉ tay vào cuốn vở Thà vẫn đang cầm bẻ ngửa:
- Sướng chưa! Vở của người ta cưng như cưng trứng mà mượn về rồi cầm vậy đó.
Thà ngượng ngùng gấp cuốn vở lại, chống chế:
- Tại… bài toán hay quá nờ, nên Thà quên.
Thoan ngúc ngắc đầu:
- Không biết. Hễ dơ, rách là tui đền, ráng chịu!
- Đền bao nhiêu?
- Tuy ngó giản dị vậy, chứ quyển vở của tui nó cũng theo… giá vàng!
- Thoan thù dai ghê!
Thoan trừng mắt, điểm mặt Thà:
- Mấy thằng như ông là chỉ được tài ăn hiếp con gái. Tui mới về đây mà nghe tụi nó nói hết trơn. Nè, tui hỏi ông sáng hôm qua, tui đi mua cá cho ngoại ở bãi biển; Mắc mớ chi ông tế banh rượt theo cho người ta té chớ, hả? Tại sao???
Thà gãi gáy:
- Khổ quá! Banh nó chạy đâu thì Thà phải chạy theo nó chớ. Cầu thủ mà lị.
Thoan dứ tay về trán Thà:
- Chính mắt tui nhìn đây. Khi sực thấy nhỏ này tránh bên mé biển, ông dẫn bóng chạy vòng qua mà còn cãi nữa.
Thà đấu dịu:
- Cái trái banh đó thấy con gái là hay chạy theo lắm. Để tụi Thà mua trái khác!
- Nó hay… ông thấy con gái là hay chạy theo?
- Nó.
Thoan khoát tay:
- Người gì đâu, mệt ghê. Trả vở đây cho người ta!
Thà tiếc rẻ, trả lại cô cuốn vở:
- Bài toán hay quá. Khi nào Thoan hết… mệt, cho Thà mượn lại nghen!
Thoan giật quyển vở trong tay Thà nghe cái rẹt:
- Còn… lâu!
Và… lâu thật! Chừng tuần sau đó Thoan nghe phong thanh rằng Thà sẽ nghỉ học vì ông Tư Thiệt bị mất việc do chiếc tàu của một chủ nào đó ông đi, bị chìm ngoài Biển Đông. Những khoản tốn kém cho Thà vào năm học mới chắc vượt quá khả năng gia đình anh.
Sáng chủ nhật này, như đã hẹn trước, cả bọn hai bên trai gái thi nhau kéo lưới rùng. Một là vui, hai nữa nếu được nhiều cá sẽ liên hoan, cùng nhau động viên Thà đừng nghỉ học.
Thi kéo chia làm hai phe. Nam sáu và chấp nữ thêm hai là tám. Bên nào kéo dược dài tay lưới hơn, bên đó thắng. Mỗi phe cử một người ngồi thuyền thúng để thả vàng lưới cùng trông chừng, đập nước ngoài biển. Bên Nam cử Thà vì anh chèo giỏi. Bên nữ cử Thoan vì cô không quen kéo lưới.
Thoan ngồi chồm hổm trong thuyền. Thà khom mình quậy mái chèo cho thúng lướt ra biển. Cứ mỗi lần chòng chành, Thoan lại chồm níu tay vào vành thúng.
Tiếng bọn con gái phe Thoan lao nhao:
- Ê.. ê…! Hất nhỏ Thoan xuống biển, bắt tìm lại áo đi, Thà ơi...
Thà tháo xâu ốc đang đeo lủng lẳng khỏi cổ mình, đưa cho cô:
- Thoan đeo giùm, chèo nó cứ đong đưa vào ngực.
Theo trớn chồm lấy xâu ốc, thúng xoay làm Thoan bật ngửa. Thà một tay ghìm dầm tay kia vội đỡ Thoan:
- Bộ… thèm nước biển lắm hở?
Thoan phụng phịu:
- Xâu ốc ôn dịch này làm quần người ta rách rồi đây nè!
Thà vừa quì chém dầm hai bên thúng vừa nói:
- Đừng nói bậy, xâu ốc… “linh” lắm đó.
- Rồi bây giờ làm sao? Thoan túm chỗ quần rách nhăn nhó hỏi.
- Cứ ngồi yên đó, lát ra chỗ nước êm tui cột lại cho.
Giờ thúng đã ra đến giữa vàng lưới. Ở đây sóng ít vỗ nhưng mặt nước lại duềnh lên lõm xuống từng mảng lớn. Từ bờ vọng ra tiếng la thét của hai nhóm nghe xa lắc xa lơ.
- Thà-mất-áo, khởi đầu đi…!
