Tàu dừng lại ga Cầu Vồng vào lúc 4 giờ 30 phút sáng. Tôi đeo ba lô đi lần ra cửa, chỉ vài người xuống ga.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trăng non mọc chếch về phương Bắc. Tàu thả khách xuống rồi đi ngay, tiếng còi tàu xé dọc khoảng không yên tĩnh ở sân ga vắng người. Hai người khách xuống cùng tôi đã có ngay người đón. Họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi, cười nói liên hồi. Tôi đoán đó là gia đình lâu ngày mới được gặp nhau. Gia đình thật ấm áp. Có chú xe ôm chạy theo hỏi tôi:
- Con về đâu, chú chở về.
Tôi lắc đầu.
- Giờ này không có xe buýt đâu, con đi chú lấy rẻ cho. Về đâu con gái?
Chú xe ôm nói cuống quýt, như thể chú ngừng nói thì tôi sẽ tìm ngay chiếc xe khác.
Tôi vẫn lắc đầu:
- Con cũng không biết về đâu.
Tôi thấy chú khựng lại, chưng hửng. Tôi đi như chạy ra khỏi Cầu Vồng. Tôi biết về đâu đây khi tôi chọn con tàu N23 và cứ thế đi, lịch trình bất định. Tôi chọn xuống ga Cầu Vồng đơn giản vì thích cái tên này. Khi không còn biết hoạch định điều gì cho chính mình thì bất cứ cái gì tươi sáng đều có thể là điểm tựa. Tôi không biết mình có thể tìm thấy điều gì ở nơi này, nhưng cứ tin mình có thể thấy điều gì đó, ít nhất cũng có thể là cầu vồng.
Gió khuya thốc vào mặt, chiếc khăn choàng không đủ ấm. Hai hàm răng va vào nhau. Tôi vòng tay ôm lấy chính mình, co ro bước về phía trước. Đâu đó trong đầu hình ảnh cô bé bán diêm. Gió lạnh thế này mà ở ngoài trời suốt đêm có lẽ tôi cũng sẽ chết, huống hồ gì cô bé vừa lạnh lại vừa đói giữa giá rét phương Tây.
Tôi xốc lại ba lô, cứ bước. Hành lý tôi mang theo không có gì ngoài những bộ quần áo, mấy chiếc khăn choàng và những vật dụng cá nhân thiết yếu. Đi xa nhất và lâu nhất có thể, tôi đã nghĩ vậy khi quyết định mua vé tàu chỉ có lượt đi cho hành trình Nam Bắc. Ngày về có thể là khoảng thời gian nào đó không biết được. Có thể về hoặc có thể không.
Đến cả cuộc đời tôi cũng không còn thiết tha, mong chi ngày về. Tôi đã tự cầm dao đâm vào ngực trái mình, không có cảm giác đau đớn, chỉ thấy những tia máu bắn ra, loang đỏ trên nền nhà. Màu máu không phải là màu của cầu vồng nhưng tôi lại thấy đẹp, màu của sự giải thoát. Vô thanh. Vô ngã. Tôi ngồi nhìn máu mình chảy ướt trên nền gạch. Cười. Còn kịp nhắn tin cho Nam: “Kẻ độc ác đã thành công khi giết chết một người. Quỷ dữ sẽ không tha thứ”. Và gửi kèm một khuôn mặt cười trước khi tắt máy. Tôi nằm ra sàn nhà, buông tay. Con dao nhuộm đầy máu. Cơ thể tôi nhuộm đầy máu. Tôi chờ một cuộc đi – về phía cầu vồng.
Vậy mà bây giờ, tôi còn ở đây. Bước những bước rất thật trong cuộc đời của một con người. Vết thương ở ngực sâu tươm máu nhưng vẫn chưa đủ sức chạm tới trái tim, quả tim vẫn còn cơ hội cho những tĩnh mạch, tâm nhĩ phải, tâm nhĩ trái tiếp tục thực hiện chức năng tuần hoàn sinh học. Chỉ có tôi, cơ thể của đứa con gái bắt đầu dị dạng, tôi không còn có thể mặc áo nịt ngực, chiếc áo làm vết thương đau đớn. Tôi mặc những chiếc áo rộng và phải luôn kèm theo áo khoác ngoài - cái kiểu làm tôi nhớ mấy đứa bạn hồi sinh viên lỡ dại có thai phải đi học trong kiểu trang phục này. Tôi gầy nhom, những chiếc áo khoác càng khiến tôi còm nhom lọt thỏm trong những lớp áo.
