.
TRUYỆN NGẮN

Ba tôi

.

Người ta thường khát vọng những điều lớn lao nhưng thực sống bằng những gì cụ thể!

Cuộc sống hằng ngày đối với ba tôi như chu kỳ lặp lại. Sáng dậy, nhấm nháp mấy ly trà, nghiêng tai nghe chuông chùa đổ, lại ăn cơm sáng, vác cuốc ra đồng đắp xới gì đó. Nắng mạnh lên, lại về. Ăn cơm, ngủ trưa, rồi ra đồng, mặt trời chưa tắt đã về, tắm, ăn cơm, nghe đài phát thanh, quét dọn bàn thờ, thắp nhang, đi ngủ. Người ta hỏi: “Ông thích gì nhất?”. Ông đáp: “Cuộc đời cuối cùng còn lại được gì mà thích”.

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Mà cuộc đời ông cũng đơn giản vậy. Ông bà nội tôi sinh ra mình ba tôi nên nuông chiều hết sức. Học xong lớp mười hai thi không đỗ đại học, ba tôi vào quân ngũ, xong ba tháng huấn luyện quân trường, không biết số mệnh như thế nào, ba tôi được rút sang trung đội hậu cần. Ngày về, nghe đâu ông được Nhà nước cho mấy chục ngàn và thưởng huy chương do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân lương - hậu cần. Không biết có đúng không, ba tôi cũng chưa từng tâm sự với bọn tôi bao giờ.

Ba tôi gặp mẹ tôi cũng thật tình cờ. Mẹ tôi lúc đó đau bệnh khớp chân, đi hỏi thầy chữa. Ba tôi nói ông biết cách chữa vì lúc trước ông được các y bác sĩ cùng sư đoàn bày cho. Mẹ tôi lúc đó bất ngờ khỏi bệnh. Bà chịu lấy ba tôi làm chồng.

Ba tôi chỉ có hai đứa con là anh Hai và tôi. Anh Hai tôi đã có gia đình, nhà ở thành phố. Tôi sống chung với ông bà. Nhà tôi rộng, ở nông thôn dẫu sao cũng rộng hơn ở thành thị. Tôi nói ba tôi bán bớt đất để có thêm ít tiền làm vốn, ông bảo “Bán mà làm quái gì”. Mẹ tôi thì không bao giờ nói tới. Bà bao giờ cũng hết mực chiều ba tôi.

Nhà tôi nghèo nhưng vui. Làng xóm ai cũng bảo thế. Có hôm mẹ tôi tâm sự với tôi: “Tao không biết ba mày cất gì ở tủ thờ mà cứ hai ba hôm lại mở tủ xem xét cẩn thận lắm”. Tôi nói: “Ba có vàng”, mẹ tôi bảo: “Chuyện tiền bạc ba mày có giữ bao giờ”. Tôi vẫn không tin. Mẹ tôi đem chuyện ấy hỏi ba tôi, ông bảo: “Mang vàng thêm khổ vào thân”…

Sáng hôm ấy, bỗng nhiên xóm tôi đồn ầm lên, mẹ tôi trúng số, tôi báo tin cho ba. Ông nói: “Để mẹ mày đi chợ về coi thử”. Mẹ tôi đi chợ về, quẳng gánh trước sân. “Ông ơi, trúng số độc đắc rồi ông ơi, mười triệu”. Ba tôi bảo: “Tôi mới nghe con nói xong”. Mẹ tôi lại bảo: “Có tiền mình làm gì ông hè?”. Ba tôi bảo: “Tùy bà”. Mẹ tôi nói nên xây nhà, ba tôi ậm ừ, xong ba tôi sai tôi ra bưu điện nhắn anh Hai tôi về. Hôm sau, anh Hai tôi chở cu Hiếu – chị dâu tôi phải ở lại trông nhà – con đầu lòng về.

Ba tôi sai anh em tôi đi mời cả xóm lại. Làm lợn thiết đãi, xong ông hoạch định chương trình: xây nhà mới, sửa chuồng lợn, nhà bếp,… ông nói vanh vách, xong ông bảo bọn tôi cho ý kiến. Tôi và anh Hai cùng bảo: “Bọn con hết ý kiến, ba tính kỹ quá rồi”. Ba bảo: “Bọn mày có học vẫn còn ngu lắm, tủ thờ mới nữa, hiểu chưa? Có tủ thờ mới, có chỗ nhang khói cho ông bà và cả tau về sau này nữa, phải kính tổ tiên nghe không. Sau này mà tau quy tiên, bọn bay không chăm lo nhang khói, tau về vặn cổ hết”. Anh em tôi cười ầm theo lệnh ông đi mua ngay tủ mới về.

Mẹ tôi bảo: “Có vài tấm ván ở tủ cũ có thể dùng lại được đó ông”. Ba tôi xua tay: “Không được, tủ thờ là nơi tích tụ khí âm dương trong một gia đình, tủ có hư thì đốt, đốt hết, thiêng lắm”. Ông sai thằng cu Hiếu bỏ chiếc khăn tủ ra phía góc bụi, hai anh em chúng tôi khiêng cái tủ đã bị mọt ăn ra: “Chúng mày đốt đi, nhỏ Hiếu vứt chiếc khay nhỏ vào đó cho ông”. Đoạn ông xoay vào trong, sắp đặt cái tủ mới, ông đốt mấy nén nhang, khấn lầm rầm, bọn tôi nghe không rõ, tiếng được tiếng mất, chỉ biết rằng, dăm ba bữa nữa ngôi nhà sẽ được khởi công.

Mấy bữa nay mẹ tôi mừng ra mặt, bà đi như chạy, có khi quên cả dép, bà mua nhiều thức ăn về cho chúng tôi. Còn ba thì coi bộ có phần bận rộn hơn, ông suốt ngày trà rượu với mấy bác hàng xóm, bàn luận đủ chuyện Đông Tây kim cổ, có người bảo: “Số nhà bà có lộc ơn trên”, ba tôi đáp: “Chả có gì cả, trăm ngàn vé cũng có vé trúng, may sao lọt vào…”. Người ta nghe mẹ tôi ứ hự một tiếng rõ dài từ phía xa.

Chưa bao giờ, mẹ con chúng tôi thấy ông buồn như hôm nay. Thắp nén nhang xong, ba tôi lặng lẽ ngồi. Ông chẳng nói một câu ngắn nào. Trông ông có vẻ đang nghĩ ngợi một điều gì to tát lắm. Thằng cu Hiếu từ nhà bên chạy về: “Nội ơi! Con có cái này đẹp lắm!”. “Lo đi ngủ với bà nội đi con”.

Ông từ tốn bảo. “Cái này là cái gì hả nội?”. Nó vừa nói vừa xòe tay ra. Như nhận được luồng điện vô hình, ba tôi đứng phắt dậy, bế thốc thằng cu Hiếu và gọi lớn: “Bà ơi! Hai, Ba ơi! Ối trời ơi, còn đây, chưa mất, diễm phúc cho tôi”. Cả nhà còn đang ngơ ngác thì ông xòe bàn tay ra – Một chiếc huy chương đã bạc màu. Thằng Hiếu nhanh nhảu: “Con được nó trong khay nhỏ bữa trước”. Ba tôi hớn hở: “Quý hóa quá, ông cất ở đó, bốn mươi năm rồi đó cháu à, ông cứ tưởng nó bị đốt bữa trước, may quá, quý hóa quá…”. Mẹ tôi nãy giờ vẫn hậm hực: “Còn hơn người ta trúng số. Rõ cái ông này”.

NGUYỄN ĐÌNH VĨNH

;
.
.
.
.
.