.
TRUYỆN NGẮN

Bà cụ cùng phố

.

Khi nhà Tính có em bé, tôi có thêm người bạn cùng phố. Đó là bà cụ-mẹ Tính vào giúp con dâu đang ở cữ. Ngay hôm mới tới, bà đến chào các nhà xung quanh, trong đó có nhà tôi. Lúc ra về, bà khiêm nhường: “Các cháu nhà tôi còn trẻ, có gì mong cô chỉ bảo chúng nó”. Tôi cười: “Tuổi trẻ tài cao, bà ạ”. Bà cũng cười: “Khôn đâu đến trẻ!” rồi quay lưng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hôm nào bà cụ cũng đem quần áo, tã lót qua khuôn viên nhà tôi phơi nhờ. Nhìn mảnh vườn với các loại rau xanh mởn, lại được quây một góc để nuôi gà, bà luôn mồm xuýt xoa thích thú. Bà lấy đàn gà làm vui cho cháu mỗi khi cho ăn hoặc bày nó tập nói. Một chút cơm thừa, mấy cái đầu tôm đầu cá… bà đều dồn vào bịch ni-lông, đem cho lũ gà. Riết rồi mỗi lần thấy bóng dáng quen thuộc, đàn gà lại tranh nhau chạy tới. Vừa cho chúng ăn, bà vừa rầm rì nói chuyện, như với người vậy. Khi dịch cúm lan ra, chính quyền cấm nuôi gia cầm trong nội thành, tôi đành giải tán đàn gà. Bà cụ ngẩn ngơ đứng trước cái chuồng trống trơn, giọng buồn buồn tiếc nuối: “Mỗi sớm, nghe tiếng gà gáy cũng đỡ nhớ quê, cô ạ”.

Khi cháu vào mẫu giáo, bà cụ rảnh rỗi nên càng hay qua nhà tôi. Nghe bà than, suốt ngày chẳng nhổ được cây cỏ, tôi động viên, cả đời đi sớm về trưa, giờ là lúc an nhàn tuổi già, đừng bận tâm. Bà vẫn day dứt, giờ già yếu, không làm được gì nên phải cậy con, buồn lắm. Ông sống với anh cả ở quê, bà vào đây với chú út. Ông bà không thể ở cùng để chăm sóc cho nhau lúc xế bóng bởi không muốn dồn gánh nặng cho con. “Cô tính, miệng ăn núi lở, lại còn ốm đau mà bắt một đứa cõng cả hai thân già thì khổ chúng nó”, bà ngồi lặng, mắt buồn nhìn xa xăm.

Chắc bà nhớ ông lắm. Bằng chứng là trong câu chuyện bao đồng, bà thường liên tưởng đến “ông lão nhà tôi”. Bà nói nhiều đến độ tôi hình dung rất rõ người chưa từng gặp mặt. Đó là ông cụ rất hay bị viêm họng nhưng thích ra đường khi trời lạnh; răng rụng gần hết nhưng lại thèm ăn cháy. Ông thích món ốc nhồi om chuối và món canh cá chép với rau thì là do chính bà nấu; nếu người khác nấu, ông biết liền! Ông có hai tật xấu là hay uống rượu vặt và không chịu uống thuốc khi ốm. Lúc ở quê, bà thường giấu rượu trong nhà để ông bớt uống nhưng để đâu rồi ông cũng tìm được. Khi ông đau, tay cầm cốc nước, tay cầm thuốc, bà ngồi bên năn nỉ ông uống thuốc giống như với một đứa trẻ.

Chen giữa những mẩu chuyện về ông, bà thường thốt lên nỗi lo bất chợt. “Nghe đài báo ngoài ta rét lắm, không biết ông lão nhà tôi có cẩn thận”. “Người hay uống rượu, có hại gì, hả cô?”… Những ngày giáp Tết, nhìn người ta tất bật ngược xuôi, bà đi ra đi vô, vẻ bồn chồn, trông thương lắm. Tôi nói với bà, lâu lâu bảo Tính mua vé về quê thăm ông. Bà thành thật, muốn lắm nhưng đi lại thì tiêu tốn của con, thêm cho chúng phần lo nên không đành. Vả lại, đã có lần bà xa gần tỏ ý muốn về quê, anh con út gạt ngang: “Về quê làm gì cho khổ!?”. Bà tủi thân lắm nhưng im.