Cũng với đống áo khoác bùng nhùng, tôi đã bỏ trốn khỏi cái bệnh viện đêm đêm kẻ nằm người ngồi la liệt và đầy mùi bệnh tật, chết chóc. Tôi quẳng lại tấm áo bệnh nhân hôi rình lên chiếc giường không biết đã có bao nhiêu người chết trên đó. Chính kẻ độc ác bằng cách nào đó đã quẳng tôi cho các bác sĩ cáng đi rồi cũng trốn biệt. Tôi bỏ trốn trước khi ai đó thương quen tìm đến. Bỏ trốn để không phải đối diện với sự thật thêm một lần – hoặc nhiều lần nữa trong cuộc đời với những câu hỏi tại sao. Tôi ghét câu hỏi này. Câu hỏi chỉ mang về sự dằn vặt, ngơ ngác đến cùng tận nếu như người ta cứ cố tình đi tìm cho bằng được câu trả lời.
Tôi đã từng hỏi rất nhiều lần, mỗi lần hỏi là một lần thấy máu trong tim mình như rỉ ra, rỉ ra, bào mòn tri giác. Làm sao tôi có thể trả lời được tại sao tôi yêu Nam. Làm sao có thể trả lời được tại sao Nam có thể xem tôi là một món đồ chơi cho những trò bỉ ổi. Vì sao người tôi yêu tha thiết lại có thể biến tôi thành món quà tặng cho những thằng người trần tục?
Tôi đã cào cấu chính mình, hỏi, hỏi đến rời rã mà cũng không tìm thấy câu trả lời. Hỏi đến khi nước mắt không thể chảy ra được nữa mà chỉ có những tiếng cười khan. Hỏi đến khi chai sạn để rồi bắt đầu cho một cuộc rời đi vô thanh. Đi để ký ức trắng xóa, chỉ biết còn đôi chân thì cứ phải chạy đi.
Tôi chọn con đường ngược về phía ánh sáng của Cầu Vồng. Những chiếc xe máy vụt ngang cũng khiến tôi sợ hãi. Tôi cong người chạy tìm những lối mòn. Tìm thấy cây cầu bắc qua con suối, phía bên kia là đồi nương, những tầng cao thấp nối nhau những mảng màu xanh um. Màu của sự sống luôn xanh um như vậy. Tôi băng qua cầu. Suối hiền lành dưới chân. Văng vẳng đâu đó tiếng chim hót. Tôi đi dọc theo bờ suối, đi hun hút về phía núi, mải miết cho đến khi đôi chân mềm rã. Tôi trèo lên hốc đá hiếm hoi có bóng râm, gối đầu trên ba lô, nằm duỗi chân, nhìn trời qua kẽ lá. Rồi nhắm mắt lại, thở dốc. Ga Cầu Vồng bây giờ ở phía nào, tôi không còn quan tâm nữa. Nếu nhắm mắt lại mà có thể đi mãi về nghìn trùng, tôi cũng sẽ đi.
Tôi nằm trên mỏm đá bên chân núi, như một hình hài bị bỏ quên và sẽ xanh thẳm cùng đại ngàn.
Thức giấc, tôi thấy mình nằm trong một căn gác gỗ ấm áp. Bên ngoài gió hú từng hồi. Tôi lồm cồm bò lại gần cửa sổ, hé tấm liếp ra nhìn, tầm mắt được vây bọc bằng một đồi sim tím ngát. Đẹp như một bức tranh mênh mông. Tôi nhìn quanh quất căn gác gỗ, chỉ có giá sách đặt sát góc và chăn gối dùng để ngủ.
Tôi lò dò xuống nhà, nhìn quanh quất không thấy ai. Trên bàn có ấm trà và lọ hoa sim. Phía sau căn bếp giản dị được lót bằng mấy viên gạch, hàng củi được chất ngay ngắn, xoong nồi bát đĩa cũng chỉ có vài ba cái. Hàng rào phơi mấy tấm áo nâu. Tôi đi ra phía trước, cánh cửa chỉ khép hờ. Tôi bước ra sân, nhà nằm trên vùng đồi bạt ngàn hoa sim. Tôi chạy men theo lối mòn vẫn chẳng thấy ai. Xa xa xao xác tiếng chim gọi bầy.
