Tối một chặp, bác Sáu đốt rác. Đốt ban đêm không sợ cháy lan lại đuổi được muỗi. Khói khét lẹt. Rác lẫn giẻ rách. Không phải giẻ rách. Vài bộ đồ còn mới móc lủng lẳng trên cành nhãn trụi lá. Tấm nệm bọc drap bông căng phồng dựng nghiêng. Vài bộ đang cháy dở.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Sao đốt đi, bác?
- Vợ bắt. Đốt hết.
Âm rền rền. Dây thanh đới khô. Bác đằng hắng mấy cái, nhìn xuống, ngấn nước. Khói.
Nhà cắm điện tủ lạnh bán đá lẻ. Vá đồ cũ mặc, lại đốt đồ mới.
Rổn rảng. Chén đĩa ném xuống nền. “Cái đồ đàn ông mất nết. Khố chuối cho chừa!”.
Bác gái mới về, nhãn quan đã thay đổi. Tây phương phụ nữ số một, đàn ông chỉ xếp sau con chó. Cứ ở nhà, sao thấy ánh sáng văn minh. Nửa năm, bác trai tự nấu ăn, giặt giũ. Vợ về nấu chưa được một bữa cơm nóng…
Căn nhà khang trang giữa khu vườn cỏ rộng đầy đủ tiện nghi. Bác khoát trái tay. Chuyện nhỏ. Vứt. Ăn trong tro ho trong trấu. Ở xó này khi nào mới mở mày mở mặt. Phải đi. Hai bác luân phiên nhau, mỗi người trông nhà sáu tháng. Ngày định cư không còn xa.
Quen biết, chỉ mấy ngày bác có tấm hộ chiếu. Cũng hộ chiếu, người mất hai ngày, người đến hơn hai năm. Nguyên tắc quy định do con người mà ra. Khó dễ do người mà thành. Thời buổi thị trường. Vật ngang giá chung. Người cần vật ngang giá chung, kẻ muốn thứ mua được bằng vật ngang giá chung. Trao đổi. Trên trái đất này, không thứ gì không mua được bằng vật ngang giá chung.
Hai bác thăm thân nhân chứ không như ông Tư xóm trên, gần một đời dành dụm cùng gia sản từ đời ông cố nội để lại. Bao nhiêu cũng đổ vào giấy tờ xuất cảnh. Không đi được thì tiếc của uổng công, đi cũng phí mấy đời ky cóp. Vợ chồng ông Tư tay yếu chân run, gần đất xa trời còn phải ly hương. Con gái ông Tư nuôi mộng đổi đời chẳng chịu lấy ai, quá lứa lỡ thì chẳng ai chịu lấy.
Người mất cả gia sản chẳng được đi, bé Lai xóm dưới trề môi: “Ai muốn đi tui cho”.
Người nào cũng nói bé Lai vừa dốt nát vừa ngu. Ừ, bé Lai nào biết mặt con chữ. Mới đẻ đã bị vứt bãi cát bờ sông, kiến đất bu đen may chưa chết. Cô Ba bắt ốc thấy lượm về nuôi. Hồi nhỏ tên Lượm, đi chập chững mới có tên Lai. Bé Lai hay bị đá đít: “Về xứ mày mà ở”. Đến lớp lên trường, thầy cô lườm nguýt, bạn bè bệu má kéo tai nhổ trọc đầu xé vở xé áo. Bỏ học giữ trâu mướn. Mù chữ.
Mang hai dòng máu, càng lớn bé Lai càng phổng phao xinh đẹp. Mũi cao da trắng tóc vàng mắt xanh. Đàn ông thanh niên muốn ăn tươi nuốt sống.
