Họ gặp và làm quen nhau trên chuyến máy bay Sài Gòn - Đà Nẵng vì nghe giọng Quảng của nhau. Ông già tóc bạc trắng nhưng trông còn rất khỏe, người đàn ông trung niên khá đẹp trai và có phần đạo mạo. Người trung niên càng không muốn rời ông già khi nghe ông nói sẽ về thăm làng T. quê ông.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đến Đà Nẵng đã quá mười chín giờ. Người trung niên nói với ông già:
- Thành phố này là quê nội của cháu, có nhiều bà con, nhưng cháu muốn đêm nay cùng nghỉ tại khách sạn với bác. Cháu về Đà Nẵng và ra Huế để nhận vài công trình. Vì đã hẹn rồi, nếu không, cháu sẽ đi theo bác.
Họ nghỉ chung một phòng đôi và dùng cơm tối tại khách sạn. Xong, hai người ngồi đối diện nhau tại chiếc bàn nước vừa uống trà vừa trò chuyện.
Ông già hỏi người trung niên:
- Cháu ở Sài Gòn, quận nào?
- Thưa không, nhà cháu trước nay ở Đồng Nai.
Anh lễ phép đưa cho ông già danh thiếp của mình. Ông già xem rồi hỏi một câu không cần thiết:
- Cháu là Kiều Vinh, kiến trúc sư?
- Dạ.
- Năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Thưa đã năm mươi tám rồi ạ!
- Tuổi Ất Mùi 1955. Bác lớn hơn cháu hăm bốn tuổi.
- Thưa, bác thuộc diện hưu trí?
Ông già cười lớn:
- Bác có ngạch trật gì đâu mà hưu. Thời trước bảy lăm bác dạy môn Văn Sử Địa cho vài trường trung học tư thục ở Sài Gòn. Đời bác chỉ làng nhàng rứa đó.
- Thưa bác, xin bác cho cháu biết quý danh để tiện xưng hô ạ!
- Bác thứ tư, cháu cứ gọi thế.
- Cảm ơn bác Tư.
Rót thêm nước trà vào hai chiếc tách, Vinh đưa ra một yêu cầu:
- Tuy làm ngành kiến trúc nhưng cháu rất thích viết văn, nhất là viết về những làng xưa của ta. Cháu sẽ tìm hiểu nhiều thứ về làng T. Bây giờ cháu xin bác…
Ông Tư ngắt lời Vinh:
- Sao cháu nói là sẽ tìm hiểu? Vậy ra cháu không có họ hàng, bà con ở làng T. sao?
- Thưa… gần như vậy ạ! Cháu thường nghe cha mẹ cháu nhắc đến làng T.
- Lạ nhỉ! Nhưng thôi, bây giờ cháu muốn biết trước chuyện gì của làng?
- Xin bác kể cho cháu nghe một vài nhân vật ấn tượng theo suy nghĩ và nhận xét của bác.
Ông Tư nhíu mày:
- Nhân vật nổi cộm của làng về các mặt thì nhiều vị đáng kể lắm. Như ông thầy võ xưa tên Nguyễn Sách mấy lần dùng trường côn đánh cọp chạy te; như ông Hương Điện sáng tác cả trăm bài vè về nhiều sự kiện để đời; như… À mà thôi, bác kể cho cháu nghe một nhân vật bác biết thật đúng về chuyện của anh ấy.
- Dạ, cháu xin nghe.
Ông Tư kể:
- Người ấy là anh Bốn Trà, cùng tuổi và chí thân với bác. Anh ấy hiền lành, thương người, nặng tình làng, nghĩa xóm… Người trong làng rất mến ảnh. Bốn Trà còn nhiều mặt đáng kể ra lắm nhưng anh ấy rất khiêm tốn, giờ này vắng mặt ảnh, bác không kể thêm mà chỉ kể một chuyện.
Đầu năm 1955, làng cho xây một trường tiểu học và một trạm xá. Anh thầu khoán trẻ và đám thợ ở Đà Nẵng lên xây cất. Ngày ngày họ ăn cơm do cô Ba Tiền ở gần nhà bác nấu. Bốn tháng sau, hai công trình trên được khánh thành, đám thầu xây cất rút đi thì xảy ra một việc dính tới Bốn Trà.
