.
Tản văn

Điệp vàng vương gót chân ai

.

Rõ ràng con phố ấy có tên. Người ta còn cắm cho nó một cái bảng tên ở đầu đường hẳn hoi nhưng những người dân sống ở khu phố này chẳng ai chịu nhớ cái tên chính thống của nó nằm trên bản đồ mà cứ quen miệng gọi đó là phố cây điệp.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nếu ai đó lỡ có đi nhầm đường mà hỏi cái tên phố nằm im lìm trên bảng chỉ đường kia thì khối người dân ở khu phố lắc đầu trả lời không biết, tới khi người ta đi rồi mới sực nhớ ra cái tên đó chính là con đường mình đang ở đây, nó chính là cái phố cây điệp này đây. Ngẩng đầu lên chỉ còn biết ngơ ngẩn nhìn theo chiếc xe đang xa dần.

Thực ra, con phố này trước đây chỉ là một xóm nghèo của những người dân làm nghề chài lưới ven sông. Những hàng cây điệp xanh rì được người dân tự trồng cho mát để chờ thuyền ghe về mỗi sớm, mỗi chiều. Lâu ngày, những hàng điệp cứ lớn lên và già đi theo thời gian, người ta cũng đặt tên cho nó là xóm cây điệp. Cái chợ nhỏ cũng được họp ngay dưới mấy hàng cây, mỗi mùa hoa về lại rụng vàng cả lối đi. Như nhiều mẹ, nhiều chị trong xóm, bà nội tôi cũng lụp xụp chiếc nón đã lên màu rêu mốc, những chiếc thúng, chiếc mẹt với ít tôm, ít cá mà xôn xao cả cái xóm nhỏ. Chỉ buôn gánh, bán bưng đó mà bà nội tôi lèo lái nuôi được cả một bầy con.

Chẳng biết từ khi nào, tôi có thói quen nhặt những bông điệp vàng rụng dưới sân phơi cho khô rồi để vào chiếc lọ thủy tinh ở cửa sổ. Khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu vào, chiếc lọ hoa như làm bừng sáng một góc nhà nhỏ. Bà hay gọi đó là ánh sáng diệu kỳ nhưng bà không thích tôi làm thế vì bà bảo con gái mơ mộng quá thì sẽ khổ. Tôi nhớ, ngày nhỏ, mỗi lần đi chợ sớm, bà thường đánh thức tôi dậy để ra “đón ngõ” cho bà buôn may bán đắt.

Cây điệp vàng trước ngõ đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần tôi vừa gà gật vừa đi từ ngoài ngõ vào để khi bà cắp rổ đi ra là gặp tôi đầu tiên. Lúc nào gặp bà cũng dặn “Trông nhà ngoan, trưa bà về có quà nhé”. Chẳng biết có phải vì tôi “nhẹ vía” như lời bà nói hay không mà những hôm về sớm bà thường thưởng cho chị em tôi khi là chiếc bánh đa vừng giòn rụm, khi lại là chùm roi chín mọng.

Những ngày mùa đông, bà thường dậy sớm đun nước pha trà. Tôi nhớ mãi cái cảm giác được sà vào lòng bà, hơi ấm từ chiếc bếp phả ra mang theo mùi rơm rạ thơm thơm. Thỉnh thoảng bà ủ vào tro nóng cho tôi củ khoai lang, vị ngầy ngậy, beo béo của món quà quê dân dã cứ quẩn quanh trong bếp khiến tôi không thể nào cưỡng nổi.

Trong lúc tôi đang ngồi ngoài hiên vừa bóc, vừa thổi củ khoai nóng hổi, thơm lừng thì bà lại lúi húi loẹt xoẹt chiếc chổi ngoài hiên để dọn sạch lớp lá khô mà đêm hôm trước gió để lại. Những chiếc lá lạo xạo dưới nền theo từng nhát chổi của bà vang lên nhẹ tênh rồi tan đi trong buổi nắng sớm. Trời mùa đông lạnh, bà thường mặc chiếc quần len bên trong rồi mới mặc chiếc quần xa-tanh đen bên ngoài. Tôi để ý thấy những chiếc quần của bà đã cũ lắm rồi, màu đã bạc, sợi len cũng đã rão và chảy ra. Lâu lâu bà lại phải khâu chỗ này, dúm chỗ kia để nó khỏi dài, khỏi tuột.

Có lần tôi hỏi “Sao bà không mua chiếc quần mới mà mặc”. Bà chỉ cười: “Cái này còn mặc được nên bà tận dụng cho khỏi phí. Mắt bà kém rồi không nhìn rõ nữa chứ không bà đã tháo ra đan lại là có chiếc quần mới ngay.” Tôi chưa đủ lớn để hiểu những điều bà nói nhưng sao thấy có một chút buồn man mác trong lòng, tự nhủ sau này lớn, có nhiều tiền, mình sẽ mua tặng bà những chiếc quần thật mới.

Từ vài ba ngôi nhà nhỏ lụp xụp cái xóm cây điệp ngoài vùng ven trở thành phố cây điệp lúc nào không hay. Người ta quy hoạch khu nhà tôi ở để lên thành thị trấn, những nhà trong xóm trở thành nhà mặt tiền với hai bên vỉa hè rộng thênh thang. Nhiều gốc điệp già bị chặt đi để làm đường, làm nhà, nhiều gốc mới được trồng cũng mau vươn tán trổ hoa. Những bông hoa nở vàng cả góc phố, rơi xuống đường vẫn còn giữ nguyên màu sắc rực rỡ của ngày hè. Khi bố mẹ quyết định xây lại căn nhà cấp bốn, bà nội đưa cho bố tôi một gói nhỏ. Bố tôi mở ra, đó là những đồng tiền được bà vuốt phẳng phiu, xếp ngay ngắn thành từng cọc. Bà bảo, đấy là số tiền bà dành dụm được.

Dù bố tôi kiên quyết không lấy nhưng bà không chịu, bà bảo, chỉ cần giữ lại hai gốc điệp vàng trước ngõ. Thế là căn nhà mới của gia đình tôi hơi khác biệt so với những ngôi nhà cùng khu. Thay vì nhà sát vỉa hè, nhà tôi có thêm một khoảnh sân nho nhỏ vì phải chừa chỗ cho hai cây điệp ngả bóng. Mỗi sáng, bà vẫn giữ thói quen dậy sớm quét sân. Chiếc chổi vẫn loẹt xoẹt vọng vào phòng tôi ngủ mỗi buổi bình minh.

Tôi đã ra trường và đi làm nhưng chưa kịp mua tặng bà những chiếc quần bằng len để mặc trong những mùa đông như dự định... Hai cây điệp già vẫn trổ bông mỗi mùa hè tới và se sắt lá khi mùa đông về. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhặt những bông điệp vàng nhưng chỉ gom chúng lại rồi thôi. Đôi khi trong những giấc mơ tôi vẫn nghe thấy tiếng chổi loẹt xoẹt của bà mỗi sớm, vẫn thấy dáng bà tất tả đi ra ngõ, những cánh điệp vàng rực sáng như còn vương gót chân ai?

THU HÀ

;
.
.
.
.
.