Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Giấc mơ trên đảo nhỏ

06:52, 09/05/2015 (GMT+7)

Khác với nhiều hành khách, khi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh bắt taxi về Vũng Tàu ngay. Chiếc xe chui qua dưới lòng sông Sài Gòn rồi ngoi lên mặt đất, phóng như bay trên đường cao tốc. Hôm trước nàng nói sẽ lái xe đến đón anh nhưng hôm nay cha nàng ốm. Nàng hẹn lần này hai người sẽ trèo lên nơi đặt tượng Chúa Giê-su, ngắm cả thành phố biển. Họ sẽ đi thăm chùa Quan Âm Bãi Dâu, thăm tượng Đức Mẹ bồng con trên núi, thăm nhà thờ Bến Đá, đi câu cá với làng chài. Bao nhiêu là dự định.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Xe chạy qua nhà sáng tác Vũng Tàu, bon bon trên đại lộ Thùy Vân. Nàng đứng đâu nhỉ? Nàng hẹn sẽ đón anh ở bên con rồng cơ mà. Xuống xe nhìn quanh quất vẫn không thấy. Dòng người lũ lượt dạo chơi ngày lễ Nô-en với đủ các bộ cánh sặc sỡ.

- Em ở đâu? Anh gào lên trong máy.

- Thì em vẫn đứng bên con rồng đây này. Anh ở đâu?

 - Anh cũng đang đứng ở con rồng nhưng có thấy em đâu. Bây giờ Nghĩa mới chợt nhận ra là anh với nàng chỉ mới thấy mặt nhau trên facebook chứ chỉ một lần gặp nhau trong cái đêm ấy thì làm sao mà nhớ nổi.

- Em mặc áo màu gì để anh dễ nhận?

- Em mặc bộ váy màu mận chín.

- Không thấy bộ váy màu mận chín nào cả.

- Thôi rồi. Chắc chị đứng đợi anh ở con rồng thứ hai, bên trái đường, sát phía bờ biển. Cậu lái xe nói rồi bảo anh lên xe. Họ đi thêm một quãng nữa. Con rồng chạy dài theo hàng cây bàng vuông đang ra trái xanh non. Trên mình nó là những bóng điện nhấp nháy đủ màu. Nàng hớn hở vẫy chiếc khăn voan rối rít khi nhìn thấy anh bước từ trên xe xuống.  

Nàng đưa anh về một khu biệt thự trung tâm thành phố. Ngày sau, anh nhận được một cú điện thoại của cha. Ông gắt gỏng:

- Mày yêu con của một thằng lính ngụy phải không?

- Sao ba lại nói thế. Ông ấy là một nhà doanh nghiệp có tiếng.

Anh đi ra ngoài phòng nghe máy. Cha anh tỏ ra rất bực tức khi nghe mẹ anh kể lại, nàng là con của Hai Sẹo, người đã có một thời ở “phía bên kia”. Ông bảo: “Lấy ai thì lấy chứ không được dính vào con cái của những kẻ đã một thời đi theo giặc”.

Năm 1972, Mỹ mang B52 ra rải thảm miền Bắc, cả gia đình ông bị bom chết hết. May mà ông không ở nhà, ông đi bộ đội hải quân. Ông ghét cay ghét đắng ngay cả những người có họ hàng với ông đi lính khố đỏ thời Pháp thuộc. Mặc dù anh đã giải thích cả buổi nhưng ông vẫn đòi vô Nam để ngăn cản cho kỳ được cuộc tình duyên này.

