.
TRUYỆN NGẮN

Ngày hội lúa

.

Hồng ngồi bệt trên bãi cỏ còn đẫm nước. Cơn mưa đầu đêm xuống đủng đỉnh như bà già ngồi nhai trầu, nhai vừa dập vỏ thì nước đã ứa đầy đồng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mạ ngập lút. Bao nhiêu phân tro hòa tan với nước lênh bênh vòng vo quanh chân mạ. Phía bên thửa ruộng nhà bà Lụa, hình như có tiếng sụt sịt. Trong làng, thi thoảng có tiếng chó sủa đớp đêm. Hồng ngồi ngây nhìn ruộng lúa mới cấy, chẳng muốn rút chân đứng dậy. Tiếng hời con của bà Ba Khùng lang thang đâu đó ngoài bãi tha ma nghe rờn rợn.

Sướng khổ ở nhân gian... ơ con... Định mệnh ư... ư... tựa cơn mưa... Đồng xanh là chốn đây… Vũ trụ vần xoay đến khóc...

Cô chép miệng, đứng lên.

“Thôi, trời không cho đành chịu vậy”.

Cô xòe ngón tay ra nhẩm. Mùng bốn. Mùng năm. Mùng sáu... Bao giờ thì nước rút? Mạ thối gốc thì vụ năm nay coi như bỏ. Hồng bước thì thụp qua những vũng bùn. Mười ngón chân nứt nẻ duỗi ra bám chặt vào đất. Không thấy gió. Cũng không có lấy một ngôi sao nào hiện ra trên bầu trời đen kịt. Bụi tre ở đầu làng khẽ vặn mình kêu răng rắc. Ngay cả trong bóng tối, cô cũng nhìn thấy rõ mồn một màu vàng héo úa của những thân tre không xanh nổi vì đất bạc màu.

Ngày xưa mẹ vẫn buồn rầu bảo với cô về đồng đất quê như vậy. Cô chợt thấy nhớ mẹ đến xót xa.

Năm ấy, Hồng theo mẹ đi dự hội lúa bên làng Chăn. Mỗi năm một lần, cả vùng kéo về Chăn mang theo những bông lúa trĩu hạt để tranh giải hạt trưởng. Mẹ cô mặc tấm áo màu tím sậm, chân xỏ guốc gỗ, tóc thắt búi. Cô mặc áo dài đã cũ của mẹ, cắt ngắn vạt đi, sửa lại một chút đường eo, rồi cũng được xỏ guốc loẹt quẹt bước theo mẹ. Cô đội trên đầu cái thúng mây, trong lòng thúng đặt mấy bó lúa hương, hạt mẩy tròn, vàng ươm. Hai mẹ con gõ guốc trên mặt đê cỏ xanh mướt, hai bên đê những cánh chuồn chuồn đỏ lập lòe.

Hội lúa đông nghịt và rực rỡ khăn yếm. Những bông lúa vàng thơm sực nằm phơi dưới nắng...

Hội lúa sau, mẹ bỏ đi theo người trai giật giải hạt trưởng. Cha gả cô cho một nhà cần người làm trong làng. Đêm đêm, người cha ngồi bó đầu gối ở đầu hè đợi trăng. Thỉnh thoảng, ông cười khà một tiếng. Sau đó ông lấy một người đàn bà lang thang không rõ từ đâu dạt đến, có đôi mắt hiêng hiếng mơ mơ. Được hai năm bà ấy phát bệnh mộng du, nửa đêm mở cửa đi lang thang khắp cánh đồng. Bà không đẻ được con cho cha cô, cũng không thấy có đứa con nào tìm đến. Nhưng cho đến giờ người làng vẫn nghe bà hời con. Sướng khổ ở nhân gian... ơ con... Mẹ ơi, bây giờ mẹ ở đâu?

Tiếng lọc cọc của một chiếc xe bò vang lên vào trên đường làng. Hồng chợt thấy ánh sáng lửa ùa đến soi rõ từng viên gạch lát. Gã trai đánh xe bò đứng thẳng trên xe với bó đuốc đỏ rực. Gã ghìm cương, dừng bò.

“Hồng, tiếc gì đám mạ mới cấy ấy. Tôi có thể cho em gấp trăm lần...”.

Hồng nhìn gã, lạnh lẽo:

“Sao anh không để cho tôi yên? Anh có thể lấy cả chục cô gái trẻ đẹp”.

Gã vẫn đứng yên trên xe, tay giơ cao bó đuốc. Đôi mắt giận dữ nhìn ra cánh đồng trắng nước.

“Hồng sẽ sống tiếp như thế nào? Hồng có biết mình là ai không?”.

Cánh tay chắc nịch khẽ giật sợi dây thừng. Con bò lai lông vàng óng điểm mấy đốm đen, cũng to đẹp và mạnh mẽ giống như chủ của nó, nhún chân bước tiếp. Vầng lửa xa dần.

Cô vẫn bước trên con đường đầy lầy lội. Những ngón chân tõe ra bám chặt xuống mặt đất. Gà bắt đầu gáy. Việc đầu tiên trong ngày mới của cô sẽ là nồi cám lợn, sau đó là bữa cơm sáng cho cả nhà. Không biết đêm qua mưa có dột xuống chái bếp chỗ quây rơm không nhỉ? Không biết con Nỡm đã hết lạnh chưa?

Con Nỡm là con bò cái của vợ chồng cô. Vào mùa xuân, cỏ bật lên khỏi mặt đất bạc màu, xanh nõn. Cô dắt con Nỡm ra đồng từ sớm. Con bò cái, vú căng lên ngóng tiếng gọi của một chàng bò nào đó. Rồi mõm nó sục xuống cỏ, liếm sạch cái màu xanh mà trời hào phóng ban xuống mặt đất. Cô không còn tiếc nuối vẻ đẹp của những hạt sương đọng trên cỏ dưới ánh bình minh, như ngày còn cắp sách chạy đến lớp học trường làng. Con Nỡm phải óng mượt, phải khỏe mạnh để có thể kéo cày. Đôi vai của chồng cô đã u lên mấy lớp. Cả vẻ ngờ nghệch của anh ngày cô mới về làm dâu cũng đã nhường chỗ cho những nếp nhăn, nếp gồ vạch dọc ngang trên nét mặt.

“Cô đừng chấp mẹ tôi nhé. Bà ấy khó tính nhưng thảo”.

Đó là câu đầu tiên của người chồng khi cô bước vào cửa buồng nhà người. Cô chỉ thấy vừa nhớ, vừa oán hận người mẹ đã bỏ cha con cô. Đêm ấy, hai vợ chồng chong đèn đến sáng. Đến khi gà gáy canh năm, Hồng trở dậy xuống bếp, bắt đầu phận sự làm dâu. Cô cúi đầu cần mẫn hết ngày này sang tháng khác.

Hạnh phúc của cô thật chẳng có gì đáng nói nếu như thỉnh thoảng cô không mơ thấy ngày hội lúa bên mẹ, nếu như không có tiếng xe bò lọc cọc và gã trai đứng kiêu hãnh với vầng lửa rực rỡ...

 Hồng về đến nhà đã thấy Liên, đứa con gái lớn đang lúi húi nhóm bếp. Cô chợt nhận ra con gái mình đã lớn. Mái tóc cứng queo của nó vàng hoe dưới ánh lửa. Cô ngồi phịch xuống cạnh con gái.

“Ngập trắng hở mẹ?”.

“Kiểu này khéo không phải cấy lại. May còn ít mạ giống ở ngoài vườn”.

Con Liên ngồi đun lửa mà mắt thì mơ hồ tận đâu.

“Mẹ ơi tại sao lại cứ nhổ mạ lên rồi lại cấy xuống?”.

“Tao biết đâu được. Ngày xưa bà ngoại bảo đời con gái giống như cây lúa ấy, cứ phải nhổ bật lên, chịu đau đớn, rồi cấy sang mảnh khác mới sinh sôi nảy nở được, con ạ”.

“Sao bà lại bỏ mẹ?”.

Cô ngồi thừ nhìn ánh lửa nhảy nhót. Mẹ dịu dàng và gót chân cũng lấm bùn nứt nẻ như cô.

“Bà chưa bao giờ nặng lời với mẹ...”.

Cô không biết nói tiếp với con gái thế nào nữa. Nó đã học hơn cô ngày trước tới ba bậc. Tiếng Nỡm thở phì phò phía bên kia bức tường đất nghe đã nặng nhọc lắm.

“Để con dắt liềm sẵn vào cặp”.

“Về ăn cơm đã con ạ. Con gái đói bụng lớn sao nổi”.

“Lúc nãy cô Minh gọi mẹ ở ngoài cổng, cô ấy bảo hình như năm nay lại mở lại hội Chăn mẹ ạ”.

Hội lúa? Tai Hồng ù đi. Cô nhìn ra phía cánh đồng. Mặt trời đã lên đỏ rực và tiếng những chú chim liếu điếu đang ríu ran chào ngày mới. Trên đường làng, rậm rịch chân người và lũ trâu bò ra đồng. Những nhà có mảnh ruộng trồng màu trên cao, hôm nay tranh thủ ra xới đất. Hồng giục con dọn cơm rồi chạy ra chuồng bò.

 Bà Ba Khùng đã đứng lù lù cạnh chuồng bò từ lúc nào. Bà đang ném rơm vào cho con Nỡm. Thấy Hồng, bà nhướn cặp mắt hiêng hiếng mơ mơ rồi buông một câu:

- Mả cha có tổ mối đùn to lắm.

Cô giật mình:

- Thật không?

- Đêm, ông ấy dậy đi  lại  cứ lập loè. Chắc cô sắp có lộc.

Nói rồi, bà ngoắt người bỏ đi. Bà đi xa rồi, Hồng vẫn còn nghe thấy tiếng hát liêu xiêu trên đường làng. Em là cô dâu nhỏ bé. Chụm lửa nấu cơm trong bếp nhà anh... Giọng hát bà Ba như có rượu đổ cháy lòng người.

Đến chiều xẩm thì nước rút. Mạ trơ ra trắng gốc. Nhưng thế còn là may. Mọi người đổ ra đồng rải phân sục bùn cố cứu lại màu xanh cho mạ. Ai cũng bàn tán về hội lúa sẽ chính thức mở lại sau bao nhiêu năm lãng quên vì chiến tranh, vì đổi thay và vì cái gì đó nữa. Mùi phân và bùn mơ hồ phảng phất quanh không khí mừng vui và hồi hộp.

“Hồng, tôi đến để chào cô”.

Gã trai đứng trên bờ ruộng nhà Hồng, trông bảnh bao như sắp đi hội. Hồng thấy cay mắt. Gã như chưa bao giờ lội chân xuống bùn. Tòa nhà ba tầng của cha con gã ngất ngưỡng giữa làng Đông lúc nào cũng đông khách tới mua gạch hoa. Cô đã nom thấy gã đếm tiền, bàn tay trái xòe tiền ra, ngón cái lật thoăn thoắt những tờ giấy thấm mồ hôi và đầy uy lực. Vậy mà lúc nào gã cũng luẩn quẩn cạnh cô.

Nhưng bây giờ giọng gã nghe tha thiết quá. Hồng rẽ bùn, bước lên bờ.

“Ngày mai tôi đi rồi”.

“Anh đi đâu?”.

“Đi học. Tôi sẽ làm kỹ sư nông nghiệp Hồng ạ. Có giấy gọi rồi”.

“Anh đi khỏe nhé”.

“Hồng có cần tìm mẹ không? Tôi sẽ giúp”.

Hồng sững người. Tìm mẹ? Cô chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Tại  sao lại có người biết để nhắc đến nỗi đau đó ở trong cô?

“Bà ấy đã bỏ chồng con, bỏ quê mà đi...”.

“Mẹ cô là người đàn bà chẳng biết sống giả bao giờ. Cha tôi kể với tôi như vậy. Sao cô không thể nghĩ có thể bà đã rất khó khăn, hoặc muốn về mà chưa thể trở về?”.

 Cô ngồi bệt xuống cỏ. Gió mơn man thổi qua giữa hai người. Đồng lúa nghiêng nghiêng theo chiều gió, tím sẫm cả khu trời.

«Nhưng... tìm bằng cách nào?».

«Lên phố học, tôi sẽ nhờ người đăng tin tìm người nhà trên báo, đài, biết đâu...».

Rồi gã trai quay người bước đi. Chỉ còn lại trong gió giọng nói rắn rỏi:

«Ngày hội lúa tôi sẽ về. Hồng đừng nghĩ xấu về tôi nhé. Tôi mong Hồng hãy nghĩ đến bản thân mình một chút. Tôi rất lo...».

Lạ một điều là bao nhiêu năm cô cấy lúa xuống đất, rồi chờ lúa lên xanh, chờ đến khi bông lúa chín vàng để gặt về, không có ai lại bảo với cô rằng cô đã không sống cho mình. Kể ra thì suốt ngày cúi mặt xuống bùn cũng tẻ lắm. Nhưng cô thấy yêu lúa và yêu khoảnh ruộng xinh xinh được be đắp gọn ghẽ. Rồi khi lúa chín vàng, cả ruộng lúa thơm ngào ngạt khiến cô  quên mất đã lâu không soi gương, quên mất mình bao nhiêu tuổi. Nhưng có hề gì, miễn thóc đổ đầy bồ và con cô được no bụng đến trường.
Nhưng, chính người con trai ấy đã bảo cô phải tìm mẹ!

Đến tối, Hồng nhờ con gái viết nắn nót một bức thư, nội dung như sau:

"Con là Nguyễn Thị Hồng, nhà ở xóm Trại làng Hương xã Cầu Đôi tỉnh... nhắn tìm mẹ là bà Hai Huệ, bỏ nhà ra đi từ năm...

Mẹ ơi năm nay vùng quê ta lại mở hội lúa bên làng Chăn. Mẹ ở đâu thì về đưa cháu Liên đi dự hội. Bởi vì ngày đó mà lúa nhà con không mẩy thì con quyết không dám có mặt. Con cắn rơm, cắn cỏ lạy mẹ hãy báo tin về cho vợ chồng con và cháu được mừng".

 Hồng bảo con Liên ghi ngoài bì thư hàng chữ:

"Nhờ anh chuyển giúp tới mẹ tôi. Tôi xin trân trọng cảm ơn".

Hồng vùi bì thư vào đống trấu trong góc bếp. Đêm, cô nằm thao thức mãi không sao ngủ được. Sáng sớm mai cô sẽ dậy đón tiếng xe bò lọc cọc từ làng Đông đi qua.

Rồi cô sẽ chờ đến ngày hội lúa.

VÕ THỊ XUÂN HÀ

;
.
.
.
.
.