Khu phố tôi ở, từ lâu hình thành nên đôi bạn đi bộ mỗi sáng. Tầm bốn rưỡi, năm giờ, những đôi vợ chồng già lục tục thức dậy, xỏ giày, dẫn nhau thả bộ trên những con đường rợp bóng cây và khí trời mát dịu. Những đôi khỏe vừa sải bước vừa chuyện trò trong hơi thở hổn hển; những đôi mắt mờ chân chậm thì vịn vai nhau lần từng bước. Lẫn trong cảnh ấy là hình ảnh bà cụ cùng phố lầm lũi độc hành trên con đường xao xác lá. Tôi chạnh lòng nghĩ, ở nơi xa kia, ông có nhớ bà đang lẻ bóng giữa chốn này?

Tôi để ý, mỗi khi kể về “ông lão nhà tôi”, giọng bà đột nhiên sôi nổi tha thiết. Lắm lúc niềm vui long lanh trong mắt khiến bà như trẻ lại. Tuy nhiên, hạ hồi, bao giờ bà cũng không quên rào một câu lỏng lẻo: “Vui miệng với cô thôi nhé; đừng nói lại vợ chồng nhà Tính”. Tôi chất vấn: “Nói thì đã sao?”. “Chúng nó chẳng hiểu, không khéo lại bảo già nên đâm ra lẩn thẩn nhớ nhung”. Nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, bà cụ tỉ tê rằng, có lần thấy bà buồn, Tính bảo: “Nhớ anh giai chăng?”. Nói rồi cả hai vợ chồng cười khúc khích; biết con đùa nhưng bà chẳng vui. Đã thế, người mẹ càng kín tiếng, khép lòng trước những đứa con gần đấy nhưng xa đấy.

Mỗi bận con trai đi công tác, con dâu và cháu về ngoại, bà cụ rủ tôi qua ngủ cùng, phòng đêm hôm gió máy. Tôi ái ngại nhìn bà ngồi bên mâm cơm với mấy con cá kho quắt queo và đĩa rau luộc. Bữa sáng, bà qua quýt với củ khoai, củ sắn hoặc ổ bánh mì không nhân. Như đoán được thắc mắc của tôi, bà phân trần, trước khi đi, các con đưa tiền bảo bà thích gì cứ mua ăn, đừng tiết kiệm. Nhưng bà ăn dè, để dành tiền hôm nào về quê có đồng quà tấm bánh cho cháu, không gì thì cũng mang tiếng đi Nam về. Nhắc đến các cháu, bà thuộc tính nết, sở thích từng đứa. Bà thương nhất là con gái út của anh cả, có lớn mà không có khôn. Mười lăm tuổi nhưng con bé nói cười ngu ngơ, đến tự lo cho mình cũng chẳng được. Lúc ở gần, bà thường tắm rửa cho nó; giờ không có bà, mẹ thì bận suốt ngày, chắc con bé lại chốc ghẻ đầy người. Nói rồi, bà ngồi lặng, mắt ngân ngấn nước. Bà định hôm nào về, sẽ mua cho nó chiếc váy đầm thật xinh. Bà nở nụ cười đau khổ: “Dở người nhưng con bé vẫn thích mặc đẹp, cô ạ”.

Như vô tình, có lần bà cụ hỏi tôi, nếu về Bắc thì đi xe nào tiện nhất. Tôi giới thiệu với bà những hãng xe phục vụ chu đáo, lại cho cả số điện thoại và bày cách gọi. Tôi đâu ngờ bà đang âm thầm chuẩn bị cho chuyến về quê của mình, sau nhiều lần không được con trai đồng ý. Hôm bà về, vợ chồng Tính đều đi vắng. Trở lại nhà sau đợt tham quan, tôi nghe nói trước khi hồi hương, bà cụ đi thăm khắp lượt bà con khối phố và ghi mấy chữ để lại cho con. Phố vẫn đông đúc ồn ào nhưng vắng chỉ một người, tôi ngẩn ngơ, cảm như thiếu nhiều lắm.

Về nhà không thấy mẹ, Tính hạch vợ: “Đã làm gì khiến mẹ bỏ về?” Cô vợ ấm ức, chạy qua nhà tôi, mếu máo. Tôi sang, thấy Tính đang ngửa mặt giữa cao xanh rên rỉ: “Mẹ ơi, sướng sao không muốn, lại thích khổ!?” Tôi buồn bã: “Vậy là chú chẳng hiểu bà cụ!”, Tính ngớ người. Tôi bảo, cô chú có biết bà thương ông, nhớ cháu, nhớ quê nhưng không muốn làm phiền con nên phải nén lòng bao năm? Tôi kể lại với đôi vợ chồng trẻ những niềm riêng sâu kín mà bà cụ từng san sẻ.

Cả hai tròn mắt, cứ như đang nghe chuyện của người khác, chứ chẳng phải chuyện của mẹ mình.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

;
.
.
.
.
.