Tiếng gà eo óc. Tiếng sóng vỗ rì rầm. Mới hơn 4 giờ sáng, Duy Nghĩa đã dậy. Hôm nay là ngày cuối tuần, nhiều người ra tắm biển sớm. Anh đi dọc theo bãi tắm Thùy Vân về phía mũi Nghinh Phong. Nước ròng. Thủy triều rút xa bờ hàng chục mét. Một người đàn bà xách túi đi nhặt những con sò lông tiên. Trên bãi cát, các con sò lông tiên bám vào sợi lưới ni-lông thành từng chùm. Dưới các “vũng ao”, những người đàn ông mình trần trùng trục đang dùng cào xúc cát tìm những trang sức của quý bà đánh rơi. Trên cạn có vài người mang máy dò kim loại để mong tìm kiếm được vài phân vàng lẫn trong bãi cát. Họ đeo tai nghe vào trông như chiếc mũ của lính tăng – thiết giáp. Chiếc máy kêu rè rè như tiếng dế bị chìm nghỉm trong tiếng ầm ào của sóng. Đi về phía Bãi Dứa là những ngư dân câu tôm tít để làm mồi câu cá hanh. Ngoài khơi, mấy chiếc tàu to đùng chạy ì ầm. Một chiếc trực thăng phành phạch chở công nhân bay về phía giàn khoan. Bãi đá làm đường đi ra miếu Hòn Bà nổi lên trên mặt biển bao la. Nghĩa đi theo mấy người nước ngoài dắt tay nhau đi trên kè đá. Mấy người đàn bà cầm cái hộp nhựa với chiếc cúp nhỏ nhọn hai đầu lom khom ghè hàu về bán cho nhà hàng.

Người đàn bà coi sóc miếu Bà gầy nhom. Bà hỏi Nghĩa có thỉnh cầu gì không. Bà đưa cho anh một nén hương rồi gióng lên một hồi chuông. Bây giờ anh mới có dịp ra ngắm cảnh trời mây non nước. Đứng trên đỉnh Hòn Bà nhìn vào đất liền thật là hùng vĩ. Phía Bắc là dãy núi hình vòng cung xanh ngăn ngắt ăn lan ra phía biển. Phía Bãi Trước có những tòa nhà chọc trời lấp lóa trong ánh nắng vàng.

Đang loay hoay chọn cảnh thì trưởng đoàn sáng tác gọi về ăn cơm. Không kịp nữa rồi. Từ đây về nhà sáng tác gần ba cây số. Anh đành ở lại ngồi ăn với hai vợ chồng người đánh cá tốt bụng tô cháo ghẹ rồi lăn ra giữa tấm phản đánh một giấc ngon lành. Tỉnh dậy. Gió mát quá. Gió lồng lộng từ biển thổi vào. Những công nhân trồng hoa trên đảo cũng đã về từ lúc nào. Chiều tà, nhìn về phía đất liền, người ra bãi tắm đông như hội. Những chiếc dù căng ra trên bãi biển xanh, đỏ, tím, vàng. Ngoài đảo, Nghĩa vẫn nghe tiếng nhạc xập xình từ các băng cát-sét trong bờ phóng ra. Và thoang thoảng có cả mùi cá, mực nướng.  

Triều dâng. Nước đã lấp liếm hết con đường vào đất liền, chỉ còn một vài mô đá nhô lên trên mặt nước. Không kịp chào hỏi người giữ miếu, Nghĩa chạy theo tay vịn xuống dưới bãi đá. Không có một chiếc thuyền nào xung quanh. Anh kiếm được một cành cây trên đảo dùng làm gậy rồi mò mẫm lần từng bước đi ra bãi đá. Có chỗ nước đã ngập quá đầu gối. Sóng đánh tạt ngang vào người làm quần áo anh ướt sũng. Mặc! Cứ vào bờ đã rồi sẽ tắm nước ngọt sau. Nước ngọt ở khách sạn thiếu gì. Một con sóng ngoài khơi ào ạt tới. Nghĩa bị xô sấp xuống biển. Anh cố đứng gượng dậy. Chiếc dép bị tuột khỏi bàn chân, hàu cứa đau điếng. Lại một con sóng cao lừng lững tới. Sóng nâng anh lên cao rồi dập xuống bãi đá hàu, hai bàn chân anh không kịp chạm đáy. Anh chồm lên theo ngọn sóng, chới với. Lại một cú đập nữa vào bãi đá. Lồng ngực anh như muốn vỡ tan. Nghẹt thở. Trời đất tối sầm. Nước biển mặn chát. Toàn thân anh rã rời, anh lơ mơ thấy mình đang bay. Anh bay vào cõi hư vô giữa những âm thanh hỗn độn, ồn ào, hư ảo.  

