.

Thơ

.

Sinh tại Bình Định, sống và làm việc tại Sài Gòn từ năm 1972 đến nay. Từng dạy học và làm báo. Ông nguyên là Thư ký Tòa soạn và Trưởng ban Văn học nhóm báo Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng.

Các tập thơ đã xuất bản:

Bầu trời thơ, hạt bụi thơ (NXB Văn nghệ, 1987); Chút tình riêng thuở ấy (NXB Trẻ, 1988); Cổ tích về quả banh (NXB Đồng Nai, 1994); Tàn trăng (NXB Đồng Nai, 1994); Uốn khúc (NXB Trẻ, 2003), Hạt bụi thơ, bầu trời thơ (NXB Hội nhà văn, 2013), Thời gian trốn ở đâu? (NXB Kim Đồng, 2015).

 

 “Tôi thích chia sẻ với nỗi lung linh đang ngắn dần của ngọn nến. Tôi không chịu được niềm kiêu hãnh vì sự vẹn nguyên của cây đèn cầy không ánh lửa”. Đó là thơ, cũng là quan niệm sáng tác của Nguyễn Thái Dương. Anh đã có lần tự bạch với thơ, cũng là thái độ sống của nhà thơ trước cuộc đời này:

Không một ai trên đời này
Có thể cất kỹ điều gì, kể cả niềm im lặng
Tôi làm thơ vì cả một trời riêng tư kia
Giấu không được trong lòng…

(Tự bạch)

(Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)

Bầu trời thơ, hạt bụi thơ

Mười năm trời hít thở với thi ca    
Chưa viết nổi cho cha dòng lục bát
Dù biết vậy nhưng cách gì khác được
Câu thơ con đuối sức đến dường nào
    
Con ở thị thành, còn cha ở non cao
Nỗi ray rứt se vào đôi mắt ngó
Đưa tay với trên thượng tầng cư xá
Một chòm mây bạc trắng cuối trời xa

Ơi chòm mây trong điển cố thi ca
Người xưa đứng chỉ tay vào thương nhớ:
“Đấy là nơi cha ta đang ở…”
Còn bây giờ, con ngước mặt nhìn thôi!

Đôi mắt con bất lực mất rồi
Đưa hai tiếng “cha ơi” vào lục bát

Ôi hai tiếng kêu lên thì dễ thật
Mà viết ra, cứ ngượng nghịu thế nào

Con ở thị thành, còn cha ở non cao
Kẻ cầm bút; người cầm cày cầm cuốc
Cha thì tự hào “… nhà có phúc”
Mà sao con xấu hổ quá cha ơi!

Nâng bát cơm lên, đã thấy bóng cha rồi
Cái hình bóng bên nương còm cõi ấy
Mười năm rồi, ngòi bút con… đành vậy
Viết về cha, là bị gãy giữa chừng

Cứ mỗi chiều, nhìn mây trắng bâng khuâng
Đưa tay với, chẳng cách gì với nổi
Cha là bầu trời thơ, thơ con là hạt bụi
Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời…
1984

Nhà mình

Cho Thanh Trúc

Căn nhà bước lạ bước quên
Dần dà bước nhớ bước quen lối vào
Căn nhà ấy cứ… làm sao!
Chiều kia con đến làm dâu, rụt rè

Ngoài yêu thương dưới mái che
Căn nhà chẳng có gì khoe mọi người
Lẫn trong tiếng nói tiếng cười
Căn nhà thầm vọng tiếng thời gian đi

Vui buồn chen chúc đôi khi
Vẫn đong đầy, vẫn níu ghì… tháng năm
Bước gần dìu bước xa xăm
Bước thân mật ắp, bước ngần ngại vơi…

Thêm người, thêm nhịp chân vui
Mai kia thêm nhịp tao nôi bắc cầu
Bao nhiêu vun đắp nối vào
Lòng nhau nghe bát ngát câu “Nhà mình…”
29-12-2012

Nhà khác

Cho Phương Thảo

Ba đã dặn lòng
Rằng phút hân hoan ấy
Cái phút giây con đi về nhà khác
Nơi không ba, không má, không em mình

Không được buồn, không được nhớ, không nên…
Không thì không, lòng không sao… không được!
Chỗ con ngủ, giờ, em con đến thức
Nó hôn vào hơi gối chị Hai

Má ngồi kia, hạt lệ má lăn dài
Theo tấm ảnh con đang cười trên vách
Cả nhà mình một niềm buồn lặng phắc
Cứ như hồn đang ở tận nhà kia

Rượu vu quy ba ngồi rót… đầm đìa
Môi chưa nhắp mà lòng ba đã cạn
Đêm đầu tiên xa con, ba bầu bạn
Với bóng mình để thầm nguyện đến khuya

Rằng những người dưng trong ngôi nhà chưa     từng thân thuộc kia
Đối với con, sẽ ruột rà yêu dấu
Bởi con sống suốt tuổi thơ hồn hậu
Thì theo chồng, con hạnh phúc – cố nhiên!

Khuya thì khuya mà đêm hãy còn đêm
Ai cũng thức, cách gì ba chợp mắt
Nhà đã khác, may lòng con không khác:
Điện thoại reo, cả nhà cuống lên… giành!

NGUYỄN THÁI DƯƠNG

 

Em - Đàn bà

Em – đàn bà
    giữa những người đàn bà
Mà khi yêu thì trái tim thổn thức
Yêu hết mình
Như ngọn lửa không bao giờ tắt
Như sóng dâng trào
    khi biển nổi phong ba!
Em – đàn bà
Giữa những người đàn bà bất hạnh
Nuốt nước mắt vào tim
Giấu khổ đau vào tóc
Đôi vai gầy gánh một đầu hy vọng
Và một đầu cháy bỏng yêu thương
Em – đàn bà
Cõng lời ru đi qua năm tháng
“Như cánh cò khiêng nắng qua sông” (*)
Như cơn gió mồ côi
    lang thang giữa cánh đồng
Vẽ lên trời những giấc mơ con trẻ.
Em – người đàn bà lặng lẽ tập làm thơ
Để viết lên những vần thơ
    ướt đầm nước mắt
Những vần thơ
không mở đầu cũng không kết thúc
Như vầng trăng quay quanh trái đất
Dẫu khuyết tròn
    cũng chỉ một phía đơn côi!!!
Em – đàn bà
Người đàn bà đi giữa hai thế hệ
Dìu hoàng hôn và dẫn lối bình minh.
Người đàn bà chỉ biết có hy sinh
Chỉ biết sống quên mình cho tất cả.
Trên đời
     chỉ có đàn bà hóa đá.

HOÀNG BẠCH NGA


(*) Thơ Trần Đăng Khoa

;
.
.
.
.
.