Sáng tác
Vùng biển lạnh
Nó mười lăm tuổi. Đám tang tiễn nó ra cồn cát lưa thưa người. Sau bão, trời quang và nắng như đổ lửa. Trời nóng rẫy, bãi cát cứ chực nuốt chững những bàn chân người đưa tiễn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nó nằm trong chiếc quan tài màu vàng, có những vòng hoa muống biển màu tím kết xung quanh. Chiếc quan tài đẹp hơn tưởng tượng của nó trước khi đón cái chết. Chắc chắn vậy. Ngoài kia biển vẫn thế, chẳng có gì khác cả. Một ngày như mọi ngày, cha nó vẫn ra khơi và đối mặt với nhiều bất trắc không thể lường trước. Đại dương rộng vô cùng và lòng cha nó cũng thẳm sâu vô tận…
1. Đài báo bão. Cơn bão thứ ba trong năm và cơn bão đầu tiên của mùa hè. Vùng biển lạnh trở thành tâm bão. Nó sống ở đó, ngay dưới chân một bán đảo. Quanh năm, dù có cơn bão nào xoáy lốc và mang sức tàn phá đến mấy, nhà nó cũng không hề hấn gì, vì hòn đảo nổi đã chắn che cho mọi thứ. Người dân nơi đây lại trở thành những vị cứu tinh của rất nhiều ngư dân chuyên đánh bắt trên vùng biển này. Từ sơ cứu người, đến cứu nạn, rồi đối mặt với cả những hiểm nguy khác trên biển. Nó nằm lim dim trên chiếc giường nhỏ, đặt sát vách.
Có cánh cửa sổ mở ra hướng biển. Mùa hè thì mát lạnh và mùa đông thì rất ấm. Cha cưng con gái, nên đã cố tình làm cho nó cái cửa sổ đó. Nó nằm đó 15 năm. Nó lớn lên với những ước mơ được dệt từ khung cửa nhỏ này. Và mặt trời, ánh trăng trở thành niềm an ủi của nó trong những lúc cô đơn tuyệt vọng nhất. Nó học chữ từ mẹ. Mẹ dạy nó những con số, cách xem giờ, ngày tháng. Nó học cách tính bằng những đốt lóng tay, để đếm đợi ngày cha nó trở về nhà.
Mẹ nó, người đàn bà hiền khô, dáng người nhỏ và mang mùi thơm của biển. Nó không biết nói. Lưỡi nó ngắn không phát âm thành tiếng. Nó cũng không thể đi. Đôi chân nó bị liệt. Tay phải bị liệt, còn mỗi tay trái. Nó có một đôi mắt đẹp, đen láy. Tất cả mọi tình cảm của nó đều được thể hiện bằng ánh mắt. Gọi mẹ bằng ánh mắt, đón cha về sau mỗi lần đi biển bằng ánh mắt. Mẹ nói rằng, cha nó thường vứt hết ngư cụ dưới tàu, đi nhanh một mạch về với nó sau mỗi lần tàu cá cập bến.
Người đàn ông của những tấm huy chương chiến công đeo đầy ngực áo ngày nào, bây giờ là một chủ tàu cá công suất lớn đầy can trường, dũng cảm. Cha nó có những ngày sống trên rừng với những trận sốt rét tê cứng. Nhưng ông vẫn sống. Cha nó có những ký ức về cuộc chiến tranh. Lúc đó ông là một người lính cầm súng ra chiến trường. Cha nó là người đàn ông có một tấm lòng vị tha nhân hậu và một tình yêu vĩnh hằng với mẹ.
Nhưng có lẽ trên cuộc đời này, không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau khi sinh ra những đứa con tật nguyền. Cha mẹ nó cưới nhau rất muộn, sinh chị em nó cũng muộn. Cha mẹ nó hạnh phúc không tròn khi cả hai đứa con sinh ra đều bị dị dạng.
Cha mẹ nó cũng không kể với nó về những di chứng chiến tranh, với cái tên gọi của những thế hệ sinh sau chiến tranh là bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Khi lớn thêm được một chút, nó thường nghe cha mẹ mình thầm thì về nỗi buồn lắng lại sau chiến tranh. Nó cũng không hiểu chiến tranh là gì, vì sao cha nó lại bị nhiễm cái chất độc chết người đó. Và nó là hệ quả của chất độc đó. Nó chỉ nghĩ đơn giản đó là một thứ bệnh mà không may cha mình mang vào người.