Trong cơn mơ, anh thấy biển gầm gào, bầu trời xám xịt. Những đám mây nặng như chì sà thấp xuống mặt nước. Những tia chớp loằng ngoằng rạch sáng nền trời kèm theo những tiếng nổ khủng khiếp. Trời bắt đầu đổ mưa. Tiếng gió hú từng hồi. Gió rít lên từng đợt, những âm thanh rợn người, dữ tợn. Cơn tố đến bất ngờ. Những con sóng chạy dài vòng quanh trên mặt nước. Biển sục sôi. Sóng cồn cào. Sóng cuồn cuộn xoáy tròn cuốn theo đội thuyền của anh được nhà vua cử ra Bãi cát vàng. Những chiếc thuyền con bị nhấn chìm xuống dưới âm ti địa ngục rồi chồm lên, xoay tít. Những cánh buồm rơi lả tả. Những chiếc thuyền mỏng manh như chiếc lá tre bé nhỏ bị bốc lên tận trời cao, bay quá chín tầng mây. Tôm cá dưới biển cũng bị cuốn theo vòi rồng, xoay tròn.

Chiếc thuyền bị tấp vào một hòn đảo. Hòn đảo mồ côi xa lạ, nằm chơ vơ giữa biển. Anh thấy mình nằm co quắp trên một hòn đá. Đau ê ẩm. Vết thương bị quăng quật bởi cây cối trên đảo bây giờ mới được dịp sưng tấy lên. Biển đã bình yên trở lại. Bốn bề là trời nước. Cây cối bị tiện cụt ngọn. Những cây đại thụ vài ba người ôm trốc rễ chỏng chơ. Xác cá tôm phơi trắng xóa. Lúc này, trên đảo, các sinh vật còn sót lại như rùa biển, ba ba, vích… mới bò lên ăn xác chết. Mãi đến ngày thứ hai, các loại muông thú mới hoàn hồn trở lại. Chúng lọ mọ bò trong hang hốc ra giương mắt nhìn anh như một sinh vật xa lạ. Những con chim trắng muốt từ đâu bay tới kêu quang quác. Đàn chim hạ xuống bãi cát mổ những con cá nhỏ từ trên trời rơi xuống theo mưa hôm trước.

Ngày thứ ba. Chim đẻ trứng trắng xóa cả bãi cát. Bụng đói cồn cào, anh lê đôi chân tập tễnh đi quanh đảo. Không có gì ăn được. Tình cảnh anh bây giờ chẳng khác gì Mai An Tiêm. Không. Còn tồi tệ hơn cả Mai An Tiêm. Mai An Tiêm còn có vợ con và lương thực. Còn anh, không có gì hết. Chỉ có hai bàn tay trắng trên hòn đảo bơ vơ giữa trùng khơi. Đây là đâu? Xứ sở nào của Đại Việt. Cả đoàn người đi sứ chỉ còn một mình anh. Một con dê trắng ngơ ngác nhìn. Chắc là con dê con lạc mẹ. Anh ôm nó vào lòng tìm hơi ấm. Con dê run bắn lên. Dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ, bầy dê túa ra bãi cỏ. Phía tây hòn đảo có dãy núi đá án ngự con đường dưới biển đi lên đảo. Khối đá to hình thù như hai mái nhà. Có một cái hang, cửa hang hướng về trung tâm đảo. Trong hang, một lớp phân dê dày lút cả mắt cá chân. Bầy dê núi lấy cái hang này làm nơi trú ngụ.

Anh đã sống ba năm giữa đảo hoang với một bầy dê. Có chúng, anh thêm bầu bạn. Chúng cho anh sữa uống. Anh dựng một túp lều tranh và một vườn cây nho nhỏ. Một ngày nọ. Có một chiếc thuyền buôn ghé lại. Họ là người Chiêm Thành hay Đại Việt. Anh không biết. Anh chỉ biết họ ghé lên đảo tìm nước ngọt. Anh chỉ cho họ con suối nhỏ nằm dưới chân núi.

