Chẳng lẽ cái tên cha sinh mẹ đẻ lại ứng vào đời bà thật?
Hôm nay bà lại đợi. Đợi ai? Ai sẽ ghé thăm vào ngày hôm nay? Hay chẳng một ai cả?
Dù sao chăng nữa, bà vẫn cứ đợi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ngày nào bà cũng phải mở cổng bước ra ngoài hẻm. Khi đứng. Khi lót dép ngồi bệt xuống. Khi thì đi đi lại lại dẫu tấm lưng còng đã rệu rã. Cứ thế, bà phóng đôi mắt mòn mỏi về phía đầu con hẻm hun hút xa xôi.
Dường như bà luôn cảm thấy sợ sự tù túng trong căn nhà nhỏ hẹp quạnh quẽ của chính mình. Bà ở trong nó lâu hơn nữa thì chẳng thể nào chịu được. Nên bà thoát ra. Ít ra ở ngoài này bà không có cái cảm giác mình bị giam hãm.
Rốt cuộc thì bà đứng ngoài này đợi ai?
Con cái bà đều đã lớn và có gia đình riêng của chúng. Thường thì vào cuối tuần, chúng mới dắt vợ chồng con cái về thăm bà. Dẫu ai cũng đều biết rằng bỏ mặc một bà già thui thủi trong căn nhà ọp ẹp cũ kỹ tít sâu trong con hẻm bé xíu này là điều rất không nên, nhưng làm sao được đây, khi đứa nào cũng còn đang phải vật lộn với chính cuộc mưu sinh của chúng? Mấy đứa con bà đều là dân lao động, làm thuê - bận tối mắt tối mũi mà thu nhập có khi còn chẳng đủ ăn. Bà hiểu và thương lắm, sức già lại chẳng đỡ đần được gì nên cũng không dám phiền hà nhiều đến tụi nó.
Dù sao chăng nữa, bà vẫn cứ đợi.
Mỗi ngày mới sang, thức dậy mở mắt ra mà trong lòng bà chỉ mong mau mau cho đến cuối tuần. Vì chỉ đến lúc đó, bà mới được thấy bóng dáng không của vợ chồng thằng Hai thì cũng con Ba, thằng Út từ đầu hẻm chạy xe lại phía bà. Và rồi kìa, tiếng mấy đứa cháu đã gọi bà í ới từ xa khiến tim bà nhảy thót như muốn rớt ra:
“Ngoại ơi ngoại…”
“Nội ơi…”
“Sao má cứ thích đứng ngoài này… già cả rồi, đứng ngoài đường nguy hiểm lắm, má ơi!”.
Bà móm mém cười với con, với cháu. Giây phút ấy có lẽ là lúc bà thấy hạnh phúc nhất sau khoảng thời gian dài đợi chờ đằng đẵng. Cả một tuần trôi qua, bà chỉ đợi đúng cái khoảnh khắc này mà thôi.
Nhưng hôm nay lại không phải là cuối tuần. Sẽ chẳng có đứa nào đến thăm bà cả…
Dù sao chăng nữa, bà vẫn cứ đợi.
Bà đã quá quen với chuyện chờ đợi ngay từ hồi còn trẻ. Bà lấy chồng sớm lắm. Thuở ấy nhà vẫn còn ở quê - cái miền quê nghèo quanh năm cày lên sỏi đá. Chồng bà sau một thời gian dài không chịu đựng nổi nữa liền bỏ xứ đi làm ăn xa, quyết tâm đổi đời.
“Đợi anh, anh sẽ sớm về với má con em…”.
Thế là bà đợi. Lúc đó thằng Hai và con Ba mới có 5, 6 tuổi. Một mình bà ở nhà vừa làm dâu lo cho ba má chồng vừa chăm con. Cơ cực, vất vả thật nhưng bà chịu được hết. Vì bà có một người chồng để chờ đợi ngày không xa sẽ trở về. Chồng là niềm tin, con cái là hi vọng của bà. Còn những điều ấy, thời gian bao lâu bà vẫn có thể đợi.
Một ngày. Một tuần. Một tháng. Một năm.