Nó chỉ biết đến thế. Nó tìm cách lý giải về cuộc sống trong khoảng không gian của ngôi nhà mình, và mọi thứ buồn vui bắt đầu từ khung cửa sổ hướng biển. Nó yêu cuộc sống này và chưa bao giờ mặc cảm về hình hài của mình. Mẹ nó, cha nó, em nó, tất cả đều ấp ôm nó vào lòng với tất cả những gì thiêng liêng nhất của tình cảm gia đình. Nó không thể nói bằng lời. Nó chỉ đối diện với cuộc đời này bằng ánh mắt. Học được chữ, đếm được số, nó đòi bằng được mẹ cho nó tập vẽ tranh. Tại sao không? Nó đã đau đáu câu hỏi đó, không chỉ một lần, một đêm mà nhiều đêm.
Những bức tranh nguệch ngoạc, đứt gãy là những tác phẩm đầu đời của nó. Nó vẽ bằng trí tưởng tượng bé nhỏ của mình qua khung cửa nhỏ. Cũng không ít lần, nó vò nát những tác phẩm của mình rồi vứt qua cửa sổ. Khi đó nó bật khóc. Cũng như thời tiết lúc mưa lúc nắng. Nó dăm ba ngày lại tự hành hạ mình bằng những điều vô lý để nghĩ rằng mình còn đó, một đứa trẻ tật nguyền. Nhưng nó nhận ra những mùa đông thường đi qua êm ái hơn mình nghĩ. Và ít khi nhận ra phút giao mùa lại vội vã đến từ cuống lá. Cuộn trôi theo sóng biển những dự định, nhiều nỗi buồn không đáy.
Nó ngồi đếm hạt hy vọng bằng nước mắt chứ không phải bằng những hạt đậu đỏ trong truyện cổ tích mà nó nghe được từ đâu đó. Nó nhận được một món quà là chiếc khăn ấm trong mùa đông. Chật chội quá những điều có điều không và điều day dứt. Mong manh và yếu đuối như những sợi tóc dễ gãy rụng và đứt quắn. Nó không biết mình đã bước đi bằng đôi chân nào trong ngày hôm nay để những bước chân ấy không giẫm phải điều nó cần tránh xa. Chờ một ngày biển lặng sóng. Nó có một nỗi mơ hồ về cái chết. Trong cái khoảnh khắc chợt như mơ hồ về những hội ngộ, nó mơ đôi bàn chân mình lành lặn và sẽ được chạm tới nhiều vùng đất tươi mới khác trên đất nước này
. Nó chắc rằng đó sẽ là những ngày trời lặng sóng. Những giấc mơ cuộc đời mới nối dài trong tranh vẽ. Nó khóc nấc lên khi nhìn về con đường cạnh biển. Nó không thể chạm chân xuống đó. Thân hình nó bé nhỏ biết bao. Nó không thể bơi trong biển. Nó không thể chạm vào tâm hồn trong suốt của đại dương. Nó sợ một lần chết trôi trong nước.
Nó cảm nhận dòng thời gian bạc màu đang bủa vây từng con sóng. Tiếc là nó không thể ngập lặn trong biển như bao người để hiểu hơn về cảm giác nó chưa bao giờ chạm tới được. Có đôi khi nó cũng trở nên cằn cỗi trước biển, trước sóng và trước những đôi còng gió mãi se cát làm tổ ấm cho mình. Nhân gian rộng bằng bao nhiêu bàn chân của nó nếu chân nó có thể đi? Có giọt nước nào mặn như nước mắt nó không?
Đài tiếp tục báo bão trong bản tin tiếp theo của buổi chiều khi cha nó vẫn đang ở ngoài khơi. Một mình mẹ nó đang cố nhờ bà con hàng xóm chèn nhiều bao tải cát lên mái nhà. Tiếng bước chân người đi lại, tiếng gió rít, tiếng mọi người gọi nhau ngoài đường làm nó khát khao được đứng dậy và ra đó. Bão có hình hài thế nào nhỉ? Chắc khuôn mặt của bão dữ dội lắm, ghê gớm lắm.
