Người ta bảo giàu vì bạn sang vì vợ. Vợ chưa làm sang thì thằng em đã làm tôi nghèo hơn. Hắn ít hơn tôi ba tuổi, ăn nói trơn tru và “chém gió” thành thần.
Ở đời thiếu gì cảnh huynh đệ tương tàn, khúc ruột trên đè khúc ruột dưới. Nấu đậu đun cành đậu. Đậu ở trong nồi khóc! Huống hồ ở đời anh em kết nghĩa, đâu chung máu mủ ràng buộc.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tên thật của cậu là Khuynh. Lúc thông cảm và thân với Khuynh, tôi không thể tưởng tượng nổi mình sẽ gặp trục trặc khúc mắc thế nào với một người có cái tên đọc lên thôi cũng đầy trúc trắc. Nỗi bất trắc không từ một ai. Tôi với Khuynh cùng quê. Tôi ra phố trước. Đàn anh đi trước có nhiều điều cần truyền đạt, bảo ban nâng đỡ đàn em. Chuyện thường. Khuynh mồ côi cha lúc một tuổi và năm tuổi thì mồ côi mẹ. Nói chung cậu được bú mẹ đến cữ cai sữa. Sau này cậu khiến không ít người thành thiếu phụ, chẳng hiểu có từng một chút động cựa nghĩ thủa hàn vi?
Nghèo túng không thoát khỏi cậu, hay cậu ta không thể trốn thoát. May thay, cậu được người anh cả ham học đi trước nuôi ăn học nên mới có điều kiện ra phố học một trường trung cấp rồi sau đó phởn phơ thi đỗ đại học. Rồi chúng tôi thân nhau khi làm cùng công ty. Khuynh luôn luôn hết lời khen tôi tốt bụng và khen vợ tôi sướng. Cơ bản tôi nghĩ những lời khen đó xứng đáng nhưng càng ngày càng thấy Khuynh cải lương. Song không khó chịu tới mức góp ý bảo đừng khen. Thích khen là bản tính con người. Khen nhố nhăng như Khuynh nhiều người rơn rơn vẫn thích, dù biết khen đểu, khen điêu. Xã hội sinh ra nhiều kẻ “chém gió”.
Những năm học đại học, cậu năm lần bảy lượt vay tiền rồi quá nửa cố tình quên. Ông chú ruột có lời nhờ tôi cưu mang em. Ông anh trai ngấm bệnh thấp khớp, kinh tế bất ổn cũng nhờ vả bảo tôi cưu mang em. Tôi cố bỏ qua tất cả khó chịu bực dọc để tiếp tục chia sẻ cho Khuynh mà chưa một lần nói lại với chú hay anh trai gã. Trong không ít lần rượu bia chén chú chén anh, Khuynh chếnh choáng men nói biết ơn tôi, nợ tôi nhiều quá. Sau này giàu có sẽ trả. Từ lời nói đến việc làm xa nhau vạn dặm. Khuynh chẳng có một nghĩa cử nào thể hiện nguyện vọng trả ơn. Ngay cả chuyện trở về cơ quan này làm việc cũng là tôi bảo lãnh.
Không ít lần sếp gọi tôi lên bảo thằng Khuynh miệng thơn thớt không biết dạ có… ớt ngâm? Tôi đành lòng bảo cậu ấy bụng dạ thật thà, chẳng qua bộp chộp nói năng chưa chín chắn. Nhìn khuôn mặt của sếp tôi đoán, anh định bảo nó là thằng bẻm mép, ý đồ của lời nói rõ ràng và phần lớn âm tiết lưu manh, không như tôi nghĩ. Tôi vờ không để ý đến điều đó. Sếp nhắc: “Lưu tâm đến công việc của nó”.
Tôi nói với Khuynh tinh thần ấy. Lưu tâm đến công việc. Khuynh dạ vâng uốn lưỡi rồi tối đó mang một chai rượu nút lá chuối đến thơn thớt cảm ơn và nhờ anh giúp đỡ. Tôi cảm giác có chuyện chẳng lành. Gặng hỏi thì gã chối quanh nhưng khuôn mặt đỏ tía thì ừng ực không thể che giấu nổi. Quả nhiên sáng sau đến công ty có người ì xèo. Khuynh lấy mấy khách ở công ty ra làm riêng. Ở đâu sinh ra kẻ khôn lỏi. Công ty mới chập chững vào đời cần đồng lòng chung lưng đấu cật giúp đỡ lẫn nhau. Sao gã dám làm thế?
Tôi sục vào gặp Khuynh.
- Chuyện là thế nào vậy?
