Cảm giác ấm áp mà lạnh buốt, rất vui và thật buồn, ngọt ngào mà đắng chát… chỉ có thể trở lại với tôi khi được ngồi sát cạnh người phụ nữ ấy trong rất nhiều buổi mai.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Người phụ nữ tên Lan - Nguyễn Thị Lan. Tôi nói, em gọi chị là Dã Lan nghe. Tôi xưng hô vậy vì thua chị dăm bảy tuổi gì đó. Chị nói cũng được. Cho nó bớt trần trụi. Cho nó thơ thơ một chút ấy mà. Còn chị kêu tôi là ông bạn, tửng tửng vậy à! Mấy đứa con chị lại bắt chước mọi người, cứ “chú Út”, “chú Út”. Chị mướn phòng của bác Sa và nhà tôi. Ở sát cạnh, nên đương nhiên, tôi là hàng xóm của Dã Lan. Một sự đương nhiên có cả rủi lẫn may, nhiều bất an nhưng không kém phần hạnh phúc.
Căn phòng quá chật cho ngần ấy con người. Cũng may, là còn khoảng sân phía trước, rất rộng. Bác Sa cũng chẳng trồng trọt gì! Chỉ có mỗi cái giếng xây từ lâu lắm rồi và tàn sứ với lại cây khế, quả rất ngọt. Thấy đất dư nhiều, chị thả mấy dây mồng tơi, ươm vài luống cải xanh, giàn mướp hương, dăm gốc cà. Chỉ thế, mà đủ rau ăn hằng ngày cho mẹ con chị và cả vợ chồng bác Sa nữa đấy! Rất bận rộn nhưng chị nhất quyết không chịu bỏ học, nói cũng phải lấy cho được cái bằng để có việc làm ổn định, chứ sao bấp bênh quá! Chị học vào khi nào chẳng rõ, chỉ biết sớm bận bán cà-phê và chiều tối phải phục vụ ở quán nhậu của một người bạn.
Lần đầu ra ga với chị, tôi đã phải tìm kiếm rất lâu mới thấy. Thấy rồi lại chẳng muốn đến ngay mà cứ đứng ì ra đấy, chôn chân tại chỗ, ngắm nhìn. Chị như rất nhiều người đang bán buôn ở nơi này mà như không phải. Giữa họ, chị chạnh ra. Và trong họ chị khác biệt. Không cùng chung, không chan hòa, không nhòa lẫn. Bất giác lòng tôi sao nhoi nhói. Đăm đắm nhìn chị. Và thương. Chị mừng lắm khi thấy tôi lững thững bước lại, vội kéo ghế sát bếp, bắt ngồi và đon đả: “Ờ! Để chị làm cho hai ly. Uống với ông bạn luôn thể. Cũng vãn khách rồi”.
Chị vuốt nhẹ mái tóc cắt ngắn, ôm gọn ly cà-phê nóng trên hai tay, nghiêng đầu ngó lửa và tư lự hàng mấy phút liền mới nhấp một ngụm. Từng ngụm, từng ngụm nhỏ cho đến khi bằng hết mới thôi! Dã Lan bảo, mùa màng rõ nét lắm trong những buổi sớm ở đây nhưng chị yêu nhất mùa đông. Chị ưa nhìn những con tàu không dừng lại. Không dừng lại nghĩa là không có sự sum vầy. Không có sum vầy đâu thể có chia ly. Nom chị buồn lạ những lúc như thế này. Chị bảo vừa ly dị chồng. Chị không đem theo một cái gì cả khi rời ngôi nhà ấy ngoài ba đứa con và rất nhiều sách vở. Mẹ con chị ra đi vào buổi sáng thì chiều, người ấy đã đưa người yêu về sống. Họ đã lén lút quan hệ với nhau từ rất lâu nên chị không hề ngạc nhiên, khi biết.
