.
TRUYỆN NGẮN

Thùng rác công cộng

.

Đó là cái thùng bằng xốp, do chị nhặt ve chai đem tới đặt ngay trụ điện ở ngã ba con hẻm. Từ đó, thay vì dồn rác vào bịch ni-lông để trước nhà chờ chị công nhân công ty vệ sinh tới dọn, các bà đem rác bỏ vô thùng.

Cái thùng màu trắng, mặt to bằng mặt bàn con ấy đã đem lại hài lòng cho nhiều người. Bởi đã có chỗ chứa nên người ta có thể tống rác ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Chị công nhân vệ sinh cũng đỡ mất công hơn khi phải đẩy xe tới từng ngõ để gom rác như trước. Sáng sớm, chị nhặt ve chai đến “điểm hẹn” của rác, lượm những phế phẩm có thể tận dụng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một người cũng hay đến bên thùng rác là bé Hồng; bé đến nhặt vỏ chai nước suối cùng những bó hoa người khác bỏ đi. Tiếp đến, bé mở vòi nước ở góc sân, rửa sạch mấy chai nhựa, biến chúng thành lọ cắm hoa. Khoảng sân chút xíu trước nhà bé luôn có những lọ hoa xếp dày, với đủ màu sặc sỡ. Góc vui chơi của bé lùi vào tới trong hiên, với búp bê, chai lọ, hộp giấy cùng những miếng xốp bừa bộn. Hồng đặc biệt thích vẽ và cắt dán. Với viên phấn trên tay, bé họa những hình người, chim thú, hoa lá khắp mặt sân và hiên nhà. Khi không còn chỗ vẽ, bé rời phấn, cầm kéo.

Hồng loay hoay với tờ giấy màu hoặc miếng xốp một lúc, lại cho ra một hình mới. Bé cầm sản phẩm, nghiêng ngó hồi lâu, vẻ ưng ý lắm. Bé lấy hồ dán những hình giấy lên mặt tờ báo rồi lấy băng keo kết dính những miếng xốp thành ngôi nhà, tòa tháp hay bàn ghế. Chốc chốc bé lại chùi đôi tay lấm lem vào quần áo của mình.

­­­­­­Chiều tối, khi ba Hồng đẩy chiếc xích lô vào sân và mẹ Hồng trở về nhà sau khi bán xong gánh rau sống ngoài chợ, bé mới hết thui thủi một mình. Ba mẹ Hồng dọn dẹp góc riêng của con bằng cách lau chùi những hình vẽ nguệch ngoạc trên sân trên hiên, đem hoa héo bỏ vào giỏ rác, dồn đồ chơi vào một góc. Tiếp đến, bé được mẹ dắt vào buồng tắm, để nước xóa đi lem luốc trên người. Năm trước, Hồng được đi học nhưng sau đó phải nghỉ. Mẹ Hồng buồn rầu bảo, bé không theo kịp các bạn trong lớp nên phải chờ sang năm để đi học trường dành riêng cho những trẻ không may mắn như Hồng. Vậy là đã lên mười nhưng cổng trường vẫn xa xôi với bé.

Khi ba mẹ Hồng ra khỏi nhà để bắt đầu ngày làm ăn mới thì bé lại đến bên thùng rác ở ngã ba con hẻm. Sau khi nhặt những thứ người khác bỏ đi nhưng đem đến cho bé niềm vui, bé lại về với khoảng sân quen thuộc. Ngang qua quán phở Châu gần đó, bé dừng lại. Đây là quán phở ngon nổi tiếng thành phố; ở trong hẻm nên đường đi lối lại không thuận nhưng luôn đông khách. Từ sáng sớm, người xe lần lượt kéo tới quán làm huyên náo cả góc phố. Những đứa bé đánh giày, bán báo, bán vé số cũng đến đây mời chào thực khách.

Hồng có vẻ thích không khí ồn ào nơi quán phở; suốt ngày làm bạn với đồ chơi, chắc bé cũng buồn. Bé thường đứng ngẩn ngơ, ngước nhìn xung quanh bằng đôi mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước. Chú chó con lon ton chạy theo, chốc chốc trêu đùa bằng cách đớp đớp vào ống quần xoăn tít như lò xo của cô chủ nhỏ. Nhiều người nhìn bé với đôi mắt man mác; có người đưa tay xoa đầu bé, nở nụ cười cảm thông. Bé đáp lại bằng nụ cười héo hắt, vô hồn.

Riêng bà Châu - chủ quán phở, cứ thấy Hồng mon men tới trước quán là xua tay lia lịa: “Đi chỗ khác chơi!”. Nếu bé còn nấn ná, bà lập tức phồng mặt trợn mắt: “Đi chỗ khác! Khách thấy mày, ăn mất ngon!”. Thế là bé nhúc nhắc đi về phía nhà mình - ngôi nhà mái tôn thấp tè, lọt thỏm giữa dãy cao ốc chất ngất. Lại thui thủi một mình, Hồng chỉ còn làm bạn với con chó nhỏ và đồ chơi. Bé đã đi xa nhưng bà chủ quán phở vẫn cằn nhằn: “Mới sáng bảnh mắt đã ám rồi, còn buôn bán gì nữa!?”.