Đợi! Bà đợi được mà! Rồi ông ấy sẽ sớm về thôi. Rồi gia đình mình lại quây quần đoàn tụ cùng nhau.
Niềm tin với ông chưa bao giờ tắt trong bà.
Và rồi một ngày, linh cảm khiến bà đang nấu cơm trong nhà phải lao vụt ra ngoài. Phía xa xa trên đường làng, bà đã thấy ông. Tim bà như vỡ òa trong nỗi hân hoan hạnh phúc sau bao tháng ngày nhẫn nại chờ đợi. Cảm giác ấy hệt như một phần thưởng xứng đáng dành cho sự kiên định bền bỉ lâu nay. Từ xa, ông cũng đã trông ra bóng dáng quen thuộc của bà. Ông vội vàng chuyển từ đi thành chạy.
Anh về rồi! Anh về với em rồi đây, Đợi! Đợi ơi!
Bà giật mình choàng tỉnh. Trời mới chỉ lờ mờ sáng. Ông về với tôi đấy ư? Ông ơi…
Ông đã bỏ bà sang bên kia thế giới từ 3 năm trước. Mới đó mà…
Ông bỏ bà đi, đâu còn mỗi buổi chiều bà đợi ông như trước nữa. Ngày ấy ông về để bàn bạc kỹ lưỡng với bà trước khi quyết định đưa cả nhà lên thành phố này sinh sống.
“Trên thành phố không thiếu việc, sẽ luôn có cơ hội nếu chúng mình tự tạo ra nó… Và em sẽ không cần đợi anh đằng đẵng thế này nữa… Cùng lắm thì chỉ phải đợi mỗi chiều về mà thôi…”.
Bà nghe ông nói vậy thì cảm động lắm. Tất nhiên là bà đồng ý ngay. Đáng lẽ ra bà phải theo ông ngay từ cái ngày ông muốn ra đi kìa.
Rồi gia đình bà cũng có mặt ở thành phố, lăn lộn đủ nghề. Hai vợ chồng vừa làm vừa vay mượn, cuối cùng cũng mua được căn nhà nhỏ xíu trong hẻm sâu này để có một chốn dung thân yên ổn của riêng mình mà không phải thuê trọ từ ai. Hơn 50 năm qua bà và ông đã ở đây, chứng kiến con cái khôn lớn trưởng thành rồi ra riêng. Ký ức của bà vẫn còn đó những ngày xưa ông xách xe đi làm, vẫy tay tạm biệt bà:
“Anh đi nhé. Đợi anh. Chiều anh lại về với em và các con…”.
Cũng tại đây, ông bà có thêm thằng Út. Nhà lại thêm một miệng ăn. Bà ở nhà chăm con. Ông càng phải ra ngoài làm việc cật lực nhiều hơn. Cuộc sống còn đầy vất vả, túng thiếu nhưng chắc chắn không bao giờ thiếu tình yêu và tiếng cười. Đợi ông về mỗi buổi chiều nhá nhem tối cùng các con đã trở thành một thói quen ăn sâu vào bà. Với bà, đó thật sự là một niềm hạnh phúc.
Cho đến tận bây giờ.
Dù sao chăng nữa, bà vẫn cứ đợi.
Ông mất vì tai nạn giao thông. Sáng hôm ấy - bà nhớ rõ là chủ nhật - ông chỉ tính đi mua đồ ăn sáng cho bà rồi về ngay. Thế rồi, bà đợi, đợi mãi chẳng thấy ông về. Linh cảm báo với bà chuyện chẳng lành ập tới.
“Ông ơi... Ông đâu rồi? Ông ơi...”
Lưng bà đã còng. Chân bà đã mỏi. Bà đi nhưng không đi xa và nhanh được. Bà gọi cũng không thể to và rõ như ngày còn trẻ…
Phải đến tối người ta mới báo cho bà hung tin ấy.
Bà đợi. Sau cùng ông đã về. Cùng với nhiều người khác… Con cái cũng tức tốc trở về nhà.
“Ông chịu về với tôi rồi à? Ông ơi…”.
Chẳng lẽ cái tên cha sinh mẹ đẻ lại ứng vào đời bà thật?
