Quả thật tôi không còn nhớ nổi những vết sẹo xuất hiện trên đôi tay của ba từ bao giờ. Lúc còn nhỏ, ba mẹ đi làm suốt cả ngày, tôi ở nhà lủi thủi đọc sách và chơi đồ hàng một mình. Mỗi khi kim đồng hồ chỉ đến số mười, ngoài cửa sẽ ồn ào tiếng xe của ba. Và lúc ba dùng đôi tay sần sùi với làn da nâu sạm nâng tôi lên cao, trong tầm mắt hướng xuống của tôi, những vết sẹo tròn tròn luôn xuất hiện trong ánh đèn nê-ông trắng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Lớn hơn một chút, tôi biết được rằng những chấm đen tròn tròn thường xuất hiện trên tay ba là kết quả của “tai nạn nghề nghiệp”. Ba tôi làm nghề đầu bếp. Trong những lúc nấu nướng các món chiên xào, dầu ăn thường bắn lên tay ba, để lại những vết bỏng tròn rát như những đồng xu tí hon. Từ lúc đó, mỗi lần được dẫn đi ăn tiệc, nhìn những con gà chiên bóng lộn đẹp đẽ, những con cá chiên xù nằm lọt thỏm giữa mấy lát cà chua và dưa leo rực rỡ trên chiếc bàn ăn trải khăn trắng muốt, tôi lại nhớ đến vết bỏng dầu thành sẹo chẳng nhiều người biết của ba tôi.
Năm học lớp bốn, trong một lần leo cây hái trộm quả nhà hàng xóm, tôi hụt chân ngã. Cũng may ngã từ vị trí không cao, nên chỉ bị dập môi và trầy mặt. Tôi đứng vịn hàng rào khóc tu tu, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt với mấy vết máu đọng nơi môi. Hôm đó ba tôi đi làm về sớm, nhìn thấy tôi đứng khóc nức nở liền vội vàng ôm bổng tôi lên dỗ dành. Đang được đà ăn vạ, liếc nhìn xuống đôi tay của ba, tôi im bặt. Đôi tay hôm qua còn lành lặn với những vết sẹo thâm cũ, giờ đột nhiên xuất hiện thêm những vết bỏng mới, chưa kịp lên da non, chưa kịp ngả màu, nổi bật trong ánh nắng chiều.
Tôi chỉ vào những vết bỏng ấy, hỏi: “Có đau không ạ?”. Ba tôi cười bảo: “Không đau không đau, bỏng dầu tí thôi ấy mà”. “Có cần bôi gì vào đó cho nó hết không ạ?”. “Thôi thôi thuốc thang gì, ba con khỏe lắm, hà hà. Thôi mình vào nhà để ba bôi tạm muối lên chỗ môi dập để tạm sát trùng nhé”. Tôi im lặng giấu mặt vào vai ba khóc không ra tiếng. Ba vừa ôm tôi vào nhà vừa vui vẻ nói: “Làm sao mà khóc nhè quá trời thế này? Chảy máu có chút xíu, hết ngay hết ngay”. Nhưng ba không biết được rằng tôi khóc chẳng phải vì hậu quả của việc trèo cây.
Ba tôi có đôi bàn tay rất to với những ngón tay dài như người nghệ sĩ chơi nhạc cụ. Tôi nhớ có lần ba kể hồi trẻ ba rất thích làm giáo viên, thích học đàn guitar. Nhưng vì nhà nghèo quá, không có tiền học đại học nên đành bôn ba theo thiên hạ học nghề đầu bếp, tự mưu sinh trang trải cuộc sống. Có lẽ vì thế, mà ngay từ nhỏ, tôi muốn học gì, quan tâm đến cái gì, ba đều hết lòng ủng hộ và hỗ trợ. Hơn nữa, dù dành phần lớn thời gian đầu tắt mặt tối trong những căn bếp rộng của các nhà hàng to đùng, ba tôi vẫn rất thích nói về nghệ thuật và tìm hiểu về chúng. Mỗi khi có dịp hiếm hoi ngồi trò chuyện cùng tôi, ba lại đưa tôi xem những bức ảnh nghệ thuật mà ba cặm cụi tìm được trên mạng, khoe với tôi những bức tượng, bức tranh ba ky cóp tiền bạc để mua về.
Tôi thường theo thói quen nhìn đôi tay ba. Đôi tay to ấm đã lau nước mắt cho tôi không biết bao nhiêu lần khi tôi còn nhỏ, xoa đầu tôi ân cần khi tôi lớn lên. Đôi tay đưa cho tôi những tờ giấy nhàu nhĩ in đủ mệnh giá. Đôi tay lúc nào cũng có mùi quen thuộc của thức ăn. Đôi tay đúng là của một tâm hồn nghệ sĩ, những vết sẹo bỏng lâu ngày cứ như nhảy múa trong ánh nắng.
Bạn bè tôi thường nói về những hình xăm đầy quyến rũ trên người các chàng trai. Họ xuýt xoa, nhìn xem này, anh chàng kia có hình xăm trên cánh tay đẹp quá. Không những cơ bắp phải đẹp mà hình xăm cũng phải độc và lạ nữa mới hấp dẫn. Nhưng chẳng hiểu sao tôi chưa hề thấy hấp dẫn bởi những hình ảnh đó. Có lẽ vì trong lòng tôi, chẳng có hình xăm nào đẹp bằng những vết bỏng trên đôi tay của ba tôi.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tận mắt thấy ba ở chỗ làm, cảm nhận rất rõ cái nóng hầm hập và bức bối của căn bếp đầy mùi thức ăn, nhìn ba đang vật lộn với một cái chảo to đùng đầy dầu ăn, lửa liếm lên gần sát mặt, tôi đã thầm nghĩ trong đầu: “Thật là một cảnh chiến đấu số dzách”. Một cảnh chiến đấu tôi chẳng bao giờ quên được, cùng với những giọt nước mắt lặng lẽ rơi ra ướt má tôi khi tôi rời căn bếp làm việc của ba.
Có một bài hát tên gọi “He’s got the whole world in his hands” (Ông ấy nắm cả thế giới trong tay), với nội dung đại để như sau: “Ông ấy nắm cả thế giới trong tay. Ông ấy ôm đứa trẻ nhỏ trong tay. Ông ấy nâng đỡ tôi và các em tôi trên đôi tay...”. Mỗi lần nghe bài hát này, tôi lại nghĩ hẳn nó phải được sáng tác để dành riêng cho ba tôi. Một người đàn ông bình thường, không phải là siêu nhân, không nắm cả thế giới này trong tay, nhưng vẫn đã, đang và sẽ luôn nâng đỡ cả thế giới, cả vũ trụ nhỏ của tôi, bằng một đôi bàn tay đầy những vết bỏng dầu.
Sắp hết một năm, rồi lại qua năm mới. Mùa xuân sắp đến. Tôi theo thói quen lại lặng lẽ đến những vết sẹo trên tay ba, những vết sẹo mờ mờ giờ lẫn với những vết như những chấm đồi mồi. Thật khó để phân biệt rồi, đúng không?
NHI TRẦN