Thà tìm thế thăng bằng rồi dạng chân, chấp hai tay đưa mái dầm lên trời làm hiệu và hét to:
- Nào! Một... hai... ba…!
Nhóm người trong bờ giống như hai con sâu đang ngoạm lấy mỗi đầu giây rùng, xoãi chân kéo lưới. Nghĩ đến lát nữa vào bờ với chiếc quần rách, Thoan lại nhăn nhó:
- Chỗ rách quần, làm sao…
- Để Thà cột túm lại tạm.
- Dây đâu mà cột?
Thà nhíu mày nhìn quanh thúng và bỗng “à” lên.
- Đây rồi!
Thà lấy xâu ốc Thoan đang đeo, tháo lấy ốc cho Thoan bỏ túi, còn lại giây cước:
- Dây đây rồi!
- Vậy mà bảo là… “linh”!
Thà quì xuống, Thoan túm chỗ quần rách xoay qua, nói:
- Cứ cầm vầy mà buộc luôn, tui cấm ông thả ra.
- Bà làm quá tui thợ may chính hiệu.
- Không thì thôi!
Thoan vùng vằng ngồi xuống. Vùng vằng ngồi khiến thúng chòng chành làm Thoan liêu xiêu, phải ôm chầm vào Thà. Thà cũng vội vàng ôm lấy cô. Trong thoáng bấu víu, Thoan nghe mũi Thà dụi hôn mạnh vào má mình một cách không phải là va chạm tự nhiên…
Cuối cùng rồi, sau buổi kéo thi lưới rùng nam thua nữ thắng và nấu ăn ở cuối bãi Đồi Dương; song các bạn đều ngại, không ai dám đề cập đến việc nghỉ học của Thà vì đây là vấn đề liên quan đến kinh tế.
Tối nay, ngoại đi công chuyện. Thoan trông quán.
- Chị bán cho ba em năm mươi ngàn đồng thuốc rê. -Hóa ra là em trai Thà.
- Ơ… thuốc rê mua chi mà những… năm mươi ngàn?
Thằng bé gãi mũi:
- Dạ mua cho ba em đi biển hút.
- À, anh Thà có đi không em?
- Dạ, có.
Thằng bé lấy bịch thuốc, dúi tiền và một mảnh giấy vô tay Thoan rồi chạy biến ra cửa.
“Tối nay bảy rưỡi – tám giờ, anh muốn gặp Thoan ở chỗ chiếc ghe hư”.
“Ừ, nhân đây mang trả xâu ốc linh cho Thà luôn”.
Khi Thoan ra, từ xa cô đã thấy Thà ngồi trên chiếc ghe lật úp bên bãi biển.
- Thà đến hồi nào vậy?
- Cũng vừa mới.
Thoan cầm ra xâu ốc và nói:
- Có cầm từng con xâu vào mới thấy đẹp thật. Chẳng biết nó là loại ốc gì?
- Ốc… Nam Hải Linh Bối.
- Sao Thà có hay vậy?
- Đây là xâu ốc của anh em người Trung Quốc, tàu bị đắm ở Biển Đông, cha con anh cứu sống được nên họ cho để làm kỷ niệm.
- Sao lại gọi là… Nam Hải Linh Bối? Thoan thắc mắc.
- Họ nói lơ lớ bằng tiếng Việt chỉ có tên vậy; Còn thì giảng giải bằng tiếng Tàu. Thà đâu biết tiếng Tàu.
- Nghe nói đêm nay Thà đi biển à?
- Ừ, khuya đi.
Nghĩ đến việc đắm tàu, Thoan buột miệng:
- Đi biển cũng nguy hiểm ghê, Thà nhỉ?
- Thì… “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” mờ.
- Ráng đi học, sau này làm nghề khác đi Thà.
Giọng Thà nghe bâng khuâng:
- Nếu học lên thì Thà cũng theo ngành nghề gì thuộc hàng hải thôi. Ông cha Thà đã mấy đời bám biển rồi mà.
Nhắc đến học hành vô tình làm hai người lặng đi. Thà bẻ mấy cọng dương khô, nhồi trong tay cho gió thổi bay đi. Ở nhà có bao nhiêu điều định nói với nhau trong khung cảnh này, giờ tuồng như gió biển thổi bay đâu hết cả. Thoan ngập ngừng:
- Anh Thà hẹn Thoan ra đây…có việc gì vậy?
- Đâu có việc gì.
- Vậy mà cũng hẹn người ta ra, làm hết hồn.
Đến lượt Thà ngập ngừng:
- Phải nhìn… Thoan một chút thì Thà mới có thể đi biển được.
- Xạo!
- Mấy lần trước không gặp Thoan, ra biển câu được ít mực lắm.