Hôm nay bà lại đợi. Đợi ai? Ai sẽ ghé thăm vào ngày hôm nay? Hay chẳng một ai cả?
Dù sao chăng nữa, bà vẫn cứ đợi.
Sở dĩ bà không muốn ở trong căn nhà này quá nhiều, một phần là bởi nó có quá nhiều kỷ niệm. Nhìn bất cứ đâu, góc nào cũng có thể hình dung ra ông đang ngồi đó mỉm cười với bà. Những lúc như thế nước mắt bà lại ứa ra, nhạt nhòa đi tất cả. 3 năm thôi mà tưởng chừng dài như thể 30 năm vậy. Bà đã từng đợi ông hơn một năm trời biền biệt đi làm ăn xa mà chẳng hề thấy khó khăn như bây giờ.
Người ta có thể sẵn sàng đợi chờ ai đó khi biết chắc họ sớm muộn rồi sẽ trở về với mình thôi - dẫu mất bao lâu vẫn có thể đợi được, phải vậy không? Nhưng chỉ khi người ta “biết chắc”. Nghĩa là người ta còn nuôi được hy vọng trong lòng. Còn hy vọng là còn có thể cố gắng. Vậy mà, cái bà “biết chắc” bây giờ lại hoàn toàn ngược lại. Ông sẽ không về nữa đâu… Đợi bao lâu, chờ bao lâu rồi cũng thế thôi… Người chồng đáng thương của bà - người bà đã nguyện dành cả đời mình để nâng khăn sửa túi, chăm sóc cho ông… ông ấy… không về nữa… Không bao giờ về nữa…
“Ông ơi… tôi nhớ ông lắm…”.
Những đêm khuya nằm một mình trên cái giường trống trải, bà chỉ mong cho trời mau mau sáng. Bà đợi ánh bình minh lên xua tan đi cảm giác lẻ loi đơn chiếc của tuổi già, xua tan đi sự buồn bã đeo bám khi trời tối và cả nỗi sợ hãi vô hình nữa… Giá mà có ông ở đây, hẳn vòng tay ấm áp ấy sẽ ôm ngay lấy bà xoa dịu, chở che.
Chẳng lẽ cái tên cha sinh mẹ đẻ lại ứng vào đời bà thật?
Hôm nay bà lại đợi. Đợi ai? Ai sẽ ghé thăm vào ngày hôm nay? Hay chẳng một ai cả?
Dù sao chăng nữa, bà vẫn cứ đợi.
Cuối cùng thì cũng đến cuối tuần. Dường như bà dậy sớm hơn mọi ngày trong sự khấp khởi.
Bà mở cổng bước ra ngoài hẻm. Khi đứng. Khi lót dép ngồi bệt xuống. Khi thì đi đi lại lại dẫu tấm lưng còng đã rệu rã. Cứ thế, bà phóng đôi mắt mòn mỏi về phía đầu con hẻm hun hút xa xôi.
Tụi nó sắp về rồi! Đợi, đợi thêm chút nữa thôi…
Bà đợi được mà. Như lâu nay vẫn thế. Vợ chồng con cái thằng Hai, con Ba, thằng Út… về với má đi. Về với má, các con! Về với bà, các cháu…
Bà nhìn chăm chăm lối vào duy nhất dẫn tới căn nhà này. Mỗi lần nghe thấy tiếng xe, tim bà lại đập mạnh. Thình thịch. Thình thịch. Thình thịch.
Không phải… Bà nhớ rõ ràng từng tiếng xe của chúng nó. Bà thở hắt ra khi chiếc xe của người lạ phóng qua.
Đợi! Đợi một chút nữa thôi! Chúng nó về ngay thôi…
“Ngoại ơi ngoại…”.
Tim bà nhảy thót như muốn rớt ra ngoài khi nghe tiếng gọi và tiếng xe quen thuộc ấy. Trên khuôn diện đã lấp đầy những vết dấu in hằn của thời gian, nụ cười bà móm mém yêu thương.
Hôm nay, giây phút này, bà không còn phải chờ đợi nữa.
LƯU QUANG MINH