Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
Thấy bát nước chè nhớ tộ đường non…
(hát ru)
Hình như cũng đã vài mươi năm rồi, sau thời gian im ắng của thời kỳ hợp tác xã, quê tôi không còn ai nhắc tới việc trồng mía nấu đường. Đã qua rất lâu rồi cái thời nhà nhà trồng mía, cả làng trồng mía tre mà không dám nhân giống cây mía ngon sợ thèm ăn làm hao hụt bớt sản lượng. Hình ảnh con trâu lè lưỡi kéo máy đi vòng tròn hết ngày này sang ngày nọ vào vụ ép mía rồi lâu lâu có người bưng cái trạc chạy theo hứng bãi phân đã thôi không còn thấy nữa. Bỗng dưng câu hát ru con khiến tôi nhớ đến nao lòng cái tộ đường non.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Có lẽ, khó có mùi thơm nào khiến tôi lại có thể dễ dàng hình dung đến thế. Dễ, bởi đó là mùi thơm của những ngày mà bữa ăn gia đình không phải lúc nào cũng có đủ cơm và thừa mứa cá thịt như bây giờ. Tuổi thơ anh em chúng tôi lớn lên cùng những nghèo khó của sắn của khoai, của những cua cá ngoài đồng nhưng đó là tuổi thơ đầy cảm giác an toàn và tinh sạch.
Và cứ vào mỗi vụ trồng mía, ngoài công lao động đóng chung với hợp tác xã, ba mẹ tôi cũng trồng quanh vườn những mía là mía. Nhờ vậy mà đến mùa thu hoạch, nhà tôi cũng có được vài chục bát đường cất vào thùng phuy ăn dè sẻn quanh năm. Ngoài món đường bát, ba tôi thường “hào phóng” chờ lúc đường vừa chín tới là sẵn hứng ngay một ấm “đường non” mang về đãi cả nhà. Chao ôi, cái thời khắc nghiêng tô hứng chén mới đẹp đẽ làm sao!
Tôi khó mà quên thứ mùi thơm sánh mịn của đường non được ăn trong cảm giác thèm đến chực chờ của mấy anh em khi mà cái bụng dường như lúc nào cũng cồn cào vì đói. Vị ngọt ấy, màu vàng đượm ấy tan chảy trong miệng, trong nỗi thèm thuồng của đám trẻ nghèo mà rồi có thể cả cuộc đời không thức cao lương mỹ vị nào có thể lấp đầy.
Ngay cả khái niệm tộ bây giờ, người Quảng cũng ít dùng. Thưa dùng là bởi vật dụng trong gia đình, nhất là những thức, những đựng… của tre, của nứa, của gốm của sành sứ gần như đã được thay thế hoàn toàn. Nhà tôi có mươi chục tộ chữ A không lấy gì làm đặc sắc lắm nhưng mẹ thì rất quý. Quý đến mức cứ hễ nhà nào có giỗ chạp hay cưới hỏi tới mượn mủng chén dĩa của mẹ là y như rằng mẹ dặn đi dặn lại: “Nhớ giữ giùm mấy chục tộ chữ A”. Rồi chừng như cũng chưa yên lòng, mẹ lấy sơn làm dấu dưới đít tộ để trước khi đem rửa đi… cất thì ngắm nghía không thôi. Cái tộ dáng chữ A nhỏ nhỏ màu xanh, không có hoa văn trang trí gì đặc biệt thế mà với người mẹ sau buổi ngày tàn của chiến tranh sao mà đẹp, mà trân quý đến thế. Bây giờ nhớ lại, tôi có cảm giác như mươi chục tộ chữ A đó, với mẹ tôi còn hơn cả đồ cổ!
Đường bát bây giờ ra chợ mua vẫn có nhưng dần dần, gia đình tôi cũng đã quen dùng thứ “tinh luyện” dù không hề có niềm tin an toàn như hằng hà thực phẩm khác. Mươi chục tô chữ A của mẹ cũng đã dần thất lạc theo dĩa cô tiên, chén con cá… Trong tủ chén giờ đã thay thế nhiều loại tô chén đẹp đẽ hơn nhưng không có cái nào mang dáng dấp của “bảo bối” cho mẹ tôi săm soi ngắm nghía nữa. Và có lẽ, tộ đường non của anh em chúng tôi đã hoàn toàn trở thành hoài niệm.
Chỉ còn mùi thơm váng vất mỗi khi hát ru con…
NGUYỄN THỊ THANH THẢO