Tôi ngồi co ro đợi đến khi mặt trời đã chếch trên lưng đồi, xiên đổ bóng người thì mới thấy Người từ phía lối mòn trở về. Bóng áo nâu, đội mũ len dáng thong dong, Người cười với tôi cười từ đằng xa. Tôi líu ríu đứng dậy cúi chào. Thầy hỏi tôi có đói bụng không. Tôi lắc đầu, ngạc nhiên vì thầy chẳng tỏ vẻ gì thắc mắc tại làm sao tôi lại có mặt ở đây, một thân một mình với giấc ngủ xơ xác bên suối.
- Thầy ở đây lâu chưa ạ? Tôi rụt rè hỏi.
- Được mấy mùa bắp rồi. Chiều thầy cho ra rẫy chơi. Thầy nói tự nhiên như đã quen biết từ lâu lắm.
- Thầy ở đây một mình ạ? Tôi hỏi tiếp.
- Vài ngày có phật tử lên giúp thầy. Cũng có người dưới xuôi lên. Nhưng không có ai chưa đến nơi mà kiệt sức như con.
Suốt buổi, thầy kể tôi nghe nhiều chuyện, nhưng tuyệt không hề hỏi những câu hỏi tại sao.
Đồi sim lộng gió.
Tôi ở lại trong ngôi nhà gỗ đến ngày thứ ba. Đồi sim biến động. Chiều hôm tôi đeo gùi cùng thầy trở về từ rẫy bắp thì thấy cổng nhà đầy cà chua, trứng thối. Sim bị đốn hạ từng mảng, hoa rơi lả tả mềm nát. Vách nhà còn bị dán đầy những mảnh giấy với chữ viết tay. Hàng hàng chữ thóa mạ thầy, “đạo đức giả”, “lừa đảo”, “cút khỏi đây ngay”, “đừng hòng xây chùa”… Tôi hoa mắt, cuống quýt níu lấy tay thầy. Thầy lầm lũi bước đến nhặt từng mảnh giấy. Dáng áo nâu chịu đựng. Thầy xếp ngay ngắn những mảnh giấy chứa đựng không biết bao nhiêu lời thóa mạ, vuốt phẳng phiu rồi lặng lẽ mang gùi bắp vào nhà.
Tôi liên tục niệm A Di Đà Phật, nhìn một vạt sim hoang tàn mà lòng như xát muối. Thầy nói đất lành chọn thầy, thầy sẽ xây chùa ở đây, giữa đồi sim gió lộng này nhưng tôi, kẻ trần tục mang niềm đau không thể đi cuối đất cùng trời đã làm hoen ố chốn này. Trời ơi, tôi đã làm gì? Một đứa con gái trong ngôi nhà gỗ giữa đồi vắng mênh mông mà suốt bao nhiêu năm nay người ta vẫn tin ở đó chỉ có một bậc chân tu mỗi ngày đều tâm niệm xây chùa cho bá tánh. Suốt 3 đêm qua, thầy nhường cho tôi chỗ ngủ ấm êm trên gác, còn thầy, một manh chiếu mỏng dưới nhà, đọc sách đến canh khuya. Tôi không biết 3 đêm giấc ngủ thanh bình cho tôi lại trở thành tội lỗi.
Đồi sim chỉ có gió hú, không thể chứng minh điều gì cho tất cả những lời kết tội. Tôi quỳ sụp xuống tạ lỗi dưới chân thầy.
- Con ra đây.
Tôi cun cút theo thầy bước qua ngạch cửa. Thầy dõi mắt về đồi sim:
- Ngày thầy mới về đây là đồi trọc. Không có ai tin thầy gieo trồng gì được ở đất này. Bây giờ con thấy đó, sim đã mọc tràn đồi, những rẫy bắp, luống khoai. Mọi thứ có được chẳng phải ngày một ngày hai. Niềm tin cũng vậy.