- Ý anh bảo chuyện gì cơ?
- Cậu đừng giỡn. Đến lúc này còn giấu giếm sao. Vải thưa không che được mắt thánh. Cậu dám làm thì dám chịu.
- Nhưng mà em có dám làm cái gì đâu.
Tin lan như gió. Sếp gọi Khuynh lên. Gã ngồi thu lu khép nép. Khuôn mặt sếp bầm tím bực dọc. Khai mau. Tại sao đánh lẻ. Khuynh vẫn không khai. Sếp đưa ra bằng chứng. Hợp đồng có chữ ký của Khuynh, cam kết giữa Khuynh và hai đối tác, hóa đơn chi tiền từ hai đối tác cho Khuynh. Đã đủ chưa? Còn băng ghi âm cuộc nói chuyện cùng những phát ngôn gây sốc của Khuynh nữa. Cần gì nữa không, bỏ ra nốt cho coi?
Khuynh cứng đơ họng. Đôi mắt láu cá nhìn sang tôi có ý cầu cứu. Tôi quay mặt đi. Khuynh khóc. Sếp trở lên rộng lượng bình tĩnh. Bản lĩnh của người đứng đầu cơ quan buộc sếp phải có tố chất giữ cảm xúc vững vàng bản lĩnh khi quân lính sai phạm. Khuynh nói gần như khóc van lơn các anh tha tội. Sếp cho thôi việc. Khuynh gào lên xin. Gã rũ như cây dưa héo. Sau cùng sếp chốt hạ:
- Tha cho cậu để cậu bán luôn công ty của tôi đi à?
Sếp đã dứt khoát như thế thì mọi lời xỏ xin của Khuynh đều trượt ra ngoài. Tối đó, Khuynh lại đến nhà tôi khóc. Anh bảo sếp tha cho em, cho em được làm việc lại. Giờ buông em ra ngoài, em chết đói. Lòng tôi ê ẩm đau. Sao lại ra nông nỗi này. Tôi đã muối mặt vì thằng em này bao lần, giờ lại muối mặt đến gặp sếp xin xỏ nữa ư? Tiếp đó, Khuynh thút thít khóc, thúc chú và anh trai để cả hai gọi điện cho tôi nhờ. Chó chết! Sao lại dồn ta vào mớ dây nhợ này! Đành vậy, liều đến nhà sếp xem sao. Tôi đến sếp mừng. Sếp rót rượu Tây uống với lạc rang húng lìu hiệu bà Vân phố Bà Triệu. Sếp uống mà ê ẩm đau không giấu nổi bực dọc. Em dại đàn anh phải chịu. Anh hỏi ý kiến tôi về Khuynh. Có nên đuổi thẳng hay dọa? Tôi nghiêng đầu cân nhắc rồi thở dài. Đàn ông mà phải thở dài là lòng đã nặng trĩu.
- Em đến gặp anh cũng vì chuyện đó. Chúng ta mở cho nó một đường sống.
- Anh biết chú có công dìu dắt nó - sếp gật gù - chú cũng mệt vì nó. Liệu Khuynh có cải tà quy chính!
Hơi thở hắt của sếp chứng tỏ một phần sếp coi trọng tôi, cánh tay đắc lực, phần vì anh quá hiểu để có một chỗ đứng trong xã hội nhọc nhằn biết chừng nào. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Biết Khuynh có hiểu được nỗi niềm đó của những người anh.
Ông trời có đức hiếu sinh. Tôi cam đoan sẽ giúp Khuynh làm người tốt. Rượu làm hai anh em hàn huyên thêm vui. Những dự định của sếp đưa tôi mơ về những chân trời tốt đẹp. Biết bao ý nghĩ cuộn sôi trong những quãng ngày lăn lộn vất vả, con người sẽ còn lại gì? Chúng tôi chẳng thể buông tay cày cuốc. Ở thời nào con người cũng có nỗi lo khác nhau.
Khuynh tiếp tục được làm việc. Gã thận trọng và luôn tỏ ra là một người kín tiếng, nhưng tốc độ thơn thớt uốn lưỡi vẫn khó ai bì. Tôi để mắt nhiều đến gã hơn. Song vẫn chẳng thể nào kiểm soát hết những mối quan hệ ràng rịt của gã. Cậu vẫn đến nhà tôi lúc mang cân quýt, khi nải chuối. Qua những nhân viên khác nói Khuynh tích cực hơn trước. Tôi mong rằng điều đó sẽ mãi tiếp diễn và những điều mà nhân viên cơ quan nói chẳng đủ xóa nỗi hoang mang trong tôi. Không biết gã sẽ tung thêm những chiêu quậy phá gì nữa.