Hiếm có tối nào, chị trở về từ quán nhậu mà không loáng thoáng ngửi được mùi rượu bia. Tôi thích cái cách chị dừng xe trước cổng, tắt máy và dắt bộ vào nhà. Cái bóng chị xiêu xiêu chui chúi. Cúi xuống khi đi ngang qua tàn sứ và băng vội, khi ngang qua những gốc cà. Nom chị lầm lụi thế nào và gợi lên rất nhiều thương cảm.
Có một khuya cũng phải gần mười một giờ, thằng con đầu nhà chị chạy sang nói mẹ vẫn chưa về, chú Út ơi! Ngay lập tức, tôi phóng xe ra đường và lao đến chỗ Dã Lan làm. Tôi thấy chị ở ngay trước mặt. Chị chạy xe vẫn rất ổn và nom tỉnh queo ấy mà. Tôi bỏ ý định gặp và tìm cách đưa chị về. Đường vắng hoe, lờ mờ ánh sáng khiến màu trắng của chiếc Chaly và màu vàng tươi chiếc áo chị mặc, thêm nổi bật. Đêm nhẹ nhàng và thanh khiết quá! Đêm vô vàn dễ chịu, khi chạy xe rề rề theo chị. Giá mà được như thế này mãi. Ước gì đêm dài ra và đường thêm hun hút. Với Dã Lan, phía trước tà tà một cách chạy. Với tôi, phía sau tà tà một kiểu theo.
Không cùng sóng ngang. Không ở cạnh nhau mà vẫn thấy rất hạnh phúc. Một sự tách rời. Một dõi nhìn. Một bám vướng… lại khiến lòng thật vui. Tôi sang chị mỗi ngày và phát hiện thêm những điều thú vị về Dã Lan. Giả dụ như sự hài hước hết sức thông minh. Giả dụ như cái sự ghiền xem phim hành động và cái cách, khi kể lại. Một lối kể nhiều hăm hở, cứ như là trẻ con ấy. Cũng từ đó, tôi chợt nhận ra một Dã Lan thơ dại bên một Dã Lan già nua. Một Dã Lan tự nhiên hồn hậu bên một Dã Lan khinh bạc bất cần.
Chị ít khi ốm vặt, nhưng ốm trận nào thì ra trò trận ấy. Chị tính nhẩm bảo cứ khoảng hai năm chị lại ốm như thế một lần. Cũng chẳng rõ bịnh gì nhưng cứ như người kiệt sức, cạn lực và sắp chết đến nơi. Các con của chị nhăn mặt, bĩu môi phản ứng: “Bác sĩ bảo mẹ bị chứng suy nhược thần kinh lại làm quá mà chẳng chịu thuốc men bồi bổ”. Các cháu tội lắm! Thường lo cho mẹ hết sức chu đáo và xong hết các việc, mới ôm cặp đến trường. Trước khi đi không quên nói với sang bên tôi: “Chú Út trông chừng mẹ hộ nhé!”.
Tôi thương quá hình ảnh chị lả người xanh xao, má hóp, mắt sâu… nằm dán mình trên giường chập chờn theo từng cơn nóng, lạnh. Chị hay khóc vào những khi như thế, lúc chỉ có một mình. Tôi sang có lần gặp, trái tim nhũn mềm và vội bỏ ra gốc khế, rưng nhìn hoa tím rơi ngập sân. Sao mà khế ra nhiều hoa đến thế những lần chị đổ bịnh.
Chị ốm thêm ba, bốn lần gì đấy thì mua được nhà. Tôi vừa mừng vừa buồn, khi biết rồi sau tất cả, chị vẫn gầy dựng được cho các con mình một mái nhà. Một chỗ trú ngụ riêng tư. Các con chị lớn tướng và vẫn rất ngoan. Thằng đầu đang học năm cuối. Đứa giữa mới lên cấp ba và bé út ít đang ở cấp một. Chị cũng rất cừ đó thôi! Khi tốt nghiệp đại học loại giỏi và xin được việc làm, ngay tại thành phố này. Tất nhiên là chị bỏ việc ở quán nhậu và không tất nhiên, chị vẫn lóc xóc cà-phê cóc ở sân ga. Bảo cũng đã là một khoản thu nhập ổn định lâu nay, thêm nữa, đã quá quen nên không thể bỏ được. Chị bảo ghiền lắm rồi. Ghiền được dậy sớm. Ra đường trong cái vắng vẻ, thênh thang. Ghiền nghe mùi tàu xe. Ghiền mùi cà-phê, mùi rác, mùi người. Ghiền thấy những nhộn nhạo, phức tạp… bao quanh mình.