Không nhớ đã bao nhiêu tháng ngày anh đặt chân lên hòn đảo này. Và đảo đã đón nhận không biết bao nhiêu người từ trong đất liền ra. Họ xin gia nhập làng đánh bắt cá tôm và hải sản. Kẻ tứ xứ kết tình huynh đệ. Đất đai thả cửa. Ai muốn đến cày ruộng hoặc đánh bắt cá tôm cứ đến. Họ hào hiệp chở che nhau qua cơn hoạn nạn.

Một đêm trăng. Mặt trăng tròn vành vạnh to như cái nong phơi khổng lồ đang ngoi lên trên mặt nước. Trăng đỏ ối một màu máu. Mặt trăng lênh loang máu. Một đoàn người lạ mặt đổ bộ lên đảo. Cả bọn đem đến vàng bạc, lụa là. Chúng tặng cho đàn bà, con gái rất nhiều trang sức và vải vóc. Chúng cho những người đàn ông đánh chén rượu thịt no say. Đêm đến, chúng lấy dây thừng trói gô những người đàn ông say rượu lại, thả xuống biển. Chúng đã đánh lừa được những kẻ ham chơi chứ không qua được con mắt của người sống lâu trên đảo. Tiếng tù và nổi lên, bầy dê trong hang núi kéo nhau tràn xuống. Những con dê trắng cùng với những chàng trai tỉnh táo, người cung tên, kẻ giáo mác gậy gộc, họ quyết không để mảnh đất thiêng liêng rơi vào tay bọn cướp. Những con dê dũng mãnh đã húc tung những kẻ không mời mà đến. Kinh nghiệm xương máu: hào hiệp thân thiện nhưng không được lơ là, mất cảnh giác. Từ đó, một hương ước đảo đặt ra, trai đảo hằng ngày phải canh gác đảo nhưng không được tham gia vào bất kỳ một cuộc tranh cướp nào trên biển. Những người dân quyết định xây lên trên hòn đảo một ngôi miếu thờ thần Dê. Họ thờ anh, vị thành hoàng chăn dê từ trên trời rơi xuống.

Duy Nghĩa tỉnh dậy trong rừng dương trên Bãi Dứa. Anh trôi bồng bềnh trên dòng sông vô định của thời gian. Anh trôi về thuở hồng hoang, thời tiền sử. Có lẽ hồn vía cha ông nhập vào anh để gửi gắm điều gì. Anh không hiểu vì sao lại có một giấc mơ kỳ lạ đến thế. Những hình ảnh không đầu không cuối in sâu trên vỏ não. Mở mắt, anh thấy bên cạnh anh là một bóng đen. Hai bóng đen, người hay ma. Những bóng ma chập chờn cựa quậy. Nghĩa dụi mắt. Trên đỉnh núi Nhỏ, bức tượng Đức Chúa dang tay với chín tia hào quang rực rỡ.

 - Anh tỉnh rồi. Cũng may là anh bíu vào được cái can nhựa nên vẫn chưa uống no nước. Sóng ở đây mùa này dữ lắm. Tất cả gió biển Vũng Tàu tụ hội về đây, bởi vậy người ta gọi đây là mũi Nghinh Phong. Cũng mới gần đây thôi, một người ra tắm biển bị cuốn vào vùng nước xoáy, trôi vào tận Kiên Giang. Một bóng đen nói.

Thì ra là người. Hai người, một già một trẻ. Người đàn ông là cha của cô gái. Họ đi câu cá rô biển trước rừng dương Bãi Dứa. Hai cha con ông phát hiện ra anh đang vùng vẫy cùng chiếc can nhựa trắng trên con sóng bạc đầu. May mà lâu ngày nước biển ăn mòn cốt sắt làm mảng lan can chắn sóng rơi xuống biển, anh mới được biển tung lên bờ dễ dàng như thế. Họ xóc nước trong bụng ra cho anh vào lúc chập choạng tối. Ông nói miếu Hòn Bà này rất thiêng. Năm 1939, có một sĩ quan người Pháp tên là Archinard dùng pháo bắn phá ngôi miếu nhưng miếu chỉ bị toác một góc chứ không bị đổ. Anh ta bị trả giá phải chết bất đắc kỳ tử khi sử dụng súng. Anh là người may mắn được Bà dang tay cứu vớt. Bà đã cho ngọn gió cuốn chiếc can không trên miếu xuống biển, đưa đến tay anh. Ông ta cũng là một người được Bà cứu bốn mươi năm về trước.

