.
Tản văn

Ký ức đường làng

.

Tôi nhớ da diết con đường làng. Thân thuộc đến từng bước chân dẫn tôi tới trường. Ngày nắng như ngày mưa, tinh mơ là trở dậy, lót dạ mấy củ khoai rồi tất tả cùng lũ bạn chờ nhau thành tốp để đi học.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đi sớm một phần cho kịp giờ học, nhưng hơn thế là để đá trận bóng (nhựa) với mấy đội khác trên sân trường trước giờ vào lớp. Khi vào lớp thì áo quần đã kịp lấm lem bởi bùn đất quyện với mồ hôi nhễ nhại. Mùa đông cũng như mùa hè, dù bị cô giáo gõ đầu, đứng bục bảng thề trước cả lớp rằng “không đá bóng trước giờ vào lớp” vẫn không thể nào bỏ đá bóng mỗi sáng mai...

Con đường làng dẫn tới trường, dài hơn 3 cây số. Cả làng, lũ học trò có xe đạp đếm trên đầu ngón tay. Cuốc bộ đồng loạt. Cũng từ đó mà sinh ra kỷ niệm. Đi theo tốp thì rổn rang câu chuyện. Bọn con trai nói chuyện tào lao, có khi tranh luận thái quá thành ra đánh nhau, vật nhau lộn cổ xuống mương là chuyện thường ngày. Còn bọn con gái, câu chuyện dài quá, đến lúc chia bè, kết phái, nói xấu, chỉ chỏ cho hết đoạn đường chân mỏi. Có lẽ, ấn tượng nhất là vào ngày mưa.

Một lớp bùn đặc sánh như lớp mỡ gà, tràn ra hết mặt đường. Đêm lạnh làm chúng đóng váng. Bước những bước chân đầu tiên của lũ học trò xộc chân tới tấp đến trường, bùn bắt đầu nhão ra, bập bõm. Và tất nhiên, là cơ hội cho lũ con trai chúng tôi chơi trò “tát nước”. Một cú “bước vội” của thằng nào đó để đám con gái đi trước hứng nguyên cả một cú tạt bùn lên quần áo. Lại bị phạt, lại xin lỗi, lại hứa! Nhưng ngày mai, ngày sau, mùa mưa sau… không thằng này thì đứa khác vẫn lặp lại trò chơi đó.

Lớn lên một chút, đời sống kinh tế quê tôi đỡ hơn một chút, mấy đứa học sinh từ lớp 8 trở lên được gia đình mua cho xe đạp để đi học. Đứa lớn đèo đứa bé, đứa có xe chở đứa con nhà nghèo. Nhưng trò chơi tinh quái của đám  con trai thì không khi nào cạn và luôn sáng tạo!

Ngày hè, vào mùa gặt, người dân quê tôi tuốt xong lúa, phơi thóc ở nhà, còn rơm rạ thì mang ra đường làng phơi. Và như thế, trò phóng tên rơm vào bánh xe đang xoay tít xuất hiện. Cứ nhằm đứa nào xinh nhất mà phóng. Trưa nắng rát mặt, đường bốc hơi nóng hầm hập, bị phóng tên rơm chỉ có đứng sựng. Rồi thì chính mấy thằng con trai cũng phải phụ giúp để gỡ từng cọng rơm xoắn xuýt chặt vào líp xe nghẹt cứng. Mồ hôi đầm đìa, khiến mấy cô bé lại tràn thương cảm!

Tuổi học trò chúng tôi qua đi, con đường làng vẫn thế. Giờ, con đường đã được thảm nhựa. Lũ học trò bây giờ có người lớn đưa đi đón về, hoặc đi xe đạp thì cũng lành như cục đất. Có mấy đứa học sinh lớp 9 nhuộm tóc xanh, tóc vàng, đi học bằng xe máy chạy trên đường làng. Bàn chân chúng bây giờ kín giày, kín dép chắc chắn, không như chúng tôi hồi trước, ngón chân nào cũng đầy sẹo vì vấp đất đá giữa đường. Cả chiếc áo trắng ngày thứ hai cũng không dám mặc, phải bỏ vào cặp sách đến lớp mới mang ra vì sợ bẩn, sợ cũ. Mọi chuyện đã đổi thay, còn con đường vẫn đầy ký ức.

MINH SƠN

;
.
.
.
.
.