Đôi hồi có việc đi đâu sớm, tôi hay ghé lại chỗ chị. Ngồi, chỉ một chút. Không dài. Chẳng lâu. Đủ, để nhâm nhi một ly đen đặc quánh và đủ để dõi theo một đoàn tàu đi qua. Chỉ không đủ, luôn luôn là không đủ, khi, muốn cảm thấu những nghĩ suy trong tâm hồn người phụ nữ đang ngồi kề sát một bên mình. Người phụ nữ không thuộc về một ai và bởi đó, không nhất thiết thuộc về bất cứ một nơi chốn nào. Giả như căn phòng thuê của bác Sa, quán nhậu của người bạn, cơ quan đang làm hoặc sân ga trong rất nhiều buổi mai: thi vị và tẻ nhạt. Nhưng phải chăng chính ở cái chỗ này đây, chị là chị rõ nhất, đẹp nhất. Một chị lẻ loi lắm nỗi ưu tư đời mà mạnh mẽ và dịu dàng đến lạ.
Bữa tiệc tân gia chị mời rất ít người và tôi, là một trong số rất ít ỏi đó. Vợ tôi bận trông con nhỏ. Bác Sa, do trời trở nên nhức xương cốt quá thể. Có mỗi cái chân mà còn không nhúc nhích được thì hòng gì? Bác bảo thế! Chị vui suốt bữa ăn. Và ăn rất nhiều nữa chứ! Chỉ tịnh không nhấp lấy một giọt. Bưng ly trà đá cụng với mọi người, xoa tóc rồi cười: “Tôi say rất đáng xấu hổ. Xin thông cảm cho”.
Tiệc tan, chị đưa tôi ra tận đầu hẻm và chần chừ mãi, không chịu trở vào. Chúng tôi đứng rất lâu trên hè đường và không dưng cùng quay về hướng nhà cũ. Nơi tôi sắp trở về và nơi chị vừa rời xa. Tôi biết chị và các con chưa bao giờ nghĩ căn phòng ấy, khu vườn ấy là nơi gia đình mình trú ngụ cả đời, nhưng cả chị cả bọn nhỏ, đều rất thích được sống tại đó. Như chị chẳng chút đoái hoài đến tôi, nhưng luôn thích có tôi. Tôi là ông bạn: Ông bạn của Dã Lan. Một ông bạn không hơn và chẳng kém.
Vậy thì! Hãy xem đó. Tất cả. Là những nguyên cớ. Những duyên do run rủi đã đẩy tôi tìm đến và lỡ vướng vào chị. Vướng, chỉ một chặng đời. Rồi qua. Người đàn bà tóc ngắn, ưa xem phim hành động và kể lại bằng một chất giọng quá nhiều háo hức và rất đổi trẻ thơ. Người đàn bà có rất nhiều sách với những cái tên thật lạ. Người đàn bà của sự dữ dội phơi tràn và nét mộc mạc lặn sâu. Những hung hiểm và sự tinh khôi. Nét trong sáng và miền tối xám… Người đàn bà của tôi: Gốc khế, ban trưa, những giọt lệ chiều… Sân ga những sớm mai và cơn mưa dầm sẫm tối… Người đàn bà của tôi: Khoảnh sân, khu vườn, căn phòng buồn khuôn mặt xanh xao ngày ốm… Dã Lan của tôi. Tiếng cười giòn, cách xoa tóc ngập ngừng, đôi mắt xám tro sũng nước…
Một chặng đời. Hãy cho tôi được giữ. Giữ tất cả và giữ nốt một sân ga, những buổi mai nhiều xao động.
MỸ NỮ