Gần sáng, cô gái dìu anh về nhà sáng tác trên đại lộ Thùy Vân. Nhìn bộ dạng anh ướt như chuột lột, chẳng còn máy ảnh, chân không giày dép, lại đi bên một cô gái xinh như mộng, người bảo vệ mỉm cười ý nhị.

Anh nằm lỳ trong nhà sáng tác cho đến ngày đoàn về ga Sài Gòn đi tàu ra Bắc. Anh chỉ nhớ mang máng số điện thoại nàng cho trước lúc chia tay nhưng hai lần gọi điện nàng không cầm máy. Anh nghĩ rằng nàng cho việc cứu người là chuyện tất nhiên, nàng không muốn ân huệ, ai ngờ lại là khúc dạo đầu cho bản tình ca.

Ông bố Nghĩa lên chuyến tàu SE3 lúc 7 giờ 30 phút. Trên người ông không có một thứ hành lý gì. Đang bực dọc với đứa con bất trị nên ông chỉ nằm im chẳng muốn giao lưu với ai.

Tàu vào tới ga Đà Nẵng lúc 13 giờ chiều. Tàu dừng ở đây lâu hơn cả để đổi đầu máy. Ông lững thững đi về toa phục vụ. Một bàn tay đập nhẹ vào vai ông. Ông quay lại:

- Bái có phải không? Trời ơi, hơn bốn chục năm mới gặp lại.

Hai người đàn ông ôm lấy nhau. Người đàn ông tên Bái mặc quần áo bộ đội đã bạc màu. Mái tóc ông cũng đã bạc trắng. Hai người từng ở đoàn tàu không số - Lữ đoàn 125. Ông kể lại mục đích của chuyến đi cho ông Bái nghe. Ông Bái cười ha hả:

- Cứ yên tâm đi. Ai chứ Hai Sẹo thì mình biết. Ông ta là một người đóng tàu vỏ thép tốt nhất cho ngư dân đi biển. Ông tính bây giờ mà không có những chiếc tàu bằng vỏ thép thì sau các vụ tông nhau trên Biển Đông như vừa rồi không ai dám đánh bắt xa bờ. Rồi ông Bái kể cho ông nghe. Hai Sẹo là một người lính Việt Nam Cộng hòa trong cuộc hải chiến với quân Trung Quốc xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Tàu của ông bị bắn chìm. Ông cùng một số người bơi vào được một hòn đảo và làm bè để trở về đất liền. Gần hai tháng trời lênh đênh trên biển, mấy người kiệt sức rớt xuống làm mồi cho cá mập. Vào đến biển Vũng Tàu thì chỉ còn một mình ông sống sót.

Hai người vừa bước xuống sân ga thì có một chiếc xe du lịch Sedan đến đón. Một cô gái mặc áo dài, tay ôm bó hoa đi cùng với Duy Nghĩa, con trai ông. Cô gái cúi đầu:

- Con chào hai bác. Bác Bái lên xe để con chở về nhà con luôn. Ngày mai con sẽ chở bác về nhà máy phân bón Ong Biển của bác.

- Hay là em chở ba và bác Bái về nhà máy phân bón Ong Biển trước. Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam cũng là người ngoài quê anh.  

 - Hay! Ý kiến hay! Chúng mình cùng với Trần Ngọc Nam sẽ đại diện cho nhà trai làm lễ dạm hỏi cho hai đứa trong dịp này luôn. Ông Bái reo lên tán thưởng.

- Và chúng mình cùng nhau bàn kế hoạch bảo vệ biển đảo mình nữa chớ. Bố của Nghĩa cũng hào hứng chêm vào.

Cả đoàn cùng cười vang. Trời Sài Gòn đã vào xuân. Bầu trời vẫn cao xanh vời vợi.

Nhà sáng tác Vũng Tàu, năm 2014

HOÀNG MINH ĐỨC

.