Lính đi càn, rõ ràng một tốp chỉ mười người, lên một ngọn đồi cao quan sát chừng hai tiếng đồng hồ rồi rút. Lần nào lên đó chúng cũng ăn uống chuyện trò rôm rả. Lính rút, dân núp trong hầm ló đầu lên đếm, cũng đúng mười người, không sót một tên. Lính vừa đi khỏi, dân vùng chạy lên lượm thịt hộp bánh mì thừa. Dân tìm đồ thừa trong gốc cây bụi cỏ, khi ngước lên chợt thấy lính. Rút hết rồi sao còn đây? Thì ra mười tên cõng mười tên. Mười tên lính đứng trên đồi chĩa súng, cười nắc nẻ. Dân không kịp chạy. Đùng đùng đùng. Đàn ông con trai bị bắn chết sạch. Đàn bà con gái bị hiếp. Nhiều đứa trẻ ra đời sau những trận càn như thế. Bé trai vừa lọt lòng bị bóp mũi quăng sông. Là gái nên Lai mới còn sống.
Cái giống đàn ông, thấy sắc đầu óc mê muội. Đàn bà con gái nhìn Lai ghen ghét, đề phòng. Đẹp cũng mang tội. Vẻ đẹp làm cho người ta thánh thiện cũng khiến con người ta trở nên tội lỗi.
Cô Ba cuốc đám ruộng cạn, đạp phải mảnh bom, vi trùng uốn ván. Chết.
Cửa phên tre không ngăn được đàn ông. Bé Lai bụng bự lúc mười bốn. Hai cha con hàng xóm đạp cửa nhiều lần nhất. Thằng con què đòi cưới. Gia đình cậu trai bảo: “Bao giờ con gái Việt chết hết mới cưới con Lai”. Thằng què bỏ nhà sang ở với bé Lai. Làng trên xóm dưới bảo, thằng què làm gì có con. Con ông cháu cha.
Ngày con lai đoàn tụ. Cò đến hót vào tai. Bé Lai hai mặt con không biết chữ qua đó làm gì ăn. Cò bảo lo gì, qua đó ngồi không người ta cấp nhà tiền xe. Thằng Chín cháy kia kìa, chẳng ai dám nhìn; con nít khóc thường đem tên nó hù cho nín. Một năm Chín cháy về, mác kiều gái tơ theo nườm nượp. Bé Lai xinh đẹp, mũi cao mắt sáng da trắng tóc vàng, sẽ không thua bà hoàng. Mẹ thằng què lúc này mới bê mâm trầu cau nhận dâu. Bà rêu rao khắp vùng, sắp được xuất cảnh cả nhà. Ngày trước bé Lai chẳng ai chịu ưng, may đứa con què thọt của bà rủ lòng. Ông trời có mắt, thương xót kẻ ăn ở có đức. Hàng xóm bu lại thăm: qua đó đừng có quên tao nghe mày.
Cuối cùng Lai không đi. Cò lắc đầu bĩu môi. Mẹ chồng Lai buồn nhịn ăn mấy ngày sinh bệnh. Bên này không biết chữ thì chăn trâu làm ruộng, bên ấy có bằng tiến sĩ mới được cấp phép làm nông.
Con gái bác Sáu lấy kiều. Kiều bỏ học vượt biên từ nhỏ, hái táo bẻ nho cắt cỏ sống khỏe xứ người. Không học hành, cắt cỏ nhổ rau má. Có việc làm, âu cũng một nghề lương thiện. Còn hơn lông bông bị xúi trồng và buôn bán cần sa.
Con bác Sáu có chút sắc. Cô bé mới học lớp mười đã làm lễ hỏi. Bỏ học thì tiếc, lấy chồng được xuất cảnh cũng ham. Bác Sáu khuyên, con gái học hành cho lắm cuối cùng cốt lấy được tấm chồng. Học ngoại ngữ cũng là học, chờ ngày đủ tuổi làm giấy kết hôn.