Thời gian thoắt trôi. Tôi cuốn theo những hợp đồng ngập đầu bụi bặm đời sống. Bỗng một ngày gã thông báo sẽ ra mắt công ty riêng, muốn có mặt tôi. Tôi chết sững. Con chim đã đủ lông đủ cánh? Không tin vào tai mình, tôi hỏi lại thì gã quả quyết thế. Em phải làm riêng thôi. Vẫn nghề cũ ngành cũ. Không khó để dò tìm thông tin. Khuynh muốn hoạt động được phải có hệ thống chân rết khá vững, đặc biệt là đối tượng khách hàng tiềm năng. Ngựa quen đường cũ. Khuynh tính cách ăn mảnh bằng cách kéo khách công ty ra làm riêng.
- Anh không thể hình dung nổi em dám làm như thế.
Khuynh coi lời nói của tôi vô trọng lượng.
- Thời thế thay đổi rồi. Em không thể làm công ăn lương mãi anh ạ. Em có tính toán của riêng em. Có gì mà không dám anh ơi.
Vậy là kẻ phản chủ kéo mất hai mươi phần trăm số khách công ty. Đặc biệt với khả năng uốn lưỡi, Khuynh kéo được hai khách hàng thuộc dạng lớn nhất công ty hùn vốn tăng thêm sức mạnh cho gã. Tôi điên đầu ngồi bên sếp. Lúc này sếp trở nên bình tĩnh lạ. Có thể anh không trách tôi thật, hoặc cố gắng kìm nén cảm xúc để làm tôi bớt đau lòng.
- Em xin lỗi anh.
Lời này tôi không thể không nói, vì đã mạnh bạo bảo lãnh cho Khuynh. Bây giờ sự thể ra nông nỗi, làm sao tránh khỏi trách nhiệm.
- Mình sẽ tính cách - sếp đứng lên khoan thai nhìn xa xăm phố - anh sẽ hẹn gặp lại các đối tác. Anh tin với kiểu làm ăn người lớn của chúng ta, lại không bằng kẻ làm ăn bày đặt thủ đoạn.
Quả nhiên sếp đã đi gặp lại các đối tác, nói rõ lợi hại, đồng thời anh củng cố niềm tin, mối giao hảo hợp tác với những khách hàng thân thiết. Công ty hướng đến mở rộng quan hệ, tạo kênh thông tin rộng rãi để khách tiện lợi mau chóng truy cập vào trang thông tin công ty, chứ không chỉ thụ động chờ đối tác truyền thống. Tôi vững tin và an tâm công ty không ảnh hưởng nhiều nhưng hết lòng theo dõi động thái và những thủ đoạn của Khuynh. Gã có thể bôi xấu công ty tôi hòng chiếm khách, tạo uy thế trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này. Tôi lần tìm cô gái yêu Khuynh. Đó là một người biết phân biệt phải trái từng khuyên Khuynh không nên làm bừa. Hơn cả đồng tiền là tình người. Hơn nữa lại là những người từng cưu mang gã. Buổi gặp hôm đó, tôi chỉ nhắc cô gái hãy ở bên và động viên Khuynh làm theo lẽ phải.
Khi tôi kịp biết Khuynh sẽ tìm cách giành thị trường thì cũng hay tin gã gặp sự cố khách hàng. Vẫn là kiểu làm ăn chụp giật không hiệu quả nhưng bốc giời quảng bá thương hiệu. Những đối tác lớn quay đầu với Khuynh. Người đầu tiên họ gọi là sếp tôi. Sếp gọi tôi vào bàn chuyện. Nửa chừng có tin báo khách rút hẳn vốn bỏ hợp tác với Khuynh. Tôi tin chân lý thuộc về những giá trị nhân nghĩa.
Mấy ngày Khuynh cuồn cuộn quay cuồng trong mớ lo toan hỗn độn. Gã như quả chanh vắt sạch nước sau chừng một tháng không lối thoát. Lại gọi đến tôi. Tôi từ chối gặp. Gã cố tình đến ấn chuông. Không ra. Tôi thấy bóng gã thấp thoáng phía sau những ngọn hoa giấy và cánh cửa sắt. Thế rồi gã quay bước. Một kẻ háo thắng không biết lượng sức mình. Bao giờ gã mới nhận ra giá trị của niềm tin cũng như một quả tim chân thành. Khi không còn tạo được niềm tin, gã sẽ chỉ chuốc lấy thất bại. Khuynh ơi, cần phải suy nghĩ khác để sống khác đi.
NGUYỄN VĂN HỌC