.
Tản văn

Miếng trầu của mẹ

.

Tôi nợ mệ một tấm hình chưa kịp rửa. Có lẽ vậy, mà hình ảnh về mệ đã có 30 năm gắn bó đời mình với rổ cau trầu ở góc đường ấy lại như thường trực trong tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Câu chuyện thậm thì với mệ cứ gợi cho tôi về hình ảnh ông ngoại tôi, mẹ tôi. Người già, hay nói như người trẻ bây giờ là “người đời trước” vẫn chung thủy với miếng trầu, không chỉ là “đầu câu chuyện” mà còn là một niềm vui, một thói quen không dễ gì dứt bỏ.

“Ngày trước có nhiều người ăn trầu (chứ không phải nhai trầu), cũng xuất phát từ nhu cầu làm đẹp, nhuộm cho đôi hàm răng đen lấp lánh, xem như chuẩn mực của cái đẹp. Bây giờ lớp người ấy đi đâu hết, rải rác vài người còn nhớ đến miếng trầu. Mệ ngồi đây, giờ chỉ bán cho người ta mua về làm lễ này lễ nọ, từ ma chay, cưới hỏi, làm nhà, giỗ chạp...”.

Mệ (người gốc Quảng Bình) thủ thỉ. Giờ thì mệ cũng không phải ôm chặt góc đường này vì cuộc mưu sinh, mọi chuyện, con cháu dư sức lo đủ. Thế nhưng, mệ vẫn không thể nhích đòn ghế rời chỗ ngồi đầy bụi bặm, tiếng ồn xe cộ trên cung đường ngược xuôi kia. “Con biết ăn trầu hả?”, mệ hỏi khi thấy tôi xin một miếng và ăn ngon lành, rất đúng cách. “Dạ, nhà con có truyền thống ăn trầu từ mấy đời ạ”, tôi trả lời và thấy mệ cười móm mém, “à, ừ ừ… nhưng người trẻ giờ nhai được miếng trầu khó lắm”...

Mẹ bảo, ngày ông ngoại còn, ông bảo đại khái rằng, nghèo khó đến đâu cũng không đến nỗi thiếu miếng trầu mà ăn. Có nhịn đói thì cũng phải có miếng trầu. Và mẹ tôi như được thể, lấy “chân lý” ấy của ông ngoại làm “tôn chỉ” cho việc ăn trầu gần như cả cuộc đời của bà. Tôi biết, mẹ không chỉ nghiện ăn trầu, mà việc ăn trầu là cách để mẹ luôn nhớ đến ông ngoại hằng ngày, hằng giờ. Miếng trầu của mẹ bây giờ “tiến bộ” hơn ngày trước nhiều lắm, đầy đủ các vị. Lúc là cau tươi bổ 5, lúc cau khô thơm phức được phơi 3 nắng, ủ sương 2 đêm.

Trầu không thì trồng ở vườn hoặc mua ngoài chợ khi trầu nhà bị lụi. Chay  thì được tách vỏ, cắt miếng hình chữ nhật, đập dập, phơi khô, ngào với đường thành từng sợi như chà bông. Ngày trước có bình vôi rất đẹp, nhưng bây giờ đều tự mất đi theo thời gian, người già ăn trầu chỉ thấy để vôi trong cái lọ nhựa hay lọ sứ không phải chuyên dụng.

Lúc ăn trầu, mẹ tôi còn chèn thêm ít thuốc lào nữa, gọi là cho nó đủ vị, đậm đà. Cho đến nay, tôi không lý giải được vì sao ăn trầu, mà là người ăn trầu sành sỏi như ông ngoại, như mẹ tôi cứ phải ăn thêm thuốc lào? Cái vị thuốc lào nó thế nào mà mẹ bảo miếng trầu thiếu nó, nhàn nhạt thế nào ấy. Nhớ lúc tôi còn nhỏ, những khi khó khăn, chùm cau non mới kết quả, rụng xuống gốc, mẹ nhặt những thứ ấy và nhai cùng với lá trầu không, vôi và... thuốc lào cho đỡ thèm.

Ông ngoại tôi là người ăn trầu có “đẳng cấp”. Thời gian sống cùng ông lúc còn nhỏ, tôi hay để ý tới bộ cối giã trầu bằng đồng, bình vôi, bộ ống nhổ, cách ăn trầu. Cho đến khi ông không nhai được nữa vì yếu răng, cối giã chưa đủ nát thì con cháu ông phải… nhai trầu thay cho ông và ông ăn miếng trầu được nhai sẵn ấy. Đến khi ông mất, bộ cối giã trầu ấy được trao lại cho mẹ tôi. Nhưng tôi gần như không thấy mẹ dùng bao giờ, vì răng mẹ còn chắc lắm.

Tôi nhìn răng mẹ chắc đầy và trắng lại nhớ câu thơ của ông Hoàng Cầm “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”, rồi hỏi mẹ tại sao ngày trước ăn trầu để nhuộm răng đen cho đẹp, nhưng răng mẹ lại trắng thế? Mẹ bảo, đến thời mẹ, ăn trầu không phải để nhuộm răng nữa. Với lại, mẹ đi dân công hỏa tuyến, tiếp xúc nhiều bạn bè các nơi, không ai yêu hàm răng đen nhánh nữa. Mỗi lần trước khi ăn, mẹ đều dùng miếng cau để chà răng và giữ được men răng rất trắng và khỏe.

Bây giờ mỗi lần về quê, khi quét dọn, lau lại bàn ghế nhiều lúc tôi phát cáu. Bàn gỗ để ở phòng khách, từ mép bàn đến gầm bàn không ở đâu thiếu dấu vôi trắng quệt lên, nhiều chỗ đã xỉn vàng lại. Hỏi thì mẹ cười, đưa đẩy rằng “mấy dì trong xóm đến uống nước, tán chuyện, ăn trầu dư vôi, sơ ý quẹt vô đó”.

Rồi ở mỗi góc nhà, mé sân, bậc tam cấp, trong ống nhổ đâu cũng có dấu nước trầu đỏ choét đã bám vào nền gạch, xỉn màu. Nhớ lần mẹ vào với vợ chồng tôi khi con gái tôi vừa ra đời, ở bệnh viện mẹ ăn trầu và thấy bà loay hoay tìm chỗ nhổ nước trầu mà thương… Đôi lúc, ở mé giường vẫn thấy vương dấu vôi trắng.

Tôi vẫn sẽ nhớ tấm hình chụp mệ ở góc đường Ông Ích Khiêm ấy, tự hứa sẽ rửa cho mệ một tấm, với nụ cười phúc hậu: “Mi hỏi mệ ăn trầu khi nào à, lâu rồi, không nhớ nữa. Nhưng mà chụp ảnh thì rửa cho tau một tấm nghe!”. Lại nhớ lời mẹ dặn lúc bà vui miệng: “Mai mốt tau có chết, trên bàn thờ, bay có thương chỉ cần nhớ cho tau miếng trầu là được, mâm cao cỗ đầy rồi tau cũng chẳng được hưởng thứ chi, mà anh em lại tị nạnh”.

NGUYỄN TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.