Buổi sáng nọ, Trà đang chặt hom dâu tại nà dâu gần bến Đá bỗng nghe mấy chị giặt đồ bên kia sông la thất thanh: Có người rớt xuống sông! Họ chỉ tay sang bến Đá. Bốn Trà lập tức chạy xuống bến, chỉ kịp thấy một dây bong bong nước nổi và trôi theo dòng chảy. Nạn nhân đang bị uống nhiều nước, sắp chết đuối. Anh Trà nhảy ùm xuống sông lặn theo dây bong bong nước và xốc lên khỏi mặt nước một người thân hình đã tím tái. Anh la lớn: Cô Ba Tiền! Anh đưa cô Tiền vào bờ làm động tác sơ cấp cứu. Cô Tiền ói ra nhiều nước rồi mở mắt. Thấy Bốn Trà, cô trách ngang bằng giọng nói yếu ớt: Anh cứu tôi chi vậy? Anh hại tôi!
Trà nói gấp gáp:
- Chuyện đâu còn có đó, đừng dại dột. Cô còn bác gái đã già yếu, bỏ bà lại cho ai?
Tiền ngồi ôm mặt khóc.
Người chạy xuống bến tiếp theo là Bảy Lẹ. Chị này rất “lẹ” việc chuyền tin cho cả xóm cả làng. Khi thấy cô Tiền và Bốn Trà ngồi bên nhau, kẻ khóc, người khuyên nhủ, Bảy Lẹ hỏi lớn:
- Sao hai người đều ướt mèm vậy?
Trà không giải thích mà bảo Bảy Lẹ:
- Chị đi mau về nhà bà Hương Mẹo (mẹ cô Tiền) lấy bộ đồ khô đem xuống đây cho cô Ba thay.
Bảy Lẹ đi ngay, lúc chị trở lại với xấp áo quần trên tay và cùng đi có hai người nữa: bà Mẹo và… vợ Bốn Trà. Chị này nhìn hai người, nói:
- Sao không ôm nhau cùng nhảy sông chết luôn đi cho có đôi!
Rồi chị quày quả trở về. Anh Trà vẫn giữ thái độ bình tĩnh và bảo Bảy Lẹ:
- Phụ nữ với nhau, chị ở lại giúp cô Ba thay đồ rồi cùng bác Mẹo đưa cô về nhà.
Chỉ ngày hôm sau, người cả xóm cả làng đều biết chuyện động trời về Bốn Trà ngoại tình với Ba Tiền. Cái vỏ đạo đức của người đàn ông và cô gái hiền hậu lâu nay bị họ tự bóc. Mọi người còn biết Tiền đã mang thai ba tháng. Còn ai vô đó nữa?
Không ít người trong làng nhìn Bốn Trà như một tội đồ. Lắm người tỏ ra thương hại anh kiểu “khôn ba năm, dại một giờ”.
Bụng cô Tiền ngày càng to. Nhiều lời mỉa mai, bóng gió cứ nhằm vào một thai phụ không chồng mà chửa. Có hôm Tiền nhổ cỏ ruộng lúa với các bạn gái như trước nay, một chị gánh nước chè và thức ăn nhẹ cho mọi người dùng nghỉ nửa buổi. Vừa đặt gánh xuống bờ ruộng, chị ấy nói lớn:
- Mời các chị nghỉ tay uống nước chè. Đây là chè chứ không phải “trà” đâu, thứ ấy độc lắm!
Một chị trong đám ấy còn ác khẩu hơn:
- Không độc đâu, có người thử rồi, “trà” bổ lắm, uống vô là mập liền.
Trước bao lời châm chỉa như thế, Tiền luôn im lặng, còn Bốn Trà thì chỉ cười cười, không tỏ vẻ tức giận hay cự cãi. Nhưng khó xử nhất đối với anh là bị vợ luôn chì chiết, đay nghiến, có hôm chị bỏ cả công việc mùa màng. Anh cũng chỉ cười cười và trách lại vợ:
- Là tại bà cả. Lấy nhau đã ba năm mà bà có chịu sinh cho tôi đứa con, tôi độc đinh lấy ai nối dõi tông đường.
Nghe tới câu này vợ Bốn Trà có vẻ… hạ nhiệt.
Một đêm trăng sáng, vợ chồng Trà ngồi trước sân lảy bắp khô lấy hạt, chị ngỏ ý với chồng:
- Ông đã gây tai nạn cho cô ấy thì phải xử sao cho êm đẹp.
Trà cười:
- Tôi nhảy xuống sông cứu mạng cô ấy, sao lại buộc tôi gây tai nạn?
- Thôi đừng cà rỡn, lý sự nữa. Tôi bằng lòng cưới Ba Tiền cho ông làm vợ bé. Chịu chưa?
- Để từ từ hãy tính.
- Từ từ gì nữa, người ta sắp đẻ rồi.
Anh Trà lại cười nhiều hơn.
