Thái Thăng Long
Quê quán: Hà Nội
Tác phẩm thơ: Ám ảnh (1992); Chiều phủ Tây Hồ (1994);
Thời gian huyền thoại (2000); Đàn cầm ở Tây Hồ (2015)
Nhìn người mà người không hỏi
Nhìn người thấy giả mà thương
Nhìn người nói suông lưu loát
Xa xăm trống vắng trong lòng…
Nhà thơ Thái Thăng Long không còn xa lạ gì với bạn đọc, người đàn ông ấy luôn biết cười nhẹ nhàng để tránh khỏi đám đông “nói suông lưu loát”, anh đi tìm trong từng ngõ ngách tâm hồn mình những câu thơ riêng biệt:
Biển một chiều mà không thấy biển
Từng mùa thu câm lặng cả trời xanh
Sông một chiều mà sông không chảy
Đồng một chiều cỏ lút ngàn cây…
(Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)
Nợ!
Ta nợ em với mùa thu xa quá
Như đất nợ sông
Như biển nợ người
Nợ máu xương mà người vẫn hỏi
Ai trả đây
Năm tháng bên tôi...?
Ai trả đây
Những hồn hoang ứa máu
Những đói nghèo vay mượn tương lai
Mắt em quầng một đời mưa bão
Tay với chiều gương mặt xanh xao
Nợ như thế
Từng trang sử chép
Hỡi sử gia đã chép được gì?
Hỡi nhà thơ
Con mắt nhìn thế kỷ
Mơ gì không
Cơm áo dắt tay đi
Ta là kẻ nhìn đất trời vần vũ
Thấy mắt em cũng bạc trắng theo mùa
Thuyền độc mộc vượt sông thác lũ
Thương người về tóc trắng lau thưa...
Những khúc đời có gì mà nợ?
Kẻ hậu sinh vơ vét tháng năm trôi?
Đất rỗng cả và hồn người chới với
Chuông chùa rơi
Cho nhẹ những kiếp người
Nợ trăm năm
Tương lai thành hoa đỏ
!
Nợ nghìn năm
Mưa nhớ mỗi chiều
Ta đã trả để tình không đắp chiếu...
Mắt em về
Có gió thu reo...
Thấy!
Tôi thấy mùa thu trong mắt người
Có mây bay qua
Có sông ra biển
Có gió đưa tôi đến
Có mênh mang, hạn hẹp lẫn vu vơ
Có cơn mưa tôi yêu
Nhấm nhẳng dại khờ
Có phố buồn tênh
Và đời trống rỗng
Ai kẻ tha hương xa lắc
Ai kẻ chiều say
Lại bạc vì chiều?
Son phấn cho ai để rồi cô liêu
Em gọi mùa sang
Mà mùa thong thả
Tay tôi nâng từng nụ lá
Mưa thu giăng giăng cho
mãi mịt mù
Ngày nào đã là tàn thu
Ngày nào đã là tàn nắng
Mơ sông dâng đầy ước vọng
Nước tắm hồn tôi
Trong vắt yêu thương
Người xa có nhớ cố hương?
Người gần mắt tình cười nụ
Em là một giấc mơ nhỏ
Đã len vào trong hồn ai.
Giấc mơ mùa thu!
Mẹ mơ gì mùa thu sang còm cõi?
Em mơ gì
Để rồi lại hỏi
Những ngày xưa đâu
Những tương lai đâu
Văn Cao còn sẽ lại gục đầu
Khóc bên thiên thai cho lá vàng hiu quạnh
Trời xanh riêng cho Đoàn Chuẩn
Và nhẹ hơn mây trắng lại vờn
Con đường vẫn mưa bay mù sương
Con đường vẫn chông chênh tay với
Con đường giàu nghèo cứ thế phân chia...
Con đường cỏ hoang có là cỏ giả
Gió về, để mắt ai lã chã
Ôi mấy giấc mơ thắp sáng mặt người
Tôi ngồi giữa núi đồi
Tôi ngồi giữa phố phường
Mà trống không như thế
Những quanh co ảo vọng một bàn cờ
Tôi sang sông
Mà xe, pháo còn mơ
Tượng ngủ rừng chiều mà mê say tiệc rượu
Quyền lực nào đắp chiếu?
Vũ trụ chia ra
Rồi lại nhận về
Ôi mấy mùa thu để ta yêu hạc trắng?
Ôi mấy mùa thu đừng còn ảo vọng
Tôi nhìn mắt em lấp lánh nơi nao
Tôi nhìn mắt em
Lá vàng thu lại hát
Bài hát sang trang
Đừng để thu tàn ...
Chiêm bao cho người!
Những chiếc lá bàng rơi giữa thu
Gọi tôi về bên cửa
Thu tình yêu
Và thu đầy gió
Thu nhớ người đi xa vắng mỗi chiều
Cốm non trong bàn tay bé con đưa mẹ
Hồn ai trong mưa ngâu bước khẽ?
Để đêm nao tôi thấy
Một Hà Nội thuở xa xưa...
Chiêm bao người về trong thơ
Kiếp trước em bên sông gồng gánh
Ngày rằm em chầu cửa Phật
Từ giấc mơ nào em về với phố ai say
Đêm thu chiêm bao diều bay
Mơ thấy trạng Trình áo the khăn xếp
Tôi tóc trái đào nghe hát Chầu văn
Tôi mơ cho người
In dấu bàn chân
Dù là ở xa mà không xa lạ
Thu trong mắt người
Ngựa xe êm ả
Đèn lồng thanh tao ở cửa Tràng Thi
Yêu đi
Giấc mơ thầm thì
Nhớ đi
Mắt người thuở ấy
Hương khói ngày Rằm tháng bảy
Đàn chim bay lên líu ríu yêu mùa
Chiêm bao cho người
Người mơ!
Chiêm bao cho em
Em nhớ?
Chèo thuyền tây hồ để không cắc cớ
Bồng bềnh yêu thương
Bả lả trăng lên
Nghìn năm mà vẫn còn duyên
Trăm năm mắt người vẫn đợi
Đất trời để
người lại hỏi
Cỏ xanh, mây trắng, lụa mềm...
Thái Thăng Long