Tôi nhìn thầy, nhìn đồi sim. Thầy không nói gì nữa, đôi mắt dõi về xa vời. Tay tôi chạm vào vách gỗ, hiển hiện đó dấu vết của ô uế cà chua trứng thối, của những mảnh chữ trần tục cứa vào tim, vào óc. Nỗi đau tưởng đã chết sạn trong lòng từ cái ngày tôi ném vào Nam hai chữ “khốn nạn!”. Ngôn từ đó và sự khốn nạn của con người tôi đã từng yêu thương đó quăng quật, giết chết mọi cảm xúc trong lòng tôi, đến cả khi tự tay mình đâm nhát dao vào trái tim mình tôi vẫn chẳng cảm nhận được đau đớn là gì. Tôi trơ mắt nhìn máu tuôn, tê liệt mọi cảm xúc như khi tôi một mình giãy đạp giữa những đôi bàn tay cứng như gọng kìm, khản tiếng gọi cầu cứu Nam nhưng kẻ độc ác đã quay đi. Tôi khản tiếng van xin những thằng người nhưng những đôi mắt cú vọ, những giọng cười hả hê, những chiếc lưỡi tham lam và cả những cơ thể quỷ dữ trùi trũi vẫn không buông tha tôi. Một mình tôi, Nam đem đánh đổi cho 4 thằng người, một mình tôi thay Nam gánh trả hết những món nợ Nam đã vay cho trò đen đỏ. Một mình tôi đổi lấy tình yêu trong veo dành cho Nam và nhận về cả vực thẳm ô nhục. Và một mình tôi mải miết đi tìm cầu vồng cho cuộc đời mình trong trơ cạn cảm xúc và chẳng cần biết bước chân mình có thể về đâu, hoặc cũng có thể biến mất mãi mãi trong cõi đời tạm bợ mà trần ai này.
… Tôi bỏ đồi sim, chạy băng băng trên đường mòn. Muốn mình có thể khóc thỏa thuê giữa đất trời. Nhưng nước mắt không chảy được. Tôi chạy như thể nếu dừng lại tôi sẽ chết. Gió vẫn hú qua đồi sim từng hồi, từng hồi. Ngực trái của tôi nhói đau, vết thương đã được tôi rịt kín lại bằng những lần vải. Tôi đã bó thật chặt cái nơi linh thiêng của người con gái, ép nó phải bằng phẳng như thể đó là hình hài từ khi mới sinh ra. Là con gái để làm gì khi chỉ vì nó mà phải gánh bao nhiêu nhục nhằn, chỉ vì nó mà đời tội lỗi.
Tôi có tội tình gì, đồi sim tội tình gì?
Tôi quỳ sụm bên rẫy bắp, đưa tay áp lên ngực trái, ở đó còn có một vết đau sâu hoắm phía bên trong. Đau đến không khóc được. Tôi mò mẫm trong nương rẫy. Lần thứ hai trong đời cầm dao vung lên với chính mình.
Cuối cùng tôi cũng lếch thếch trở về với mái tóc xơ xác vì những nhát dao, chắp tay xin thầy xuống tóc cho.
- Là con của Phật, mà còn sợ bể khổ sao? Thầy không phải Phật, thầy cũng là người, con hãy đối với thầy như người, đừng quỳ, đừng bái lạy. Con có thể đi, nếu con muốn. Con có thể ở, nếu con muốn. Duyên nghiệp của con vẫn còn đó, hãy giữ lại mái tóc. Sự thật vẫn là sự thật. Không khác được.
Không khác được.
Kể cả khi tôi có làm gì với cuộc đời mình. Dây đời oằn nặng ngang vai.
Đêm. Tôi thức dậy giữa khuya, lần dò xuống dưới nhà, men theo vách tìm đến nơi thầy ngủ. Tôi rón rén ngồi nghe hơi thở của thầy, sao mà nhẹ nhàng như thể chưa từng có những đêm trở giấc. Tôi muốn được ôm thầy, như đứa con gái nhỏ đã từng ôm cha nó vào những đêm mùa đông năm cũ. Cha về với đất trời không còn đủ sức bảo vệ con gái của cha. Để bước chân nó đi hoang trong vô lượng nỗi đau, vô lượng kiếp người.
Thầy thức giấc, nhưng không giật mình, đôi tay chạm vào mái tóc đã xơ xác của tôi. Giọng thầy thoảng trong tiếng gió:
- Con ngủ đi. Đời đã là một giấc mộng quá dài.
Trong giấc mơ, tôi thấy mình đứng giữa đồi sim lộng gió.
Cỏ mềm dưới chân.
Và trên trời mây trắng.
TIỂU QUYÊN
(Trích trong tập truyện Cỏ đồi phương Đông – tác phẩm đoạt giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh 2014, NXB Văn hóa văn nghệ)