Ở hẻm phố này, bà Châu là người duy nhất không gọi Hồng bằng tên. Bà gọi bé bằng chính căn bệnh bé mắc phải - Đao. Ngay cả thú vui của bé cũng bị bà biến thành trò cười: “Gớm, còn yêu hoa nữa cơ đấy!?”. Có lần thấy bé mặc đồ mới, bà dài lưỡi xuýt xoa: “Ôi, xinh chưa kìa, chuẩn bị đi thi hoa hậu chắc!?”. Nói rồi, người đàn bà ấy cười khùng khục, làm rung cả cái cổ nung núc mỡ. Nghe nhắc tới hoa, bé cũng cười, khuôn mặt dúm dó. Lần khác, thấy bé vừa đi vừa săm soi hộp chì màu trên tay, bà ta chỉ theo, giọng mỉa mai: “Đích thị là danh họa đang ẩn dật kia kìa”.

Lần khác nữa, bà Châu nhìn Hồng từ đầu tới chân rồi lắc đầu, nhăn mặt: “Trông mày giống như người tiền sử tái thế! Người lạ gặp mày ban đêm, chắc chạy mất dép!”. Bé tưởng được khen, cười hớn hở. Bà chủ quán đắc ý, cười ngặt nghẽo. Cũng may, bà Châu chỉ trêu Hồng những khi ba mẹ bé đều đi vắng. Nếu ba mẹ bé biết kẻ đã lấy con mình để làm trò, tất đã hư sự. Người cùng phố biết chuyện, không ai hưởng ứng trò đùa tai quái của bà chủ quán phở nhưng cũng chẳng ai can gián; chắc họ coi chuyện đó không liên quan tới mình.

Ngày ngày, Hồng vẫn đến thùng rác ở ngã ba, cả khi nó sứt mẻ như bây giờ. Cái thùng khá mong manh ấy hư cũng phải bởi nó luôn hứng chịu sự đối xử quá ư phũ phàng. Người thì đứng xa đôi bịch rác tới; nửa bịch vào thùng, nửa kia vắt vẻo bên ngoài. Kẻ trờ xe máy đến, chẳng cần nhìn, ném cái bịch bỏ đi vào đó rồi vù ga. Mấy cậu choai choai lấy thùng rác làm điểm luyện tài ném bóng vô chậu; tất nhiên bịch rác được coi như quả bóng. Nhưng cái bịch trên tay các cậu không thể nhẹ như quả bóng bàn; lắm khi là một túm xương heo hoặc mấy cục than tổ ong đã qua sử dụng. Thế nên từng lớp xốp của thùng bong ra  mỗi ngày. Bấy giờ, nói cho đúng, phải gọi đó là một phần ba cái thùng.

Người trong hẻm vẫn dồn rác về đó như một thói quen cố hữu. Có điều, rác không nằm gọn trong thùng như trước mà từa lưa ra ngoài. Chị công nhân vệ sinh vất vả hơn với mớ rác ở đây; bởi sau khi bê thùng đổ lên xe, còn phải thu dọn số rác vương vãi quanh đó nhưng chỉ được phần nào. Chó mèo, chuột bọ càng có điều kiện thuận lợi để đến đây kiếm ăn. Mùi khó ngửi cũng từ đây phả ra nồng nặc. May mà có ngày chủ nhật “sạch nhà sạch phố” của tổ phụ nữ khu phố nên ngã ba con hẻm chưa biến thành bãi rác thu nhỏ.

Cái thùng phải được sửa lại - Ai cũng biết vậy. Nhưng ai sửa? Mọi người nhìn nhau. Nhiều ánh mắt dồn về phía quán phở Châu, có ý chờ. Quán phở thải ra rác nhiều nhất nên phải sửa thùng rác là hợp lẽ nhất. Nhưng chẳng ai lên tiếng. Bà chủ quán với hai cánh tay nần nẫn như phích nước vẫn chiều chiều xách những bao xương bò lẫn trong giấy loại vô tư bỏ ở nơi gọi là thùng rác.

Buổi trưa, sau khi xe chở rác đi qua, cái thùng “một phần ba” bỗng dưng biến mất. Sau một hồi phối kiểm tin tức, các bà ở gần ngã ba kết luận, cái thùng mất vào khoảng chính ngọ. Giờ ấy, mọi người đã đóng cửa nghỉ trưa; tin thêm về vật dùng chung đặt ngay trụ điện đi vào bế tắc.

Sáng hôm sau, mấy người chưa biết thùng mất vẫn xách bịch rác đi về phía ngã ba, nhìn quanh chưng hửng. Nếu còn cái thùng, dù hư nhưng vẫn có lý do để bỏ rác vào đó. Đằng này... Mấy người nhìn nhau, lúng túng. Bất chợt ai đó kêu lên: “Bé Hồng mang thùng rác ra kìa!”. Những ánh mắt dồn về phía cổng ngõ đầu hẻm. Bé khệ nệ ôm cái thùng che hết cả người, tươi cười bước tới. Vẫn thùng cũ nhưng được dán thêm một lớp xốp nữa để cao hơn. Nó được vá víu chằng chịt bởi những lớp băng keo dán trong dán ngoài chồng lên nhau. Mọi người đứng lặng nhìn bé rồi nhìn nhau, ngượng ngùng.  Bà Châu bước vội tới đỡ cái thùng trên tay Hồng; đặt nó vào chỗ cũ rồi quay ra nhìn bé với đôi mắt căng tròn. Bất ngờ, bà ôm chầm lấy bé, giọng nghẹn lại: “Hồng! Cảm ơn cháu”.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

;
.
.
.
.
.