Cỏ mọc tới sân, ba sào ruộng bỏ hoang. Mấy nhà đông con thiếu ruộng hỏi làm rẽ tới mùa đong lúa. Trả lúa mắc công canh trời phơi sàng sảo, trả bằng tiền mua gạo khỏe re. Chị lấy chồng kiều, đứa em trai cưng học trường dân lập, học ít chơi nhiều. Chạy xe phân khối lớn cưa pô khoét nòng nổ vang trời không khác máy bay trực thăng. Mỗi lần cậu về, nghe tiếng xe, chó lối xóm cong đuôi chạy ra đồng trốn mấy ngày. Nhiều khi cậu không về một mình. Sau yên xe có cô gái mặt sữa tóc xanh tóc đỏ. Không ở nhà trọ, tụi nhỏ thuê khách sạn dài hạn. Chiều con, bác Sáu chuyển lương hưu qua thẻ “a-tê-em”.
Chiều chiều, mưa giông về, sấm chớp đì đùng. Bác Sáu tắt ti-vi ra đứng trước hiên nhà nhìn bong bóng nổi lềnh bềnh.
Cô Chín thôn Đông bán dạo gặp giông vào nhà bác Sáu đụt mưa. Mưa to không dứt, sấm chớp đì đùng. Bác Sáu vo gạo bắc cơm, vốc thêm hai nắm bỏ vào nồi.
- Mua giùm em một ít đi anh Sáu.
- Hôm nay cô bán chi đó?
- Thịt cá rau dưa, chi cũng có.
Cô Chín bày rổ trạc, cầm thớt, liếc dao phay xoèn xoẹt. Miệng nói tay cắt:
- Anh lấy giùm nửa ký nghe. Trời mưa bán ế quá anh ơi.
- Tui có một mình mua chi nửa ký!
- Chứ chị Sáu đi đâu?
- Bả qua thăm con thăm cháu, mấy tháng nữa mới về.
- Chứ cháu anh ở đâu?
- Cách nửa vòng trái đất lận.
- Nhà anh thật có phước. Bọn em làm lụng tối mắt tắt mày không đủ ăn, cũng chẳng bước chân ra khỏi chợ huyện. Được đi máy bay một lần chết em cũng cam.
Mũi bác Sáu phập phồng nở to. Cô Chín đã cắt xong cục thịt, bỏ lên chiếc cân đĩa. Cây kim rục rịch quay, đánh qua đánh lại, dừng ở chỗ năm lạng yếu.
- Ấy ấy. Mua chi nhiều thế!
- Anh Sáu lấy giùm đi, lỡ cắt rồi. Cắt dao hao lạng. Có bao nhiêu đâu mà. Cắt ra nữa thịt vụn bán ai mua nữa...
- Nhiều quá bữa sau tui không mua nữa đâu!
Cô Chín cười trừ. Dọn cân, dao, thớt bỏ vào rổ trạc, đậy nắp. Những tưởng cô dọn dẹp để đi về. Không. Cô tiếp tục bưng chiếc rổ ở đầu quai gánh bên kia ra. Thấy lạ, bác Sáu hỏi:
- Chi nữa đó?
- Không phải thịt, trạc này cá.
Cô Chín mở nắp, có đến mấy rổ cá sắp ngược đầu, đều tăm tắp. Cá không tróc một chiếc vảy.
- Cá tươi rói. Mấy khi cá tươi như vầy. Em hấp trước rồi. Anh Sáu lấy giùm em một rổ đi. Cá biển ngang ngon khỏi chê.
Biển ngang với biển dọc. Bán cá miệng rõ dẻo. Cá hấp sao ươn cho được mà không tươi.
- Ngon thì mang về lấy mà ăn!
- Ngày nào em chẳng bán, nghe mùi đã ớn óc. Ăn nhiều lỗ hết vốn anh ơi.
- Mới mua thịt còn mua cá chi nữa.
- Tối rồi, trời mưa to em biết bán cho ai được nữa…
Cô Chín vừa nài vừa lẹ tay gói gọn rổ cá vào miếng lá chuối, đứng dậy tìm cái nồi trên giàn bếp, mở vung bỏ vào.