Thoan phủi cát bám vào hai ống quần, đứng lên:
- Nói năng đàng hoàng, không tui về à.
Thà nắm tay Thoan kéo xuống. Chợt đầu hẻm xóm chài, bóng một người đàn ông chạy ló ra:
- Thà ơi…Thà!
Thà vội đứng bật dậy:
- Gì… anh Hải?
- Ông Năm Trung kêu về mau! Nước lên, ghe ra cửa được rồi.
Thà hôn vội vào tay Thoan, rồi chạy biến vào con hẻm loang lổ ánh đèn cho kịp theo chuyến biển, quên cả lấy xâu ốc trên tay cô. Và cũng bỏ lại mình Thoan trên bãi cát thi thoảng lại sáng lên bởi lân tinh của những đợt sóng đều đặn vỗ vào bờ.
Bão vừa ngớt. Trên đường đi học về, Thoan đứng lẫn vào các bà vợ ngóng đợi chồng nơi bến ghe Cồn Chà. Hướng dõi trông của mọi người bây giờ là cửa biển Thương Cồn nước trời xám ngắt. Nước lũ về lớn đến độ làm những dây neo ghe, tàu bằng cáp sắt cứ chốc chốc lại rên lên, vùng vằng như muốn tìm cách thoát khỏi cột bến để hội nhập vào dòng cuồng lưu ra Biển Đông. Dưới bầu trời vào mùa bão xám xịt, ảm đạm nơi bến ghe và dưới các nón lá, áo mưa tùm hum, vài bà vợ dân chài sụt sịt khóc theo mưa.
Rền trong mưa, tiếng ghe tàu nổ máy để căng, kéo thêm lại các dây neo nghe “bạch…bành…!” khắp bến sông. Có vật gì đen ngòm, to như con trâu vừa trôi ngang bến cá, thoắt cái chỉ còn là một chấm đen nhỏ nơi cửa biển xa xôi.
Một ông khoác áo mưa với giọng Quảng đầy vẻ biết chuyện, cất lên giữa đám người lo âu:
- Khi tụi tui được tin bão khẩn cấp, cũng là lúc nghe ghe Năm Trung vừa bị tàu Trung Quốc đâm bể mạn phải rồi. Lúc ấy gió lại bay phăng đi cái cờ hiệu…
Một người hỏi trong tiếng mưa lộp độp:
- Chỗ Hai Thạnh thấy ghe Năm Trung thì cách bờ biển bao nhiêu?
- Cũng bộn! Nhưng không biết tàu bị đâm bể mạn lại gặp bão, Năm Trung có vào kịp được không?!
Thoan đứng lặng dưới hiên căn nhà lá nơi chợ cá. Cô ôm chặt lấy cặp học khi nghe mấy người nói và nhìn ra biển. Cửa biển Thương Cồn trước sau cũng vẫn như cái mồm xám xịt ngoác lên trong mưa và chỉ có nhận vào lượng nước lũ từ sông trôi xuống, chứ chưa hứa hẹn nhả ra bất cứ một thứ gì.
Làng chài này hiện đang còn năm chiếc tàu mất tích trong cơn bão hôm qua. Trong số ấy có tàu của ông Năm Trung bị tàu Trung Quốc đâm bể mạn mà cha con ông Tư Thiệt cùng đi. Thân nhân của những chiếc ấy đang cử người đến bến tàu, bến cảng các vùng lân cận, xem thử có trôi dạt vào đấy hay không.
Mưa đã ngớt. Thoan buồn bã ra mép biển và đi dọc theo bãi cát. Khi đến nơi chiếc thuyền úp, Thoan cho tay vào ngăn cặp ngoài cùng, lấy ra danh sách tổ học tập. Xâu Hải Nam Linh Bối cũng tòi ra theo tờ giấy học trò. Nghĩ đến việc đâm tàu, Thoan vung tay vứt mạnh cái vòng ấy ra Biển Đông. Nhìn lại tờ giấy, mắt cô nhòe đi khi thấy tên Thà và mình sóng đôi trong danh sách.
“Cầu trời bão dạt thuyền họ vào đâu đấy, nhất là chiếc tàu bể mạn của ông Năm Trung!”, Thoan khấn thầm.
Nếu tàu ông Năm thoát nạn, chuyến biển này cha con Thà cũng chẳng được gì. Khỏi chết đã là may!
Trong gió chiều, tờ giấy học trò nơi tay Thoan cứ rung bay mãi như muốn hỏi niên khóa này, Thà có đi học cùng cô không?
Phan Thiết vào vụ cá Nam 2014
LÊ NGUYÊN NGỮ