.
Tản văn

Mùa hoa cải

.

Cuối tháng Chạp qua đầu tháng Giêng là mùa hoa cải. Hoa cải từng hàng, từng hàng trong những luống đất thâm thấp vàng rực khu vườn trước sân vườn nhà dì Hai, vàng rực bên triền sông, tỏa ngát mùi hương cả một khoảng trời quê xứ trong nắng gió hanh hao của những ngày xuân tươi thắm, trông ngây ngô lạ thường.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hoa cải là loài hoa dung dị quê mùa, không ồn ào mua bán, chào mời, không dùng để cắm trong những chiếc độc bình như bao loài hoa tên tuổi sắc hương kiêu sa khác trên trần gian này. Màu hoa cải vàng ươm, nhẹ nhàng và thanh tao. Cánh hoa mỏng manh, rực rỡ và vươn cao mềm mại, nhụy hoa nồng nàn, mùi hoa nồng nàn nhai nhái lan xa đã kéo lũ ong, bướm đến hút mật vào những buổi sáng tinh sương của mùa Đông se lạnh, những chiều nắng đầu Xuân hanh vàng trong khu vườn bên con sông quê tĩnh lặng.

Thật lòng, cũng lâu lắm rồi tôi đã quên không nhìn hoa cải nở. Bao bộn bề lo toan cuộc sống cuống cuồng, đôi khi làm ta lãng quên nhiều thứ, kể cả những hoài niệm của quá khứ đáng nhớ, đáng yêu chất đầy trong ngăn ký ức. Nhiều khi bất chợt nhớ quê, tôi lại nao nao nhớ màu hoa cải, loài hoa lâu tàn, quê mùa, dung dị.

Hồi nhỏ, mỗi sáng sớm ra vườn gánh gàu xoa tưới nước cho rau cải, tôi rất thích nhìn hoa cải nở vàng cả một góc vườn, nhưng hình như tôi cũng chưa ngộ ra, nhận ra cái vẻ đẹp dịu kỳ của hoa, và không phải cố ý nhìn ngắm vẻ đẹp dung dị của loài hoa vàng rạo rực bên triền sông Hà Sấu, sông Cổ Cò. Hoa cải trong tiềm thức tuổi thơ tôi chỉ là khái niệm nhợt nhòa thoáng qua, vẻ đẹp bình dị, thông thường, không để lại nhiều ký ức.

Ngày ấy, mỗi mùa cải, dì Hai bày tôi cắt bỏ những cánh hoa của những cây cải đang lên ngồng (trổ hoa) để lấy thân cây đem phơi hơi heo héo rồi bỏ vào chum vại muối để làm thức ăn. Nếu muối xổi thì vài hôm sau là có thể đem ra cắt nhỏ chấm với mắm nhĩ dằm ớt tỏi, hoặc mắm cái cá cơm là có thể ăn được rồi, còn lại phần lớn là bỏ vào chum vại muối lâu ngày để dành mùa đông giá lạnh khan hiếm thức ăn đem cải ra cắt ngắn xào, hoặc kho với cá… ăn đến giáp mùa cải năm sau.

Cùng với những loại rau màu khác, của những năm đất nước thời bao cấp khó nghèo, đồng tiền mặt ở quê làm ra còn khó khăn, chật vật. Mỗi mùa rau cải, củ quả, dì Hai gánh vào chợ Lai Nghi, hoặc xuống chợ Hội An bán để mua thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu rầy về phục vụ sản xuất vụ đông-xuân.

Thông lệ, cải cấy vào đợt cuối cùng của vụ cải là dùng để ăn ba ngày Tết, còn có loại cải ra giêng nhổ bán hoặc dùng để ăn, số cải bán không hết thì để muối làm dưa cải, một số ít cố tình cho nở hoa để làm giống mùa sau, mà bà con nông dân hay gọi là cải để lên ngồng.

Có thể nói, cải là loại rau xanh dễ trồng nhất. Sau khi xới đất cho tơi, vun luống hơi nhô lên mặt đất khoảng 20cm, bón lót một lớp phân chuồng phía dưới, rồi bắt đầu nhổ những cây cải con được gieo sẵn để cấy, khoảng 8 - 10cm/cây, cấy thành từng luống cải trông rất đẹp mắt. Tranh thủ những ngày mưa phùn để cấy cải, bởi vậy nên nông dân mình hay gọi những cơn mưa phùn nhẹ hạt vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch là “mưa cấy cải”. Ngày xưa, ở quê bà con nông dân hay tận dụng những vồng khoai mới trồng, chưa ngả ngọn, để trồng xen kẻ một hàng cải phía dưới mép vồng khoai. Khi đến kỳ bón phân cho khoai, còn gọi là “bỏ mép khoai” thì cải cũng vừa lớn nhổ sử dụng để lấy đất bón phân  mép cho khoai.

Trong ký ức tuổi lên 9, lên 10 của tôi vẫn nguyên vẹn hình ảnh những mùa cải xanh mượt mà, nồng nàn hương vị. Mùa hoa cải cũng là mùa chuẩn bị Tết đến, Xuân về. Mùa nhiều rau cải nhất là qua tháng 11 âm lịch, những cánh đồng, mảnh vườn ngan ngát rau cải trải dài tít tắp trong sương sớm nơi đồng bãi, vườn tược quê nhà.

Cải là loại rau ngon, dễ ăn nhất, chế biến được nhiều món. Nếu là cải xanh, cải cay thường nấu canh tôm đất, tép đồng, cá mờm biển, cải bẹ trắng, cải thìa xào với thịt bò, hoặc luộc chấm mắm cá cơm nổi tiếng Hà Quảng, cải con vừa lên hai lá thì trộn với các loại rau sống, mùi hương thơm ngát thật hấp dẫn. Nhờ gần vùng rau thơm nổi tiếng Trà Quế, Cẩm Hà nên cải trồng ở vùng đất Hà My quê tôi có mùi vị ngọt thanh đầu lưỡi, ít vị đắng chát.

Cải là món ăn dân dã, quê kiểng nhưng khoái khẩu và thú vị; món ăn mà tôi không thể nào quên trong vùng ký ức thời con nít ở quê nhà thời khốn khó; món ăn vẫn ngọt ngào trong tâm thức đứa trẻ nhà quê như tôi đến tận bây giờ.

Bất chợt, mỗi khi Xuân về Tết đến, hanh hao trong tiết cuối Chạp đầu tháng Giêng, thi thoảng trong giấc mơ đồng bãi quê nhà, hiển hiện trước mắt tôi những triền hoa cải vàng ven bờ Hà Sấu, sông Cổ Cò rực rỡ như đang thì con gái.

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.