- Anh kho liền nghe.
Đến nước này bác Sáu không mua cũng không được. Một mình mua nhiều mắc công phải chó treo mèo đậy.
Mưa không tạnh. Bong bóng nổi phồng trước mái hiên. Mưa có bong bóng còn lâu mới tạnh. Cơm cũng đã chín, gạo mới thơm lựng không thua gì lá dứa hấp.
- Ở lại ăn miếng cơm với tui, tạnh rồi hãy về.
- Phiền cho anh quá.
- Ăn cho vui. Thêm chén đũa, một mình tui cũng buồn…
Giờ này có về, cô Chín phải lui hui nấu cơm. Nhà cô không có nồi cơm điện. Mưa to gió lớn, chắc củi bị ướt hết rồi. Miếng khi đói bằng gói khi no. Sẵn thịt trong rổ, cô Chín cắt cục ba chỉ, mở vòi nước rửa qua, xắt lát mang vào bếp. Bàn tay phụ nữ có khác, cứ thoăn thoắt.
- Anh có cơm em xào lát thịt.
- Thịt cũng mới mua đó.
- Nhưng đây là phần của em.
Thoáng chốc, thịt thấy lửa đã chín. Cô Chín phụ bác Sáu dọn cơm. Mưa, càng ngon miệng. Không còn hột dính đáy. Cơm nước xong, mưa vẫn còn to. Hột nước rơi xuống sân gạch đồm độp. Tối đen. Tia chớp xé toạt bầu trời, đùng đùng.
- Cho em mượn áo mưa được không anh Sáu?
- Ơi hời, tui không có áo mưa. Bấy lâu có đi đâu mà sắm. Trời này ra đường sét đánh chết ngắt. Cô ở lại chờ hết mưa hãy về.
Nghe hù cô cũng sờ sợ. Phải về nhà chứ. Đêm không về, nhà vắng như nhà hoang.
- Đâu có được anh Sáu!
- Cô có con cháu đâu mà phải lo chứ.
Cô Chín đằng hắng để khỏi híc. Số cô không có chồng. Không biết do số mình hay ông thầy tướng số. Ngày cô sắp cưới, chồng đi coi bói. Cô có nốt ruồi khắc phu, cưới về chồng chết, cô cũng sống không qua nổi ba mươi. Anh chồng trả lễ.
Đàn ông tránh mặt cô. Người ta nuôi con nuôi cháu, cô chẳng nuôi ai nhưng không dám một ngày ở không. Con chim cút cụt đuôi, một mình ở lùm ở bụi mập cui. Đêm, trời mưa gió cô quạnh. Cô khỏe như vâm, chẳng chết như lời thầy tướng số. Cô khỏe đó, không biết ngã bệnh lúc nào. Cứ phải tích cóp phòng ngày đau yếu. Ngoài bốn mươi năm, nhà sát đường, cửa không đóng, chẳng có người say rượu nào lạc bước...
Bác Sáu nói cũng phải, nào có con cháu. Khép cửa mười ngày cũng đâu ai mở. Cả ngày đạp xe, chân mỏi. Ngã lưng ra giường một chút cho khỏe. Khỏe chút rồi về. Nệm phẳng êm ru, không phải chiếc chõng một chân kê gạch vạt tre sút mây trèo trẹo thường ngày. Cô Chín ngủ quên lúc nào không hay.
Bác Sáu sang phòng lồi, bật giường bố. Lò xo nhún, bụng réo cồn cào. Bác thức giấc đi vệ sinh, chân bước về giường nệm của mình theo thói quen. Người phụ nữ nằm đó, căng tròn hây hẩy. Máu nóng rần. Bác nằm xuống chiếc giường của mình. Mỡ treo miệng mèo.