Tiếng mẹ nó gọi từ máy Icom để liên lạc với cha nó đứt quãng trong gió. Nó cố xoay người lại phía cửa sổ, dùng hết sức mình để sập cửa sổ xuống. Bầu trời đen kịt, gió mạnh và cơn bão cát bắt đầu cuộn lên dày đặc. Nó bắt đầu nghĩ về cái chết, trong nó hiện lên nỗi sợ hãi vô cùng. “Như ơi, con sập cửa sổ xuống”, tiếng mẹ nó cất lên lẫn vào gió cát. Đó là câu nói cuối cùng nó được nghe từ mẹ. Mắt nó nhắm nghiền và không bao giờ mở ra được nữa.
2. Ở vùng biển lạnh này người dân không tin vào số phận. Họ sống bằng bản năng và kinh nghiệm phán đoán mọi diễn biến của thời tiết. Nhưng những cơn bão giữa mùa hè thường có sức tàn phá mạnh. Nó lớn gấp nhiều lần so với những cơn bão mùa đông, vì mùa hè không thể có áp thấp nhiệt đới nhiều để làm đổi chiều hướng bão hoặc đánh tan bão từ ngoài khơi xa đại dương.
Ông Lục bắt đầu đợt đi biển dài ngày trong mùa hè. Khác với những lần đi biển trước, lần này ông Lục đã dặn vợ khá nhiều điều, đặc biệt là con gái Hải Như. “Hải Hòa mất, còn lại Hải Như. Coi như trời giao cho vợ chồng mình định mệnh phải sống. Bà ở nhà không được để con khóc và buồn. Tâm lý của con gái tuổi 15 bắt đầu thay đổi. Bà phải dành nhiều thời gian tâm sự với con hơn”.
Ông Lục dặn đi dặn lại vợ mình như thế. Bà Doãn im lặng thở dài. Nỗi buồn trong tim bà cuộn thắt bao ngày nay đã mọc rễ và bám chặt lấy lý trí. Thương chồng, thương con nên bà chưa bao giờ để ai nhận ra niềm sâu kín đó. Bà thấy vui vì dẫu sao, bà vẫn được làm mẹ dù con bà không lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác. Bà cũng thấu tận cùng nỗi đau khi chăm sóc Hải Như trong tuổi dậy thì. Nó có kinh đều đặn, đúng chu kỳ. Mỗi lần như thế, sau khi thay băng vệ sinh cho con, bà xót xa khi nghĩ đến điều bất hạnh, nghĩ đến việc sẽ không bao giờ bà được bế cháu và hát đưa nôi. Hạnh phúc của người làm cha làm mẹ là được con cái mình nối dài cuộc sống, nhưng vợ chồng bà thì đoản mệnh.
Đôi khi bà giận cuộc đời, giận cuộc chiến tranh ác liệt đã cướp đi của chồng bà trách nhiệm, niềm hạnh phúc được làm cha. Bà cũng chưa bao giờ biết được, sờ nắn được hình hài cái gọi là chất độc da cam/điôxin nó thế nào mà sao có thể ăn mòn thân thể con người đến thế. Cuộc sống của bà được thu nhỏ lại trong tranh vẽ của đứa con gái 15 tuổi mà thân hình chỉ bằng một đứa trẻ lên năm. Trời phú cho Hải Như một bàn tay, một đôi mắt và một nghị lực sống mãnh liệt vô cùng.
Nên đối với bà, an ủi con gái cũng chính là cách trấn an bản thân vì ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Bà dạy con biết chấp nhận nhưng không cam chịu để mỗi sớm mai thức dậy là một ngày tươi mới bên cửa sổ. Với thế giới tưởng tượng về màu sắc bạt ngàn ở ngoài kia, tất cả đều là màu hồng, màu xanh, màu vàng, màu đỏ. Tất cả đều ấm áp và đẹp.