Ba Tiền sinh được một bé trai bụ bẫm. Bà Mẹo lo chăm sóc cho mẹ con Tiền từ khi ở trạm xá cũng như lúc về nhà. Bà Hương Mẹo sinh hạ một trai, một gái rồi bị góa chồng. Bà ở vậy nuôi hai con. Rồi người anh trai của Tiền cũng mất trong thời chiến tranh.
Nói gì thì nói nhưng tình của phụ nữ với nhau vẫn không mất. Một người gặp việc vui buồn gì thì các bà, các chị trong xóm, trong làng lại đến với nhau. Đó là truyền thống rất quý. Trường hợp sinh đẻ của Tiền lại đặc biệt đúng nghĩa “đàn bà đi biển mồ côi”. Nên chi khi Tiền sinh tại trạm xá cũng như lúc về nhà đều được các bà, các chị, các cô thường đến thăm hỏi, người biếu lọ dầu nóng, kẻ tặng chục trứng gà, vài hộp sữa… Vợ Bốn Trà cũng thường đến thăm mẹ con Tiền, tất nhiên không vắng mặt Bảy Lẹ.
Hôm mới đến thăm, lúc ra về, Bảy Lẹ rủ hai chị nữa cùng đi luôn tới nhà Bốn Trà để nhìn thật kỹ gương mặt anh này có giống thằng bé mới chào đời hay không. Bốn Trà thừa biết điều ấy nhưng cứ ngồi cười cười.
Chờ họ quan sát chán, Bốn Trà hỏi:
- Sao? Cháu bé có giống tôi không?
Bảy Lẹ đáp:
- Ngay chừ thì không, tui thấy sao nói vậy. Nhưng con nít từ mới sinh đến tuổi dậy thì thay đổi tới mười hai gương mặt lận.
- Vậy thì mời các chị đợi thêm mười sáu năm nữa hãy kết luận.
Cháu bé trai ấy được bà ngoại và mẹ đặt tên là Bối. Thêm đứa trẻ kháu khỉnh, nhà thêm vui. Nó được mẹ và bà ngoại cưng hết sức và còn nhận được tình thương của mọi người trong xóm. Dù Bốn Trà chỉ úp úp mở mở nhưng mọi người xem như việc đã rõ (!) nên không ai còn nói ra nói vào nữa. Bà Mẹo thường nựng cháu bằng câu: Cháu nội cháu ngoại gì của bà cũng chỉ một mình con đó Bối ơi!
Hai ngày trước hôm cúng thôi nôi cho thằng Bối có chiếc xe hơi chạy từ từ vào nhà bà Mẹo. Xe dừng ngay trước cổng có bóng cây phượng vĩ. Người trên xe bước xuống. Anh này tự lái xe và đi một mình. Nhìn ra, Tiền biết ngay khách là ai. Đó là người thầu khoán trẻ đã trúng thầu xây cất trường tiểu học và trạm xá cho làng năm rồi. Anh ta tên Trí.
Bà Mẹo cũng đã biết Trí. Vào nhà, sau khi chào hỏi, Trí thưa rõ mọi sự với bà Mẹo, có nghĩa là cũng nói cho Tiền nghe. Thằng Bối níu áo mẹ đứng nhìn ông khách lạ.
Thấy có khách đi xe hơi đến nhà Tiền, mấy chị ở gần đó kéo đến, dĩ nhiên phải có Bảy Lẹ. Họ cùng nghe anh Trí thưa chuyện với bà Mẹo:
- Năm ngoái, sau khi xong việc ở đây về nhà, con chưa kịp trở lên thưa chuyện với mẹ và em Tiền thì vừa lúc cha con bị bệnh và từ trần. Trước đó, cha con đã trúng thầu xây cất một dãy chợ trong Bình Định. Lo hậu sự cho cha xong, con phải dẫn đám thợ vào trong ấy làm việc. Nếu mình tự hủy hợp đồng sẽ bị đền nặng lắm. Hôm nay con lên đây thăm mẹ và thưa với mẹ xin cưới em Tiền.
Bà Mẹo vừa vui mừng vừa cảm động chỉ gật đầu và ờ ờ chứ không nói được gì. Tiền nâng thằng Bối hướng về phía “vị khách” đặc biệt và nói:
- Cha con đó, sửa soạn theo cha đi!
Nhận xét sơ bộ của “cái loa đa hệ” Bảy Lẹ là câu:
- Thằng Bối giống cha như đúc!
Khi ngồi vào bàn uống nước, Tiền kể vắn tắt việc anh Bốn Trà đã cứu cô, phải chịu đựng bao lời đàm tiếu để ngầm bảo vệ mẹ con cô cho đến ngày nay.
Trí xẵng giọng hỏi:
- Tại sao em nhảy sông tự tử?
- Vì em tưởng anh… trốn luôn.
Trí bảo Tiền sắm ngay một khay trầu rượu và cùng đi với anh sang nhà Bốn Trà. Mọi người đều đi theo. Bảy Lẹ giành ẵm thằng Bối đi sau bà Mẹo.
Sau khi chào hỏi, Trí trịnh trọng đặt khay trầu rượu giữa bàn rồi bảo nhỏ Tiền cùng khoanh tay để anh thưa chuyện với vợ chồng Bốn Trà:
- Thưa anh chị, vì tôi mắc đại tang, tiếp theo phải làm cho xong công việc cha tôi lỡ trúng thầu nên tôi đến đây quá trễ. Hôm nay, tôi và Tiền xin cung kính mời anh chị chén rượu miếng trầu để thưa hai điều chúng tôi đội ơn anh chị đến suốt đời. Thứ nhất là cảm ơn anh đã cứu mạng Tiền, tức là cứu cả hai mạng. Sau đó, từ ấy đến nay, vì chuyện sai quấy do tôi gây ra mà anh lại hứng chịu búa rìu dư luận nhưng vẫn âm thầm bảo vệ cho vợ sắp cưới và giọt máu của chính tôi. Thứ hai, chúng tôi hết sức cảm ơn chị đã ít nhiều thông cảm cho anh để gia đình tránh cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt vì cái lỗi nặng do tôi gây ra.
Anh Trà vẫn cười cười, đưa tay bắt tay Trí và nói:
- Hôm nay anh đến là gia đình bác Mẹo, vợ chồng tôi và bà con xóm này rất mừng, rất vui.
Rồi Bốn Trà xốc nách thằng Bối đưa lên:
- Từ hôm nay cháu Bối ngon lành rồi nhé!
Anh hỏi Bảy Lẹ:
- Chị thấy cháu Bối giống ai?
Mọi người cười ồ. Bảy Lẹ gỡ gạc:
- Tại vì lúc ấy tui thấy bến vắng, hai người đầu tóc áo quần ướt mèm ngồi kề nhau bàn bạc chi đó, như rứa thì còn chuyện chi nữa?
Mọi người lại cười vang. Ai cũng tự cảm thấy mình có lỗi với Bốn Trà mặc dù anh không đòi hỏi, đợi chờ điều ấy.
Ông Tư đã kể hết chuyện. Vinh tiếp lời ông:
- Bác nhớ rất kỹ từng chi tiết nhưng còn thiếu một chuyện. Đó là hôm lễ thôi nôi cho Bối, ông thầu khoán Trí cho làm một tiệc lớn còn có hai ý nghĩa nữa: xin lỗi và cảm ơn bà con trong xóm về bữa tiệc xem như tiệc cưới trễ.
Ông Tư trố mắt nhìn Vinh chưa kịp hỏi tiếng nào thì anh chàng này nói tiếp:
- Rồi ông Trí rước ngay bà Mẹo và mẹ con Bối ra Đà Nẵng luôn. Căn nhà vách ván, lợp tranh của bà Mẹo được bà biếu cho người em trai út của bà. Năm sau, cả nhà vô Biên Hòa, ông Trí vẫn tiếp tục nghề thầu khoán, làm ăn phát đạt.
Ông Tư đứng vụt dậy nói lớn:
- Đúng vậy, bác quên kể. Nhưng tại sao cháu biết rành thế?
- Vì… cháu chính là thằng Bối.
Ông già chộp hai vai Vinh:
- Trời đất! Cháu là thằng Bối ngày xưa?
Hai người vẫn đứng nhìn thẳng vào mắt nhau. Vinh hỏi ông Tư:
- Suốt câu chuyện khá dài nhưng cháu không nghe bác nhắc tên bác ở cái xóm làng có nhiều người tử tế ấy?
- Thì… cháu đã nghe tên bác qua suốt câu chuyện rồi còn gì?
- Vậy bác là bác Bốn Trà! Bác cho cháu lạy đền ơn cứu mạng mẹ con cháu khi cháu còn trong bụng mẹ.
Ông Trà - vâng, chính ông - kịp ngăn lại và nói: Cuộc tao ngộ này cực kỳ hy hữu!
Hai người ngồi vào giường riêng. Ông Trà lẩm nhẩm mãi cái tên hai trong một “thằng Bối - kiến trúc sư Vinh” trong khi “thằng Bối” cứ ngồi chặm nước mắt.
TƯỜNG LINH