Hơi đàn ông, cánh tay đàn ông, sức lực đàn ông. Bếp than hồng vừa nhen. Tan chảy. Tuổi xuân ngỡ đã trôi qua, lụi tàn. Than đỏ trong tro, gió, cháy bùng bùng.
Khuya, mưa tạnh, cô Chín thức dậy nhưng đường xa sợ ma không dám về. Thêm một giấc đến sáng. Nụ cười mỉm trên môi không tắt. Khuôn mặt đầy đặn hồng hào. Bác Sáu dang tay thẳng chân, khò khò. Chưa bao giờ giấc ngủ ngon đến thế.
Tinh mơ, bước chân rón rén đạp xe như kẻ trộm. Xóm làng chẳng một ai hay.
Mấy ngày không mưa, cô Chín bán lòng vòng. Lúc trở lại xóm Cồn trời vừa tối. Cắt cục thịt nạc, lại ăn cơm tối. Để dành cục thịt thăn, rón rén mở cửa tủ lạnh.
Vài ba bữa cô Chín không qua, bác ra ngõ dòm ngọn dừa. Dụi mắt, đỏ gay. Có phải xơ dừa rơi khóe mắt? Chiều nào bác cũng nấu thêm phần. Nhiều khi sáng sau phải ăn cơm nguội.
Mấy lần bán dạo ngang xóm Cồn, dặn lòng mình nhưng xe theo lối quen. Chỉ ghé bán thôi rồi về. Cô lẩm bẩm. Không được. Có chất men đang ủ.
- Em đừng nói oan, tội nghiệp.
- Chứ gì đây?
Bác gái cắm đầu máy, bật màn hình. Chiếc mũ bảo hiểm thủng một lỗ trên nóc tủ mấy lần bác chưa kịp vứt. Máy ghi hình núp bên trong rình rập. Mồn một cả tiếng mưa… Đúng là con mụ có nốt ruồi sát phu. Bác trai giật dây khỏi đầu máy:
- Anh lỡ dại. Ai chẳng có một lần dại…
- Tui tha nhưng ông phải kêu con mẹ kia qua đây!
- Chỉ tại anh, xin em tha cho cô đó.
- Thấy chưa! Ông vẫn còn bao che cho con quỷ cái đó…
Dám làm dám chịu. Sáng trăng, cô Chín qua, quỳ giữa sân.
Bác gái cầm chiếc kéo may to bản, xồng xộc bước xuống thềm. Phen này nhất định tóc cô Chín bị xởi. Cạo trọc bôi vôi.
Cô Chín giật sổ búi tóc. Mái tóc đen dài óng mượt. Mắt nhắm nghiền. Đôi vai run. Cô sẵn sàng đón nhận mọi hình phạt. Bác trai núp ở cánh cửa, ló đầu, che mắt, lí nhí: “Đừng, đừng!”.
Cách. Tiếng kéo. Tiếng bác trai “á” lên. Chiếc kéo rơi xuống đất. Máu phun ra ướt đỏ sân gạch. Bác trai chạy ào ra, giật vạt áo rịt lại.
Bác không cắt mái tóc đen dày. Bác cắt tay mình.
Sao không chối lấy một tiếng? Sao không dùng sắc đẹp, thân thể ngọc ngà giành giật với người đàn bà đã sang bên kia con dốc? Giá như cô ta mở miệng tay đôi. Đằng này…
Vì cây, dây mới leo.
- Về đi. Từ nay đừng bén gót đến đây nữa!
Cô Chín chống gối đứng dậy. Líu ríu cảm ơn. Dắt xe bước lầm lũi. Hàng chè tàu trước ngõ lùi lại phía sau. Cô ngồi lên yên, đạp từng vòng một.
Máu đã cầm. Bác gái quay vào, hai giọt nước rơi xuống sân gạch.
Tấm nệm bọc drap bông cháy vừa hết.
TRƯƠNG ANH QUỐC