Bà Doãn ngồi đó, trong căn nhà trống trơn sau bão. Hai trận bão vừa ập xuống đời bà. Bà chết lặng nhìn con gái nằm im lặng trên chiếc giường, bà không còn giọt nước mắt nào nữa. Lâu lâu bà lại tiến gần hơn, đưa bàn tay tìm đôi chân đã lạnh cóng của con mình và rên lên những tiếng ai oán. Rồi bà lục tìm những bộ váy áo rất đẹp chưa bao giờ Hải Như được mặc. Bà xếp lại ngay ngắn. Bà làm như một cỗ máy vô tri, vô giác, vô thức. Bà nhẩm thầm một mình “Mẹ sẽ gửi cho con những chiếc váy đẹp này, con ơi!”.
Khi hàng xóm láng giềng nghe tin dữ, ai cũng chạy đến. Mỗi người một tay lo hậu sự cho con gái bà. Nhưng làng chài mùa này, đàn ông thanh niên đều đã gửi mạng sống trên những con tàu đánh cá lênh đênh trên biển. Làng chỉ còn lại đàn bà, người già và con trẻ. Nghĩa địa cát lại có thêm một ngôi mộ mới. Rồi gió lại san bằng ngôi mộ mới này thôi. Cát thì chảy theo cát. Cát có bao giờ cố định được đâu. Bà Doãn đánh dấu mộ con mình bằng một cây xương rồng có hoa màu đỏ. Con bà cũng như cây xương rồng này, dù sống trên đất cát có cằn khô bao nhiêu thì vẫn chắt chiu nở cho đời những bông hoa tuyệt sắc.
3. Làng chài vùng biển lạnh nhốn nháo hẳn lên vì nghe tin có đoàn cán bộ về để khảo sát về chất độc da cam/điôxin. Đó là một dự án về bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng biển và tẩy độc điôxin cho những người dân nghi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Đàn bà trong làng bàn tán xôn xao cả buổi chợ chiều vì tin sốt dẻo này. Bao năm qua họ bị lãng quên chăng, hay bao năm qua, qua bao cái chết ngặt nghèo, đớn đau của những đứa trẻ, bây giờ nỗi đau mới thấu trời xanh?
Hôm đó, dân làng được dự họp với đông đủ thành phần, có nhiều đàn ông không đi biển vì mùa biển động. Rồi lần lượt nhiều người được lấy mẫu máu để xét nghiệm điôxin. Nhưng ở làng chài ven biển, những đứa trẻ không may mắn như hai đứa con của bà Doãn, ông Lực thì đã trở về với cát bụi ngoài cồn cát trắng kia. Không biết còn bao nhiêu đứa trẻ khác ra đời và chịu bất hạnh ấy. Những thế hệ trai gái của làng đến tuổi lập gia đình thì cứ thế ra ở riêng, đàn bà giữ nhà chăm con, đàn ông thì bám biển.
Ai không thể đi hoặc chưa tìm được người vợ, người chồng thích hợp thì sống an phận. Trai làng biển này thế hệ nào cũng vẫn là những người trụ cột gia đình, quen với cuộc sống trên biển, và quen với hơi ấm đất liền, hơi ấm của gia đình bằng sức tưởng tượng. Đôi khi họ cũng không mấy để tâm nhiều tới những nỗi buồn vui thời cuộc. Sức vạm vỡ của những tấm ngực trần vẫn ngày đêm đương đầu với sóng nước đại dương và mang về cho đất liền những sản vật quý từ biển để mưu sinh. Bao chục năm nay cuộc sống của họ vẫn diễn ra bình thường như thế.
Buổi chiều bà Doãn ra bến đón tàu của chồng. Hôm nay theo lịch trình tàu chồng bà sẽ cập cảng. Bà không tham gia buổi họp cùng dân làng chài ngày đó. Bà trốn lên cồn cát, nơi những nấm mộ cũ-mới đã được phủ bằng lớp thời gian không thể cũ hơn. Nhưng cây hoa xương rồng trên mộ phần của con gái bà lại nở thắm những bông hoa to bằng nắm tay. Trông giống những cái chén nhỏ úp lại. Bà lặng lẽ hát ru trên cồn cát, bên những ngôi mộ đời mình.
Người làng bảo rằng, bà không ký vào bất kỳ một giấy tờ nào của đoàn cán bộ đó cả. Bà nói rằng, mạng sống con người không phải nằm trên mấy tờ giấy trắng. Mạng sống con người dù trong hình hài nào, cũng đã được đánh dấu khi cất tiếng chào đời trong im lặng trên cuộc đời này.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO